Đối với hầu hết mọi người, mua một món trang sức kim cương là trải nghiệm mới mẻ. Trừ giới siêu giàu và những nhà sưu tập kim cương ra, không phải ai cũng rủng rỉnh tiền để liên tục mua thứ trang sức đắt đỏ này, đôi khi cả đời chúng ta chỉ có một lần mua, và khi mua cũng phải thật cân nhắc.
Tuy nhiên, đừng cảm thấy lo lắng và áp lực về điều này, vì đặc điểm chất lượng của kim cương rất rõ ràng và đơn giản. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn được món trang sức kim cương ưng ý dựa vào những yếu tố sau đây:
Hình dạng
Từ viên kim cương thô được phát hiện cho đến viên kim cương hoàn mỹ đính trên món trang sức là cả một quá trình chế tác dày công tỉ mỉ. Hình dạng của viên kim cương quyết định rất nhiều đến việc thể hiện độ trong và khả năng phản quang của nó. Có 10 hình dạng phổ biến sau:
– Hình tròn (round): Đây là hình dạng phổ biến nhất vì nó cho phép khả năng khúc xạ ánh sáng cao nhất thông qua 58 mặt cắt nhỏ.
– Hình vuông góc nhọn (Princess): Đây là hình dạng duy nhất không có góc bo tròn của một viên kim cương và thường được dùng trong nhẫn đính hôn. Màu sắc có thể mờ dần từ trung tâm ra góc.
– Hình chữ nhật vạt góc (Radiant): Hình dạng này giống với Princess nhưng các góc được vạt ngang chứ không để nhọn.
– Hình chữ nhật xếp tầng (Emerald): Cấu trúc xếp tầng khiến cho viên kim cương ít phản quang hơn, nhưng bù lại, nó thể hiện độ tinh khiết rõ ràng hơn, vì vậy hãy chọn một viên kim cương càng ít tạp chất càng tốt.
– Hình vuông xếp tầng (Asscher): Có cấu trúc tương tự với Emerald nhưng là hình vuông, một viên kim cương Asscher đạt chuẩn sẽ có tâm hình vuông khi ta nhìn xuyên qua mặt cắt.
– Hình hạt thóc (Marquise): Hình dạng này có thể tối đa hóa trọng lượng carats của viên kim cương và tạo cảm giác thon dài cho ngón tay đeo nhẫn.
– Hình bầu dục (Oval): Hình dạng này cũng tối ưu hóa khả năng phản quang như hình tròn, nhưng tạo cảm giác viên kim cương lớn hơn và ngón tay trông thon dài hơn.
– Hình giọt lệ/trái lê (Perl): Đặc trưng của hình dạng này là nhọn ở đỉnh và tròn ở đáy giống như giọt nước. Đây là sự kết hợp của hình Round và Marquise, tạo cảm giác thon dài cho ngón tay.
– Hình trái tim (Heart): Đây có lẽ là hình dạng lãng mạn mà các cô gái rất thích. Viên kim cương hình trái tim phải có hai nửa đều nhau, khe sắc nét và cánh hơi tròn.
– Hình nhữ nhật bo góc (Cushion): Hình dạng này gần giống “cái gối” với các góc được bo tròn, tạo cảm giác bề mặt rộng và phản chiếu ánh sáng dày.
Độ trong
Độ trong suốt là thước đo về số lượng và kích thước của các khiếm khuyết nhỏ trong kim cương như tạp chất, vết bẩn, bọt bong bóng… Phần lớn các khiếm khuyết này ở mức hiển vi và không ảnh hưởng rõ rệt đến vẻ đẹp của kim cương, chỉ các chuyên gia và nhà nghiên cứu mới quan tâm đến yếu tố này, chủ yếu để xác định giá trị của viên kim cương. Viên kim cương có càng ít khiếm khuyết thì giá trị càng cao.
Các thông số đo độ trong suốt bao gồm:
– Flawless (FL), Internally Flawless (IF): Hoàn mỹ, hầu như không có khiếm khuyết. Đây là loại rất hiếm.
– Very Very Slightly Included (VVS1, VVS2): Rất sáng, rất khó để nhìn thấy khiếm khuyết dưới độ phóng đại 10x.
– Very Slightly Included (VS1, VS2): Khá sáng, nhưng vẫn có thể nhìn thấy tạp chất bằng mắt thường.
– Slightly Included (SI1, SI2): Có thể nhìn thấy tạp chất bằng mắt thường.
– Included (I1, I2, I3): Đây là chất lượng kém nhất của viên kim cương, khá nhiều khiếm khuyết và có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trọng lượng
Trọng lượng của kim cương được tính theo đơn vị carat (tương đương với 0,2 gram). Trọng lượng càng nặng, giá trị càng cao. Tuy nhiên, những viên kim cương càng lớn thì càng hiếm, vì vậy giá trị của kim cương thường tăng theo cấp số nhân dựa trên trọng lượng.
Cũng giống như một người cao to thì chưa chắc nặng bằng một người thấp bé, kích thước của viên kim cương không phản ánh chính xác trọng lượng của nó. Chúng ta có xu hướng đánh giá trọng lượng viên kim cương thông qua kích thước mặt vì đó là phần thể hiện khi chúng được đính vào nhẫn hay đồng hồ. Điều đó có thể khiến nhiều người lầm tưởng về giá trị thật sự của kim cương. Nếu không có dụng cụ đo chuyên nghiệp, hãy xem xét trọng lượng của chúng bằng cách kết hợp các yếu tố: đường kính mặt (mm), chiều cao tính từ đỉnh nhọn đến mặt cắt (mm) và số lượng các lớp cắt.
Màu sắc
Màu sắc là yếu tố quan trọng thứ hai quyết định giá trị kim cương chỉ sau yếu tố cắt mài vì mắt người có xu hướng phát hiện ánh sáng lấp lánh trước tiên (nhờ vào các giác cắt) và sau đó là màu sắc.
Màu tự nhiên của kim cương thường là màu trắng (không màu). Tuy nhiên, những viên kim cương không màu lại cực kỳ hiếm vì chúng có xu hướng tự biểu lộ màu vàng hoặc vàng nhạt, màu này tạo nên cảm giác viên kim cương bị đục và kém tinh khiết. Chính vì thế mà trong bảng phân màu của GIA (Viện Đá quý Hoa Kỳ), màu sắc của kim cương được phân theo cấp độ bảng chữ cái từ D-Z, trong đó D là trắng nhất (không màu, hiếm nhất, đắt nhất) và Z là vàng nhất (kém giá trị nhất).
Những viên kim cương không thuộc bảng màu D-Z được gọi là kim cương có màu khác thường (Fancy Color). Trong khi những vệt màu vàng nhạt làm giảm giá trị của kim cương thì màu sắc khác thường lại tạo nên giá trị cực kỳ cao vì chúng vô cùng hiếm. Kim cương màu chỉ hình thành ở một số khu vực có các yếu tố địa chất nhất định, hiếm nhất là màu hồng và xanh dương rồi đến xanh lá cây và vàng.
Cắt mài
Cắt mài là một yếu tố thuộc về con người, nhưng nó quyết định rất lớn đến giá trị của viên kim cương. Một viên kim cương thô trông không khác gì một viên pha lê, chỉ khi được cắt mài chúng mới trở nên lấp lánh nhờ khả năng phản chiếu ánh sáng. Đây cũng là yếu tố tạo nên những hình dạng đặc thù đã nêu ở trên.
Khi được cắt với tỷ lệ thích hợp, ánh sáng được khúc xạ và phản xạ hoàn toàn ra bề mặt, khiến cho viên kim cương sáng hơn, lấp lánh hơn. Nếu cắt quá nông thì ánh sáng thoát ra khỏi đáy còn cắt quá sâu thì ánh sáng thoát ra mặt bên.
Các mức độ cắt theo thứ tự giảm dần gồm: Ideal (lý tưởng), Excellent (hoàn hảo), Very good (rất đẹp), Good (đẹp), Fair (khá), Poor (kém). Trong đó, Ideal cut là mức độ cao nhất của việc cắt kim cương, đòi hỏi nhiều công sức và hao hụt nguyên liệu thô nhiều hơn các cấp độ khác. Ideal cut sẽ tạo ra hiệu ứng ánh sáng Hearts & Arrows: thông qua kính đặc dụng, bạn sẽ thấy 8 mũi tên cân đối khi nhìn trên bề mặt và 8 trái tim khi nhìn từ đáy viên kim cương. Chỉ có khoảng 3 trong số một triệu viên kim cương trên thế giới đạt được mức độ lý tưởng này (theo thống kê của International Gemological Institute)
Giấy chứng nhận
Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn xác định nguồn gốc và giá trị của viên kim cương định mua. Dựa vào giấy chứng nhận này, bạn sẽ biết được các thông số của viên kim cương như kích thước, trọng lượng, màu sắc, độ trong, độ bóng, mức độ đối xứng v.v… Giấy chứng nhận kim cương thường được cấp bởi Gemological Institute of America (GIA) và American Gem Society Laboratories (AGSL), đây là hai phòng thí nghiệm uy tín nhất trong ngành công nghiệp kim cương. Kim cương có giấy chứng nhận tất nhiên sẽ có giá cao hơn những viên không rõ nguồn gốc.
Xem thêm
Những chiếc nhẫn kim cương đẹp nhất thế giới
Đẳng cấp của 20 món trang sức đắt nhất thế giới
Bí quyết chọn phụ kiện trang sức
15 mẫu đồng hồ nữ đẹp nhất năm 2015
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc Ảnh: Tư liệu