1. Thời trang Hồi giáo là một thị trường tiềm năng.
Nike, thương hiệu trang phục thể thao phổ biến của Mỹ, gần đây đã giới thiệu một phiên bản hijab mới (chiếc khăn trùm đầu và mặt của những người phụ nữ trưởng thành theo Hồi Giáo) được thiết kế như là một món phụ kiện sử dụng trong việc tập luyện thể thao.
Phản ứng của số đông được chia làm hai phe, một bên ủng hộ nhiệt thành thương hiệu này vì đã sản xuất ra những sản phẩm đặc biệt dành cho đối tượng là phụ nữ Hồi Giáo, những người có nhu cầu tôn trọng truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc họ trong việc che phủ khuôn mặt và mái tóc khi ra ngoài. Phía còn lại phản ứng gay gắt vì động thái của Nike, họ cho rằng hành động này không khác gì “nối giáo cho giặc”, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cộng đồng người ủng hộ quan điểm chính trị của tổng thống Mỹ đương nhiệm – Donald Trump đều khá bảo thủ tại quốc gia này.
Bên cạnh đó họ cho rằng những chiếc hijab chẳng khác nào là một chiếc mặt nạ làm hạn chế quyền hạn của người phụ nữ, cũng như vai trò của họ (vốn dĩ quyền lợi luôn bị xem nhẹ hơn đàn ông trong xã hội Hồi Giáo truyền thống) trong xã hội hiện đại.
Hijab phiên bản thể thao gây tranh cãi của thương hiệu Nike. (ảnh: Courtesy of Nike)
Tuy là vậy, Nike không phải là thương hiệu đầu tiên khai thác tiềm năng của chiếc khăn hijab nói riêng và thời trang Hồi Giáo nói chung. Nhiều người vẫn luôn có quan niệm sai lầm khi cho rằng những người phụ nữ Hồi Giáo luôn cảm thấy thờ ơ với thời trang. Sự thật hoàn toàn trái ngược, thời trang Hồi Giáo đang trở thành một thị trường có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Các quốc gia có thị trường thời trang Hồi Giáo phát triển hưng thịnh là Indonesia, Malaysia và Turkey, một số khác là ở các nước phương Tây có cộng đồng người Hồi Giáo đang sinh sống và làm việc.
Trong năm 2010, tờ báo Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ đã ước tính rằng tổng doanh thu của thị trường thời trang Hồi Giáo trên thế giới vào khoảng 2,9 tỷ đô. Chỉ trong vòng ba năm sau, dựa theo thống kê của ban kinh tế Hồi Giáo toàn cầu (The Global Islamic Economy) được công bố vào quý tư của năm 2014, đã cho thấy rằng đối tượng tiêu dùng là người Hồi Giáo đã chi mạnh tay vào mặt hàng quần áo và giày dép với con số lên tới 266 tỷ đô. Cũng theo đó, thị trường thời trang Hồi Giáo được dự đoán sẽ có doanh thu đạt vào khoảng 488 tỷ đô vào năm 2019.
Vào năm 2016, Halima Eden (19 tuổi) trở thành thì sinh đầu tiên mặc chiếc hijab để tham dự cuộc thi nhan sắc Miss Minnesota của bang Minnesota (Mỹ). Điều này đã góp phần đưa thời trang Hồi giáo trở thành một chủ đề được quan tâm đông đảo. (Ảnh: Dailymail UK)
2. Sự khởi sinh của khái niệm modest clothing (thời trang Hồi Giáo).
Modest clothing – đây là khái niệm thời trang dành riêng cho đối tượng khách hàng là những người phụ nữ yêu thích những mẫu thiết kế có nhiều lớp trang phục (layers), tà áo/váy dài che phủ mắt cá chân, tay áo dài và cổ cao. Tựu chung, khái niệm ‘modest clothing’ được sinh ra là để ám chỉ những mẫu thiết kế phù hợp với nền văn hóa và phong tục của các quốc gia Hồi Giáo. Những thương hiệu thời trang lớn như DKNY, Mango, Dolce & Gabbana, Oscar de le Renta và Uniqlo đều đã cho ra mắt những sản phẩm thời trang Hồi giáo được gắn mác là modest clothing.
Bên cạnh đó, tập đoàn thời trang bán lẻ Debenhams (đây là một tập đoàn cung ứng thời trang có trụ sở chính tại Anh và sở hữu nhiều chuỗi cửa hàng ở khắp nơi trên thế giới) cũng tiên phong trong việc bày bán các sản phẩm modest clothing ở những cửa hàng mua sắm xa xỉ nhất dành cho giới thượng lưu. Không tỏ ra kém cạnh, công ty đối thủ của Debenhams là Marks and Spencer (là một tập đoàn cung ứng thời trang tại Anh) cũng vừa cho ra mắt những sản phẩm thuộc danh mục modest clothing vào tháng 10 năm ngoái.
Điều này nói lên gì? Những người phụ nữ Hồi Giáo ở thời điểm hiện tại, họ muốn gìn giữ phong tục tập quán và nét đẹp truyền thống của đất nước mình nhưng cũng đồng thời muốn nâng tầm phong cách ăn mặc của bản thân để trở nên hiện đại, hợp thời hơn; và các thương hiệu, tập đoàn kinh doanh thời trang đang có những động thái nhanh nhạy nhất để dẫn đầu xu hướng này.
Marks and Spencer là một trung tâm mua sắm thời trang phổ biến tại Anh. (ảnh: Express UK)
Thực chất, khái niệm modest clothing cũng gây nhiều tranh cãi từ khi được sử dụng. Modest clothing đã được cập nhật vào từ điển Oxford Dictionary, có ý để chỉ những mẫu trang phục che chắn cơ thể theo một cách kín kẽ nhất, không để hở và phô bày quá nhiều da thịt. Vốn dĩ từ modest có hàm ý là khiêm tốn, chính điều này đã khiến nhiều người, phần đông là phụ nữ bày tỏ nỗi bức xúc “chẳng lẽ chúng tôi – những người phụ nữ yêu thích những loại trang phục thuận tiện và ứng dụng hơn trong cuộc sống hằng ngày lại được cho là thiếu khiêm tốn?”.
Trong đó còn có những ý kiến được đăng tải trên diễn đàn Mumsnet (một diễn đàn dành cho các “bà mẹ bỉm sữa” của Anh Quốc) cho rằng khái niệm modest clothing chẳng khác nào cổ súy cho việc sử dụng ngôn từ để công kích và dán nhãn cho những người phụ nữ không có lối sống và phong cách ăn mặc như những người phụ nữ Hồi Giáo. Nhiều người khác thì lại tỏ ra cảm thông hơn và cho rằng khái niệm này có thể được đổi tên thành “covered clothing”.
Ở thế đối trọng, vẫn có những phụ nữ không phải Hồi Giáo lên tiếng ủng hộ và bào chữa cho những lời công kích ở trên. Họ đều cho rằng modest clothing là một trào lưu, một xu thế, một nét đẹp nhân văn của thời trang mà cần được hiểu và tôn trọng. Bản chất từ modest clothing là một cái tên phù hợp và trân trọng nhất để gọi trang phục thường nhật được thiết kế phù hợp với phụ nữ Hồi Giáo. Có nhiều phụ nữ không phải Hồi Giáo cũng thừa nhận rằng họ cảm thấy yêu thích những mẫu thiết kế modest clothing và bằng việc có một tên gọi cụ thể như vậy sẽ giúp cho việc phân loại trở nên dễ dàng hơn, giúp khách hàng dễ tìm kiếm và mua sắm hơn.
Khái niệm modest clothing gây tranh cãi. (Ảnh: Independent UK)
Các mẫu thiết kế trang nhã và phù hợp với nền văn hóa bảo thủ Hồi giáo. (Ảnh: Independent UK)
BÀI LIÊN QUAN
Đại diện của Marks and Spencer cũng chia sẻ về quyết định thành lập ra dòng thời trang modest clothing, trước sự đả kích của rất nhiều người: “Hạng mục quần áo được gọi là Modest Clothing của chúng tôi thực chất không nhắm vào bất kỳ một đối tượng khách hàng chuyên biệt nào. Đây là lời đáp gọi thực tế khi chúng tôi nhận thấy rõ nhu cầu gia tăng của nhiều khách hàng là những phụ nữ có xuất thân từ nhiều nền văn hóa và môi trường khác nhau, trong việc tìm kiếm những trang phục nhiều lớp hợp mốt, ngẫu nhiên có thêm những chi tiết thiết kế như rộng rãi, vạt/tà dài hơn, tay áo dài và cổ cao.”
Dĩ nhiên những lời giải thích này từ phía Marks and Spencer cũng chỉ phần nào làm dịu đi phản ứng của số đông; nhưng qua điều này thì chúng ta có thể nhận thức rõ được việc những mẫu thiết kế được gắn mác modest clothing đang là một trào lưu thời trang mới, với nhu cầu từ người tiêu dùng ngày một tăng mạnh.
Cần phải phân định rõ ranh giới và sự khác biệt của trang phục Hồi giáo truyền thống và modest clothing: trang phục truyền thống luôn giản dị và “khiêm tốn” nhưng modest clothing thì không phải lúc nào cũng sẽ rập khuôn theo hình thức truyền thống hay giản dị. Ví dụ thực tế nhất chính là vai trò của chiếc khăn trùm burka trong văn hóa Hồi giáo và chiếc khăn trùm hijab.
Sự khác biệt giữa các loại khăn trùm đầu dành cho phụ nữ trong nền văn hóa Hồi giáo. (Ảnh: The Copenhagen Post)
3. Thời trang Hồi giáo (Modest Clothing) và mối liên can tới vấn nạn xâm hại tình dục.
Vào năm 1885, khi nhãn hàng W.Duke và Sons tiến hành đóng gói những sản phẩm bánh xà phòng rửa mặt được đính kèm bên trong đó là hình ảnh của những ngôi sao nữ nổi danh, và đó là khởi điểm của việc sử dụng hình ảnh gợi cảm của phụ nữ trong kế hoạch tiếp thị và kinh doanh bán hàng. Tại thời điểm đó, đàn ông ở thế độc tôn, phụ nữ chỉ ở nhà lo nội trợ và chăm sóc gia đình, còn đàn ông là những người tiến hành giao thương và làm chủ các doanh nghiệp.
Vì lí do đó mà khái niệm “sex sells” trở nên vô cùng phổ biến trong địa hạt thời trang, nước hoa, quần áo… đối với các mặt hàng dành cho nam giới thì đó là rượu và xe hơi. Tuy nhiên, các thương hiệu đã dần nhận thức ra được rằng việc đưa sex vào chiến lược bán hàng ở xã hội hiện đại đã không còn đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhất là khi vấn nạn xâm hại tình dục và trào lưu nữ quyền trở thành chủ đề được bàn luận rộng rãi ở khắp mọi nơi.
“Sex sells” bành trướng vô cùng mạnh mẽ ở địa hạt thời trang (Ảnh: American Apparel)
Phụ nữ hiện đại, họ sở hữu nguồn lực kinh tế dồi dào không kém cạnh đàn ông và có những khoản thu dư dả để chi tiêu cho túi xách, mỹ phẩm và thời trang cao cấp. Chính vì đối tượng khách hàng chủ yếu là phụ nữ, những nhà kinh doanh và quảng cáo cần phải thay đổi chiến lược, “sex sells” sẽ trở nên phản tác dụng và vấp phải sự chỉ trích không đáng muốn.
Đây tuy không phải là lí do chính khiến cho sự tăng trưởng của Modest Clothing trở nên mạnh mẽ, nhưng cũng góp phần khiến cho phụ nữ trong xã hội hiện đại có cái nhìn bao quát hơn về việc họ đang sống trong một chế độ xã hội, nơi mình trưng diện và mặc đẹp không phải để cho đàn ông nhìn ngắm. Họ hoàn toàn có quyền mặc những trang phục kín kẽ hay được thiết kế để tôn vinh những đường nét phụ nữ trên cơ thể.
Nhà thiết kế Anniesa Hasibuan (30 tuổi) người Indonesia là người đã đem thời trang Hồi giáo lên sàn diễn thời trang của New York Fashion Week vào năm ngoái. Điều này cũng đã đem hình ảnh của thời trang Hồi giáo trở nên gần gũi hơn với các tín đồ thời trang. Đây là một mẫu thiết kế đặc sắc nằm trong BST của Anniesa. (ảnh: Getty)
Sự phát triển của thị trường modest clothing không chỉ đơn thuần là nỗ lực của các thương hiệu nhằm thao túng hầu bao của các khách hàng nữ giàu có đến từ các vương quốc Hồi Giáo giàu mạnh. Modest clothing như một sự cao trào, một tuyên ngôn tôn vinh sự độc lập và vai trò của người phụ nữ.
Truyền thông hiện đại luôn hết mực chú trọng và phát đi thông điệp bình đẳng giới và nữ quyền trên các phương tiện. Những ngôi sao như Beyoncé Knowles, Emma Watson, Rose McGowan, Angelina Jolie, Meryl Streep, Amy Schumer… có nền tảng hỗ trợ để truyền phát đi những thông điệp tích cực nhằm ủng hộ quyền lợi phụ nữ. Tư duy phụ nữ mặc đẹp để đàn ông ngắm đã trở nên lỗi thời và dần thoái trào, modest clothing cũng vì thế mà dần trở nên sâu sắc trong nhận thức về tư duy ăn mặc của phụ nữ.
Những chiến dịch được khởi phát tại kinh đô Hollywood như Time’s Up, Me Too góp phần đòi lại công bằng cho phụ nữ, những nạn nhân dễ bị xâm hại tình dục. (Ảnh: Olatime)
Phải nói rằng, vấn nạn xâm hại phụ nữ đáng báo động ở thời điểm hiện tại là lí do mà phụ nữ quan tâm nhiều hơn trong cung cách ăn mặc của mình. Tuy đây chỉ hoàn toàn là vấn đề tâm lý, nhưng modest clothing dường như trở thành một lựa chọn an toàn nhằm khỏa lấp nỗi bất an của phụ nữ trước tâm sắc dục của đàn ông.
—
Xem thêm:
Những người phụ nữ ngọt ngào của các mẫu nam thành danh nhất hiện nay.
ELLE Style Calendar: Cuốn hút cùng đầm slip dress (4/3 – 11/3).
Nhóm thực hiện
Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp)