Thập niên của những quý bà và những kẻ hippy
Người yêu thời trang – lần nào cũng thế – đều thổn thức khi nhắc về thời trang thập niên 60: thanh lịch, cổ điển và độc lập. Vậy thập niên 60 có gì đặc biệt?
Hai trường phái thời trang đáng kể của thời kỳ này vẫn được nhắc đến chính là hình ảnh trang trọng của áo khoác ngắn không cổ, vai vuông có khuy bọc vải như thiết kế Chanel suit (ra đời vào năm 1959); những chiếc váy liền suôn, không tay gắn liền với hình ảnh của phu nhân Jackie Kennedy; và trái ngược là phong cách hippy với áo phồng, quần ống loe, áo cánh tiên, thắt lưng bản lớn từ những thần tượng âm nhạc như Rolling Stones, The Beatles…
Đó cũng là thập niên của một loạt những từ khóa thời trang như váy mini, bikini, váy bằng chất liệu PVC, mũ dẹt pillbox, băng đô lụa bản lớn hay họa tiết hình học. Các huyền thoại thiết kế như Yves Saint Laurent, Mary Quant, Pierre Cardin, Paco Rabanne, Emilio Pucci… cũng góp phần Thập niên của những quý bà và những kẻ hippy làm nên những năm tháng thăng hoa nhất của thời trang. Đó là thập niên mà các lề thói xã hội phương Tây cũ như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới, cấm đoán tình dục bị lên án, mở đường cho những tư tưởng cởi mở, thực tế, trẻ trung và tự do. Chính vì thế, lịch sử gọi tên thập niên 60 là “Swinging sixties”, thập niên chuyển mình, thập niên phóng khoáng. Sự chuyển mình này có thể thấy trong từng đường nét, từng sắc màu của thời trang giai đoạn này.
Thời trang thời kỳ này còn ảnh hưởng trực tiếp từ hội họa. Năm 1965, Yves Saint Laurent giới thiệu chiếc váy Mondrian lấy cảm hứng từ bức họa của họa sĩ theo trường phái hiện đại người Hà Lan, Piet Mondrian. Cũng chính ông say mê đưa các tác phẩm Pop Art của Andy Warhol vào “Pop Art Look” của mình năm 1966. Còn Pierre Cardin và Mary Quant thì giới thiệu các thiết kế có hoa văn Op Art (nghệ thuật thị giác, hoa văn gây ảo giác).
Không chỉ vì những năm 60 sản sinh ra những tượng đài thời trang, những chiếc váy hay phát minh thời trang đi vào lịch sử mà hơn cả, sau 50 năm, người ta nhận ra những thiết kế, chi tiết ấy không hề cũ mà vẫn tiếp tục tạo cảm hứng cho những nhà thiết kế đương thời.
Hoài niệm 60
Sàn diễn 2014 chào đón sự trở lại của tinh thần và phong cách từ những năm 60. Không phục dựng mà các nhà thiết kế đưa vào các BST 2014 linh hồn và sự thăng hoa của thập niên 60 trên các thiết kế hiện đại.
Nếu như năm 1966, Paco Rabanne giới thiệu chiếc váy ánh kim Disco để thể hiện đỉnh cao của kỹ thuật PVC và đính kim loại trong thời trang thì BST Thu – Đông 2014 của Miu Miu và Yves Saint Laurent lại kết hợp ánh kim, nạm pha lê cùng các mảng họa tiết đơn sắc như len (BST của Gucci) hay da block color (Miu Miu).
Gần 50 năm trước, Paco Rabanne dùng ánh kim thể phản ánh hơi thở thành thị, futuristic thì năm nay, Riccardo Tisci của Givenchy lại dùng ánh kim để thể hiện hơi thở bộ lạc, sự pha trộn của cảm hứng Nhật Bản và châu Phi. Op-Art 2014 còn được thể hiện bằng họa tiết hoa và da báo để đạt được mục đích đánh lừa thị giác. Đó là cách Balmain, Tom Ford, Celine, Givenchy… đưa Op-Art một cách sáng tạo lên sàn diễn Thu – Đông 2014. Chất liệu cũng được sử dụng tối đa để làm mới Op-Art. Dries van Noten vẫn trung thành với họa tiết Op-Art nhưng kết hợp màu đen và họa tiết ánh bạc của chất liệu da thay vì màu trắng cơ bản. Cùng lúc ấy, Bottega Veneta lại dùng Op-Art trên pleat (vải xếp ly).
Sau chiếc váy Mondrian của Yves Saint Laurent, Pierre Hardy giới thiệu mẫu clutch da bóng với những mảng màu viền đen theo cảm hứng Mondrian. Louis Vuitton dùng những đường viền đen ấy để làm nổi bật phần túi trang trí trên thiết kế váy da hay Alexander Wang dùng đường viền đen (và một đường mảnh màu bạc) để làm điểm nhấn cho thiết kế quần ống đứng trong BST Thu – Đông của Balenciaga.
1960 – cột mốc gây cảm hứng của thời trang trở lại sàn diễn 2014 còn nhiều cảm hứng hơn nữa. Cách các nhà thiết kế thăng hoa và sáng tạo các chi tiết của thập niên 60 vào các thiết kế hiện đại là cách họ giữ cho tinh thần 1960 bất tử, ít nhất là trong thời trang.
Xem tiếp Thời trang qua các thập niên 60, 70, 80
Nhóm thực hiện
Bài: Kim Ngân - Hình ảnh: Tư liệu