Sự phát triển nhanh chóng của Jimmy Choo đã mang lại nhiều danh tiếng và tiền của cho Tamara Mellon. Dù trải qua nhiều năm gắn bó và không ít thử thách, năm 2011 Tamara Mellon làm giới thời trang sửng sốt khi cô quyết định nói lời tạm biệt với thương hiệu tâm huyết của mình. Jimmy Choo được gửi gắm cho Labelux để bắt đầu một hướng đi mới.
Tamara Mellon không những chỉ đẹp, cô còn có đầu óc kinh doanh phi thường. Tuy làm việc trong thế giới mà nam giới luôn nắm giữ những vị trí chủ chốt, nhưng nhờ cá tính mạnh mẽ, sự tự tin, tính quyết đoán và tham vọng thay đổi ngành thời trang, Tamara Mellon vẫn tiếp tục sự nghiệp của mình cho dù có phần mạo hiểm.
Sau khi rời bỏ chiếc ghế chủ tịch ở Jimmy Choo, Tamara Mellon phát triển thương hiệu thời trang cao cấp mang tên mình, chính thức thử thách bản thân từ một nhà thiết kế phụ kiện, trang sức thành thiết kế thời trang đẳng cấp. Lần thứ hai, làng thời trang lại bị xáo trộn vì những chiến lược kinh doanh của cô hoàn toàn đập tan những quy tắc kinh doanh lâu đời trong ngành công nghiệp xa hoa này.
Giá cả phải chăng
Tamara Mellon nhận ra rằng cho dù những “con chiên ngoan đạo” của thời trang có kính nể, yêu quý những sản phẩm cao cấp đến mức nào thì họ vẫn e dè khi bỏ ra vài ngàn đô cho một cái váy chẳng hạn. Chấp nhận một mức lợi nhuận thấp hơn, Tamara quyết định vẫn sẽ sản xuất những sản phẩm cao cấp và chất lượng nhất nhưng với mức giá của một nhà thiết kế mới vào nghề. Thay vì một chiếc áo blazer $2.000 thì ở cửa hàng của cô, khách hàng chỉ phải trả tầm $800.
Sản phẩm được sản xuất và bán đúng mùa
Tamara Mellon cho biết slogan cho thương hiệu của mình rất đơn giản là “Buy now, wear now”. Những sản phẩm của Tamara Mellon luôn được cập nhật hàng tháng và bán xuyên suốt theo mùa. Khách hàng của cô không phải chờ đến 6 tháng để mua một món đồ. (Thông thường, các nhà thiết kế sẽ cho ra mắt BST 6 tháng trước khi bán nó, ví dụ như BST Xuân Hè 2015, sẽ được trình diễn trên sàn catwalk vào tháng 10/2014; còn BST Thu Đông 2014-2015 thì được trình diễn vào tháng 3/2014).
Thúc đẩy tiềm năng E-commerce
Nếu các nhãn hàng khác thường không chú trọng lắm vào doanh thu từ việc bán hàng qua mạng thì Tamara lại rất xem trọng các kênh bán hàng qua mạng. Cô cho rằng với tốc độ phát triển của công nghệ thì khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới sẽ thấy dễ dàng với việc ngồi nhà shopping. Ngoài con số 60 cửa hàng trên toàn thế giới, Tamara Mellon cũng mong muốn rằng doanh thu từ việc bán hàng qua mạng sẽ chiếm khoảng 50%.
Cá nhân hóa sản phẩm tới khách hàng
Hiểu rõ tâm lý khách hàng, Tamara rất quan tâm đến “chủ nghĩa cá nhân”, bộ sư tập giày mang tên “Sự trả thù ngọt ngào” (đôi boot da cá tính được thiết kế như quần legging) đã mang lại thành công rực rỡ cho thương hiệu mới của cô. Mỗi BST của cô đều mang một cái tên riêng và rất khơi gợi ví dụ như “Addiction” (“Mê đắm”) chẳng hạn. Cái tên này làm hình ảnh đôi giày cứ mãi lẩn quẩn trong đầu bạn. Điều đó khiến bạn phải sở hữu nó cho bằng được.
Thực sự làm chủ công ty
“Con số thần kỳ là 51% – không bao giờ để sự kiểm soát của bạn tuột khỏi tầm tay” – Mellon chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh của mình. Cô nhận định rằng: “Khi bạn không còn nắm giữ từng đó cổ phần, cảm giác làm khách trong chính công ty của mình là không tránh khỏi. Mọi người có thể tỏ ra thiếu tôn trọng với những gì bạn đang cống hiến chỉ để tăng thêm lợi nhuận. Và lúc đó bạn chỉ biết đứng nhìn mà không làm gì được. Đây là bài học sống còn mà tôi đã học được”.
Trong quyển sách “In My Shoes” của Tamara Mellon, cô đã kể lại những kinh nghiệm và câu chuyện đời mình khi hoại động trong lĩnh vực kinh doanh thời trang. Tamara hy vọng rằng quyển sách của cô sẽ tiếp sức cho những người phụ nữ yêu thích kinh doanh với thông điệp: “Phụ nữ chúng ta đã không đánh giá đúng giá trị bản thân”.
Xem thêm 8 lời khuyên của Anna Wintour dành cho các nhà thiết kế trẻ
Xem thêm Khởi nghiệp thời trang – blog Danh Quý
Xem thêm Sinh viên Thiết kế Thời trang: Để giấc mơ thành sự thật – blog Liên Chi
Nhóm thực hiện
Vân Trang biên dịch Ảnh sưu tầm