Hành trình dũng cảm dám vượt lên trên những định kiến hà khắc của xã hội trong thập niên 1920, trên con đường tìm lại bản chất thật của chính họa sĩ chuyển giới đầu tiên trên thế giới Einar Wegener trở thành Lili Elbe, đầy chông gai và muôn vàn đau đớn đã phải mất tới 7 năm ấp ủ mới hoàn thành xong bộ phim “The Danish Girl” và được đạo diễn tài năng Tom Hooper đem đến giới thiệu với công chúng.
.
“The Danish Girl” dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn David Ebershoff, được lấy bối cảnh có thực ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch kể về cuộc sống của họa sĩ nổi tiếng Einar Wegener (nam diễn viên đoạt giải Oscar Eddie Redmayne thủ vai) – một trong những người chuyển giới đầu tiên trên thế giới. Ông đã từng có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc với nữ họa sĩ Gerda Wegener (nữ diễn viên Alicia Vikander thủ vai). Những ngày tháng êm đẹp đó đã thay đổi kể từ khi Gerda vô tình thuyết phục chồng mình mặc trang phục phụ nữ để làm người mẫu cho bà, vì cô người mẫu được thuê đã không thể có mặt tại studio. Ban đầu mọi thứ tưởng như một trò chơi thú vị của đôi vợ chồng họa sĩ. Bởi sự hóa thân hoàn hảo trong vai một cô gái của chồng lại khiến Gerda thích thú. Cô thậm chí còn đưa anh tới những sự kiện và buổi dạ tiệc. Rồi từ đây, câu chuyện trở nên phức tạp khi Einar nhận ra những bộ váy cùng tạo hình duyên dáng mới chính là con người thực mà mình thuộc về. Chính lúc này, bất chấp tình yêu lớn dành cho vợ, Einar Wegener không thể che giấu những cảm xúc thực về con người mình: “Tôi mơ giấc mơ của Lili. Cô ấy luôn ở đó”. Hành trình trên con đường tìm lại chính bản thân đã đưa Einar Wegener tới bước ngoặc định mệnh của đời mình khi thực hiện cuộc phẫu thuật chuyển giới đầu tiên trở thành quý cô Lili Elbe để lại nhiều cảm xúc mãnh liệt khó diễn tả thành lời trong lòng khán giả.
Thời trang trong phim dưới bàn tay của NTK phục trang Paco Delgado còn gây ấn tượng mạnh mẽ ở khâu trang phục cho đến phong cách trang điểm trong suốt quá trình chuyển biến của Einar Wegener từ một người đàn ông trở thành phụ nữ, chính là điểm cuốn hút xuyên suốt của “The Danish Girl”.
.
Một trong khoảnh khắc thời trang đáng nhớ, được tạp chí Vogue đánh giá với ý nghĩa: thời trang đã đánh thức bản năng về giới tính ẩn sâu trong mỗi con người, là hình ảnh cô người mẫu Ulla (Amber Heard thủ vai) không đến, nên Gerda nhờ chồng giả gái để cô thực hiện nốt phần còn lại của bức họa dang dở. Từ giây phút xỏ vào đôi tất da chân, và chạm vào chiếc váy bồng bềnh ấy mà Einar có những cảm xúc kỳ lạ bên trong mình.
Chuyên gia make-up và thiết kế tóc Jan Sewell đã phải nghiên cứu rất kỹ việc trang điểm cho nam diễn viên Eddie Redmayne, vì độ tương phản trong màu tóc và những góc cạnh trên khuôn mặt là vô cùng quan trọng trong quá trình “nữ hóa từ nam tính thành nữ tính cho nhân vật Lili Elbe. “Sau này, khi chúng ta biến Eddie thành Lili thật nữ tính, thì tôi làm mềm các góc xương, thêm màu sáng cho gương mặt. Cho dù Lili không phẫu thuật chuyển giới, thì Einar trông vẫn rất nữ tính vào lúc này” – Jan Sewell chia sẻ.
.
Cô nhớ lại: “Tôi hỏi đạo diễn Tom Hooper và anh ấy nói hãy nhìn vào bức tranh của Gerda. Bà ấy vẽ Lili với những màu sắc rực rỡ nhất cùng mái tóc màu nâu tuyệt vời. Điều đó giúp chúng tôi trang điểm cho Eddie Redmayne. Ngoài ra, những bức tranh ban đầu thì bà ấy vẽ Lili với mái tóc khá tối. Chúng tôi tìm tất cả các màu tóc giả với kiểu dáng những năm 1920 sau đó xem màu gì phù hợp. Rõ ràng Eddie Redmayne nhìn tuyệt đẹp trong mái tóc nâu gần như đen và tàn nhang trên mặt, cũng như đôi mắt sắc”.
.
Khán giả sẽ được ngắm nhìn lại thiết kế tiêu biểu của những năm 1920 là chiếc đầm suông rộng phá đi chuẩn mực về vòng eo. NTK Paco Delgado đã giữ phom cho chiếc váy suông màu xanh này, có dùng thêm đai lưng lỏng tạo vòng eo cho nhân vật vì Eddie Redmayne bày tỏ lo lắng về thân hình nam giới thẳng đuột của mình. Chiều cao của nam diễn viên cũng là bài toán của ê-kíp thực hiện trang phục, khi thời kỳ này phụ nữ đi giày có gót khá cao. Để không tạo ra sự chênh lệch với những cô gái khác trong phim, Eddie Redmayne được thiết kế riêng những đôi giày Mary Jane (*) gót thấp đặc trưng của thập niên 1920.
.
Thiết kế trang phục Paco Delgado đã tận dụng sự khác biệt về thời trang giữa Copenhagen tĩnh lặng, hơi quê mùa với Paris tân tiến. Ông nói: “Ý tưởng chúng tôi đưa ra là Lili đã bị mắc kẹt trong một cơ thể giống như một cái lồng. Chúng ta có thể hình dung tâm trạng của cô ấy qua rất nhiều trang phục nặng nề thời Edward với cổ áo cao và những bộ vest chỉ hạn chế trong những màu xanh da trời, xám và đen. Khi chuyển đến Paris, Lili đã ý thức được rằng lúc này cô có thể là chính mình.
.
NTK Paco Delgado đã lấy hình tượng người phụ nữ của nhà mốt Lanvin để tạo nên diện mạo thời trang cho Lili. Nhờ thế, các loại vải khác nhau được tận dụng tối đa cho trang phục như lụa và chiffon, tạo sự mềm mại, chuyển động. Tất cả nhằm thể hiện tinh thần tự do, phóng khoáng nhưng vẫn thanh lịch và cổ điển của phái nữ. Trong phim, Lili chỉ chọn son đỏ mà không phải bất kỳ một màu nào khác. Bởi điều ấy tượng trưng cho vẻ quyến rũ và mong muốn khẳng định bản thân mạnh mẽ của nàng.
.
Nếu Lili được tạo nên từ hình ảnh phụ nữ của thương hiệu danh tiếng Lanvin thì người vợ Gerda được truyền cảm hứng từ huyền thoại thời trang Coco Chanel. Theo nhà thiết kế Paco Delgado, đó là một Gerda giàu nghị lực, bản lĩnh, quyết liệt và chất chứa nhiều cảm xúc dồn nén trong cuộc sống của mình.
Càng về cuối, Lili không muốn chỉ được là “phụ nữ” khi mặc trang phục hay trang điểm bên ngoài nữa mà nàng muốn có một hình hài phụ nữ trọn vẹn bằng quyết tâm phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Có lẽ Einar Wegener sẽ không thể thực hiện được ước mơ của mình, nếu không có sự ủng hộ của người vợ Gerda Wegener khi cô dũng cảm chấp nhận người chồng của mình trở thành phụ nữ bằng một cái nắm tay “và tôi cũng tin điều đó” lúc Einar khẳng định mình muốn trở thành Lili Elbe.
.
Nhân vật Einar Wegener trở thành người truyền cảm hứng cho hàng triệu người chuyển giới và lưỡng tính có khát khao được sống đúng với giới tính thật sự của mình, và ngày càng có nhiều nước trên thế giới chấp nhận cộng động LGBT. Có thể nói “The Danish Girl” như một chuyến hành trình đầy tính nhân văn sẽ chạm đến tận cùng cảm xúc của trái tim bạn bằng những tình cảm chân thật nhất cho bất cứ ai thưởng thức bộ phim.
(*) Đôi giày Mary Jane là loại giày mang nét đặc trưng hoài cổ với phần giống giày búp bê và dây buộc cổ chân nhỏ nhắn, xinh xắn tạo cho phái đẹp nét nữ tính, yểu điệu thục nữ đầy thu hút, lãng mạn trong mắt người nhìn.
Xem thêm:
The Danish Girl – Tái sinh trong hình hài khác
Thời trang trong phim: Thiếu nữ tuổi 30 (13 Going On 30)
Thời trang trong phim: Mr & Mrs Smith
Thời trang trong phim: Bữa sáng ở Tiffany (Breakfast at Tiffany’s)
Các bài phân tích về thời trang trong phim khác
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Ly / Nguồn: tham khảo