Được đặt chân đến một buổi trình diễn thời trang Haute Couture là niềm mơ ước đối với tất cả các tín đồ yêu thích thời trang trên toàn thế giới, bởi đây là “thánh địa” của những sáng tạo nghệ thuật không biên giới được bước ra đời thực từ những trang giấy của các nhà thiết kế tài ba. Để hoàn thành một BST Haute Couture phải mất thời gian thực hiện trong bao lâu? Các công đoạn để làm ra những bộ trang phục cao cấp sang trọng, tinh xảo đến từng chi tiết ấy như thế nào? Dior and I của đạo diễn Frederic Tcheng, là một bộ phim tài liệu đặc sắc hé lộ về hậu trường bí ẩn của thời trang Haute Couture Paris một cách chân thực nhất, khi đưa khán giả theo chân NTK người Bỉ Raf Simons lần đầu tiên được mời làm giám đốc sáng tạo cho hãng thời trang danh tiếng Christian Dior, trong khoảng thời gian ngắn ngủi 8 tuần lễ đã thực hiện thành công BST thời trang cao cấp Thu-Đông 2012 làm hồi sinh biểu tượng lẫy lừng New Look của Dior (1947), nhận được rất nhiều lời khen ngợi và đánh giá cao trong giới thời trang.
Thương hiệu cao cấp Dior là niềm tự hào của người Pháp vì danh tiếng của nhà thiết kế thời trang huyền thoại này cùng thành công của những chiếc váy haute couture đỉnh cao, đã đưa thời trang Paris trở lại thời hoàng kim, giành lại thế thượng phong trên thế giới. Chính vì vậy, đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Raf Simons khi ông bắt tay thực hiện BST thời trang Haute Couture đầu tiên, thay thế cho mảng thời trang ứng dụng (ready- to-wear) đã quá quen thuộc trước đây. Vốn là một nhà thiết kế theo trường phái tối giản (minimalism), để có thể thổi hồn cho những thiết kế của mình mang đúng khí chất và phong cách của Christian Dior, Raf đã mất 4 tháng để xem lại các tư liệu trong kho lưu trữ tại nhà Dior, và ông luôn để cho những ý tưởng này được nảy sinh một cách tự nhiên trong tâm trí. Sau đó Raf sẽ tự tay vẽ lại những ý tưởng đã xuất hiện trong đầu vào một cuốn sổ ký họa.
“Haute Couture” là một thuật ngữ tiếng Pháp, trong đó “couture” mang nghĩa “may vá” dùng trong lĩnh vực thời trang, còn “haute” để chỉ sự thanh lịch, sang trọng hay cao cấp. Bộ trang phục haute couture là tác phẩm nghệ thuật, mọi chi tiết trên trang phục từ đều phải được cắt, may và thêu bằng tay để đảm bảo độ hoàn hảo và độc nhất, các phụ kiện trang trí cho đến khuy, nút đi kèm được thiết kế dành riêng cho từng sản phẩm chứ không phải là hàng công nghiệp hay thủ công sản xuất đại trà có thể mua sẵn bên ngoài thị trường. Do đó, các khâu sản xuất từng công đoạn đều được làm một cách tỉ mỉ, cẩn thận và giám sát nghiêm ngặt bởi các nghệ nhân bậc thầy nơi đây. Đạo diễn Frédéric Tcheng chia sẻ: “Những nghệ nhân nhỏ bé lại là những con người vĩ đại, là trung tâm của những gì tôi muốn thể hiện trong phim. Tôi đã học được rất nhiều từ họ, khám phá ra công việc thực sự đằng sau những bộ trang phục haute couture. Họ rất khiêm tốn và có sự cống hiến cao cả”.
“Flower women” (Phụ nữ đẹp như hoa) là nguồn cảm hứng chủ đạo của bộ sưu tập New Look 1947 đã được “tái hiện” lại với 300.000 bông hoa tươi phủ ngập các bức tường của năm căn phòng khánh tiết bằng các sắc hoa khác nhau gồm hoa yến thảo xanh lam biêng biếc, lan hồ điệp trắng muốt tinh khôi, hoa hồng cam pha lẫn đỏ rực rỡ xen lẫn mẫu đơn hồng ngọt ngào được thực hiện trong 48 giờ để làm nên “khu vườn” catwalk lộng lẫy cho buổi trình diễn thời trang haute couture mùa Thu-Đông 2012.
Những tuyệt tác lộng lẫy được thổi luồng sinh khí mới qua cách thiết kế hiện đại, tối giản nhưng tiềm ẩn sự xa hoa trong kỹ thuật xử lý chất liệu, đã tôn vinh di sản Dior trên cả tuyệt vời – đó là những ấn tượng về BST haute couture đầu tiên Raf Simons thực hiện cho cố nhà thiết kế thời trang danh tiếng nước Pháp. Hamish Bowles, một nhà báo của tạp chí Vogue nhận xét: “Thật thú vị khi được chứng kiến cách anh ấy thổi hồn vào những ý tưởng cũ”.
Dior and I chính là thước phim đánh dấu cột mốc lịch sử quan trọng của thương hiệu cao cấp Dior khi tìm được người kế thừa xứng đáng sau hơn một năm, kể từ khi phải sa thải nhà thiết kế lập dị lắm tài nhiều tật John Galliano vì say xỉn và phân biệt chủng tộc.
—
Xem thêm
Thời trang trong phim: Bữa sáng ở Tiffany (Breakfast at Tiffany’s)
Thời trang trong phim: Coco Before Chanel
Thời trang trong phim: Du Khách Bí Ẩn (The Tourist)
Các bài phân tích về thời trang trong phim khác
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Ly Ảnh: Tư liệu