Thời trang Việt Nam qua các thời kỳ
Với lịch sử lâu đời và nền văn hóa độc đáo, trang phục của người Việt đã trải qua nhiều thời kỳ và mang những nét đặc thù riêng.
Trong những năm gần đây, thời trang Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển của đất nước. Ngày càng có nhiều nhà thiết kế tài năng, nhiều thương hiệu “made in Vietnam” và nhiều chương trình thời trang đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, chuyện ăn mặc của người Việt không phải đến bây giờ mới khởi sắc. Với lịch sử lâu đời và nền văn hóa độc đáo, trang phục của người Việt đã trải qua nhiều thời kỳ và mang những nét đặc thù riêng.
Trước 1945, trang phục của người Việt mang đậm dấu ấn phong kiến và được phân biệt theo tầng lớp xã hội. Nếu trang phục của vua chúa, quan lại chịu ảnh hưởng của triều đình phong kiến Trung Quốc thì quần áo của thường dân lại rất đa dạng như áo nâu sòng, quần lụa đen, áo tứ thân, áo yếm, áo dài, vấn khăn mỏ quạ, đội nón quai thao… Trong thời kỳ Pháp thuộc, trang phục bắt đầu có sự giao thoa với thời trang phương Tây thông qua những chiếc váy xòe, đầm cách tân được phụ nữ quý tộc ưa chuộng mà điển hình là Hoàng hậu Nam Phương.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trang phục có nhiều thay đổi do sự Âu hóa nhanh chóng tại khu vực thành thị. Ở miền Bắc, phổ biến nhất là loại áo kaki bốn túi thường được mặc bởi các cán bộ, viên chức, trí thức. Ở miền Nam, ngoài áo bà ba, nhiều người bắt đầu mặc áo sơmi. Riêng tầng lớp trí thức Sài thành ăn mặc hoàn toàn giống phương Tây: đàn ông mặc áo sơmi kết hợp với vest không tay, quần Âu vải, đi giày Tây da bóng, phụ nữ mặc váy hoặc áo dài cách tân. Còn ở miền Tây, áo sơmi trắng, quần Âu có dây đeo qua vai và mũ beret là trang phục điển hình của các công tử nhà giàu.
Sau năm 1975, hay đúng hơn là sau công cuộc đổi mới, các quan niệm, tư tưởng dường như cởi mở hơn cùng với quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa. Đây là giai đoạn thời trang Việt Nam phân hóa đa dạng và phát triển với tốc độ chóng mặt.
Đa số đàn ông thời kỳ này đều mặc quần Tây, áo sơmi ôm, ve áo và măng sét to bản. Các loại áo thun, áo ba lỗ cũng bắt đầu trở nên phổ biến và phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, họa tiết… Trong khi đó, trang phục của phụ nữ vẫn giữ được yếu tố truyền thống và gắn liền với đặc điểm vùng miền. Phụ nữ nông thôn miền Bắc vẫn mặc áo cánh nâu cổ tròn hoặc cổ tim, quần đen bằng vải lụa bóng, đầu vấn khăn vuông. Những người phụ nữ hoạt động cách mạng và làm cán bộ lại mặc áo sơmi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn, chất liệu kaki và thường có màu xanh, xám hoặc be hồng. Ở miền Nam, trang phục phổ biến vẫn là áo sơmi, áo thun và các loại váy đối với tiểu thương, trí thức; áo bà ba đối với nông dân.
Kể từ năm 1954, áo dài được nhiều nữ sinh mặc đến trường. Áo dài thời kỳ này có tà rộng nhưng ngắn hơn bây giờ, eo cũng rộng hơn, cổ cao có lót cứng, ống tay hẹp. Vài năm sau, bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu) tung ra kiểu áo dài cổ thuyền. Ban đầu, kiểu áo này bị phản đối dữ dội, nhiều người cho rằng nó đi ngược lại với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, áo dài cổ thuyền lại rất thịnh hành sau đó và vẫn được ưa chuộng cho đến hôm nay.
Các loại áo, váy, đầm của nữ giới ngày càng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, chất liệu: sơmi cổ tròn, cổ bẻ, không cổ, cổ khoét sâu hình bầu dục, cổ ngang, cổ vuông… tay ngắn, tay dài, tay phồng, tay lỡ… may bằng vải trắng, vải màu hay vải hoa; Váy thì có váy dài, váy ngắn, váy xòe, váy phồng, váy chữ A, may xếp li hoặc bó sát. Sau năm 1968, chiếc váy mini bắt đầu du nhập vào Việt Nam và được phái nữ ưa chuộng, váy ngắn trên đầu gối, càng ngắn càng thời trang. Quần jeans cũng trở nên phổ biến trong thời kỳ này, đặc biệt là kiểu ống loe 30cm – 40cm, kết hợp với thắt lưng da to bản.
Kể từ đó đến nay, thời trang Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng, vấn đề ăn mặc ngày càng được quan tâm nhiều hơn, người Việt Nam bắt đầu lựa chọn trang phục theo phong cách và không ngừng cập nhật xu hướng thời trang thế giới. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những nhà thiết kế tài năng, sự ra đời của vô số thương hiệu, cửa hàng, trung tâm mua sắm… cho thấy bức tranh sôi nổi của ngành công nghiệp thời trang ở Việt Nam.
—
Xem thêm
20 sự thật thú vị về ngành công nghiệp thời trang
Bài: Đoàn Trúc (Tổng hợp)
Ảnh: Tư liệu