Thời trang của phụ nữ trong những năm 1950s phản ánh sự kết hợp phức tạp của chủ nghĩa bảo thủ và vẻ đẹp quyến rũ. Những người phụ nữ trải qua sự thiếu thốn của cuộc Đại Khủng hoảng và Chiến tranh Thế giới thứ II, giờ đây đã có đủ khả năng tiếp cận những phong cách mới và đón nhận tất cả những thay đổi của thời trang.
Bối cảnh lịch sử
Trong năm 1950, lợi nhuận kinh tế đã tạo ra một lớp người tiêu dùng mới, cho phép các gia đình sống thoải mái với thu nhập có được. Tuy nhiên, những người phụ nữ từng làm việc ở các nhà máy trong Chiến tranh Thế giới thứ II đều bị sa thải hoặc bỏ việc, chuẩn mực về tính nữ quay trở lại với hình ảnh người nội trợ. Có lẽ, sự sợ hãi tiềm ẩn về bom hạt nhân, những thay đổi xã hội từ các phong trào dân quyền, cuộc chạy đua vũ trang và các đảng phải chính trị… đã khiến con người phải khao khát một cuộc sống đơn giản. Sự đơn giản trở thành tiêu chuẩn của cuộc sống lý tưởng được mô tả trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Thời gian này, truyền hình có ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động giải trí, tin tức, phong cách sống và cả các xu hướng thời trang.
The New Look
Christian Dior ra mắt bộ sưu tập New Look vào năm 1947. Với áo jacket thít chặt eo và váy xòe dài qua gối, New Look ngay lập tức gây tiếng vang, không chỉ nhắc lại một phong cách mang tính lịch sử giữa thế kỷ 19 mà còn đặt những nốt nhạc mới cho thập kỷ tiếp theo.
Chân váy lớn cần có sự hỗ trợ đắc lực của một lớp váy lót làm từ lưới nilon, chúng gợi nhớ về những vòng khung, lồng sắt thưởng sử dụng để làm phồng chiếc váy của phụ nữ quý tộc – di sản của những năm 1850s. Trong một số trường hợp, lớp váy lót này lộ ra khỏi viền váy và được làm nổi bật bởi màu sắc độc đáo.
Quần áo trong suốt những năm chiến tranh thường có màu sắc đơn điệu, kiểu dáng thô cứng và hạn chế sử dụng vải đến mức tối đa do thiếu hụt nguyên liệu. Chính vì vậy, việc Dior dùng gần 20m vải để tạo ra một chiếc váy đã thực sự tạo nên chấn động. Thiết kế của Dior được phụ nữ khắp nơi đón nhận, trở thành phong cách thời trang không bao giờ lỗi mốt và vẫn còn được ưa chuộng cho đến ngày hôm nay.
Chân váy xòe và váy sơmi
Những chiếc áo jacket suit vẫn xuất hiện đầy nữ tính với chi tiết chít eo và xòe ở hông. Mặc dù Coco Chanel đã trình làng thiết kế nổi tiếng Chanel suit với các chi tiết tối giản, vai ngang và đề cao yếu tố thoải mái, nhưng hình ảnh những chiếc eo nhỏ vẫn được phụ nữ ưa chuộng hơn cả.
Trong ngày thường, phụ nữ thường mặc váy rộng mà không cần lớp váy lót, tạo cảm giác mềm mại, nhẹ nhàng. Biến thể từ phong cách New Look, chân váy dài qua gối thường được kết hợp với áo thun hoặc áo sơmi.
Một dạng khác của phong cách này là váy sơmi chít eo. Đừng nhầm lẫn với váy sơmi suông hiện đại, váy sơmi thời kỳ này có kiểu dáng giống New Look, được may liền bằng vải sơmi và có thắt lưng. Đây là kiểu váy phổ biến nhất được mọi phụ nữ lựa chọn.
Riêng những chiếc váy có dây buộc cổ thường được mặc ở bãi biển, trong các chuyến picnic mùa hè hoặc khi đi tiệc.
Phụ nữ mặc quần
Khi phụ nữ mặc quần để làm việc tại các nhà máy trong Chiến tranh Thế giới thứ II, họ khám phá ra một loại trang phục tự do và thoải mái. Từ quần ống rộng của bà chủ cho đến quần bó sát của thủy thủ hay quần shorts ngắn, những chiếc quần đã thâm nhập mạnh mẽ vào thời trang của phái nữ, điều mà trước đây vẫn được xem là cấm kỵ.
Phụ nữ thường mặc quần shorts ở nhà hay ở bãi biển với áo blouses hoặc áo sơmi buộc vạt. Quần đùi thường dài đến đầu gối trong khi quần lửng dài đến bắp chân. Tuy nhiên, đối với các dịp quan trọng, khi vào trung tâm thành phố hay đến nhà thờ, váy vẫn là trang phục bắt buộc đối với phụ nữ.
Họa tiết phổ biến
Sau các màu sắc nhàm chán của thập niên 40s, họa tiết in trở lại với một cuộc đổ bộ của các loại sọc, hoa, chấm bi… Những chiếc váy hoa sặc sỡ trở nên nổi bật khi kết hợp với áo top ngắn tay đơn sắc. Các loại sọc rất đa dạng, từ sọc ngang đen trắng cho đến sọc xanh đậm mảnh trên nền vải sáng màu. Chấm bi là biểu tượng của sự nữ tính, được đặt trong các màu sắc tương phản như đỏ – trắng hay xanh dương – trắng. Các chi tiết thêu hoặc đan móc thường xuất hiện ở phần viền của một chiếc váy rộng. Ngoài ra, ký hiệu một chú chó poodle còn trở thành biểu tượng của phong cách thời trang thập niên 50, ngày nay, chúng thường xuất hiện trong các buổi tiệc cổ điển hoặc trong ngày lễ Halloween.
Phụ kiện
Găng tay: Một người phụ nữ ăn mặc sành điệu là phải đeo găng tay và đội mũ khi ra khỏi nhà, ngay cả trong những dịp bình thường nhất. Phổ biến nhất là kiểu găng tay dài đến khủy tay, thường được mặc với trang phục sang trọng trong các buổi tiệc đêm như áo tay ngắn và chân váy xòe. Găng tay ngắn thường kết hợp với suit hoặc áo tay dài.
Mũ: Mặc dù The New Look giới thiệu kiểu mũ rộng vành nhưng loại mũ nhỏ lại chiếm ưu thế trong những năm 1950. Mũ nhỏ gọn gàng được trang trí bởi mạng che mặt trở nên phổ biến với các gam màu pastel.
Kính: Kính mát trở thành tuyên ngôn thời trang và mang những đặc trưng thiết kế mới như kiểu kính mắt mèo với cạnh nhọn, gọng nhiều màu.
Trang sức: Cổ điển và kín đáo. Ngọc trai hay ngọc trai giả là những chiếc vòng cổ mang tính biểu tượng của thời trang thập niên 50. Hạt nhựa cũng là một phụ kiện phổ biến.
Xem thêm:
1 món đồ 2 phong cách: Thời trang thập niên 70
Thời trang thập niên 60 trong phim Tổ Chức Bóng Đêm
Phong cách thập niên 70s từ thời trang Mango
Thời trang trong phim: Coco Before Chanel
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc Ảnh: Tư liệu