Thời trang / Thế giới thời trang

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 1: Cái tên từng bị khước từ!

Có phải tối giản là giản lược chi tiết, càng đơn giản càng tốt? Minimalism trong thời trang - "Less is more" thật sự là gì? Khi nào thì "Less is less" và "how much less thì ra more"?

trường phái tối giản

Rất hiếm có một trường phái hay triết lý trong thiết kế thời trang được tái sử dụng một cách liên tục và bởi những tên tuổi thiết kế sừng sỏ qua từng thập kỉ như Minimalism (Tối giản): Từ cách mạng Tối Giản ứng dụng của Coco Chanel, Balenciaga, qua Tối Giản tái kết cấu mở ra bởi người Nhật và Martin Margiela, tới Tối Giản của thì tương lai Hussein Chalayan…

Minimalism là một bài toán khó, một trò chơi đòi hỏi nhiều chất xám, nếu không muốn nói chỉ những bộ óc thiên tài mới có khả năng “Trình bày những suy nghĩ phức tạp một cách thật đơn giản” như cách mà Donald Judd mô tả những tác phẩm nghệ thuật đầy tranh cãi của mình và một nhóm các đồng môn, nghệ sĩ New York những năm 1960s.

Câu nói của Judd đã tóm tắt cả định nghĩa về tư duy trường phái tối giản trong thời trang khi tiền đề của nó là hướng đến những sáng tạo mang tính ứng dụng và thực dụng nhưng mang trong nó tinh tế đỉnh cao của kỹ thuật chế tạo womenswear.

Có phải tối giản là giản lược chi tiết, càng đơn giản càng tốt? Minimalism trong thời trang – “Less is more” thật sự là gì? Khi nào thì “Less is less” và “how much less thì ra more”?

Cái tên bị khước từ

trường phái tối giản thời trang

(Ảnh: Samuji Studio)

Cụm từ Minimalism chính thức được dùng để gọi trường phái nghệ thuật bùng nổ ở Mỹ thập niên 60s với những cái tên tiêu biểu như Donald Judd, Frank Stella, Carl Andre và một nhóm các nghệ sĩ muốn gạt bỏ đi những hình thức thể hiện nghệ thuật truyền thống trong tranh vẽ và điêu khắc. Họ chọn theo đuổi một hình thức mới mà tác phẩm càng ít phụ thuộc vào hiện thân vật lý của sự vật càng tốt. Đây chính là lý do vì sao các tác phẩm nghệ thuật tối giản thời kỳ đầu hứng chịu nhiều chỉ trích và công kích của dư luận. Họ không biết đây có được gọi là nghệ thuật khi các bảo tàng và các buổi triển lãm tác phẩm thuộc trường phái tối giản “chẳng có gì để xem”.

Có một số ý kiến của giới chuyên môn cho rằng Minimalism là bước kế thừa của trường phái trừu tượng ấn tượng (Abstract Expressionism) những năm 50, nhưng những nghệ sĩ được xếp vào trường phái Tối giản đều phủ nhận điều này như cách họ phủ nhận chính tên gọi trường phái nghệ thuật được gán cho các tác phẩm của mình.

Một số nhà thiết kế thời trang cũng có thái độ tương tự, họ muốn được gọi là các purist (người theo chủ nghĩa thuần khiết – purism) hơn là minimalist. Vì chính cả bản thân họ cũng nhận định rằng cụm từ Minimalism – tối giản mang ẩn nghĩa liên quan đến sự khô khan trống rỗng, tuy nhiên, trong nghệ thuật hay thời trang, cụm từ ‘minimalism’ chỉ đóng vai trò phân loại chứ không hề có bất kỳ phân biệt về giá trị. Và cần phải làm rõ ở đây, cụm từ ‘minimalism’ dùng cho thời trang thuộc về trường phái thiết kế lấy việc tối giản hóa trong kỹ nghệ may mặc làm mục tiêu tối thượng, điều này không hề liên quan gì tới tối giản hóa trong nghệ thuật (tranh vẽ, điêu khắc, sắp đặt), dù cho định nghĩa về tối giản của hai lĩnh vực tương tự nhau, nhưng trường phái tối giản trong thời trang và tối giản trong nghệ thuật mang những nguyên lý rất riêng của chúng. Và trường phái tối giản hay minimalism tồn tại trước cả khi người ta gọi chúng là minimalism.

trường phái tối giản trong thời trang

Minimalism bắt đầu từ đâu?

Nên nhớ một điều, trước khi xuất hiện khái niệm về minimalism, vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, các nhà thiết kế thời trang và các kiến trúc sư đã sáng tạo và làm việc với nhận thức theo chủ nghĩa Hiện đại – Modernism. Mầm mống của áo quần theo chủ nghĩa trường phái tối giản không đến từ các nhà thiết kế thời trang, mà từ các họa sĩ tân cổ điển giai đoạn 1880-1900 như Albert Moore và Edward Brune-Jones. Phụ nữ trong các bức họa của họ mặc những chiếc váy chiton bồng bềnh kiểu Hy Lạp, khác hẳn trang phục phụ nữ kiểu mẫu thời đó: cầu kỳ, nhiều lớp, corset siết chặt tạo các đường cong, váy nhiều tùng dài phủ gót với các chi tiết trang trí nơ, đăng-ten, ren…

Và luôn luôn, một chiếc mũ rộng vành đính hoa lá hẹ, lông vũ cầu kỳ là thứ không thể thiếu. Một người phụ nữ tiến bộ ở thời điểm đó đã nói rằng “Thật ghê tởm. Làm thế nào mà não có thể hoạt động được bên dưới chiếc mũ đó chứ?“. Chính những bức họa tân cổ điển, sự vướng víu tù túng tạo ra bởi những chiếc váy Edwardian và Isabel Duncan, nữ vũ công ba lê đã mang đến phong cách nữ thần Hy Lạp trong lối ăn mặc cho tầng lớp beau monde thượng lưu thời bấy giờ, đã là nguồn cảm hứng cho Mariano Fortuny y Madrazo – nhà thiết kế Venetian gốc Tây Ban Nha tạo ra chiếc đầm Delphos vào những năm đầu của thập niên 20s.

Các nguyên lý của thiết kế tối giản ngày nay của các nhà thiết kế như Zoran hay Donna Karan thừa hưởng rất nhiều từ chiếc Delphos dress. Chính thiết kế vượt thời gian này đã khiến Fortuny trở thành nhà thiết kế theo chủ nghĩa anti-fashion đầu tiên.

trường phái tối giản thời trang cao cấp

Chiếc đầm Delphos kinh điển của Fortuny (Ảnh: Fountainhead Antique Auto Museum)

Một điểm chung của tất cả các nhà thiết kế minimalist chính là tái định nghĩa và cô đặc quá trình để tìm ra tận cùng bản chất sự thể hiện qua áo quần, mà không bị phiền nhiễu bởi các hệ tư tưởng hoặc các xu hướng có tính thương mại. Và nói đến việc không tôn trọng các hệ tư tưởng, không thể nói đến người phụ nữ đã tỏ ra kinh hãi với những chiếc mũ Edwardian được nhắc đến ở trên, năm 1910 đã mở một cửa hàng mũ trên đường Rue Cambon ở Paris với những chiếc mũ tinh giản do chính mình thiết kế. Người đó, không ai khác chính là Coco ‘Gabrielle’ Chanel.

Nhóm thực hiện

Thư Vũ (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Sưu tầm) Tham khảo từ các nguồn: \"Pictures Of Nothing\" - Vandernoe/ \"Less is more: minimalism in fashion\" - Harriet Walker/ \"Buddha mind in contemporary art\" - Jacquelyyn Baas
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)