Thời trang / Thế giới thời trang

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 3: Sức sống mới, sáng tạo mới!

Sau khi hình thành, phát triển, lan rộng rồi khủng hoảng, phong cách tối giản trong thời trang đã có những bước thăng hoa nhất định trong những năm gần đây và trở thành một trong những trường phái được yêu chuộng nhất.

Tối giản cuối thế kỉ XX – chủ nghĩa Thuần Khiết

Minimalism – chủ nghĩa tối giản thập niên cuối 80s đầu 90s chia ra làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất thừa kế tinh thần của người Nhật trong làn sóng avant garde minimalism nhưng không nhằm mục đích thiết kế để gây sốc trong các show trình diễn như Comme Des Garcons (ngoại trừ trường hợp của Martin Margiela). Các tên tuổi trong nhóm này có thể kể đến Ann Demeulemeester, Martin Margiela, và Helmut Lang. Nhóm này lựa chọn sử dụng sắc đen hoặc nhóm tông màu tối, trầm buồn vì chúng thể hiện sự nghiêm cẩn, hướng nội, phi nữ tính, và đôi khi thanh khiết hơn cả sắc trắng khi chúng không mang bất kỳ một dấu chỉ giới tính nào.

Nhóm thứ hai là các purist – những NTK theo chủ nghĩa thuần khiết (chủ yếu là người Mĩ và Ý). Nhóm này lại ưu tiên sáng tạo với sắc trắng chủ đạo vì nó phản ánh cảm quan tối giản từ sự nhẹ nhàng, thể thao, thoải mái và hiện đại. Và những nhà mốt theo chủ nghĩ thuần khiết có thể kể đến như Donna Karan, Giorgio Armani, Jil Sanders và không thể không nói tới Calvin Klein với tính Mỹ thực dụng trong những thiết kế có tiền đề từ thời trang đường phố của mình. Đây cũng chính là những cái tên góp phần đem đến tính thương mại cho thời trang tối giản qua các thiết kế thanh khiết, chic, mang tính ứng dụng cần thiết, được tạo ra với kĩ thuật phức tạp, tính cao cấp trong thời trang nằm ở đó.

Tối giản của Armani và Karan là sự kết hợp hoàn hảo giữa thực tế và khát khao, giữa thời trang ứng dụng và thời trang xa xỉ. Điểm chung của những nhà thiết kế theo chủ nghĩa thuần khiết khiến họ làm mưa làm gió thời trang giai đoạn 1987 -1995 chính là “tính chuẩn xác trong kĩ thuật”, nói như Sanders, “Chất liệu mang chất lượng của nghệ thuật, sự thoải mái, tính trung thực, và sự minh bạch, tính đồng điệu, chủ nghĩa hoàn hảo trong việc tập trung vào giải pháp khả thi tốt nhất, và một tinh thần sắc bén, mang tính đương đại”

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 3: Sức sống mới, sáng tạo mới!

Từ trái sang: Thiết kế tối giản cuối thập niên 90s của Jil Sander, Donna Karan, Giorgio Armani (ảnh: Getty)

Nhưng nếu như sự diễn dịch minimalism của Karan và Armani đều kế thừa di sản về nguyên lý thiết kế tối giản của những thập niên trước, khác tối giản của Jil Sanders với những thiết kế mang đến cảm nhận ultra modern hoàn toàn mới. Đây chính là lý do vì sao sau khi Sander rời ghế giám đốc sáng tạo của thương hiệu, năm 2005, người được chỉ định thay thế không ai khác chính là nhà thiết kế với tư duy thiết kế thuần tối giản của người Bỉ – Raf Simons. Cảm nhận của Simons vô cùng ăn rơ với cảm nhận của chính Sander rằng quần áo không nên là thứ gây ức chế người mặc chúng, nên là thứ phản ánh tính cách của người phụ nữ mà không cần phải ‘trình bày’ giới tính của cô ấy, một nguyên lý truyền thống của trường phái tối giản.

Những tay chơi tối giản cự phách thời Simons for Jil Sander còn có những cái tên như Bruno Pieters, Ricardo Tisci thuộc Givenchy và Gareth Pugh. Nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa Simons và các minimalist khác chính là việc chuộng các tông màu neon rực rỡ, thậm chí các tông pastel lãng mạn thay vì các gam trung tính, hay độc một sắc đen, sử dụng cho các loại vải từ cao su hóa neoprene, cho tới chiffon và vải xô. Chính điều này nhấn mạnh cho cảm nhận của Simons hướng đến tính hiện đại trong đời sống hằng ngày. Thiết kế của Simons mang tính thương mại cần thiết vào sự thỏa mãn thị giác. Chính tinh thần và ý thức về tính thực tế đi kèm với nghệ thuật trong thiết kế trang phục này, giúp Dior tăng 60 phần trăm doanh số sau khi Simons rời Sanders về ngồi ghế giám đốc sáng tạo tại Dior và lựa chọn thay máu toàn bộ Dior thời John Galliano với các thiết kế theo trường phái ‘more is more’ của ông.

Vào những năm 90s, việc ăn mặc đơn giản một lần nữa trở thành một hành động mang tính ‘đạo đức’ giống như nó đã từng có vào thời Đệ Nhị Thế Chiến. Giữa suy thoái kinh tế và khủng hoảng toàn cầu, người tiêu dùng quan tâm hơn bao giờ hết tới chất lượng và sự ẩn danh trong quần áo. Họ muốn thứ gì đó mà họ có thể mặc nhiều lần tới nhiều nơi trong nhiều năm khiến người tiêu dùng bắt đầu hướng đến các thương hiệu và thiết kế theo trường phái tổi giản.

Đến nửa đầu thế kỉ 21 với làn sóng tối giản mới: tối giản Jil Sander phiên bản Raf Simons, tối giản mang tính thực nghiệm của Hussein Chalayan, Gareth Pugh, và tân binh Rick Owens đã gieo hạt giống của sự tái sinh trường phái minimalism trong thời trang và trở thành trường phái được ưa chuộng bởi người tiêu dùng toàn cầu thuộc phân khúc mainstream. Minimalism chính thức không còn là cuộc chơi của riêng nội giới high-fashion – thời trang cao cấp với khủng hoảng và thắt chặt tài chính 2008 và sự nhập cuộc của các tay chơi mới với giá thành dễ chịu và công nghệ mass production sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu mua sắm của số đông như Uniqlo và COS

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 3: Sức sống mới, sáng tạo mới!

Thiết kế của Raf Simons cho Jil Sander trong BST Fall 2012 (Ảnh: FashionGoneRogue)

Tối giản trong Kỷ Khủng Hoảng

Nếu như Minimalism đã từng là một bước chuyển mình trong thời trang mang tính xã hội (như đối với Chanel và cuộc cách mạng thời trang nữ giới), văn hóa, và chính trị (như American sportswear được tạo ra bởi người Mĩ khi đương đầu với hai cuộc thế chiến), thì cuộc tái sinh của minimalism vào thế kỷ 21 chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi kinh tế tiêu dùng.

Minimalism trở thành một giải pháp các thương hiệu dùng để đảm bảo doanh số trong thời kỳ kinh tế ảm đạm. Khi người tiêu dùng rõ ràng có ít tiền hơn để chi tiêu cho quần áo, họ dĩ nhiên sẽ muốn mua những thứ mặc bền và không lỗi thời quá nhanh. Đồng thời thói quen mua sắm cũng dần thay đôi khi truyền thông bắt đầu cảnh tỉnh người dùng những tác động xấu và lãng phí nhiên liệu tạo ra bởi fast fashion. Người tiêu dùng hiện đại chấp nhận chi thêm một ít cho chất lượng quần áo để giảm thiểu chi phí năng lượng tự nhiên, chất thải và ô nhiễm môi trường tạo ra bởi việc sử dụng thời trang ăn liền.

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 3: Sức sống mới, sáng tạo mới!

Trái: Thiết kế và nhận diện thương hiệu đậm tính tối giản của COS – Phải: Thiết kế thuộc BST Uniqlo x Jil Sander.

Tháng ba 2007, H&M tung ra thị trường thương hiệu COS với các thiết kế đơn giản mang tính thẩm mỹ cao cấp có giá nằm giữa thời trang thiết kế và quần áo high-street. “COS trầm lặng và thật chic. Một chút Jil Sander, một ít Helmut Lang”, cây viết phê bình Polly Vernon so sánh COS với các tên tuổi thiết kế gắn liền với trường phái tối giản trong thời trang.

Đến Thu – Đông 2009-2010, khi một tay chơi thời trang highstreet khác là Uniqlo tung bộ sưu tập hợp tác với Jil Sander đã đánh dấu đỉnh điểm sự tái sinh của minimalism trong thời trang. Cái bắt tay mang ý đồ đến từ hai đầu thị trường này đã ‘làm lóe lên một cuộc cách mạng’ như lời Suzy Menkes và là ‘hành động của những thiên tài’ theo Calgary Avansino của Vogue Anh. Uniqlo đã mang thời trang tối giản tới một nhóm khán giả rộng lớn hơn bao giờ hết.

Trong kỷ khủng hoảng, một lần nữa nguồn nhân lực nữ giới và số lượng phụ nữ nắm giữ những vị trí chủ chốt tăng lên một cách nhanh chóng. Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh đó, họ cần một tủ quần áo phù hợp với danh tính của mình. Và bộ sưu tập đến từ các nhà thiết kế như Stella McCartney, Phoebe Philo (Celine), và Hannah MacGibbon (Chloe) mang đến cho họ đích xác thứ mà họ cần.

Bộ sưu tập Spring Summer 2010 Philo thiết kế cho Celine có tính định nghĩa thế kỷ về ứng dụng sự tươi mới và tinh gọn của minimalism trên quần áo nữ giới. Những mùa sau đó Phoebe Philo tiếp tục làm mưa làm gió toàn bộ ngành công nghiệp thời trang với các thiết kế mang tính ứng dụng và dĩ nhiên đi kèm là tính thương mại cao. Đây đồng thời là những thiết kế được xử lý vô cùng thông minh và đáng ngưỡng mộ. Thiết kế của Philo đại diện cho hiện thân mới của minimalism – thời trang tối giản mang trong nó một sự cân bằng hài hòa giữa tính hàn lâm và thương mại.

Và triết lý thiết kế này, cùng với sứ mệnh thiết kế phục trang đáp ứng nhu cầu của phụ nữ hiện đại của Phoebe Philo được tiếp nối bởi những cái tên đình đám khác như Victoria Beckham, Alexander Wang và thậm chí cả Raf Simons. Khi về ngồi ghế giám đốc sáng tạo tại Dior, Simons đã mang đến một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho nhà mốt già cỗi này.

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 3: Sức sống mới, sáng tạo mới!

Từ trái: Thiết kế nằm trong BST S/S2010 của Celine. Phoebe Philo mang đến cho phụ nữ thê kỉ XXI chính xác thứ mà họ cần. Chi tiết của thiết kế thuộc BST SS10 của Celine. Thiết kế thuộc BST AW11 của Jil Sander.

Sàn diễn Xuân Hè 2017 chứng kiến các bộ sưu tập theo trường phái minimalism từ các thương hiệu đình đám nhất như Loewe, Hermes, Bottega Veneta, Jil Sander. Họ cho ra đời các bộ trang phục trông vô cùng dễ mặc nhưng tuyệt nhiên không hề dễ thiết kế và sản xuất. Đó là những chiếc váy suông xếp nếp chuẩn xác từng đường pli, may từ loại vải thượng hạng nhất, tạo dáng theo từng chuyển động của ngừoi mặc, một bảng màu ballet nhạt, và dĩ nhiên một vùng trời không có sự tồn tại của họa tiết hay diềm bèo, đăng ten. Điều này chứng tỏ, minimalism tồn tại mạnh mẽ đến tận bây giờ, nó chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có hồi kết.

Thiết kế đến từ các thương hiệu và nhà thiết kế theo trường phái minimalism không bao giờ “out of trend” vì điểm đặc biệt của các nhà thiết kế theo trường phái minimalism là họ rất hiếm khi chịu ảnh hưởng bởi xu hướng. Họ sở hữu một tư duy thẩm mỹ mang đậm dấu ấn cá nhân luôn giữ vai trò trọng tâm trong các thiết kế của họ qua từng mùa cho tới khi họ cảm thấy mình đã vắt kiệt nó và vắt kiệt chính sự sáng tạo của mình với nó.

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 3: Sức sống mới, sáng tạo mới!

Pheobe Philo, Stella McCartney, Victoria Beckham, các NTK nữ đương đại với các BST nổi tiếng thấm đẫm tinh thần tối giản.

Minimalism không chỉ đại diện cho các thiết kế ấn tượng, của các phát kiến, chủ nghĩa tư tưởng và sự giàu có của lịch sử thời trang, mà nó còn thành hình từ chính sự phát triển của con người và xã hội. Minimalism khiến nó trước hết trở thành một trường phái mang ý nghĩa của việc phụ nữ hoàn toàn có thể sở hữu và tự chủ cuộc sống của riêng họ.

Tối Giản từ lâu đã vượt ra khỏi một chuẩn mực của hiện đại trong lối ăn mặc, trở thành một chuẩn mực hiện đại của cả một lối sống. Không có câu trả lời cụ thể nào cho câu hỏi ‘How much less is more?’ nhưng chắc chắn một điều ‘Less is more’ cần phải được phân biệt với ‘Simple is better’.


Xem thêm:

[Trường phái tối giản trong thời trang] Phần 1: Cái tên từng bị khước từ!

[Trường phái thời trang tối giản] Phần 2: Cuộc cách mạng lan rộng.

Nhóm thực hiện

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)