Thời trang / Thế giới thời trang

Từ điển vải vóc mà dân mộ điệu thời trang phải biết (phần 2)

Bạn sẽ không còn phải choáng ngợp giữa “mê hồn trận” các loại vải khi đã có từ điển vải vóc này của ELLE.  

Con đường để một bản vẽ thiết kế trở thành một siêu phẩm thời trang phải thông qua… “giao lộ” vải. Tại “giao lộ” này, chỉ cần “quẹo” sai loại vải là tác phẩm có thể không thành hình vì mỗi loại vải đều có một tính chất riêng. Làm sao để chọn vải đúng? Bạn hãy “bỏ túi” ngay từ điển vải vóc này nhé.

E

Elastane (Spandex/ Lycra)

Luôn nằm trong top đầu những loại vải có tính co giãn tốt nhất, các nhà thiết kế thường chọn Elastane chủ yếu cho những quần áo có độ co dãn cao như áo tắm, đồ lót, đồ thể thao hoặc vừa vặn ôm lấy cơ thể… Elastane Không những có khả năng kéo giãn tốt, Elastane còn có độ đàn hồi vượt trội và nhanh khô hơn các loại vải thông thường.

Vải Elastane (Ảnh: AliExpress)

Cách phân biệt: Khả năng kéo giãn cao gấp nhiều lần so với những loại vải khác mà bề mặt vải không bị biến dạng, không tạo xơ chính là đặc điểm quan trọng khi bạn chọn lựa vải Elastane.

Eyelet

Đây là loại vải rất quen thuộc với chúng ta nhưng hầu như rất ít người biết tên chúng. Vải Eyelet là loại vải mỏng, đục lỗ thành nhiều mắt to và thường được mọi người ưa chuộng vì vẻ “kín kín hở hở”, toát lên vẻ thanh lịch, vừa tạo nên cảm giác mới mẻ và đầy quyến rũ cho người mặc

Cách phân biệt: Riêng loại vải này thì bạn khó có thể nhầm lẫn chính vì họa tiết đặc biệt của chúng – có nhiều “mắt” trên bề mặt.

Vải Eyelet (Ảnh: Pinterest)

F

Faille

Tuy làm từ những chất liệu thiên nhiên Cotton, Silk, Faille có kết cấu cứng cáp hơn, làm vải ít nhăn và ít biến dạng hơn. Vải Faille được dùng để làm cà vạt, đầm dạ hội hay váy cưới.

Cách phân biệt: Faille là một loại vải được dệt con thoi đơn giản tạo nên những luống của ruy băng với những sợi dây nhỏ, mịn màng, bóng mượt tinh tế và dễ dàng treo lên. Vải được dệt từ các sợi ngang nặng hơn các sợi vân dọc.

Vải Faille (Ảnh: J.Crew and Weddington Way)

Filberfill

Được làm từ sợi tổng hợp nhẹ và dùng để sản xuất áo khoác, áo vest.

Vải Filberfill (Ảnh:eBay)

Cách phân biệt:

French Terry (Vải thun vảy cá)

4 lý do để vải French Terry là vải thông dụng nhất để làm áo len: Thoải mái – Khô ráo thoáng mát – Dễ kết hợp với phong cách nhiều lớp layer – Co giãn tốt nên thường dùng để sản xuất áo hoodies, áo len, áo khoác, T-shirts…

Cách phân biệt: Mặt phải của vải có bề mặt láng mịn có thể in họa tiết trong khi mặt trái vải có nếp như vảy cá nên thường được gọi là vải vảy cá. Màu sắc của cả hai mặt cũng vì thế mà khác nhau.

 

Vải French Terry (Marc Jacobs)

G

Gabardine

Năm 1879, nhà sáng lập Thomas Burberry (thương hiệu Burberry) đã sáng tạo ra chất liệu vải gabardine độc đáo với cấu trúc tuyệt vời vừa chống thấm nước và tạo sự thông thoáng khi mặc. Gabardine rất phù hợp với kiểu thời tiết đỏng đảnh của London, nóng và mưa của miền nhiệt đới cũng như thời tiết khắc nghiệt của biển Arctic.

Vải sợi Gabardine được dệt chặt, không thoáng khí nên có khả năng chống thấm, cơi nới thêm nhiều ưu điểm khác đi kèm như độ bền cao, nhẹ, chịu nhiệt nên thường dùng trong trang phục thể thao hoặc trang phục quân đội.

Cách phân biệt: Hãy chú ý phần bề phải của vải, sẽ có những đường vân xéo ẩn hiện. Bề trái của vải lại láng mịn hơn hẳn.

 

Vải Gabardine (Ảnh: Burberry)

H

Hemp

Nằm trong top những loại vải đắt nhất nhì thế giới, vải Hemp được các thương hiệu thời trang cao cấp săn lùng. Vải Hemp được dệt từ cây gai dầu (loại cây quý giá có nhiều giá trị dinh dưỡng) nên tính chất đặc trưng của Hemp là độ bền cực cao, chịu nhiệt tốt nhất so với tất cả các loại vải có xuất xứ từ thiên nhiên, có khả năng chống nắng và còn giúp da bạn mịn màng. Vải Hemp được canh tác từ 8000 năm trước chủ yếu để làm thức ăn, quần áo, giấy, vật liệu xây dựng…

Cách phân biệt: Sợi gai dầu bền nhưng nhàu, thường được xử lý để tách sợi, sau đó dệt thành vải. Loại vải này nhìn bề ngoài và khi sờ thì cho cảm giác giống vải linen. Vải gai dầu cho cảm giác ấm áp và mềm mại của chất liệu tự nhiên nhưng rất bền.

Vải Hemp (Ảnh: lesouk)

I

Interlock

Interlock là một loại vải dệt kim đặc biệt có kết cấu đan chặt chẽ. Trong số các loại vải dệt kim, đây là loại có chất lượng tốt nhất. Nó cũng là loại vải mềm nhất. Vải Interlock sở hữu nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn so với các anh em dòng họ dệt kim khác như: cả hai mặt vải đều là bề phải, vải bóng mịn, độ giãn vải thấp. Không quăn mép và khó tuột vòng là hai ưu điểm nổi trội nhất. Áo sơ mi cao cấp, áo tank-top, áo lót, váy cưới, đồ dùng cho trẻ sơ sinh… đều có thể được làm từ vải Interlock.

Cách phân biệt: Mặt trước và sau của vải trông như nhau. Interlock có vẻ như là một loại đan gân với các gân ở cả hai mặt nhưng sau đó có thêm chỉ vào sớ vải để giúp nó bền hơn và trở nên dễ khâu hơn.

Vải Interlock (Ảnh: Armani)

J

Jersey

Thử chọn lấy một cái áo thun bất kỳ và quan sát kỹ từng sớ vải trên đó, nếu bạn thấy vải có hai bề mặt trái phải khác nhau rõ rệt, mặt vải mềm mịn thì 99% đây là vải Jersey. Vải Jersey được làm từ len, Cotton hay Polyester. Nếu Jersey làm từ Cotton hay len thì có khả năng thoát mồ hôi tốt, và được chọn mặc quanh năm. Nhưng hiện nay, Jersey thường được pha với nhiều loại sợi khác như Lycra, Spandex để tăng khả năng co giãn, đàn hồi của vải Jersey; Rayon được thêm vào để khiến thớ vải càng mềm hơn.

Cách phân biệt: Mép vải Jersey dễ quăn. Nếu cạ vải vào bề mặt thô ráp, vải rất dễ xuất hiện hiện tượng tuột vòng sợi – những nút thắt sợi chỉ nhỏ li ti để kết nên một tấm vải hoàn chỉnh.

Vải Jersey (Ảnh: Gucci)

K

Kaki

Quá nhẵn mặt với dân mộ điệu thời trang, vải Kaki được làm từ sợi Cotton, sợi gỗ hay kết hợp với những loại sợi trên. Hiện nay, Kaki còn là sự tổng hòa giữa các sợi vải nhân tạo khác. Ứng dụng của Kaki trải dài trên khắp các “mặt trận thời trang”: từ quần, áo, ba lô…

Cách phân biệt: Vì là loại vải có đặc tính khác biệt nên thường vải Kaki rất dễ nhận biết, đôi khi bạn sẽ hơi “lăn tăn” một tẹo khi so sánh với Chino thì nhớ ngay đặc tính của Kaki nhé: nặng hơn Chino, dày hơn Chino và không có độ ôm sát cơ thể như Chino.

Vải Kaki (Ảnh: Thefashiontag)

L

Lamé – Vải dệt ngân tuyến

Loại vải được dệt từ những sợi chỉ sáng bóng màu vàng, đồng… Thích hợp cho các trang phục lấp lánh vào buổi tối để trở thành “tâm điểm ánh nhìn” như đầm dạ hội, váy, trang phục khiêu vũ… Lamé có nhiều loại khác nhau, phụ thuộc vào thành phần của các sợi khác trong vải.

Cách phân biệt: Chỉ một từ khóa “Lấp lánh” – loại vải nào khi nhìn vào luôn ánh vẻ sáng loáng lấp lánh thì không thể không là Lamé.

Vải Lame (Ảnh: clairechic)

Vải da bao gồm hai loại là da thật và giả da (simili). Da thật được lấy từ da của các loài động vật như bò, heo… Còn Simili, giống như cái tên gọi của nó (simili – nhái), là tên được dùng cho loại vải được chế tạo qua nhiều công đoạn và  cuối cùng là công đoạn đình hình để tạo vân trên mặt sản phẩm. Đến công đoạn cuối cùng, da simili sẽ được đi xử lý trên phần bề mặt, nhuộm màu giúp cho sản phẩm đẹp hơn và trơn láng hơn. Cả da và Simili đều được sử dụng cho các sản phầm giày dép, quần áo, túi xách…

Cách phân biệt: Đối với da, có rất nhiều cách để nhận biết như là hơ lửa, nếu là da thật miếng da bị cháy sém và có mùi khét của hợp chất hữu cơ (mùi giống thịt nướng), còn chất liệu giả da khi cháy sẽ vón cục (giống đốt túi nilon) do có thành phần của nhựa tổng hợp. Làm ướt da, nhỏ vài giọt nước lên bề mặt da, nếu là da thật thì sau vài phút, bạn sẽ thấy vệt nước lan rộng ra, thấm vào da. Do da thật luôn hấp thu độ ẩm, còn chất liệu giả da không thấm nước nên giọt nước sẽ lăn khỏi bề mặt vải giả da…

Vải leather – da (Ảnh: Pinterest)

Linen – Vải lanh

Vải lanh (linen) là một loại vải được làm từ sợi của cây lanh (Linum usitatissimum). Việc sản xuất vải lanh mất nhiều công sức nhưng đây là loại vải rất có giá trị, được ưa chuộng để may quần áo do sự mát mẻ và thoải mái trong thời tiết nóng. Có nguồn gốc thiên nhiên nhưng vải lanh ít nhăn nhàu và dễ bảo quản hơn lụa, đũi, tơ.

Cách phân biệt: Vải lanh cho ta cảm giác mát mẻ khi tiếp xúc. Nó rất mịn màng, làm cho vải thành phẩm không có xơ vải, và càng mềm hơn khi được giặt. Vải lanh có độ bóng tự nhiên cao và sẽ bị đứt nếu nó bị gấp và ủi tại cùng một vị trí một cách liên tục.

Vải Linen (Ảnh: Theidlemen)

Lining – vải lót

Lining (vải lót) là lớp vải mỏng được dùng để lót bên trong hầu hết các loại áo khoác, vest… Một trong những cái thú vị của các loại trang phục ngoài là phần thiết kế và chất liệu của lớp vải lót bên trong. Đối với mỗi loại trang phục, lớp lót thường có nhiều mục đích khác nhau như giữ ấm cơ thể, che đường may bên trong hoặc vải lót được in họa tiết để làm điểm nhấn. Các loại vải thường dùng như là Tafecta (ac), cotton mỏng, vải thun, xa tanh hay cao cấp hơn là lụa tùy vào ý tưởng của nhà thiết kế.

Cách phân biệt: Vải Lining thường được các nhà thiêt kế chọn là loại vải mỏng, mềm vì tiếp xúc trực tiếp với da người mặc.

Vải Lining (Ảnh: SunnyGal Studio)

Lyocell (hay còn gọi là Tencel)

Vải Lyocell là một loại vải làm từ bột gỗ, khả năng thẩm thấu cao nên có thể nhuộm được với nhiều sắc màu độc đáo, kết cấu mỏng nhẹ. Tencel hay Lyocell đầu tiên được bán như là một loại tơ nhân tạo vào năm 1991. Nó có nhiều thuộc tính chung với sợi cellulose như cotton, lanh và gai. Được làm từ cellulose tự nhiên trong bột gỗ nên Lyocel không độc hại và thân thiện với môi trường.

Cách phân biệt: Bạn nghĩ vải Silk là mềm-mượn-mịn nhất ư? Không đâu, Lyocell đã “soán ngôi” của Silk rồi. Hãy vin vào đặc điểm này để phân biệt Lyocell nhé. Ngoài ra, Lyocell còn thấm hút nhanh hơn Cotton, mát lạnh hơn Linen đó, thêm dữ kiện để bạn dễ phân biệt nè mềm mại, thoáng khí, nhẹ, hấp thụ nước rất mạnh mẽ, và có khả năng chống nhăn tốt.

Vải Lyocell (Ảnh: beaumontorganic)

M

Mesh – Vải lưới/ vải mè

Vải dệt tạo thành hiệu ứng mạng lưới, thường được dùng trong các trang phục thể thao.

Cách phân biệt: Tuy đều có nhiều “mắt” trên bề mặt nhưng Eyelet và Mesh vẫn có điểm khác nhau giúp bạn dễ phân biệt. Những “mắt” trên Eyelet được bố trí theo mẫu họa tiết hoa, lá… có sẵn trên vải. Còn “mắt” trên vải Mesh thuần là những khối hình học được đục khắc đối xứng và xuất hiện dày đặc.

Vải Mesh (Ảnh: Thefashiontag)

Microfiber

Đặc điểm mà ai cũng yêu ở vải Microfiber chính là tính năng thấm hút cực kỳ tốt, ít bị nhàu hay ố, điều đó có nghĩa là, bao nhiêu lớp mồ hôi khi tập gym sẽ được lớp áo thể thao làm từ vải Microfiber thấm hút và khô thoáng. Vải Microfiber rất dễ làm sạch, nhẹ và dễ hấp thụ ẩm.

Cách phân biệt: Vải Microfiber chống bụi, chống nước và chống cháy rất tốt, khả năng thấm hút và khô rất nhanh, rất bền.

Vải Microfiber (Ảnh: Pinterest)

Modal

Modal được làm từ chất Cellulose của cây sồi. Vải Modal rất nhẹ, tạo form dáng tốt, ít nhăn và mặt vải bóng mịn. Sợi vải Modal thường được kết hợp với sợi Cotton, Spandex. Loại vải này có khả năng thấm hút tốt nên mỗi khi chạm vào đều có cảm giác “the mát”. Sợi vải giữ hợp chất nhuộm chắc chắn nên sẽ không ra màu khi bạn giặt giũ. Phiên bản cao cấp hơn của Modal là vải Micro Modal – sợi siêu mịn, Modal đã mỏng nhẹ thì Micro Modal còn mỏng nhẹ hơn. Modal ưu việt bởi  các đặc tính: mềm và mát của cotton, mịn và óng của lụa và đặc biệt rất thoáng khí, thấm hút tốt, không nhăn và ko bị tích điện, rất thích hợp làm chăn ga gối đệm

Cách phân biệt: Vải Modal mềm và mát như cotton, mịn và óng như lụa, chống nhăn tốt và không bị dính vào người khi ma sát.

Vải Micro Modal (Ảnh: Pinterest)

N

Nylon

“Siêu nhân bền bỉ” là đây. Nylon thường được pha với vải Spandex để tăng độ đàn hồi, tạo cảm giác thoải mái và tăng tính hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng Nylon rất “khó thương” vào mùa hè vì Nylon không thấm hút mồ hôi.Vải nylon có tính dai, bền, mềm óng mượt, ít thấm nước, mau khô, kém bền nhiệt. Trong may mặc thì tơ Nylon ngày càng được sử dụng rộng rãi và được quan tâm nhiều hơn nó dần thay thế các loại vải dệt thủ công, số lượng ít, màu sắc đơn điệu…

Cách phân biệt: Mặt vải nylon bóng. Bạn cũng có thể dùng cách đốt thử mẫu vải, xơ vải khi cháy xong sẽ cứng lại như nhựa.

Vải Nylon (Ảnh: Christopher Kane Autumn Winter)

Xem thêm

Brunello Cucinelli – Ông hoàng của thế giới cashmere

Chỉ là denim thôi, Châu Bùi cũng đã khiến fan ‘bấn loạn’

Ellewiki: Vải tweed – Từ trang phục lao động đến đẳng cấp thượng lưu

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)