Văn hóa / Thế giới văn hóa

3 quyển sách mới hay thể loại hồi ký

[Tạp chí ELLE - 7/2016] Sách của văn tài thật sự luôn thoát khỏi hiện thực cuộc sống để biến thành giá trị văn chương. ELLE xin giới thiệu sách hay về hồi ký cho bạn.

Giới thiệu sách Tâm thành và Lộc đời

Thời gian gần đây, giới nghệ sĩ thuộc lĩnh vực trình diễn đang hoặc đã ở trên đỉnh cao sự nghiệp, trình làng khá nhiều sách kể về chính cuộc đời họ. Có thể kể, nghệ sĩ Thành Lộc với Tâm thành – Lộc đời do nhà văn kiêm đạo diễn Minh Ngọc chấp bút; nghệ sĩ Thương Tín với Một đời giông bão do nhà thơ, nhà báo Đinh Thu Hiền viết; nghệ sĩ Ái Vân với Để gió cuốn đi do chính bà viết với sự trợ giúp của nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Giới thiệu sách mới hay thể loại hồi ký

Dường như, các nghệ sĩ thuộc giới trình diễn khi viết tự truyện, hồi ký đều nhờ người trong giới viết lách chấp bút giúp. Có lẽ, chuyên môn của mỗi giới mỗi khác, diễn kịch đóng phim hay ca hát là “nghề ruột” của các nghệ sĩ; còn viết lách, biến cuộc đời nghệ sĩ thành câu chữ là việc của các nhà văn. Chẳng thế mà cuốn hồi ký Sống cho người – Sống cho mình của “kỳ nữ” Kim Cương từng nhờ đến 5 nhà văn chấp bút để được diện mạo đẹp đẽ nhất đến tay người đọc. Đầu tiên là nhà văn kỳ cựu Đào Hiếu, rồi đến nhà thơ Ngô Thị Hạnh, nhà văn giải Nhất Văn học tuổi 20 Võ Diệu Thanh,…

Tùy theo bản lĩnh của nghệ sĩ và người chấp bút, câu chuyện cuộc đời của nghệ sĩ sẽ được trải lòng trên trang sách ở từng cấp độ khác nhau. Một đời giông bão của Thương Tín qua ngòi bút của Đinh Thu Hiền gần như “bạch thoại” tất cả, khiến những người liên quan đến các góc khuất tình ái với Thương Tín không khỏi chạnh buồn, chưa kể người thân của họ cũng hứng chịu ít nhiều hệ lụy. Trước Thương Tín, tự truyện Lê Vân Yêu và sống cũng chịu bão dư luận, vì không phải sự thật đời sống nào của một con người đều được số đông chấp nhận trong hệ quy chiếu về đạo đức, tập tục và văn hóa của truyền thống xã hội.

Chính vì thế, Để gió cuốn đi của nghệ sĩ Ái Vân đã bỏ trống 6 trang không in chữ, với lý do nội dung 6 trang này sẽ làm tổn hại đến người đang sống, trong đó có con trai cô. Nữ hoàng nhạc nhẹ một thời cho biết: “Nhân vật chính được tôi đề cập trong 8.808 chữ có thể sẽ nhồi máu cơ tim mà chết khi đọc được. Suy nghĩ kỹ, tôi quyết định xóa sạch những gì đã viết để tất cả chỉ còn là kỷ niệm riêng”. “Lời nói đọi máu”, người xưa đã dạy như thế, nên việc Ái Vân giữ riêng một phần ký ức để không làm tổn hại đến sinh mệnh một con người là cần thiết; dù một thời con người đó làm cho cô phải trốn khỏi Việt Nam vào năm 1990.

“Không phải bất cứ cái gì ở giữa hai trang bìa đều là sách”

Trên đây là những cuốn sách của những nghệ sĩ lão luyện, nhiều trải nghiệm với nghề và cuộc sống. Hiện, có khá nhiều nghệ sĩ trẻ cũng viết sách đến độ nhà văn Trần Nhã Thụy phải thốt lên câu nói ở trên. Thật vậy, sau khi ra mắt Sợi xích, ca sĩ Lê Kiều Như liền chịu búa rìu dư luận dữ dội vì cuốn sách này được xem như dâm thư. Rút kinh nghiệm từ vụ Sợi xích, một số ca sĩ như Anh Khang, Thanh Duy Idol đều viết khá nhẹ nhàng. Với Anh Khang thì chuyện tình yêu lưng lửng kiểu Buồn làm sao buông hoặc Đường hai ngả, người thương thành lạ. Thanh Duy Idol chọn viết sách chung với mẹ về tình mẫu tử trong Lỗi ở yêu thương – Về nhà với mẹ.

Có thể, các nghệ sĩ lão luyện viết sách để nhớ về một đoạn đời, còn các nghệ sĩ trẻ viết để thể hiện thêm tài năng với giới mộ điệu. Lạ một điều, sách của giới showbiz có lượng phát hành rất cao nhờ vào lượng fan có sẵn. Nhưng như đã nói, giá trị thẩm mỹ của một cuốn sách không thể dừng lại quẩn quanh như một tập tư liệu cá nhân. Cũng mang tính hồi ức, nhưng nghệ sĩ Mạc Can đã biến những hồi ức đó thành tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, nâng tầm thẩm mỹ một cuốn hồi ký thành một tác phẩm văn chương mà vẫn thấy rõ một Mạc Can thời thơ ấu theo gia đình rong ruổi cùng gánh hát trên các dòng sông.

Phần hấp dẫn trong hồi ký, tự truyện của các nghệ sĩ thường ở các trang viết về ái tình. Nhưng chỉ kể chuyện yêu cô đào này, chàng kép nọ thì cũng là chuyện thường tình. Khác với giới nghệ sĩ thuộc lĩnh vực trình diễn, thể loại tự truyện, hồi ký hay hồi ức của các nhà văn đều thông qua lăng kính sáng tạo văn chương. Nhà văn đoạt giải Nobel 1982 Marquez có cuốn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi,  một tập truyện ngắn được viết dưới dạng hồi ức, nên dù là hồi ức nhưng vẫn thoát ra khỏi cái trần trụi của đời sống nhằm hướng đến một giá trị mỹ cảm khác cho người đọc.

Tất nhiên, để biến những gì đã sống thành điều cao đẹp hơn những dữ liệu cá nhân, khiến cho người đọc sau phút giây tò mò còn đọng lại những dư âm thú vị, như Mạc Can hay Marquez đã làm, thì rất cần một văn tài. Đời sống suy cho cùng cũng chỉ là chất liệu, nhưng để biến thành cuốn sách được nhớ đến về lâu dài lại là một chuyện khác.

Dư âm đọng lại

Giữa mùa hồi ký nở rộ, tạp chí thời trang ELLE chọn ra một số quyển đọng lại nhiều dư âm để giới thiệu sách hay đến bạn đọc. Ở đấy, người đọc không chỉ đồng cảm với tâm sự, nỗi lòng của nhân vật họ yêu mến mà còn thấy được dong chảy văn hóa cùng những biến động của thời cuộc, của lĩnh vực họ dấn thân theo đuổi.

1. Giới thiệu sách mới hay: Sống cho người, sống cho mình

Giới thiệu sách Sống cho người, sống cho mình

Có quá nhiều ký ức ám ảnh và đau xót nên phải trải qua quá nửa cuộc đời, “kỳ nữ” Kim Cương mới chọn cách viết lại cuộc đời bà bằng những mảnh ghép chân thật nhất. Giọng văn dung dị, đậm chất Nam bộ và thấm đẫm nhân văn, bà đưa người đọc ngược dòng thời gian, cùng bà rong ruổi theo gánh hát, vui buồn khóc cười với những thăng trầm của thời cuộc, của những vai diễn và một kiếp nhân sinh. Đây cũng là lần đầu tiên bà thổ lộ chuyện tình cảm, bóng dáng những người đàn ông đi qua trong cuộc đời, mối tình đầu tiên, mối tình huyền thoại, tình cuối… Bà tự giễu mình là người “có cuộc đời phức tạp với rất nhiều mối quan hệ”. Chương 12, phần 2, bà lấy tiêu đề “Sống là chọn một con đường”, và con đường ấy của bà chính là hiến dâng cả cuộc đời cho nghệ thuật, cho việc thiện nguyện, dù bà có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. Sách do Phương Nam và NXB Văn hóa – Văn nghệ phát hành vào tháng 5/2016, 384 trang.

2. Giới thiệu sách mới hay: Tâm thành và lộc đời

Giới thiệu sách Tâm thành và Lộc đời

Thành Lộc chưa bao giờ thôi gợi sự tò mò vì anh quá thú vị, quá hấp dẫn, bất kể sự xuất hiện đó là trên sân khấu, nơi anh xem là thánh đường hay ở một không gian nào khác. Người ta quý Thành Lộc mà cũng ngại Thành Lộc, vì tài năng và vì anh thẳng quá. Ở “Tâm thành và Lộc đời”, người đọc thấy một Thành Lộc suốt 45 năm ăn cơm Tổ nghiệp, một Thành Lộc sống trọn cho từng nhân vật và một Thành Lộc rất đỗi đời thường, cũng thích ăn nói tục tằn, thích được chửi thề để xả phần nào áp lực công việc không chia được với ai… Điều lạ lùng nhất, càng đọc sách về cuộc đời anh, càng muốn nghe Thành Lộc nói nhiều hơn và muốn biết nhiều hơn. Sách do Phương Nam và NXB Văn hóa -Văn nghệ phát hành vào tháng 1/2015, 160 trang.

3. Giới thiệu sách mới hay: Hồi ký bà Tùng Long

Giới thiệu sách Hồi ký bà Tùng Long

Bà Tùng Long là bút hiệu nổi tiếng trước năm 1975 của nữ văn sĩ Lê Thị Bạch Vân. Trong sự nghiệp viết lách, bà để lại hơn 400 truyện ngắn, 60 tiểu thuyết. Sinh thời, bà là chủ bút tuần báo Tân Thời, phụ trách mục “Gỡ rối tơ lòng” trên Nhật báo Sài Gòn mới, mục “Tâm tình cởi mở” trên nhật báo Tiếng Vang, Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ nữ diễn đàn. Tuy vậy, bà không bao giờ nhận mình là nhà văn, hay một nghệ sĩ. Bà xem mình đơn giản chỉ là người kể chuyện. Hồi ký toát lên quan điểm sáng tác của bà, luôn đứng trên cương vị một người phụ nữ, suy nghĩ hiện đại mà đằm thắm song cũng rất mực thấu đáo và chín chắn để giải quyết vấn đề. Sách được tái bản lần thứ 1 sau 11 năm vào tháng 11/2014.

__

Xem thêm:

35 lưu ý khi muốn tạo dựng thói quen đọc sách

Khơi dậy nguồn cảm hứng từ những trang sách

17 cuốn sách hay nên đọc trước khi xem phim năm nay

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)