Banksy – Nghệ sĩ bí ẩn nhất của làng nghệ thuật đường phố

Đăng ngày:

Banksy, một nghệ sĩ graffiti bí ẩn đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật đường phố đương đại. Cùng với tổng thống Mỹ Barack Obama, Steve Jobs của Apple và nữ ca sĩ Lady Gaga, anh đã đứng trong danh sách “Những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới” của tạp chí TIME năm 2010.

So với các loại hình nghệ thuật khác thì graffiti không được biết đến rộng rãi mãi cho đến những năm 1980s và hãy còn mới mẻ đối với giới lịch sử nghệ thuật của thế giới. Nhưng có một nghệ sĩ đã sáng tác nên những bức vẽ graffiti hiện diện trên các bức tường ở khắp mọi nơi, từ các thành phố lớn như Bristol, London, New Orleans đến khu Bờ Tây của lãnh thổ Palestine. Từ những tác phẩm mang nhiều thông điệp của anh, người ta bắt đầu săn tìm và khao khát muốn được nhìn thấy dung nhan của người nghệ sĩ này một lần. Trong giới graffiti, không ít người đã tôn anh lên đến bậc “thánh sống”. Chúng ta tự hỏi điều gì đã khiến anh, một nghệ sĩ đường phố ẩn danh trở nên quyền lực đến thế? Và người chúng tôi đang nói đến là Banksy – người nghệ sĩ graffiti bí ẩn nhất cùa làng nghệ thuật đường phố của thế giới.

Những người thưởng thức các tác phẩm của Banksy có thể cảm nhận được rằng anh là một nghệ sĩ cá biệt, có khiếu hài hước mang tính chất mỉa mai. Những tác phẩm của anh không được trưng bày trong các bảo tàng hào nhoáng mà thay vào đó là những bức tường cũ kĩ gần như đổ nát hay những công trình công cộng. Banksy cũng không ca thán một vẻ đẹp hay giá trị vô hình nào đó mà ngược lại,  chê cười và phản ánh những vấn đề chính trị và xã hội ngày nay, như những thế lực đàn áp ở Palestine, thói đạo đức giả của một số chính trị gia và tham nhũng ở London. Anh cũng chẳng ngần ngại lẻn vào các viện bảo tàng Quốc gia của nhiều thành phố lớn mà dán tranh của mình cạnh những tên tuổi lớn để mỉa mai những giá trị nghệ thuật ảo.

.

Banksy phản ảnh bóc lột sức lao động trẻ em trong kì Thế vận hội Mù Hè năm 2012

Banksy phản ảnh nạn bóc lột sức lao động trẻ em trong kì Thế vận hội Mù Hè năm 2012

Banksy đến từ thành phố Bristol, Anh Quốc. Năm 1992, anh là một thành viên của nhóm DryBeardZ và bắt đầu phát triển sự nghiệp graffiti của mình từ quê nhà. Anh dược truyền cảm hứng từ nhạc sĩ và nghệ sĩ graffiti tên 3D, một trong những người tiên phong đã đem lại tác phẩm graffiti bằng sơn xịt từ tàu điện ngầm New York đến nước Anh. Quan điểm của anh với người sáng tạo ra nghệ thuật là nghệ sĩ phải sẵn sàng truyền tải tác phẩm của mình đến với mọi người, và mọi người từ các tầng lớp khác nhau đều có thể thưởng thức những tác phẩm đó, như anh đã nhấn mạnh: “Ngoài kia có rất nhiều những cá nhân cảm nhận nghệ thuật mới, ngược lại việc bán sản phẩm của nghệ sĩ cho người khác thì không bao giờ là dễ dàng”. Anh nói thêm “Bạn không cần phải đi đến trường cao đẳng, cầm theo portfolio, gửi thư xin xỏ các nhà tài trợ triễn lãm tranh chảnh chọe hay qua đêm với những người quyền lực, tất cả những gì bạn cần bây giờ là một vài ý tưởng và mạng Internet. Đây là lần đầu tiên mà thế giới nghệ thuật của tầng lớp quý tộc thuộc về người dân. Chúng ta phải làm cho điều này trở thành hiện thực”.

.

Tác phẩm của Banksy ở London

Tác phẩm của Banksy ở London

Giữa những năm 1990s, Banksy bắt đầu phát triển hướng đi nghệ thuật của mình. Nguồn cảm hứng của anh lúc này được bắt nguồn từ nghệ sĩ graffiti người Pháp Blek le Rat, cụ thể là về phong cách hình ảnh và những thông điệp chính trị ẩn chứa trong mỗi tác phẩm. Thay vì dùng phong cách vẽ tay bằng sơn như những nghệ sĩ graffiti khác, Banksy dùng bảng kim loại để tạo ra tác phẩm của mình. Anh tự nhận mình không giỏi với sơn xịt nên anh đã dùng cách cắt ra những mảng trên bảng kim loại để tạo ra hình ảnh. Khi anh đã có đầy đủ kĩ năng với dụng cụ này, anh bắt đầu đưa những thông điệp chính trị vào các tác phẩm của mình.

.

Một tác phẩm của Blek le Rat, họa sĩ graffiti người Pháp đã truyền cảm hứng cho Banksy

Một tác phẩm của Blek le Rat, họa sĩ graffiti người Pháp đã truyền cảm hứng cho Banksy

Cuối những năm 1990s, Banksy bắt đầu áp dụng phong cách vẽ graffiti này lên thành phố Bristol quê hương anh. Trong những tác phẩm đầu tiên, qua những bức hình có phần lém lỉnh và mang tính nổi loạn, anh đã nhạo báng những kẻ giả tạo trong chính trị và sự bất công trong xã hội. Trong một buổi phỏng vấn năm 2001, anh mô tả tóm tắt các tác phẩm của mình: “Có một phần trong công việc của tôi là để phá vỡ những giá trị cứng nhắc, họa lại những cái xác xanh vô hồn của các vị thẩm phán và cảnh sát bằng lời thức tỉnh của tôi, kéo cả thành phố phải quỳ xuống và hét tên của tôi. Và dĩ nhiên đó không phải những giá trị đen tối duy nhất tôi nói tới mà còn nhiều cái nữa…”

.

Một bức ảnh châm biếm về chính trị, dòng chữ trên có ý nghĩ rằng: "Nếu bạn nhắc đi nhặc lại một lời nói dối đủ nhiều lần, thì nó sẽ trở thành chính trị"

Một bức ảnh châm biếm về chính trị, dòng chữ trên có ý nghĩ rằng: “Nếu bạn nhắc đi nhặc lại một lời nói dối đủ nhiều lần, thì nó sẽ trở thành chính trị”

Năm 2001, Banksy chuyển đến London và gặp những người bạn và người hợp tác mới giúp những tác phẩm của anh được biết đến rộng rãi hơn. Tác phẩm của anh chủ yếu vẽ những chú khỉ và chuột nhắt, đã gây sự chú ý từ các tờ báo lớn trong nước. Tận dụng cơ hội này, anh đã tạo dựng mối quan hệ thân thiết với nhiếp ảnh gia Steve Lazarides – người quản bá cho anh sau này. Hai người đã tự xuất bản một series sách mang tên Brandalism, Existencilism and Cut Out and Collect nhằm chụp lại và tuyên truyền những tác phẩm của Banksy và nâng cao vị thế của Banksy trong truyền thông.

.

Banksy kha91c họa nữ hoàng anh trên một bức tường ở đường phố London

Banksy khắc họa nữ hoàng anh trên một bức tường ở đường phố London

Từ năm 2001 trở đi, anh đã tạo nên những tác phẩm tốn không ít giấy mực của báo chí. Sự tham vọng và ước muốn toàn cầu hóa của các nhãn hàng lớn bị anh châm biếm qua những hình ảnh graffiti khắc họa trên những bức tường. Phần lớn những tác phẩm này bắt nguồn từ cốt lõi “Brandalism” trong văn hóa punk của Mỹ, (Brandalism là sự kết hợp của Brand và Vandalism, tức sự phá hoại nhãn hiệu). Những vị trí anh cho “xuất bản” tác phẩm của mình được lựa chọn rất thông minh, tấn công các nhãn hiệu từ Tesco cho đến Nike. Mỗi tác phẩm xuất hiện là một lần báo chí như dậy sóng và Banksy sớm trở thành vị anh hùng giấu mặt dũng cảm luôn muốn trêu ngươi những ông trùm quyền lực.

Từ năm 2005 trở đi, như muốn chứng minh cho cả thế giới thấy phương châm nghệ thuật của anh rằng: “Tất cả mọi người đều có quyền thưởng thức nghệ thuật”, anh không mang đến những buổi triển lãm tranh hay phòng trưng bày sang trọng. Thay vào đó, anh đã chọn những nơi triển lãm lạ lùng nhưng lại gần gũi nhất với người dân như khu nông trại hay đường hầm bỏ hoang. Anh nhấn mạnh quan điểm của mình: “Khi bạn đi đến một buổi triễn lãm nghệ thuật, chẳng qua là bạn đang nhìn vào chiếc tủ chứa những chiếc cúp của các triệu phú mà thôi”.

.

Triễn lãm tranh của Banksy dưới mộtđường hầm bỏ hoang ở London

Triễn lãm tranh của Banksy dưới mộtđường hầm bỏ hoang ở London

Một trong những tác phẩm để đời gây tranh cãi của Banksy khiến ai trên thế giới cũng nhớ đến là hình vẽ của anh trên một bức tường West Bank ở Palestine. Bức ảnh một người che mặt là một thông điệp như muốn chỉ trích sự áp bức của quân đội Israel lên Palestine. Tác phẩm này đã gây nên những tranh cãi dữ dội cho rằng anh không có quyền “phá hoại” một tài sản bất hợp pháp dưới bộ luật của Tòa Án Công lý Quốc tế. Bức tường này sau đó đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch quốc tế.

.

Tác phẩm gây tranh cãi nhất của Banksy ở trên bức tường West Wallở Palestine

Tác phẩm gây tranh cãi nhất của Banksy ở trên bức tường West Wall ở Palestine

Năm 2006, từ sau tác phẩm để đời trên, Banksy đã trở thành người nổi tiếng và những tác phẩm của anh được săn đón bởi nhiều người nổi tiếng với giá ngất ngưởng. Năm 2008, phiên bản biếm họa của bức vẽ của Damien Hirst đã được bán lại với giá 1.8 triệu đô la. Những nhà sưu tầm nghệ thuật nổi danh và người nổi tiếng sẵn sàng chi trả hàng ngàn đô la để sở hữu được một tác phẩm của Banksy, trong đó có nhà thiết kế Paul Smith, diễn viên Angelina Jolie và Brad Pitt. Banksy nhìn nhận sự thành công này của mình bằng một câu nói đầy sâu sắc: “Tôi thích cái cách chủ nghĩ tư bản tìm được một chỗ đứng cho cả kẻ thù của nó”.

.

Angelian Jolie và Brad Pitt là một trong những nhà sưu tập tác phẩm của Banksy

Angelian Jolie và Brad Pitt là một trong những nhà sưu tập tác phẩm của Banksy

Bên cạnh những tác phẩm graffiti để đời, Banksy còn sản xuất một đoạn phim tư liệu mang tên “Exit through the gift shop” vào năm 2010. Bộ phim như lôi cuốn khán giả vào những quá trình làm ra những tác phẩm của Banksy, Shepard Fairey, Invader cùng với những nghệ sĩ graffiti nổi tiếng khác trên thế giới. Nó phản ánh cái nhìn chân thật nhất về nghệ thuật đường phố ngày nay, “Exit through the gift shop” đã được đề cử giải Oscar cho Phim tư liệu xuất sắc nhất vào năm 2011.

Năm 2014, những tác phẩm của Banksy bắt đầu có dấu hiệu bị phá hoại bởi những đối thủ cạnh tranh khác trong ngành graffiti. Banksy nay đã trở thành một thương hiệu, những tác phẩm của anh, ngày trước bị xem là hành vi phá hoại nay đã được chính quyền địa phương cố gắng bảo vệ khỏi sự phá hoại của những đối thủ cạnh tranh, vì nay những tác phẩm ấy đã trở thành những di tích quý giá cho nghệ thuật đường phố. Trong các buổi đấu giá ở Anh và Mỹ, những người sưu tầm nghệ thuật trên thế giới sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn đô để mang về nhà một tác phẩm của Banksy. Liệu trong tương lai, anh có thể giữ được vị trí người hùng của anh trong thế giới graffiti nữa hay không, hay sắp tới một nhân tài nổi loạn khác lại sẽ chiếm giữ danh dự đó?

Xem thêm:

Dự án nghệ thuật thị giác Art In The Forest

Nghệ thuật đương đại trên đường phố châu Phi

Golden Teardrop tác phẩm vàng của nghệ thuật đương đại

Nhóm thực hiện

Bài: Natalie Nguyen

Nguồn: Smithsonian

Ảnh: tư liệu, WordPress, BBC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more