Bí mật trong kho đồ cũ
Năm 2007, John Maloof, một nhà sưu tập, một sử gia không chuyên, đã bỏ ra 400 USD để mua lại chiếc hộp chứa 30.000 tấm phim âm bản trong một cuộc bán đấu giá. Chủ nhân của chúng, đã không xuất hiện để trả tiền thuê kho chứa đồ của mình, vậy là tất cả đồ đạc của bà trong đó đã được đem đi bán. John mua những tấm phim vì cho rằng anh có thể dùng nó cho công việc biên soạn cuốn sách lịch sử của mình, và rồi sau đó, anh nhận ra mình đã phát hiện một điều còn lớn lao hơn thế.
Quá ấn tượng với những tấm ảnh sau khi tráng, John đã bỏ ra nhiều thời gian tìm kiếm cái tên của người phụ nữ được ghi trên chiếc hộp chứa đồ – Vivian Maier – với hy vọng sẽ có cơ hội tìm thấy nhiếp ảnh gia tài năng này. Tuy nhiên, phải tới 2 năm sau anh mới có thể tìm ra được một chút manh mối về bà thông qua việc phát hiện ra một tờ cáo phó. Lúc John biết tác giả của những tấm ảnh là ai chính là khi anh biết bà đã qua đời. Và đồng thời, anh cũng kinh ngạc nhận ra trong toàn bộ đời mình, Vivian chỉ kiếm sống bằng một nghề duy nhất: Bảo mẫu.
Vào lúc đó, trên trang Flickr mà John đưa ảnh của Vivian Maier lên đã có hàng trăm lời bình luận bày tỏ sự thán phục. Tất cả những người xem ảnh của Vivian đều cho rằng bà xứng đáng có được một cuộc triển lãm riêng, xứng đáng được tôn vinh và nghiên cứu. Dẫu vậy, khi John gửi ảnh của bà tới bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Metropolitan, câu trả lời của anh nhận được là: Không. Thế là, John quyết định sẽ tự tổ chức triển lãm để đưa cái tên Vivian Maier đến với công chúng.
Vậy Vivian Maier là ai?
Tất cả những gì người ta biết về Vivian Maier là bà đã từ Pháp đến Mỹ từ khi còn nhỏ. Bà có thể nói tiếng Anh thành thạo, nhưng vẫn cố tình thêm vào đó một chút âm điệu Pháp. Bà là bảo mẫu trong một gia đình suốt 17 năm, và là một người bảo mẫu tận tụy, một người phụ nữ trẻ vui tươi. Những ngày cuối của cuộc đời bà, những đứa trẻ bà từng chăm sóc (nay đã ở độ tuổi 50) đã đích thân tới thăm nom, chăm sóc và cũng là những người đưa bà tới nơi an nghỉ.
Một người cha đơn thân thuê bà một thời gian ngắn nói rằng bà chẳng có gì đặc biệt và vì ông bận rộn, ông cũng chẳng hiểu về bà cho lắm. Tuy nhiên, một gia đình khác lại nói rằng bà là ác mộng của họ. Những đứa trẻ nhớ về một bà bảo mẫu già khó tính, chẳng mấy khi bận tâm tới chúng. Thậm chí, đôi khi chúng còn lạc mất bà và phải nhờ tới cảnh sát đưa về nhà. Bà sưu tập hàng chồng, hàng chồng các mẩu tin giật gân, những vụ án giết người, cướp của, cưỡng hiếp.
Thế nhưng, tất cả đều đồng ý rằng Vivian là một người rất kín đáo và chụp ảnh rất nhiều. Bà chụp hầu hết mọi thứ hiện ra trước mắt, những đứa trẻ bà chăm sóc, những con người bà gặp trên đường, những đồng cỏ nơi bà đưa đám trẻ đi dạo và cả những thùng rác hay nhưng con vật chết. Không ai biết điều gì đã biến Vivian Maier từ một người phụ nữ ấm áp, vui tươi trở thành một người ám ảnh với những vụ án. Những ngày cuối đời, Vivian vô cùng chật vật với số tiền tiết kiệm ít ỏi, chẳng có một người thân thích nào bên cạnh và cuối cùng đành chịu mất đi toàn bộ số phim bà đã chụp trong suốt cuộc đời.
Ảnh của Vivian khắc họa lại thời điểm bùng nổ của chủ nghĩa tiêu dùng tại Mỹ.
Người quan sát thầm lặng
Khi tên tuổi nữ nhiếp ảnh gia bắt đầu được lan truyền trên các trang mạng, nhiều nhà phê bình vô cùng kinh ngạc tự hỏi tại sao Vivian lại phải sống nghèo túng đến vậy, trong khi bà có thể đã kiếm được rất nhiều tiền từ ảnh của mình.
Cảm giác nữ tính ấm áp toát ra từ những tấm ảnh chụp trẻ em.
Bà được so sánh với nhiều nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng, thậm chí còn được coi là một trong những nhiếp ảnh gia đường phố nổi bật nhất của thế kỉ XX. Những bức ảnh do bà chụp vào giai đoạn 1950-1960 tại thành phố Chicago và New York cho thấy bức tranh của một xã hội Mỹ sung túc, giàu có, với cơn cuồng say của chủ nghĩa tiêu dùng. Điểm đặc biệt của Vivian Maier là vào giai đoạn đầu, bà sử dụng chiếc máy ảnh phim khổ lớn Rolleiflex, cho phép bà không cần phải đưa ống kính lên ngang mặt và khiến người xung quanh cảm thấy họ đang “bị” chụp ảnh. Hơn thế nữa, chính bộ dạng của một người bảo mẫu giúp Vivian hòa lẫn cùng thế giới mà bà đang quan sát, không ai đề phòng, không ai biểu diễn trước mặt bà. Khổ phim này cũng giúp ảnh của bà ghi lại nhiều chi tiết hơn hầu hết các nhiếp ảnh gia đường phố cùng thời.
Việc xem chụp ảnh chỉ như một thú vui thầm lặng giúp Vivian Maier giữ được sự bình thản, không gắng gượng trong việc ghi lại thế giới. Thế nên, ảnh của bà mang hơi thở nhẹ nhàng của cuộc đời thường nhật, cảm giác ấm áp đầy nữ tính, và đôi khi, cả sự hiếu kỳ của một người không ngừng quan sát thế giới bên ngoài. Bà chẳng buồn tráng rửa những tấm ảnh ra, có thể là vì bà không bao giờ có đủ tiền, hoặc có thể bà chỉ coi đó là cách bà lưu giữ lại cuộc đời mình, chờ ai đó, một lúc nào đó, khám phá ra.
—
Xem thêm:
12 Bí quyết chụp ảnh đẹp cho dân nghiệp dư
Ảnh quảng cáo mới nhất của Madonna & Kate Moss
Nhóm thực hiện
Bài: Huy Phương - Ảnh: Tư liệu