Đối với các xã hội Âu và Mỹ thì Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn.
Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì “Jack-ó-lanterns” đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh. Chuyện kể rằng: một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào. Thế là con quỷ bị bắt… Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát.
Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào… vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm… trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô.. và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
Có lẽ vì thế, đèn lồng Jack O’ hay bí ngô chính là biểu tượng nổi tiếng nhất của lễ hội Halloween.
Ngoài đèn lồng bí ngô còn có khá nhiều biểu tượng khác liên quan đến mùa lễ hội thú vị này. ELLE giới thiệu các bạn các biểu tượng đặc trưng của mùa lễ hội Halloween:
1. Đèn lồng Jack O’ hay bí ngô chính là biểu tượng nổi tiếng nhất của lễ hội Halloween. Hay củ cải được khoét rỗng thành những chiếc đèn lồng hình mặt quỷ, bên trong cắm 1 cây nến như là một cách tưởng nhớ các linh hồn đang chịu tội.
2. Hình ảnh đầu lâu, theo truyền thống của Công giáo, có ý nghĩa như là một sự nhắc nhở về cái chết và tính không bền vững của đời người, từ đó, đầu lâu trở thành hình ảnh thường thấy trong lễ Halloween.
3. Loài dơi khiến chúng ta liên tưởng đến ma cà rồng, một sinh vật đặc trưng của lễ hội ma.
4. Màu da cam (biểu tượng của sức mạnh) và đen (biểu tượng của sự chết chóc) là hai gam màu chủ đạo trong lễ hội Halloween.
5. Phù thủy được cho là có sức mạnh siêu nhiên, có mối quan hệ với ma quỷ, đại diện cho thế lực hắc ám và có năng lực mạnh nhất vào ngày Halloween.
6. Zombie, hay Xác sống, là nhân vật chính của ngành công nghiệp phim kinh dị và là hiện thân của văn hóa thây ma có nguồn gốc ở Haiti.
7. Mèo đen được coi như là “biểu tượng” của điềm gở từ thời Trung cổ và thường được trang trí trong ngày lễ Halloween.
8. Cú là một hình ảnh phổ biến trong Halloween.
9. Ngày lễ Halloween có những món ăn truyền thống, mang ý nghĩa riêng như kẹo táo, bánh linh hồn, súp bí đỏ, Barnbrack, Colcannon…
10. Vào lễ hội người ta luôn bắt gặp những đống lửa rực cháy trên các đường phố Nước Anh.
11. Người Đức thường có phong tục ném dao ra đường vào đêm Halloween với lí do họ sẽ ngăn chặn được sự đáng sợ khi các linh hồn trở về.
12. Trang phục Halloween truyền thống theo mô hình nhân vật siêu nhiên như những con quái vật, ma quỷ, bộ xương, phù thủy,… Theo thời gian, việc lựa chọn trang phục mở rộng và bao gồm các nhân vật nổi tiếng từ tiểu thuyết, người nổi tiếng, và các nguyên mẫu chung chung như ninja và công chúa.
13. Trick-or-treat là một phong tục cho trẻ em vào đêm Halloween. Trẻ em trong trang phục Halloween và xách theo một túi đựng kẹo đi từ nhà này sang nhà khác đòi kẹo, đôi khi đòi tiền bạc với câu hỏi: “Trick-or-treat?” (thường dịch là ‘cho kẹo hay bị ghẹo’ hoặc ‘lừa hay lộc’). Những đứa trẻ sẽ nghịch ngợm, chọc phá chủ nhà hoặc tài sản của họ nếu họ không cho kẹo.
Xem thêm
Tự trang trí móng tay theo cảm hứng Halloween
Những bộ phim dành cho Halloween (Phần 2)
10 ý tưởng trang điểm Halloween
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Minh / Ảnh: Sưu tầm