Văn hóa / Thế giới văn hóa

Giới thiệu sách: Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời

ELLE giới thiệu sách “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” - một tập hợp những câu thơ giản dị đủ sức nặng làm nên mối tương giao giữa những tâm cảm xa lạ.

nha van nguyen thien ngan
Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân

Chạm đến trái tim hay một giọt nước mắt bằng mỹ từ thông dụng rất dễ bị gán ghép là sến súa, sáo rỗng. Liệu câu chuyện của trái tim là chuyện lớn hay chuyện nhỏ khi mà cuộc sống dẫu bộn bề, già cỗi bao nhiêu, con người ta vẫn không thôi thao thức bộc lộ những nhịp đập đồng điệu riêng. ELLE giới thiệu sách “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” – tập hợp những câu thơ giản dị, đôi khi chỉ là câu lục bát phác dòng nhưng các con chữ tưởng tình cờ, nhẹ như bấc ấy đều chứa đựng suy nghĩ có trọng lượng, đủ sức nặng làm nên mối tương giao giữa những tâm cảm xa lạ.

Tập thơ có kết cấu vòng tròn khi mở đầu và kết thúc cùng một mệnh đề, dựa trên ý tưởng mô tả một hành trình nhưng không đi tìm gì cả, nó đơn giản là chuyến hải trình của cảm xúc tuổi trẻ. Những hải cảng mà con tàu của tác giả đã đi qua không chỉ có tình yêu mà còn là chuyến hành trình của cuộc sống, đã neo đậu qua nhiều hải cảng ký ức đa cung bậc, nhưng chưa có ý định sẽ dừng lại ở một nơi cố định. Trò chuyện với ELLE và giới thiệu sách mới, cô nói:

“Cuộc sống của tôi chỉ đơn giản bằng chuyện mở mắt ra thấy “hoa đầy nước, sông đầy đồng” thật thú vị, sau một hành trình vỡ lẽ buồn vui, mỏi mệt, nuối tiếc, ngủ một giấc xong choàng dậy, mở mắt ra cũng hoa, cũng nước mà vẫn đầy mới mẻ. Tập thơ này là một hành trình không đi tìm gì cả, chỉ lưu lại những điều thường nhật nhỏ bé, nhìn ngắm sự thay đổi đang diễn ra mỗi ngày và chấp nhận nó.

.

elle gioi thieu sach moi
“Tập thơ này là một hành trình không đi tìm gì cả, chỉ lưu lại những điều thường nhật nhỏ bé, nhìn ngắm sự thay đổi đang diễn ra mỗi ngày và chấp nhận nó”.

Thi ca và ngôn từ chẳng qua là công cụ để mình thể hiện quá trình đó mà thôi, như hội họa hay âm nhạc vậy. Làm thơ giống như nhật ký ẩn dụ, có thể cho rất nhiều người đọc, nhưng ký ức cá nhân của mình thì không ai hay biết”.

“Bản thân tôi không nhìn thơ ca qua bất cứ một chuẩn mực nào. Chỉ có tác phẩm hay hoặc dở, khó hiểu hay dễ hiểu, có tác phẩm chỉ có vòng đời hai năm, ba năm, hoặc cả trăm năm, nhiều tác phẩm phải chục năm sau mình đọc lại mới thấm. Hồi còn là sinh viên năm đầu chuyên ngành Ngữ văn, nghe cô giáo dạy rằng một trong những yếu tố văn chương phải làm được đó là giải trí, tôi lúc đó mới là “em bé mới 18 tuổi” đã đứng lên phản biện nói không, văn chương giải trí đâu còn là văn chương nghiêm túc. Cô giáo chỉ đáp lại rằng với thời gian và nhiều trải nghiệm em sẽ hiểu. Gần 10 năm sau khi cầm trên tay tập thơ thứ 3 của mình, tôi đã có câu trả lời”.

“Hiệu ứng liên tục của mọi người cũng khiến chính tôi vô cùng ngạc nhiên. Nhưng việc trích dẫn không quan trọng bằng những ghi chép của mình trở nên có ý nghĩa với người đọc, như ánh trăng để nói hộ lòng người khác vậy. Tôi google mình ở trên mạng, lần theo trích dẫn thơ mình đi đến những câu chuyện lay động ở những con người mà tôi không hề quen biết khiến tôi thật sự cảm động. Cuộc sống không dễ dàng nên người ta có nhu cầu cần một cuốn sách như người bạn tâm tình nói chuyện đơn giản. Viết một cuốn sách được độc giả lựa chọn đọc ở thời điểm nào đó trong cuộc đời họ thì đã là may mắn quá rồi. Tôi thấy mình có niềm hạnh phúc đủ đầy của một người viết lách.

Rất nhiều tin nhắn người đọc nói rằng họ chưa bao giờ đọc thơ, chưa bao giờ thích thơ cho đến khi đọc thơ của tôi, vì họ cảm được điều tôi viết, tôi đã mang thơ đến gần họ hơn. Mình có thể tự giễu mình đang làm thơ phổ cập nhưng mình cũng có thể tự thú vị vì hiệu ứng đó. Cho dù nói thơ Nguyễn Thiên Ngân bình dân, mang tính giải trí cao tôi cũng không lấy gì làm phiền, vì tôi tôn trọng tất cả độc giả của mình, tôn trọng cảm nhận dung dị và xúc cảm chân thành của họ dù ở khía cạnh nào đi nữa. Thơ gần đến mức mà người ta vừa đọc vừa muốn tương tác với nó. Nhiều lúc viết ra được một câu thơ, tôi post lên mạng xã hội đã có ngay độc giả comment nói “không”, câu này phải viết như thế này, thế kia mới hay… Hoặc mình thường viết lục bát 3 câu, có người lại nhảy vào viết cùng, viết thêm, cứ thế họ tiếp nối mạch ý nghĩ của tôi theo cách họ thích”.

Tôi không xem việc in sách, hay lên chức là thành công. Mình cố gắng làm lụng đến một giai đoạn nào đó thì phải kết tụ thôi. Khi lên mặt báo, người ta chỉ thấy thành quả, người sống với quá trình đổ mồ hôi, sôi nước mắt hàng giờ mới hiểu giá trị việc đã đầu tư là sẽ thu hoạch. Bạn bè thường trêu chọc tôi: “Sau 10 năm viết văn, mọi người lại thích thơ cô”. Độc giả thích món tráng miệng của tôi hơn món chính. Nếu đó là thế mạnh thì tôi đi mở riệm bánh cũng được, chả sao. Nhưng thật ra, tôi vẫn mong muốn đến lúc tôi được ngồi xuống và viết chuyện gì đó dài dài. Tôi không không bao giờ quên mình đã bắt đầu yêu điều gì trước nhất, văn xuôi vẫn là ngọn núi mà tôi muốn chinh phục. Viết văn xuôi cần một nghị lực lớn hơn nhiều”.

Tôi thấy mình lớn lên qua mỗi cuốn sách. Bạn phải kiên trì bền bỉ với những điều mình trải qua hàng ngày như khi viết nhật ký, bạn sẽ thấy con đường mình đi qua rất rõ ràng. Làm việc gì đó một cách nghiêm túc, đều đặn, mình sẽ tự nhận ra mình đang tốt lên. Đó cũng là một điều mà bản thân những người cùng tham gia làm tập thơ này cảm thấy kỳ diệu, chúng tôi được trưởng thành từ những cam kết dành thời gian cho thơ bao nhiêu mỗi ngày. Những chân trời mà tôi muốn đến không chỉ về mặt địa lý mà còn là những chân trời trong tâm thức”.

Xem thêm

Giới thiệu sách hay dành cho những ngày Thu

ELLE Giới thiệu: Sách hay tháng 7

Triển lãm “Những cuốn sách về Hà Nội”

 

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Hạ
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)