Góc nhìn về tình yêu qua các tác phẩm văn học kinh điển
Tình yêu, đề tài muôn thuở trong kho tàng các tác phẩm văn học thế giới. Tuy cùng nguồn cảm hứng, nhưng mỗi tác giả lại khai thác các góc nhìn khác nhau: Một tình yêu lãng mạn nhưng bị ngăn cấm, sự cao thượng của con người trong tình yêu hay tình yêu vượt lên mọi định kiến xã hội…
Tất cả điều đó, qua ngòi bút tài hoa đã trở thành các tác phẩm kinh điển, cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều người.
1. Đồi gió hú (Wuthering Heights)
Tình yêu trong tác phẩm văn học Đồi gió hú là mối tình tay ba giữa Heathcliff-Catherine Earnshaw-Edgar Linton. Heathcliff vốn là đứa trẻ mồ côi được cha của Catherine- ông Earnshaw nhận làm con nuôi. Catherine với tính cách phóng khoáng và hoang dại của mình đã nhanh chóng thân thiết với Heathcliff. Tình yêu giữa họ cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Nhưng do chênh lệch địa vị xã hội, Catherine chọn lựa thân thiết với Edgar Linton (cậu con trai cả hòa nhã và có học thức của nhà Linton) và cuối cùng chấp nhận lời cầu hôn của Edgar.
Catherine cưới Edgar Linton, khiến Heathcliff đau khổ và tuyệt vọng. Sau khi bỏ đi và tạo dựng được tài sản, Heathcliff quay trở về để trả thù. Chính sự mù quáng trong tình yêu của Heathcliff đã gây nên chuỗi ngày đau khổ cho tất cả mọi người, người Heathcliff ghét, người ông ta yêu và cho chính bản thân mình. Không chỉ dừng lại ở đó, Emily Brontë còn khai thác triệt để sự thù hận trong con người Heathcliff. Những nỗi đau do tình yêu và thù hận sinh ra bị Heathcliff đẩy lên thế hệ tiếp nối của các nhận vật chính trong chuyện. Sự oán hận tình yêu trong Heathcliff chỉ thực sự chấm dứt ông ta được chôn cạnh Catherine.
Toàn bộ câu chuyện diễn ra ở vùng đồng cỏ hoang vắng xứ Yorkshire nước Anh cùng lượng nhận vật ít. Thế nhưng Emily Brontë lại tạo ra một bi kịch quá lớn do tình yêu cuồng si, do cách đối xử tàn nhẫn giữa con người với nhau. Đây là tác phẩm văn học duy nhất trong cuộc đời của Emily Brontë, và cũng được bình chọn là tác phẩm xuất sắc nhất của chị em nhà Brontë. Tác phẩm xuất bản lần đầu tiên vào năm 1847 và được tái bản lần thứ hai sau khi Emily qua đời.
2. Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind)
Gone with the Wind kể câu chuyện về cuộc đời chìm nổi của Scarlett O’Hara- một phụ nữ quý tộc miền Nam vật lộn tìm cách sống sót qua cơn bão táp của cuộc nội chiến và thời kỳ tái thiết. Scarlett khác với tất cả những kiểu người đẹp từng được biết đến trong cuộc sống hay văn chương. Nàng không thánh thiện, không yếu đuối, không dựa dẫm hay bị động. Scarlett bướng bỉnh, nhẫn tâm và đầy nghị lực. Nàng không ngại vươn lên đoạt lấy những thứ mình cần, cho dù có phải giẫm chân lên người khác.
Cuốn theo chiều gió thể hiện cái vòng luẩn quẩn của tình yêu. Scarlett dành trọn tình yêu của mình cho Ashley vì cô tin vào tình yêu bất diệt, một tình yêu mà mình phải sống vì nó. Ashley sống vì người vợ của mình, khi Melanie chết thì Ashley cũng không còn lẽ sống. Còn lại Rhett Butler thì sống vì Scarlett. Ngoài mặt, Rhett tỏ ra bất cần, khả ố, nhưng sâu trong trái tim, hắn cao thượng và chân thành.
Các nhân vật cứ thế cuốn lấy nhau, bị thu hút nhau mà họ nghĩ rằng đó là tình yêu đích thực, là lẽ sống của mình. Chỉ có Scarlett đến cuối cùng mới nhận ra lỗi lầm của mình. Mải theo đuổi hình bóng một người mà nàng đã bỏ lỡ rất nhiều điều, quan trọng nhất là người đàn ông luôn yêu nàng, thấu hiều nàng và bên cạnh nàng trong mọi khoảnh khắc đau buồn của cuộc đời.
3. Kiêu hãnh và định kiến (Pride and prejudice)
Kiêu hãnh và định kiến là tác phẩm văn học lãng mạn kinh điển do nữ văn sĩ Jane Austen sáng tác.
Tình yêu trong nó không quá éo le và thăng trầm như các tác phẩm kể trên. Đọc Kiêu hãnh và định kiến, người ta cảm nhận được tình yêu nhẹ nhàng mà lãng mạn. Elizabeth Bennet là cô gái 20 tuổi xuất thân từ gia đình trung lưu. Cô thông minh, mạnh mẽ và có đôi chút liều lĩnh nhưng thường mang định kiến về người khác qua một lần gặp mặt. Vì điều này mà việc Wickham bịa chuyện nói xấu Fitzwilliam Darcy khiến cô ghét Darcy ngay từ lần gặp đầu. Bao quanh tình yêu của họ là hàng loạt định kiến về đối phương và sự kiêu hãnh của mỗi người khiến họ chưa nhận ra tình yêu của mình. Những cuộc tranh luôn giữa họ diễn ra gay gắt nhưng không kém phần tinh tế. Chỉ đến cuối cùng, khi mà sự kiêu hãnh của Darcy hạ xuống, trực tiếp gỏ lời cầu hôn Elizabeth thì cô mới nhìn nhận lại sự định kiến của mình đối với Darcy.
4. Đại gia Gatsby (The Great Gasby)
Nhân vật Gatsby có lẽ là nhân vật đáng thương nhất trong tình yêu. Vì sao lại nói như vậy? Đọc Đại gia Gatsby người ta mới thấm thía được tình yêu mà Gatsby dành cho Daisy to lớn đến nhường nào. Đáng tiếc, chính Gatsby cũng không nhận ra mình đã yêu lầm người, Daisy ích kỷ và ham vật chất. Nhưng cũng chính Daisy lại là nguồn sống, là động lực để Gatsby từ kẻ nghèo trở thành đại gia nổi tiếng.
Gatsby không chỉ là hình mẫu cho một tình yêu đơn phương chân thành đến khờ dại. Mà nó còn là biểu tượng cho văn hóa đại chúng Mỹ. Một kiểu người từ tay trắng đi lên, có quá khứ đen tối, một hình bóng để theo đuổi, người trong cuộc đời đã chạm tới vinh quang rồi cuối cùng lại mất đi tất cả. Chính những phẩm chất đó đã xây dựng nên một Gatsby vừa là nạn nhân, là trò hề, vừa là anh hùng trong sự phù phiếm lòe loẹt mà người ta hay gọi với cái tên mỹ miều Giấc mơ Mỹ.
5. Rừng NaUy.
Rừng NaUy là tình yêu của những con người trẻ tuổi luôn khát khao tự do Naoko- Toru-Midori. Một tình yêu chớp nhoáng của tuổi trẻ, sự thu hút về xác thịt hay gợi dục một cách đam mê đều được Murakami gói gọn trong cuốn tiểu thuyết kỳ diệu có âm hưởng hướng đạo và tự nguyện.
Rừng NaUy là câu chuyện tình yêu của những con người cô đơn móc nối vào nhau. Một vài nhân vật lựa chọn cái chết để chấm dứt sự đơn độc của mình nhưng điều đó lại vô tình gây ra khoảng trống không thể lấp đầy trong lòng người ở lại.
Với tình yêu và sự giải phóng của thân xác bao bọc lấy nó, làm cho người đàn ông và người đàn bà có thể yêu nhau với tất cả những gì có thể trước cuộc đời ngắn ngủi và quý giá. Mối tình tay ba Naoko -Toru – Midori đã lay động hàng chục triệu độc giả trên toàn thề giới trong một tác phẩm được coi là tuyệt bút của Murakami Haruki.
—
Xem thêm
35 lưu ý khi muốn tạo dựng thói quen đọc sách
Linh Trang Trần (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)