Jacqueline Kenedy: Làm vợ Tổng Thống không phải là đặc quyền
Từng làm vợ của người đàn ông quyền lực, được cả đất nước yêu mến nhưng cuộc đời của Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy lại chứa nhiều buồn đau hơn là vui sướng.
“Đằng sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng một người phụ nữ” – đó là câu nói mà biết bao đời Tổng thống trong lịch sử nước Mỹ đã chứng minh. Chẳng cần nhìn đâu xa, chúng ta vẫn đang ngày ngày ngưỡng mộ tình yêu của Tổng thống Obama với phu nhân của mình. Trước bao sóng gió chính trường, họ vẫn luôn sát cánh bên nhau, trở thành cặp đôi quyền lực được cả thế giới ngưỡng mộ.
Thế nhưng cho dù Đệ nhất Phu nhân không phải là một chức danh chính thức thì nó vẫn là bổn phận không thể chối bỏ khi bước vào Nhà Trắng. Có đôi khi, cái danh tước ấy lại khiến người ta phải đánh đổi quá nhiều, thậm chí là cả hạnh phúc. Và đó là trường hợp đau lòng của Jacqueline Kennedy, Đệ nhất Phu nhân của vị Tổng thống thứ 35, John F. Kenedy.
Jacqueline Lee Bouvier sinh ngày 28/7/1929 tại Southhampton, New York, Mỹ. Bà mang nửa dòng máu Pháp từ cha – một người kinh doanh chứng khoán giàu có và nửa dòng máu gốc Anh, Ai-len từ mẹ. Lớn lên, Jacqueline luôn tỏ ra là một cô gái thông minh, lanh lợi và đáng yêu. Bouvier không phải là một gia tộc quyền quý nhưng cái cách Jacqueline được nuôi dạy cũng không khác gì một tiểu thư.
Từ thuở thơ ấu, cô bé Jackie đã được mẹ đặt trên lưng ngựa, đến năm 11 tuổi thì đã thắng được vô vàn giải thưởng quốc gia. Năm 1940, tờ New York Times còn có lời khen tặng kỵ sĩ nhí:
“Jacqueline Bouvier, một nữ kị sĩ mới 11 tuổi đến từ East
Hampton, Long Island, đã giành được chiến thắng đôi trong cuộc thi cưỡi ngựa. Cô Bouvier sở hữu biệt tài vô cùng hiếm có. Trường hợp kị sĩ trẻ tuổi chiến thắng liền hai phần thi của một giải là điều ít khi xảy ra” – Khả năng này chính là dấu hiệu cho tính cách mạnh mẽ và vô cùng bản lĩnh của Jacqueline.
Dĩ nhiên việc học hành của Jacqueline cũng được chú trọng không kém. Cô bé cực kì ham đọc và đã xem hết tất thảy những cuốn dày cộp trong gia đình mình. Ở trường, Jackie cũng được thầy cô nhận xét là đứa trẻ sáng dạ, tuy có đôi lúc còn nghịch ngợm và tinh ranh. Không ai nghĩ rằng Jacqueline Bouvier sau này lại trở thành Đệ nhất Phu nhân tương lai.
Năm 1952, nữ phóng viên ảnh Jacqueline Bouvier gặp mặt nghị sĩ John F, Kenedy qua một người bạn chung. Như một lẽ thường, cả hai nhanh chóng rung động và tiến tới chinh phục đối phương. John hoàn toàn mê đắm tài sắc của cô phóng viên, còn Jackie cũng mềm yếu trước tay chính trị gia tài giỏi. Dường như họ sinh ra là để dành cho nhau.
Chỉ sau một năm tìm hiểu, đôi uyên ương đã chính thức về chung một nhà. Vào ngày 12/9/1953, một đám cưới đã diễn ra tại nhà thờ St. Mary ở Newport, Rhode Island. Trước một người chồng như Kenedy, Jacqueline hoàn toàn có quyền tin tưởng vào một tương lai hạnh phúc. Bà đã hy sinh cả tuổi trẻ cho người đàn ông này.
Là một chính trị gia, John F. Kenedy là người tham vọng trên con đường sự nghiệp. Thời gian ông làm việc có khi còn nhiều hơn thời gian dành cho vợ con. Ngay sau khi kết thúc tuần trăng mật ở Mexico, Kenedy tức tốc về Washington để tiếp tục chiến dịch vận động vào ghế Thượng nghị sĩ. Không ai khác ngoài Jacqueline luôn là người ủng hộ chồng ngay cả trong lúc khó khăn nhất.
Thời gian này , John bất ngờ bị chấn thương và phải trải qua hai cuộc phẫu thuật. Chiến dịch của ông theo đó cũng có nguy cơ trễ nải và thất bại. May mắn là Jacqueline luôn là người bạn và cũng đồng thời là cố vấn tin cậy của chồng. Bà khuyên ông hãy viết một cuốn sách về các Thượng nghị sĩ vĩ đại trong lịch sử. Cuốn sách Profiles in Courage đã đạt giải Putlizer danh tiếng vào năm 1957. Điều này đã làm tiếng nói của ông được xem trọng hơn nơi chính trường.
Từ một nghị sĩ, đến thượng nghị sĩ và cuối cùng là Tổng thống Hoa Kỳ, mọi bước đi của John Kenedy đều có phu nhân Jacqueline bên cạnh. Bà luôn là hậu phương vững chắc nhất của chồng, là đòn bẩy của quyền lực tối cao nhất. Chính vì thế Jacqueline Kenedy vẫn luôn là Đệ nhất Phu nhân được tôn kính nhất cả bên ngoài lẫn bên trong Nhà Trắng.
Thế nhưng sự cống hiến không mệt mỏi của Jackie lại chỉ khiến người ta thấy thương xót hơn cho người phụ nữ ấy. Cả tuổi trẻ vì chồng nhưng cái mà bà nhận được vẫn là cay đắng nhiều hơn ngọt ngào.
John là người đàn ông tham vọng, luôn nghiêm túc trong công việc nhưng ông lại mắc thói xấu là trăng hoa. Có lẽ lịch sử nước Mỹ chưa một vị Tổng thống nào lại có danh sách người tình dài như Kenedy. Chẳng rõ những cuộc tình kia có thật hay không nhưng chắc chắn nó đã khiến Jackie phải mệt mỏi. Vì bởi lẽ “Không có lửa thì sao có khói” nên tình yêu giữa hai người không phải ví dụ cho một điều đáng mơ ước.
Mệt mỏi vì những lời đàm tiếu của chồng nhưng đó chỉ là những mảng tối nhỏ trong cuộc đời của Jacqueline. Tình cảm vợ chồng không viên mãn nhưng ngay cả đường con cái vất vả thì quá đau lòng. Mang thai năm lần với John nhưng chỉ hai đứa bé được sinh ra khỏe mạnh, đó là Caroline và John Jr. Dù chỉ một lần thôi đã là quá sức chịu đựng nhưng bà đã trải qua tới ba lần. Khi bé Patrick mất vì sinh non vào năm 1963, nó như giọt nước tràn ly khiến bất kỳ ai dù mạnh mẽ đến đâu cũng phải gục ngã.
Trước những biến cố ấy, người ta tự hỏi rằng liệu cái vẻ ngoài thời thượng và phóng khoáng kia chỉ là để che giấu đi những bất hạnh đằng sau nó? Giờ đây khi nghĩ về Jacqueline, người ta lại thấy tủi thân thay cho bà. Nếu như nhìn vào Michelle Obama thì ai cũng phải ghen tị vì tình yêu mà bà nhận được từ chồng. Còn nếu nhìn vào Jacqueline thì phải xem ngay là phu nhân đang mặc áo hiệu gì, váy kiểu nào,… Là phụ nữ, bạn sẽ muốn cuộc sống của ai hơn?
Ấy thế mà Jacqueline Kenedy vẫn luôn là người chung thủy, trước sau như một với chồng, người đàn ông đáng trách. Khi nỗi đau mất con ập đến, bà luôn coi John là lẽ sống của mình, như chưa từng có lỗi lầm nào diễn ra. Có thể Jacqueline đã yêu trong vô vọng nhưng tình cảm của bà vẫn là thứ mà không ai xứng đáng có.
1963 có lẽ là năm đen tối nhất trong cuộc đời của Jacqueline, chưa kịp nguôi ngoai vì mất con thì phải chịu cảnh mất chồng. John Kenedy bị ám sát bởi một tay súng vào ngày 22/11/1963 khi đang tới thăm thành phố Dallas. Jackie ngồi ngay cạnh khi viên đạn xuyên qua chồng.
Jacqueline Kenedy rời khỏi Nhà Trắng với nỗi đau không gì bù đắp, nhưng cuối cùng bà vẫn thật mạnh mẽ và kiên cường. Mất nhiều hơn được nhưng Jacqueline chắc chắn đã sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Bà chính là Đệ nhất Phu nhân mà không ai có thể quên được.
—
Xem thêm
Natalie Portman vào vai diễn “đáng sợ” Jackie Kenedy
Gia Linh (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)