Văn hóa / Thế giới văn hóa

Triển lãm Câu chuyện của những Bàn Tay

Ở một ngôi trường đặc biệt ở thành phố Huế, có những bàn tay ngượng nghịu đang miệt mài kể nên câu chuyện kì diệu về một mô hình giáo dục yêu thương.

Cau chuyen cua nhung ban tay - elle vietnam

Những ngày này, ở thành phố Huế, có những bàn tay ngượng nghịu đang chăm chỉ học tập, lao động mỗi ngày để cho ra đời những bức tranh sơn mài đầy màu sắc, những mẻ bánh mứt thơm lừng… Sớm thôi, những bức tranh, mẻ bánh ấy sẽ cùng những bàn tay nhào nặn nên chúng – những bạn trẻ có rối loạn phát triển ở trung tâm Tịnh Trúc Gia – lên tàu tham dự triển lãm “Câu chuyện của Những Bàn Tay”.

“Câu chuyện của những Bàn Tay” là câu chuyện truyền cảm hứng về những bàn tay tại Tịnh Trúc Gia – trung tâm giáo dục, dạy nghề cho các bạn trẻ có rối loạn phát triển do tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ, giám đốc Trung tâm Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia của Bhutan, sáng lập năm 2009.

Đó là câu chuyện về những bàn tay hăng say lao động, học tập của các học viên có khó khăn đặc biệt về trí tuệ và hành vi, vì tại đây, các thầy cô tin rằng “ai cũng có thể”, nếu nhận được sự yêu thương, tin tưởng và hỗ trợ đúng cách.

Đó là câu chuyện về những bàn tay yêu thương, hỗ trợ nhau cùng học, cùng làm mà các bạn dành cho nhau. Ở ngôi trường đặc biệt này, các bạn được dạy phải tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu khó khăn của nhau, và được khuyến khích chia sẻ trong mọi công việc vì “cùng nhau, chúng ta có thể”.

Đó là câu chuyện về những bàn tay kiên nhẫn dắt dìu, hỗ trợ với tình yêu thương và niềm tin vô điều kiện của thầy cô dành cho các bạn. Bởi vì “tất cả những gì một đứa trẻ cần là một chút hỗ trợ, một chút hy vọng và một người luôn luôn tin tưởng chúng” (Magic Johnson).

Ngày 15/10 tới đây, tại Viện Trao đổi Văn hoá với Pháp (IDECAF), người yêu nghệ thuật, quan tâm đến giáo dục hay chỉ đơn thuần muốn lắng nghe một câu chuyện truyền cảm hứng sẽ có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm đầy sức sống của bốn họa sĩ Tiến, Lãm, Thảo và Công – học viên tại xưởng tranh sơn mài Tịnh Trúc Gia, cũng như tìm hiểu thêm về mô hình giáo dục đầy tính nhân bản của Tịnh Trúc Gia tại triển lãm “Câu chuyện về Những Bàn Tay”.

Qua chùm tranh ảnh về hoạt động của trung tâm, triển lãm tranh sơn mài cùng các sản phẩm do chính các bạn học viên thực hiện, cũng như phần chia sẻ của các đại diện từ Tịnh Trúc Gia, cộng đồng sẽ hiểu hơn về giáo dục dựa trên tình thương và sự tôn trọng từng cá thể, mô hình đã đem đến kỳ tích cho các bạn trẻ gặp rối loạn phát triển và khiếm khuyết trí tuệ tại đây.

Về Tịnh Trúc Gia

Tịnh Trúc Gia (TTG) ­thuộc quỹ Eurasia (Thụy Sĩ) được chính thức thành lập vào năm 2009 tại Huế. Trung tâm đã có 15 năm hoạt động, cung cấp cơ sở nội trú, các lớp học và các xưởng học nghề cho trẻ em và thanh niên gặp khó khăn trong phát triển trí tuệ.

Cộng đồng TTG được thành lập dựa trên giá trị nhân văn cao cả nhằm cung cấp một môi trường lành mạnh cho từng thành viên cùng chung sống và làm việc, giúp mỗi một thành viên phát triển một cách toàn diện về thể chất và tinh thần.

Trung tâm TTG không những đem đến cho các em cơ hội nghề nghiệp mà còn giúp các em hòa nhập vào thế giới công việc và phát triển kỹ năng tự lập đến mức tối đa. Nhiều xưởng làm việc được hình thành tạo cho các em nhiều cơ hội lựa chọn công việc thích hợp với khả năng, thúc đẩy các hoạt động tạo thu nhập: Xưởng sơn mài, Xưởng chế biến thực phẩm, Vườn rau sạch Biodynamic, Trà quán, Xưởng làm nhang & đồ thủ công mỹ nghệ.

Về nhóm thiện nguyện Giáo Dục Cảm Xúc

Giáo Dục Cảm Xúc là một nhóm tình nguyện vì cộng đồng phi lợi nhuận đang hoạt động với mong muốn nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng, đặc biệt các gia đình trẻ, về sự phát triển tinh thần (Mental Development) của trẻ nói riêng, và sức khoẻ tinh thần (Mental Health) của cộng đồng nói chung.

Qua đó, nhóm mong muốn nâng cao sự cảm thông và trân trọng khác biệt, cũng như tình yêu thương trong cộng đồng.

Cau chuyen cua nhung ban tay - elle 3

Nhóm thực hiện

Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)