Lịch sử của cuộc thi sắc đẹp lâu đời nhất: Hoa hậu Thế giới
Nói đến các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới, chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua đấu trường nhan sắc quốc tế lâu đời nhất: cuộc thi Miss World – Hoa hậu thế giới.
Chúng ta vẫn ưu ái dành cho phụ nữ cái tên phái đẹp, vậy nhưng thế nào là đẹp sẽ lại có những câu trả lời khác nhau trên mỗi vùng miền, mỗi quốc gia khác nhau trên thế giới. Sẽ thật khó để so sánh một cô nàng tóc vàng da trắng quyến rũ, một cô gái da màu khoẻ khoắn hay một cô gái Á Đông dịu dàng, ai sẽ là người đẹp nhất. Vậy nhưng nhờ sự ra đời của các cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc tế, những nhan sắc từ khắp năm châu giờ đây đã có được những sân chơi để cùng gặp gỡ toả sáng và so tài. Nói đến các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới, chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua đấu trường nhan sắc quốc tế lâu đời nhất: cuộc thi Miss World – Hoa hậu thế giới.
Sự ra đời của cuộc thi Miss World
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức lần đầu tiên bởi Eric Morley ở Anh quốc vào năm 1951. Ban đầu, cuộc thi sắc đẹp này chỉ mang tính chất là cuộc thi Áo tắm với mục đích chính là quảng bá các mẫu áo tắm mới nhất lúc bấy giờ. Vậy nhưng cuộc thi đã có được sức hút và sự quan tâm ngoài sức tưởng tượng từ dư luận, truyền thông đã ưu ái gọi tên cuộc thi này là “Hoa hậu thế giới”. Đáng lẽ ra ông Morley chỉ định tổ chức cuộc thi này một lần duy nhất nhưng khi nghe được thông tin cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ sẽ được tổ chức tại Mỹ năm 1952, ông quyết định đưa Hoa hậu thế giới trở thành một cuộc thi sắc đẹp thường niên.
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới lần đầu tiên năm 1951
Cuộc thi đầu tiên năm 1951 chỉ có 26 thí sinh tham gia và phần thắng thuộc về Hoa hậu Thuỵ Điển Kiki Hakansson và bà cũng là Hoa hậu duy nhất đăng quang trong bộ bikini hai mảnh. Sau đó, cuộc thi Hoa hậu thế giới chính thức ra đời với những “tiêu chuẩn khắt khe” gây nhiều tranh cãi. Ông Morley nói rằng các thí sinh lý tưởng “phải ở độ tuổi từ 17 đến 25, cao khoảng 1,73m, nặng 50 – 58kg, vòng eo 67-73cm, hông từ 106 – 109cm, không hơn, không kém”.
Lần đầu tiên Hoa hậu Thế giới được phát trên sóng truyền hình là năm 1959 bởi đài BBC. Cuộc thi này ra đời với mục tiêu ban đầu chỉ đơn thuần là quảng cáo thời trang áo tắm, sau đó là tôn vinh nhan sắc của phụ nữ, nhưng đến những năm 80 của thế kỷ trước cuộc thi đã quyết định thay đổi khẩu hiệu thành “Beauty with a purpose – sắc đẹp vì một mục tiêu”. Sự đánh giá thí sinh có những thay đổi rõ rệt, bên cạnh nhan sắc, các ứng viên tham gia cần phải “đẹp toàn diện” về cả nhân cách, trí tuệ. Điều này đã giúp cho Hoa hậu Thế giới không chỉ dừng lại ở một cuộc thi sắc đẹp đơn thuần mà nó còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong công cuộc tôn vinh phái đẹp. Tầm ảnh hưởng của cuộc thi dần vượt qua ranh giới của quốc gia, châu lục, đến khoảng những năm 1990 Hoa hậu Thế giới đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hơn 2 tỉ khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Đầu thế kỷ 21, sau khi Eric Morley qua đời, vợ ông – bà Julia Morley thay chồng đảm nhận vai trò chủ tịch của cuộc thi sắc đẹp uy tín hàng đầu thế giới này. Một trong những thay đổi quan trọng nhất từ khi bà Julia lên làm chủ tịch đó là củng cố vai trò của khán giả bằng việc nêu cao khẩu hiệu “you decide – bạn quyết định”, cụ thể là việc chọn ra ngôi vị cao nhất không phụ thuộc vào ban giám khảo mà còn phụ thuộc vào sự bình chọn công tâm của khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh danh hiệu cao nhất – Miss World, các cuộc thi bên lề còn được tổ chức để tìm ra các danh hiệu Hoa hậu Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Tài năng và Hoa hậu Nhân ái.
Để giành được vương miện Hoa hậu Thế giới là một chặng đường dài và đầy khó khăn đối với mỗi thí sinh. Ứng viên tham dự phải là Hoa hậu chiến thắng ở cuộc thi sắc đẹp uy tín tại quê nhà. Đến với đấu trường Hoa hậu Thế giới, các thí sinh phải tham dự nhiều cuộc thi phụ, các gala, hoạt động bên lề cuộc thi và thông quá ban tổ chức sẽ chọn ra những gương mặt ưu tú. Miss World trở thành một trong những sự kiện đáng chú ý nhất hàng năm bởi nó không chỉ là một đấu trường nhan sắc mang tầm quốc tế mà còn vì chương trình luôn quyên góp hàng triệu bảng Anh cho các quỹ từ thiện lớn. Tính nhân văn chính là con thuyền đưa Hoa hậu Thế giới đến trái tim của người hâm mộ khắp nơi trên thế giới.
Những cái nhất trong lịch sử Miss World
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về quốc gia có nhiều hoa hậu nhất – Venezuela. Thật không ngoa khi gọi quốc gia Nam Mỹ này là “Vùng đất của các Hoa hậu” bởi Venezuela đã 6 lần có đại diện đăng quang ngôi vị cao nhất trên đấu trường Hoa hậu Thế giới. Lần đầu tiên Venezuela đánh dấu tên mình trên bản đồ nhan sắc thế giới là vào năm 1955 (mùa Hoa hậu thế giới thứ 5) và lần gần đây nhất là năm 2011. Song, chúng ta được biết rằng để Venezuela trở thành “Vùng đất của các hoa hậu” là điều không hề đơn giản, bởi để chạm tay đến giấc mơ hoa hậu thì những người đẹp ở đây phải trải qua sự tập luyện khắt khe ngay từ khi còn rất nhỏ ở các “lò luyện hoa hậu”.
Cái nhất thứ hai chúng ta nói đến ở đây đó là độ tuổi của các thí sinh đăng quang. Hoa hậu người Ba Lan – Aneta Kreglicka chính là người đẹp “có tuổi” nhất dành được vương miện trong lịch sử Hoa hậu Thế giới. Lúc đăng quang, Aneta đã 24 tuổi 244 ngày. Còn vị trí “hoa hậu trẻ tuổi nhất” thuộc về Wilnelia Merced đến từ Puerto Rico, cô đăng quang Hoa hậu Thế giới năm 1975 khi mới bước sang tuổi 18 được 39 ngày.
Hoa hậu Thế giới lớn tuổi nhất
Trong suốt 64 mùa tổ chức Miss World, cuộc thi năm 2013 chính là cuộc thi có nhiều quốc gia có đại diện tham gia nhất với 127 nước. Người đẹp đến từ Phillipines – Megan Young đã xuất sắc vượt qua “số lượng thí sinh kỷ lục” để đăng quang năm đó. Bên cạnh đó, năm 1952 – tức mùa thi thứ hai của cuộc thi chính là mùa thi ít thí sinh tham gia nhất trong lịch sử.
Hoa hậu Megan Young đăng quang Hoa hậu Thế giới
Những sự cố không thể quên trong lịch sử Miss World
Từ một sự kiện “một lần rồi thôi” trở thành cuộc thi nhan sắc uy tín và ăn khách hàng đầu, Hoa hậu Thế giới đã gặp nhiều pha “sự cố” đáng nhớ trên suốt chặng đường hình thành và phát triển.
Đầu tiên chúng ta phải kể đến mùa thi Miss World lần thứ 20 năm 1970, khoảng thời gian mà các nhóm “nữ quyền” đang tăng cường hoạt động mạnh mẽ và rộng khắp. Những nhóm này đã kịch liệt lên án việc tổ chức thi nhan sắc vì theo họ như vậy là xúc phạm nhân phẩm đối với phụ nữ, thậm chí còn gọi cuộc thi là “cái chợ gia súc”. Ngày 20/11/1970, thời điểm diễn ra vòng chung kết đã xảy ra hai biến cố lớn. Biến cố đầu tiên xảy ra vào rạng sáng ngày hôm đó khi một nhóm thanh niên đã nhét bom tự chế vào xe tải chở thiết bị của đài BBC. Biến cố tiếp theo xảy ra ngay trong đêm chung kết cuộc thi, có khoảng 50 người phụ nữ và đàn ông đã ném bom bột màu, bom dính, bom mực lên sân khấu và không ngừng hô to những khẩu hiệu lên án cuộc thi.
Sự cố đáng tiếc và có thể coi là khó quên nhất trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu Thế giới chính là mùa thi năm 2002 được tổ chức tại Abja – thủ đô Nigeria. Bởi Nigeria là một quốc gia Hồi giáo nên việc tổ chức cuộc thi nhan sắc dành cho phụ nữ là điều hoàn toàn sai trái và đáng lên án. Sự trì chỉ trích mạnh mẽ đã trở thành cuộc bạo động lịch sử chưa từng có trong tiền lệ cuộc thi Miss World, hậu quả để lại lên đến hàng trăm người chết và bị thương. Vì phản ứng quá gay gắt từ phía cộng đồng Hồi giáo, cuộc thi đã phải dời sang tổ chức ở Anh quốc sau đó.
Sau hơn 60 năm được tổ chức và trở thành sự kiện thường niên không thể thiếu, bên cạnh sự ra đời và “cạnh tranh” của nhiều cuộc thi nhan sắc khác như Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Quốc tế hay cuộc thi non trẻ Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Thế giới (Miss world) vẫn luôn khẳng định và giữ vững vai trò là đấu trường nhan sắc – trí tuệ – nhân văn và uy tín hàng đầu.
——–
Xem thêm
Trương Diệu Ngọc sẽ lập thành tích tại Hoa hậu Thế giới 2016?
Nguyễn Bích Thủy (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)