“Madame Nhu – Trần Lệ Xuân: Quyền lực Bà Rồng”
[Tạp chí ELLE – 4/2016] Cuốn sách về người phụ nữ “Madame Nhu – Trần Lệ Xuân: Quyền lực Bà Rồng” đang gây sốt của Monique Brinson Demery giúp ta có cái nhìn cảm thông hơn với Trần Lệ Xuân.
ĐI TÌM BÀ RỒNG HAY MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ
.
Trần Lệ Xuân hay còn được gọi là bà Nhu, dù được yêu thích hay căm ghét, luôn là cái tên không thể bỏ qua trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam. Từ trước tới nay, truyền thông vẫn nhắc đến bà như một “Dragon Lady” (theo nghĩa tiêu cực) – một phụ nữ đam mê quyền lực đến tàn nhẫn. Là vợ của cố vấn và em trai của tổng thống, bà đóng vai trò quan trọng trong nhiều quyết định sai trái của chính quyền Ngô Đình Diệm, nổi tiếng nhất là sự vụ đàn áp Phật giáo, dẫn đến vụ tự thiêu của sư Thích Quảng Đức và sau đó bà thản nhiên bình luận: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác”. Tuy nhiên, sau khi chồng và anh chồng bị sát hại trong vụ đảo chính năm 1963, bà đã rơi khỏi tâm điểm của sự chú ý. Bà bắt đầu sống lưu vong tại Ý và Pháp cùng con và sự xuất hiện của cựu đệ nhất phu nhân một thời trên báo chí chỉ còn liên quan tới những bi kịch của gia đình bà và cuộc chiến tranh giành gia tài mà cha mẹ bà để lại.
Nguồn gốc của một nhân cách
Tại sao đứa con của một gia đình xuất thân hoàng tộc, trí thức lại trở thành một phụ nữ đam mê quyền lực đến như vậy? Tại sao một người phụ nữ nhỏ bé lại có thể can thiệp sâu rộng đến thế vào chính quyền miền Nam Việt Nam một thời? Đó là điều mà tác giả Monique Brinson Demery sẽ trả lời cho bạn trong cuốn sách của cô. Và cách giải thích của cô không chỉ dựa trên những cuộc phỏng vấn trực tiếp với bà Nhu, những hiểu biết về tâm lý học, về lịch sử, các thông tin về tình hình chính trị xã hội Việt Nam một thời, mà còn từ vị thế của một người phụ nữ.
.
Cuộc phỏng vấn đầu tiên của Demery với Trần Lệ Xuân được thực hiện vào năm 2005, và đó là lần đầu tiên người phụ nữ quyền lực một thời chịu tiếp đón một nhà báo phương Tây sau 20 năm sống khép kín. Demery tìm đến bà từ những thông tin rất mơ hồ, thậm chí còn không rõ là bà còn sống hay không. Và khi cô tìm ra được bà, trước mặt người phỏng vấn không còn là một phu nhân kiêu hãnh, tự tin, hét ra lửa; đơn giản đó là một phụ nữ đã đi qua mọi thăng trầm của cuộc đời. Và đó có thể là lý do mà Demery đã nhìn thấy được những khía cạnh mà nhiều nhà báo đã bỏ qua trước đây.
Cuốn sách của một nữ nhà báo trẻ về một chứng nhân của thế kỷ trước là sự lý giải cho việc hình thành nhân cách của một con người, về nỗ lực để khẳng định vai trò của mình trong thế giới. Qua cuốn sách, người ta có thể nhìn thấy được ngay từ khi còn bé, Trần Lệ Xuân đã phải nỗ lực để tìm chỗ đứng cho mình trong gia đình. Bà sinh ra đã là một đứa con không được mong muốn, là nỗi thất vọng của một bà mẹ “Âu học” nhưng vẫn mang nặng trách nhiệm của một phụ nữ phương Đông: phải sinh ra con trai cho gia đình chồng. Tham vọng quyền lực của Lệ Xuân sau này, thực chất là sự phát triển cực độ của một người phụ nữ thông minh nhưng bị bỏ quên, cần được làm chủ, được lấn át và được công nhận.
.
Vấn đề bất bình đẳng giới một thời
Demery cũng đã chỉ ra được, bên cạnh nỗi thèm khát khẳng định vị trí đó, bà Nhu cũng là một người biết rõ sức mạnh của phụ nữ. Được so sánh với Tống Mỹ Linh, người vợ nổi tiếng của Tưởng Giới Thạch, bà biết lợi thế của nhan sắc, sự quyến rũ, và ngôn ngữ linh hoạt trong chính trường. Bên cạnh đó, tác giả cũng cho thấy người phụ nữ này, với trực giác của mình, đã nhìn ra được nhiều vấn đề mà những người đàn ông quanh bà chưa nhận thức được. Và tất nhiên, như chính các tài liệu lịch sử đã ghi lại, bà là người đã đẩy mạnh quá trình bình đẳng giới trong xã hội miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, câu hỏi mà cuốn sách đặt ra cho độc giả, và sau đó là câu trả lời của tác giả là tại sao những phụ nữ xinh đẹp và quyền lực khác trong lịch sử thành công với chiến lược của mình, thì bà Nhu lại thất bại? Dù là một biểu tượng thời trang đương thời, bà vẫn bị coi là một dạng “đàn ông” trong gia đình. Và điều đó là một vòng luẩn quẩn. Bà Nhu muốn được công nhận, và bà không ngại đòi hỏi sự công nhận đó từ công chúng. Họ càng từ chối thừa nhận công sức của bà, bà càng đẩy quyền lực của mình lên đến cực điểm.
Những câu chuyện mà Domique Brinson Demery kể lại, những phân tích mà cô đưa ra, giúp chúng ta nhìn về Lệ Xuân như một phụ nữ bi kịch. Bà là nạn nhân của một giai đoạn chuyển đổi ý thức hệ, là nạn nhân của những âm mưu chính trị, và là nạn nhân của chính mình. Bạn có thể sẽ chẳng yêu quý Lệ Xuân hơn chút nào sau khi đọc xong cuốn sách, nhưng bạn sẽ hiểu về bà hơn, không chỉ như một nữ cường nhân, mà như một con người đã đi quá xa trên con đường tìm kiếm chính mình.
.
Trò chuyện cùng tác giả
Tại sao cô lại chọn viết sách về bà Nhu?
Từ khi còn bé, tôi đã rất tò mò về phụ nữ ai cũng gọi là “chằn tinh”, quỷ dữ. Tuy nhiên, đến tận khi tôi học cao học, với chuyên ngành Nghiên cứu Việt Nam đương đại, tôi thấy mình cần phải hiểu về đất nước này trong thế kỷ XX, và khi đó câu chuyện bà Nhu quay trở lại với tôi.
Tại sao cô chọn hình thức kể chuyện song song, vừa nói về quá trình cô gặp bà Nhu và chính cuộc đời bà trong cuốn sách này?
Đó là vì tôi muốn trung thực nhất có thể. Đây là một cuốn sách phi hư cấu. Một số nguồn thông tin, kể cả từ chính bà Nhu, cũng không phải là đáng tin cậy. Bên cạnh đó, tôi sinh năm 1977, nhiều người thế hệ tôi thấy khó khăn khi kết nối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây là cách tạo ra một chuyến đi trẻ trung hơn vào vấn đề Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong vài thập kỷ.
—————
Xem thêm:
Francoise Hardy – người phụ nữ trong thơ của Bob Dylan
Những người phụ nữ quyền lực nói về tình bạn
“Mẹ rồng” Emilia Clarke – Người phụ nữ gợi cảm nhất năm 2015
Bài: P.H – Ảnh: Tư liệu