Nguyễn Thị Ánh Viên – Báu vật của thể thao Việt Nam

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 2/2016] “Thiên tài 1% là cảm hứng và 99% là mồ hôi”, câu danh ngôn nổi tiếng gắn với nhà sáng chế thiên tài Thomas Edison. Nhưng ai cũng hiểu, với chính 1% đó, thế giới mới được như hôm nay.

Và câu chuyện về Nguyễn Thị Ánh Viên cũng giống vậy, tài năng chỉ được thăng hoa qua trui rèn, nhưng cô gái còn chưa tròn tuổi 20 này đúng là báu vật của trời đã lâu lắm rồi lại “trao” cho thể thao Việt Nam.

Sinh ra cho bơi lội

Sinh ra tại ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, báo giới sau này thường nhắc nhiều đến chuyện Ánh Viên được ông nội dạy bơi từ lúc nhỏ khi ba má bận đi làm vườn. Nhưng có lẽ với mỗi đứa trẻ vùng kênh rạch này, chuyện biết bơi từ sớm và thích bơi âu cũng là lẽ thường. Cái đặc biệt hơn cả của Viên, phải là những tố chất mà ông trời chỉ cho những VĐV bơi lội hàng đầu.

10 tuổi sau khi có được những tấm huy chương đầu tiên tại Hội khỏe Phù Đổng của huyện, thành phố, Ánh Viên lọt vào mắt các nhà tuyển trạch Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9), rồi tới cuối năm 2010, cô bé được HLV đội tuyển quốc gia Đặng Anh Tuấn phát hiện ra nhờ… bơi giống con “lăng quăng” tại hồ bơi Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia TP. HCM ở đội trẻ quốc gia.

Nhưng con “lăng quăng” ấy thực sự là một viên ngọc thô. 16 tuổi, Ánh Viên đã đạt tới chiều cao 1m7, bàn chân to và có các nhóm cơ suôn dài tạo nên độ nổi, bám nước cực tốt. Đặc biệt, ở Viên nổi bật lên còn là sải tay cực dài, lên tới 1m98, thuộc diện hiếm ngay cả với làng bơi quốc tế. Một so sánh khá thú vị là sải tay của Ánh Viên chỉ kém sải tay của huyền thoại làng bơi lội thế giới người Mỹ Michael Phelps đúng 4cm!

Chính những tố chất và tiềm năng tuyệt vời ấy là nền tảng cho quyết định lịch sử của thể thao Việt Nam. Sau lần đầu tham dự SEA Games 2011 tại Indonesia và giành HCB ở 2 nội dung 100m bơi ngửa và 400m hỗn hợp, Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn được cử đi tập huấn dài hạn tại Mỹ, cường quốc bơi với mục tiêu nhắm tới ASIAD và Olympics. Đây cũng là VĐV Việt Nam đầu tiên được đầu tư chuyên biệt và từ đó, cuộc đời của cô gái nhỏ quê Cần Thơ chỉ có…

…Bơi, bơi và bơi

Sớm trở thành ngôi sao trên bầu trời thể thao quốc gia, nhưng thật khó để viết về Ánh Viên theo phong cách của lớp trẻ hiện tại. Đơn giản, cuộc sống của nữ kình ngư này chỉ bó hẹp trong một từ duy nhất – Bơi!

Không có bất kỳ một tài khoản nào trên mạng xã hội, tập huấn tại Florida (Mỹ) hàng mấy năm trời, kỷ niệm đáng nhớ nhất cũng chỉ là được gặp thần tượng của mình Michael Phelps. Thú vị hơn là bữa ăn kiểu cho “người khổng lồ” với 1 cân thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mỳ to, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi. Ăn nhiều thế cũng chỉ để bơi, bơi và bơi nhằm phát triển cơ bắp, thể lực và kỹ thuật hoàn chỉnh.

Ít ai biết, qua Mỹ từ năm 2012, nhưng 2 năm, Ánh Viên vẫn chưa thể giao tiếp được bằng tiếng Anh chỉ vì ngày phải tập luyện tới 12 tiếng, thời gian còn lại là nghỉ ngơi, phục hồi. Chỉ tới năm 2015 vừa rồi, sau vài tuần bị thầy liên tục không cho… nói tiếng Việt, Ánh Viên mới thực sự thành thục để trả lời phỏng vấn phóng viên quốc tế.

Chỉ biết bơi và bơi, với một thầy, một trò trên đất khách, không phải là không có người “trách” HLV Đặng Anh Tuấn về cái gọi là… máy bơi! Thế nhưng, nếu bạn nhìn thấy cô gái này bơi ngửa với chai nước khoáng trên trán không hề rung rinh giữa tiếng reo hò của những cô bé, cậu bé lần đầu gặp thần tượng của mình thì bạn sẽ hiểu 99% mồ hôi của thiên tài là thế nào.

Nếu không có 1% tài năng thiên bẩm và quan trọng hơn, không có một ông thầy nghiêm khắc coi học trò như đứa con đẻ của mình cùng 99% mồ hôi đổ trong tập luyện, chắc chắn đã không có một Ánh Viên…

Bạc tỷ và kỳ tích

Tài năng, quá trình đào tạo chặt chẽ, nghiêm túc và khoa học, nhưng có lẽ chừng ấy vẫn là chưa đủ, bởi đơn giản, để có được Ánh Viên hôm nay còn là những khoản kinh phí không hề nhỏ, nếu không muốn nói là lịch sử với thể thao nước nhà.

Cụ thể, mỗi năm khoản đầu tư cho nữ kình ngư trẻ này vào khoảng 140.000 đôla Mỹ, tương đương ba tỷ đồng Việt Nam. Tổng cục Thể dục Thể thao chi trả một nửa, số còn lại do đơn vị chủ quản của Ánh Viên là Quân đội lo. So với những ngành nghề khác, số tiền tỷ ấy có thể là “muỗi”, nhưng nên nhớ nó không chỉ chiếm phần lớn trong khoảng 200.000 đôla Mỹ mà ngành Thể dục Thể thao đầu tư cho riêng môn bơi lội, thậm chí còn cao hơn kinh phí của nhiều môn thể thao khác.

Theo những tính toán sơ bộ, 4 năm qua, những chuyến tập huấn ở Mỹ của Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn cũng chỉ “ngốn” khoảng 7 tỷ đồng, nhưng theo tính toán của giới chuyên môn, chắc chắn sẽ còn tăng cao khi cô gái này chỉ mới bước sang tuổi 20, đúng độ chín nhất về chuyên môn của một VĐV đỉnh cao. Hơn thế, Ánh Viên lúc này cũng mới chỉ tiệm cận với trình độ châu Á (theo xếp hạng của tạp chí Swim Swam của Mỹ cuối năm 2015) và vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới, Olympics.

Tuy đắt, nhưng đúng là… xắt ra miếng! Tính đến hết năm 2015, Ánh Viên đã trở thành VĐV giàu thành tích nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam khi sở hữu tất cả các tấm huy chương trên mọi cấp độ, trong đó có rất nhiều kỳ tích như: 2 lần giành suất chính thức dự Olympics (London 2012 và Rio 2016); 8 HCV SEA Games và 8 kỷ lục đại hội (VĐV Đông Nam Á giàu thành tích nhất SEA Games tính từ năm 1977); 2 HCB, 1 HCĐ tại giải bơi Cúp thế giới diễn ra tại Nga và Pháp trong năm 2015. Đây chính là những tấm huy chương đầu tiên của bơi Việt Nam ở một giải đấu quy mô thế giới; Lập kỷ lục khi đoạt 20 huy chương, phá 14 kỷ lục tại Đại hội toàn quốc 2014…

Nhưng tất cả chắc chắn vẫn chưa dừng lại!

Xem thêm

Trần Thu Hà – Tầm nhìn & hoài nghi

Lam Vy – Hành động vì trẻ em nghèo

Bà Thái Hương – Ước mơ vì cộng đồng

Chị Mai Anh & Na Hương – Thiện Nhân và những người bạn

Nhóm thực hiện

Bài: Nguyễn Việt Dung – Minh họa: Trọng Đức

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more