Văn hóa / Thế giới văn hóa

Nhà văn Thuận & “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”

Tiểu thuyết mới "Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư" có thể là một quá trình chịu đựng - chịu đựng sự cộc cằn trong giọng điệu, sự nhập nhằng trong cấu trúc, sự đắng ngắt trong câu chuyện... giống như chịu đựng đời sống vốn không đơn giản.

Nhà văn Thuận đã nói cho chúng tôi nghe về những điều khiến chị viết nên các trang sách ấy.

 

nha van thuan
Nhà văn Thuận

Người đọc vẫn đợi sách của chị, nhưng tới cuốn này – “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”, có người bảo các số 4 như đang chặn họ lại.

Tôi đã từng giải thích tại sao lại có nhiều số 4 như thế: “Ngay từ khi bắt tay vào bản thảo này, tôi đã tưởng tượng số 4 như một con quỷ nhỏ, liên tục tra vấn, giày vò người đọc, và chính bằng cách ấy, nó đã bắt họ không được rơi vào chứng lãng quên hay những lối mòn. Độc giả tưởng đã được nghe Trịnh Công Sơn ư, nhân vật của tôi sẽ hát: “Anh nằm xuống sau 4 lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này”.

Tôi cũng hình dung những trang tiểu thuyết như những mặt bàn bị đóng đinh bởi những số 4. Mặt bàn do vậy không thể sử dụng làm mặt bàn nữa. Và tác phẩm cũng chuyển từ tiểu thuyết sang một thể loại khác, hoặc ít ra cũng không còn là tiểu thuyết thuần túy. Trong lời giới thiệu ở bìa 4, người ta đã nói tới thơ. Tôi cho rằng đó là một liên tưởng thú vị. Số 4, vậy thì, có thể trở thành những con quỷ nhỏ ma mãnh hay những chiếc đinh nham nhở, và cả những âm điệu, những âm độ cố nhiên gồ ghề và phiền toái.

Đó chính là lý do có câu hỏi: Tại sao nhà văn Thuận chọn cách khiến người ta nhớ bằng việc giày vò, tra tấn họ?

Vì chắc ít tác giả chọn cách này. Ngay cả việc cho số vào văn cũng không ai làm.

Nhỡ sau khi bị tra tấn, giày vò, độc giả phản ứng ngược?

Đành chịu thôi. Ai kiên nhẫn thì đọc tiếp. Ai không thích, xin mời thôi. Đọc cũng nên dân chủ. Từ khi cầm bút, tôi đã ý thức được rằng tác giả nào thì có độc giả nấy, và thật vô ích cũng như vô nghĩa khi ta cứ cố để làm vừa lòng tất cả mọi người.

Nhưng mục đích ban đầu của chị là để độc giả nhớ?

Để độc giả nhớ, theo cái kiểu mà tác giả chọn. Thực ra để độc giả nhớ về những số 4 cũng khó khăn như để người Việt ôn lại sự kiện tháng Tư. Tôi luôn tự hỏi có bao nhiêu người Việt muốn nhớ và hiểu chính xác những gì đã xảy ra ở Sài Gòn những năm tháng ấy?

Cảm giác đọc mà vấp phải số 4 cũng vậy. Bạn từng nghe và có muốn nghe những câu chuyện về vượt biên, cá mập, hải tặc, học tập, cải cách công tư thương, con tố cha mẹ, vợ bỏ rơi chồng… Những chuyện như thế thì làm sao có thể viết với một giai điệu du dương, lãng mạn.

Như chị nói thì chị hứng thú với các thử nghiệm về hình thức hơn là nội dung, câu chuyện.

Cả hai chứ. Hình thức và nội dung là hai nhưng cũng là một. Tôi hay nhấn mạnh về hình thức vì người ta cứ bàn mãi về nội dung. “Tháng Tư” có lẽ là từ húy trong tiếng Việt chính thống, thế nên tôi mới thích nhắc đi nhắc lại số 4. Nếu đó là một từ bình thường thì cần gì phải làm thế.

Không biết tác giả có được tự do để nhìn về sự kiện này không, tức là liệu có ẩn ức hoặc một cảm xúc tiêu cực nào đó, hoặc có thể tác giả nghĩ là mình tự do nhưng có thể không thực sự tự do. 

Cá nhân tôi không có ẩn ức gì về sự kiện tháng Tư. Nó xảy ra khi tôi còn rất nhỏ và chẳng để lại dấu vết trong ký ức của tôi. Tôi viết với tư cách của nhà văn và giữ quan điểm độc lập về lịch sử cũng như xã hội, của Việt Nam là nơi tôi sinh ra cũng như của nước Pháp là nơi tôi đang sống.

Tôi không hề giống các nhân vật mà tôi đã tạo nên. Nhìn rộng ra, đó là cách cư xử của mọi nhà văn chuyên nghiệp. Bạn biết đấy, mặc cho độc giả và giới chuyên môn mày mò nhặt chi tiết này, bới chi tiết nọ trong “Người tình”, “Nỗi đau”, “Đập phá Thái Bình Dương”… hòng tái tạo tuổi thơ, gia đình hay tình yêu của bà, Marguerite Duras đã thẳng thắn phát biểu: “Il n’existe pas l’histoire de ma vie” (Không tồn tại câu chuyện đời tôi). Không, những gì bà viết không phải là tự truyện như người ta đã lầm tưởng, đó là kết quả của một trí tưởng tượng phong phú, kho tri thức rộng lớn và những thử nghiệm nghệ thuật thật sự.

 

gioi thieu sach chi con 4 ngay la het thang tu
“Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”

Nhưng chị vẫn dùng thủ pháp giả hư cấu, tức là chị khiến người ta nửa tin nửa ngờ rằng nhân vật là chị. Đây có phải là một cách để tăng độ hấp dẫn?

Phần đông độc giả có xu hướng giải thích tác phẩm thông qua đời tư của tác giả. Không gì khiến một nhà văn như tôi thất vọng bằng thế. Cho nên tôi phải tìm cách khiến họ đọc vào văn bản, đọc những gì do tay tôi viết ra, chứ không phải những gì người ta gán cho tôi.

Ngoài ra tôi cũng thích nghịch ngợm, trêu chọc độc giả một chút. Cho họ đoán già đoán non cũng là tạo ra một cách đọc năng động, gây thói quen nghi ngờ. Vào thời đại thông tin hỗn loạn như hiện nay, có lẽ cái câu “Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại” phải chuyển thành: “Tôi nghi ngờ nên tôi tồn tại”. Vấn đề của chúng ta bây giờ không phải là thu nạp thông tin mà là kiểm tra thông tin.

Tóm lại, độc giả thân mến, hãy khám phá thế giới mà tôi tạo ra chứ đừng khám phá cuộc đời mà tôi đang sống, nó không có gì đặc biệt đáng để các bạn bận tâm.

Với cuốn này “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”, cách chị nhìn, câu văn của chị, giọng điệu, không khí của tác phẩm… khác với những người khác, nhưng không khác với chính chị ở các tác phẩm trước…

Có khác chứ. Ví dụ trước đây tôi không dám viết về tình dục thẳng thắn như thế. Về chính trị cũng vậy. Có lẽ đã đến lúc phải hiểu rằng văn chương, ngoài tài năng còn cần dũng cảm.

Hai đề tài này thực ra rất khó viết vì người ta viết mãi rồi, không cẩn thận là rơi ngay vào lối mòn. Tôi đã buộc phải tìm cho chúng một hình thức biểu đạt khác, một cấu trúc tiểu thuyết không giống với những tác phẩm trước đây của tôi. “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư” chia làm 4 chương, mỗi chương lại chia thành 4 mục, mỗi mục đều được bắt đầu bằng một phần chữ nghiêng, trong đó ngôn ngữ và câu chuyện cô đọng tối đa, không mỹ từ, không đại ngôn, nhưng ăm ắp hình ảnh như là thơ vậy.

Liên tục cứ một phần chữ nghiêng (là câu chuyện xung quanh sự kiện tháng Tư 1975) là một phần chữ thẳng (là câu chuyện đang xảy ra vào thời điểm chúng ta đang sống), rồi lại phần chữ nghiêng và một phần chữ thẳng, cứ như thế cho đến dấu chấm hết, quấn vào nhau theo thế vặn thừng, như thể quá khứ và hiện tại là hai dòng chảy không thể tách rời nhau của cuộc sống, có khi chiếu sáng cho nhau, cũng có khi làm tối thêm nhau, bởi vì cuộc sống không bao giờ đơn giản.

Ngoài ra, nếu để ý, bạn sẽ thấy không chỉ tác giả nhập nhằng không phân định với nhân vật “cô”, mà nhân vật này cũng muốn người ta nhầm mình với nhân vật “nàng” và nhân vật “nàng” lại muốn đóng vai nhân vật Ân. Dây cà dây muống, thoắt ẩn thoắt hiện, như cái hiện thực vô cùng khó nắm bắt xung quanh chúng ta.

Xem thêm:

Lan Nguyen-Grealis với tác phẩm sách Art & Makeup

Sách tô màu cho người lớn – Vương quốc muôn loài

Review sách Từ nơi tận cùng thế giới – Tìm tình yêu nơi đâu?

Nhóm thực hiện

Bài: Đinh Phương Linh
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)