Văn hóa / Thế giới văn hóa

Nhật kí của danh họa Nguyễn Phan Chánh

[Tạp chí ELLE - 5/2016] Tới năm 30 tuổi, Nguyễn Phan Chánh mới quyết định trở thành sinh viên Mỹ thuật. Tài năng của ông trở thành một trong những niềm tự hào của hội họa Việt Nam.

Nhật kí của danh họa Nguyễn Phan Chánh 1

Nói đến Nguyễn Phan Chánh là người ta nói đến tranh lụa. Năm 1925, được bạn bè khuyết khích, Nguyễn Phan Chánh thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, và trong gần 100 thí sinh ông là người Trung Kỳ duy nhất lọt vào mắt ban giám khảo người Pháp. Chính ông đã được hiệu trưởng Victor Tardier khuyến khích theo ngạch tranh lụa, thể loại đã dần hình thành phong cách độc đáo của riêng ông và tranh lụa Việt Nam. Năm 1928, ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có tranh vẽ làm tem in ở Pháp, dùng cho Sở Bưu điện Đông Dương.

Sau Cách mạng, ông vẫn tiếp tục sáng tác tranh lụa trong chế độ mới, đề tài có thể thay đổi, nhưng phong cách vẫn được giữ nguyên. Đã có nhà phê bình cho rằng: “Ngắm nhìn tranh của ông, người ta cảm thấy sự nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm nhưng vô cùng thanh thoát. Cái tài của danh họa còn được thể hiện ở không gian nửa hư, nửa thực khiến cho người xem cảm giác “lạc lối” trong các tác phẩm. Cả một đời, ông là người chăm chỉ, bình dị và yêu cuộc sống. Vốn có năng khiếu bẩm sinh về hội họa, điều đó chẳng những nâng đỡ tinh thần ông mà còn trực tiếp cùng ông kiếm kế sinh nhai. Nét vẽ tài hoa của ông đã để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào thấm đẫm tính dân tộc”.

Đặc biệt hơn, do sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Hà Tĩnh, ông thấu hiểu rõ nỗi vất vả của người nông dân. Vì thế, nhân vật trong tranh của ông thường là người nông dân, phụ nữ nông thôn. Cảm xúc trong tranh của ông cũng rất ấm áp, hồn hậu, trong trẻo. Và nhờ vậy, ông không chỉ khiến tranh lụa Việt Nam trở nên nổi tiếng, mà còn là người lưu giữ cái hồn của nước Việt xưa.

.

Nhật kí của danh họa Nguyễn Phan Chánh 2
Tranh “Cô gái rửa rau”

Chỉ tiếc rằng, tranh của ông trong giai đoạn sáng tác đầu đã lưu lạc khắp nơi. Nhiều bức tranh không rõ đang nằm trong tay ai. Trong buổi đấu giá ngày 25/5 tại nhà đấu giá Christie’s International tại Hong Kong, bức tranh có tên “La Marchand de Riz” (Người bán gạo) vẽ năm 1932 đã lập kỷ lục khi được bán với giá 390.000 đôla Mỹ. Tuy nhiên, ban đầu, đã có người lầm tưởng đó là tranh của một tác giả vô danh Trung Quốc.

Để hiểu hơn về người họa sĩ tài năng và tâm huyết này, không có gì tốt hơn là đọc nhật ký sáng tác của ông. Nhật ký những bức tranh (NXB Kim Đồng, giá bìa 60.000 VNĐ) là cuốn sách tập hợp những ghi chép, cảm xúc về mỗi bức tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh – đứa con tinh thần của ông. Trong từng đoạn viết, ông giải thích cụ thể về bố cục, mong muốn và cảm xúc của mình với từng tác phẩm. Những bài viết này đã được con gái ông – nhà văn, dịch giả Nguyễn Tú – sưu tầm và biên soạn cẩn trọng, công phu. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giới thiệu tới các em những tác phẩm tranh lụa, những bài thơ của danh họa, người được vinh danh là bậc thầy Nghệ thuật Tranh lụa Việt Nam.

__

Xem thêm:

Cơ sở thưởng thức hội họa

Nước hoa và hội họa

Xu hướng thời trang mới: Hội họa thăng hoa

Nhóm thực hiện

Bài: P.H - Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)