Tình yêu nồng nhiệt dành cho nhiếp ảnh của Oliviero Toscani đã sớm được hình thành và thừa hưởng từ cha ông từ những ngày thơ bé. Ông là nhiếp ảnh gia người Ý được biết đến với vô số những chiến dịch quảng cáo có hiệu quả gây shock dư luận xã hội trong suốt 20 năm qua. Dù là nỗi sợ hãi với căn bệnh thế kỷ AIDS, chiến tranh, tôn giáo, nạn phân biệt chủng tộc, đồng tính hay chứng biếng ăn, tất cả đều đã được Oliviero Toscani lột tả đậm tính chân thật qua lăng kính của ông.
.
Tên tuổi của Oliviero Toscani đi liền với những chiến dịch quảng cáo do ông chịu trách nhiệm tại Tập đoàn thời trang Benetton, đã đưa danh tiếng Benetton vượt xa khỏi ranh giới Ý và khiến cả thế giới phải một lần nữa suy ngẫm về sức mạnh khủng khiếp của truyền thông nói chung, quảng cáo nói riêng. Đó chính là Oliviero Toscani, một nhiếp ảnh gia không đơn thuần.
Cái tôi mạnh mẽ, tự hãnh và tự kiêu
Oliviero Toscani luôn nói về bản thân như một người may mắn nhất mà ông từng gặp. Có chăng là một người được vị thần may mắn phù hộ đi nữa, thì mấy ai mạnh mẽ và tự hãnh về bản thân như thế được như ông? Ông tuyên bố với thế giới về những lý do để ông trở thành người may mắn nhất: “Tôi là thế hệ sinh ra không có chiến tranh, không nhạc Beatles và Rolling Stones, không du lịch vòng quanh và váy ngắn, tôi được sinh ra trong một gia đình cực kỳ hào phóng. Tôi quá may mắn bởi tôi có chỉ có những hồi ức được tuyển chọn, tôi không nhớ những gì tôi không thích, chỉ nhớ những gì tốt mà thôi”. Nói đến đây, chúng ta biết Oliviero Toscani “không có gì” ngoài sự hài hước đáng kinh ngạc cùng khả năng làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống ít ai có được. Ông là người may mắn nhất vì chính bản thân ông cho phép điều đó, và ta biết rằng, sẽ không một ai có thể lay chuyển ý chí mạnh mẽ của người đàn ông này.
Thậm chí, ông còn chia sẻ bí quyết để có thể giành lấy chiếc thìa vàng may mắn một cách khá “điên rồ”: “Tôi chấp nhận sự thật là tôi may mắn, nhưng bạn phải khiêu khích sự may mắn, bạn phải nhảy xuống từ tầng ba, đứng dậy và rồi mọi người sẽ đều công nhận bạn may mắn thế nào. Yeah, tôi đã nhảy như thế đấy”. Đối với người không có khiếu hài hước, những câu nói của ông sẽ dễ dàng khiến họ khẽ nhíu mày. Nhưng với những người thích đùa thì ông quả là một cao thủ.
Nỗi lòng đầy trăn trở về cái nghiệp cầm máy
Oliviero Toscani nhìn nhận nghiêm túc về nghề nhiếp ảnh mà ông đã dành cả đời người để theo đuổi: “Mọi người quan sát các thứ xảy ra mỗi ngày qua đôi mắt của người khác, do vậy đây là cả một gánh nặng trách nhiệm… một bức ảnh có thể mạnh hơn một đội quân”. Ông tâm sự tình yêu của ông dành cho môn nghệ thuật hình ảnh: “Tôi không phải là nhiếp ảnh gia chỉ vì tôi yêu nhiếp ảnh. Với tôi, nhiếp ảnh như là cây bút của nhà văn vậy. Khi người người vẫn đang dạo bước… thì tôi sẽ chạy nếu tôi cần phải đến nơi nào đó! Tôi không chạy vì lợi ích của nó mang lại, tôi không quan tâm… Tôi vẫn chưa đạt đến điểm giới hạn của nghệ thuật, nhưng những gì tôi đã chụp đều quan trọng, và dĩ nhiên cách chụp riêng của tôi cũng giúp nâng giá trị hình ảnh. Đó là cả câu chuyện, thứ ẩn giấu trong mỗi tấm hình”.
.
Thế nhưng có lẽ câu chuyện sau mỗi bức ảnh như tảng băng chìm giữa biển cả, và không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình của dư luận, ông bày tỏ cảm xúc: “Giờ đây ký ức lịch sử của con người đều có được qua hình ảnh. Thị phi xuất hiện từ khi nhiếp ảnh ra đời… Tôi hổ thẹn vì bản thân là loài người sau khi nhìn những tấm ảnh đó. Vậy nên hình ảnh khiến bạn phải đối mặt với hiện thực mà phần lớn đời người không muốn thấy, không muốn biết, không muốn bị liên luỵ”, ông thẳng thắng chỉ ra vấn đề cốt lõi của con người khi bị buộc phải đối mặt với hiện thực cuộc sống: “Có những người mà khi nhìn vào một tấm hình, họ liền nổi giận với nó. Nhưng họ nên giận dữ với chính bản thân hơn khi họ không đủ dũng khí để soi xét vấn đề”.
.
Có thể thấy, đối với Oliviero Toscani mà nói, hơn cả sự thành công của một chiến dịch quảng cáo, việc truyền tải một thông điệp nhất định đến xã hội và khiến dư luận phải lay động về sự thật trần trụi đó mới chính là lẽ phải ông theo đuổi trong suốt sự nghiệp cầm máy. Ông chưa từng nghĩ đến những chiêu trò gây shock bằng hình ảnh (dù trên thực tế, tên tuổi của ông đều gắn liền với những tấm ảnh từng khuấy động làn sóng ý kiến trái chiều), ông thể hiện quan điểm: “Không có cái thứ gọi là ảnh gây shock, chỉ có hiện thực gây shock đang được tái hiện thông qua nhiếp ảnh và gửi đến người khác, những người đã không có mặt tại nơi đó”. Toscani tiếp tục bàn đến nguyên nhân dẫn đến những lần xã hội “ồ à” trước tác phẩm của ông: “Một khi thật sự được khai hoá, chúng ta sẽ không còn bị shock trước bất kỳ bức ảnh nào nữa. Đó mới là vấn đề, mọi người bị shock vì họ chưa được khai hoá, vì họ không muốn là một phần hay đối mặt với sự khai hoá”, và trong thâm tâm, ông tự thức được sức mạnh của lăng kính tròn: “Có lẽ đó là nhiệm vụ của người nhiếp ảnh: khiến họ shock, mang họ đối mặt với thứ họ không hề muốn nhìn thấy”. Toscani hài hước: “Bạn chẳng cần phải đến bác sĩ tâm lý để hiểu về bản thân, bạn chỉ cần nhìn vào tấm ảnh passport của mình, và nó sẽ dễ dàng với tất cả để biết về vấn đề của bạn”.
Hơn ai hết, Oliviero Toscani hiểu rằng cái nghiệp cầm máy với mục đích “tố cáo” sự thật với đời của ông còn bao gian nan, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong ông chưa bao giờ thôi lụi tàn. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những chiến dịch hình ảnh thành công toàn cầu trăn trở: “Tôi muốn ghi lại những gì đang diễn ra và chúng ta không muốn nhìn vào đó… suy nghĩ này đã thôi thúc tôi rất nhiều”.
.
Thẳng thắng và cương trực trong niềm lạc quan – đức tính hiếm có của một người hoạt động nghệ thuật
Không chỉ hài hước và có tâm với nghề, ông còn một nhiếp ảnh gia đáng kính với những phát ngôn mạnh mẽ, không ngại đụng chạm về sự bình đẳng: “Người giàu lại giàu, nếu bạn thông minh không đúng chỗ bạn sẽ bị chèn ép, nếu bạn ngu đúng nơi bạn sẽ là luật sư. Hoặc nếu bạn có người cha quyền lực, bạn sẽ là tổng biên tập của tờ báo gia đình. Tôi vẫn gặp con ông cháu cha đang học tại Harvard hay Yale mà năng lực thậm chí còn tệ hơn cha của họ. Toàn những người không chút dũng khí, không tầm nhìn, không ước mơ.” Nhiếp ảnh gia Oliviero Toscani khẳng định: “Tôi không thích sự bất công… Có quá nhiều tài năng và trí óc bị lãng phí trong xã hội này, giới chính trị này”.
.
Chính vì tình cảm dành cho đời, quan điểm tách bạch giữa hiện thực và nghệ thuật mà Oliviero Toscani luôn có luồng sinh khí thôi thúc ông cần sống vội và sống hết mình cho đam mê: “Tôi không muốn phung phí thời gian, tôi đón chờ những điều mới mẻ để nhận lấy, để theo đuổi, để tin tưởng”. Ông lạc quan và trân quý mọi khoảnh khắc, kỷ niệm mà ông đã trải qua trong đời: “Tôi không sống trong hoài niệm. Tôi thật sự yêu khoảng thời gian tôi đang sống. Tôi đang 73 tuổi, quả là rất tuyệt. Khi tôi 20, cũng tuyệt, 30, cũng tuyệt, và tôi không xấu hổ khi phải thừa nhận tôi cực kỳ may mắn”. Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước mình luôn giàu niềm lạc quan như Oliviero Toscani. Bởi ngoài tài năng, lạc quan chính là món quà đáng quý nhất để ta có thể sống trọn từng ngày.
.
Tiếng nói riêng, tiếng nói của sự thật
Mọi nghi ngờ về bản lĩnh của Oliviero Toscani đều là thứ sương khói mơ hồ và thiếu thuyết phục. Chắc chắn là như thế! Thứ nhiếp ảnh ông theo đuổi là môn nghệ thuật phản chiếu hiện thực nghiệt ngã mà hiếm có người trong giới nào đủ can đảm đi đến tận cùng. Ông không ngại lên tiếng chỉ trích vấn nạn của xã hội, không ngại phải nêu lên cái lõi mục rữa khi con người sợ sệt đối diện với sự thật đen tối: “Nhiếp ảnh quá mạnh đến nỗi chúng ta không dám bày ra, chúng ta sợ. Ta có thể nhìn tác phẩm Judith Beheading Holofernes của hoạ sĩ Caravaggio ở bảo tàng với những đứa trẻ, nhưng lại không dám nhìn vào tấm ảnh vì ta không muốn. Tại sao?”
.
Ông còn là người có cái nhìn sắc bén và quan điểm độc lập, đi ngược với thời đại về sự phát triển của ngành tiếp thị: “Đó là một hệ thống ngu ngốc, chỉ đi lùi thay vì phải tiến về phía trước, nó không có chỗ cho sự tưởng tượng, nó chỉ phân tích những thứ đã diễn ra xong xuôi. Nó chỉ cân đo kinh tế lượng mà không nói đến chất lượng. Trí tưởng tượng thì không cần phải nghiên cứu làm gì.”
.
Xuất bản sách ảnh “More Than Fifty Years of Magnificent Failures”
.
Oliviero Toscani thừa nhận ông không mấy hứng thú với “công cuộc” làm sách. Tính cách bộc trực sẵn có, ông chia sẻ hóm hỉnh: “Doanh số thấp lắm, chỉ có vài nghìn bản”. Thế nhưng trong năm nay, ông đã cho xuất bản tập sách ảnh “Oliviero Toscani: More Than Fifty Years of Magnificent Failures” cùng lời giải thích cho chữ “failures” (thất bại – tạm dịch) trong tựa sách là: “Những buổi diễn tuyệt vời luôn là những thất bại tráng lệ”. Thông minh và hài hước đến tận cùng!
Cuốn sách là tổng hợp vô số những chiến dịch quảng cáo làm nên tên tuổi của Toscani, cũng như những hình ảnh ông thực hiện đã xuất hiện trên các tạp chí Elle, Vogue và Vanity Fair. Bên cạnh đó, tập sách ảnh còn có những lời bình từ nhà thiết kế Kenzo Takada, Issey Miyake, Philippe Starck, Peter Gabriel, Luciano Benetton, Peter Lindbergh, David Bailey, Rankin, Inès de la Fressange và André Leon Talley – đều là đồng nghiệp, bạn bè hoặc bạn học của ông.
Tập sách ảnh sẽ được phát hành tại Anh với giá bán £35 từ ngày 5/11.
__
Xem thêm:
Nhiếp ảnh gia Olivia Lorraine Tran – Điệu vũ câm
Cuộc đời kỳ lạ của Nhiếp ảnh gia đường phố Vivian Maier
Maha Maamoun – nhiếp ảnh gia nghệ thuật đương đại châu Phi
Nhóm thực hiện
Bài viết: Chlov Hình ảnh: Oliviero Toscani