10 bộ phim Bollywood tuyệt hay của nền điện ảnh Ấn Độ
Cùng ELLE điểm qua 10 bộ phim Bollywood lập kỷ lục phòng vé của nền điện ảnh Ấn Độ:
Mangal Pandey: The Rising – Cuộc Nổi Dậy
Đạo diễn Ketan Mehta đã mất hai năm để hoàn tất bộ phim “Mangal Pandey: The Rising” có kinh phí thực hiện cao nhất của Bollywood, và được Thái tử Charles tham gia nghi thức khởi quay đồng thời đem đến số tiền tài trợ 150 ngàn bảng từ Hội đồng điện ảnh Anh, đã lập kỷ lục mới về doanh thu với khoảng 5 triệu USD tiền bán vé trong tuần lễ trình chiếu đầu tiên tại 400 màn ảnh khắp Ấn Độ.
Tái dựng cuộc nổi dậy năm 1857 của những người lính đạo Hindu và đạo Hồi, được lãnh đạo bởi thủ lĩnh Mangal Pandey phản đối việc công ty British East India bôi trơn các viên đạn bằng mỡ của những con vật mà tôn giáo này cấm xâm phạm. Cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của nước Anh này đã khiến nhiều binh sĩ Anh bị thiệt mạng.
Mặc dù bị nhiều lời chỉ trích của các nhà lịch sử của cả Anh và Ấn Độ về một số chi tiết trong phim nhưng “Mangal Pandey: The Rising” cũng đã thu được 120 ngàn bảng trong tuần lễ đầu tiên phát hành tại Anh.
Slumdog Millionaire – Triệu Phú Ổ Chuột
Mặc dù Danny Boyle là một đạo diễn người Anh ngồi ghế nóng, nhưng “Slumdog Millionaire” vẫn đậm đặc màu sắc của đất nước Ấn Độ xinh đẹp. Những mảng sáng – tối của xã hội Ấn đương thời bỗng mở ra trước mắt khán giả, cho phép chúng ta chứng kiến những khía cạnh mới lạ chưa từng thấy về cuộc sống của những tầng lớp hạ lưu và nghèo hèn.
Triệu Phú Ổ Chuột kể lại câu chuyện của một chàng trai trẻ Jamal (Dev Patel) xuất thân từ khu ổ chuột Juhu ở Mumbai khi cậu tham gia trong trò chơi truyền hình “Who Wants to Be a Millionaire?” (tiếng Hindi: Kaun Banega Crorepati, trò chơi tương tự Ai là triệu phú ở Việt Nam) và trả lời được chính xác tất cả những câu hỏi, vượt quá kỳ vọng của mọi người và khiến người dẫn chương trình lẫn các sĩ quan cảnh sát phải nghi ngờ. Thế nhưng, họ đều không biết rằng đằng sau mỗi câu trả lời lại là một trải nghiệm đáng nhớ trong tuổi thơ dữ dội của cậu.
Bộ phim giành được tới 8 giải Oscars và hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ khác, trở thành một trong những tác phẩm về đất nước Ấn Độ thành công nhất mọi thời đại.
Magadheera – Thần thoại Ấn Độ
Khởi đầu phim “Magadheera” là bối cảnh của những năm 1600, khi Mughal cai trị các phần đất của Bắc Ấn. Khi ấy Kalabhairava (Ram Charan Teja) là chiến binh ghê gớm nhất và được trọng dụng nhất trong vương quốc của Udaigarh. Anh và công chúa Mithra Vinda Devi (Kajal Aggarwal) yêu nhau, nhưng anh em họ của cô Ranadheer Billa (Dev Gill) ngăn cản và làm đôi uyên ương phải chết. 400 năm sau đó, Kalabhairava đầu thai là Harsha (Ram Charan Teja) gặp lại công chúa Mithra Vinda Devi là Indu, còn Ranadheer Billa là Raghveer. Harsha cứu Indu khỏi bàn tay xấu xa của Raghveer và nói với cô cuộc sống trước đây của họ. Ban đầu, Indu không tin anh, nhưng khi nhìn thấy những ký ức về tiền kiếp của mình quay về, cô nhận ra Harsha là nói sự thật. Cuối cùng Harsha giết chết Raghveer và hai người ở bên nhau mãi mãi.
Teri Meri Kahaani – Tình Yêu Bất Tử
“Teri Meri Kahaani” sẽ đưa khán giả vào một tình yêu bất tử trải qua ba kiếp đẹp như thơ của đôi vợ chồng trẻ vào khoảng thời gian các năm 1910, 1960, và 2012. Dù trải qua những thử thách khắc nghiệt, tưởng như tình yêu của họ tan vỡ theo sóng gió cuộc đời, nhưng hai trái tim vẫn luôn trào những nhịp sóng yêu thương và hy sinh cho nhau.
English Vinglish – Tiếng Anh Là Chuyện Nhỏ
Một người phụ nữ Ấn Độ truyền thống là Sashi (Sridevi) cô bị chính chồng con mình khinh thường vì không có học thức cao và cả ngày chỉ ở nhà nội trợ thực hiện bổn phận làm vợ, làm mẹ. Bước ngoặt xảy đến khi chị gái Sashi ngỏ lời mời cả gia đình sang Mỹ để dự đám cưới cô cháu. Đặt chân đến New York hoa lệ, Sashi không tránh khỏi choáng ngợp và đi đến quyết định sẽ tham gia một lớp dạy tiếng Anh ngắn hạn để hòa nhập với mọi người ở đây. Chính thời gian học tiếng Anh này đã giúp Sashi vượt qua mặc cảm về trình độ của mình, đồng thời khiến mọi người trong gia đình có cái nhìn tôn trọng hơn đối với cô và được đối xử bình đẳng.
Vốn có nền văn hóa trọng nam khinh nữ, English Vinglish chính là tiếng nói cởi mở hơn về thân phận người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Xen lẫn với những phân đoạn hài hước và cảm động, phim còn hấp dẫn người xem bởi thông điệp nhân văn sâu sắc ẩn chứa trong phim.
Lagaan: Once Upon a Time in India – Cuộc Chiến Tự Do
“Lagaan: Once Upon a Time in India” là một bộ phim thể thao cổ trang Ấn Độ (2001) của đạo diễn Ashutosh Gowariker, kể về câu chuyện của ngôi làng Champaner ở Ấn Độ, nơi bị bao vây bởi hạn hán và chủ nghĩa thực dân Anh trong những năm 1893. Do hạn hán lâu ngày mà sưu cao thuế nặng, dân làng Champaner quyết định sẽ yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời xoá bỏ thuế lagaan. Dưới sự dẫn dắt của người hùng Bhuvan (Aamir Khan), dân làng gặp thống đốc quân sự, Đại úy Russell (Paul Blackthorne). Tuy nhiên, Russell độc ác đe dọa sẽ nâng cao gấp ba lần thuế trong thời gian ba năm, trừ khi dân làng có thể đánh bại hắn ta trong trò chơi cricket. Liệu Bhuvan cùng dân làng có thắng được trò chơi ngoại quốc kì lạ này?
Đây đã trở thành bộ phim Ấn Độ thứ ba được đề cử Oscar cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất sau “Mother India” (1957) và “Salaam Bombay!” (1988).
Like Stars on Earth – Cậu Bé Đặc Biệt
Đây là bộ phim được khán giả Việt Nam vô cùng yêu thích dưới cái tựa quen thuộc Like Stars on Earth – Cậu bé đặc biệt, khiến tất cả những người lớn đều nên xem để nhìn lại cách giáo dục sai lệch của mình, được đạo diễn và sản xuất bởi nam diễn viên Aamir Khan, khám phá về cuộc sống và trí tưởng tượng của cậu bé 8 tuổi Ishaan Awasthy. Trong khi vượt trội hơn hẳn về mặt nghệ thuật thì chính sự yếu kém về thành tích học tập đã làm cha mẹ Ishaan gửi cậu bé vào trường nội trú, với kỉ luật và hình phạt hà khắc, em dần biến thành một đứa trẻ cô độc và trầm tính. Giáo viên dạy vẽ mới của Ishaan nhận ra cậu bé bị mắc chứng khó đọc và ra sức cố gắng để giúp cậu bé vượt qua khuyết tật này từ học sinh “lười nhác, điên khùng, bét bảng” thành một vì sao lấp lánh.
Nếu bạn là người yêu trẻ em và có trách nhiệm với trẻ em, “Like Stars on Earth” chính là lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Queen – Nữ Hoàng Ấn Độ
Chủ đề nữ quyền ngày càng phổ biến trong các phim Ấn khiến các đạo diễn khá hào hứng với kịch bản trong đó nữ giới có thể thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của đạo đức, truyền thống cũ để khẳng định bản thân như Rani Mehra (Kangana Ranaut) là một cô gái trẻ sống tại Delhi. Chỉ còn 2 ngày nữa là đến lễ cưới của cô nhưng vị hôn phu lại… xách dép bỏ chạy vì anh cho rằng cô quá cổ hủ, trong khi anh lại chịu ảnh hưởng của lối sống phóng khoáng phương Tây nên hai người sẽ không hạnh phúc bên nhau. Trải qua cú sốc lớn, Rani xin cha mẹ cho phép cô tiếp tục tham gia kì nghỉ trăng mật tới Paris và Amsterdam mà cô đã đặt trước. Chuyến đi này đã giúp Rani trưởng thành và cởi mở hơn rất nhiều, để cuối cùng cô có thể tự tin quay về Ấn Độ gặp mặt anh chồng “hụt” và trả lại nhẫn đính hôn cho anh rồi rời đi với nụ cười trên môi.
Ghajini – Báo Thù
Một chàng trai Sanjay (Aamir Khan) là chủ tịch của 1 tập đoàn máy tính lớn đem lòng yêu 1 cô gái đã tung tin đồn là cô gái đó là bạn gái của anh, cho dù 2 người chưa từng gặp mặt. Và rồi 2 người bắt đầu yêu nhau nhưng cô gái đã bị 1 tên trùm buôn người trả thù vì đã chỉ mặt tố cáo ông ta. Bất hạnh thay cô gái bị giết chết còn Sanjay thì bị đánh đến nỗi bị bệnh mất trí nhớ sau mỗi 15 phút, những gì xảy ra trước đó sẽ quên hết. Làm sao anh có thể trả thù được với căn bệnh mất trí nhớ ngắn hạn?
Được lấy cảm hứng từ phim Memento (2000) của Hollywood, cộng thêm yếu tố mới lạ của “Ghajini” đã góp phần chinh phục được cả khán giả nội địa và số đông người Ấn Độ đang sống ở nước ngoài, thu được 40 triệu USD.
Rang De Basanti – Hãy Sơn Màu Vàng
Câu chuyện kể về Sue một nhà làm phim tài liệu người Anh mong muốn làm bộ phim về những chiến binh tự do trong phong trào độc lập Ấn Độ dựa trên quyển nhật ký của ông nội cô – một cựu sĩ quan của quân đội Anh tại Ấn Độ. Khi đến Ấn Độ, cô yêu cầu một nhóm năm thanh niên tham gia diễn xuất trong phim của mình. Trong quá trình quay phim, chủ nghĩa duy tâm anh hùng cách mạng của Ấn Độ thấm vào các nhân vật chính. Họ dần dần nhận ra rằng cuộc sống của họ khá giống với nhân vật mà họ miêu tả trong bộ phim của Sue và rằng những vấn đề trong cuộc chiến xưa kia vẫn có ảnh hưởng tới thế hệ của họ.
“Rang De Basanti” nhận được một loạt đề cử tại các giải thưởng danh giá như BAFTA, Oscar và Quả cầu vàng. Tuy nhiên, ít người biết ban đầu việc phát hành phim gặp khá nhiều khó khăn do trục trặc với Bộ quốc phòng Ấn Độ (vì một cảnh sử dụng máy bay MIG-21) và Tổ chức bảo vệ động vật (do một cảnh đua ngựa).
—
Xem thêm:
Bạn đã xem 15 bộ phim nữ quyền hay và ý nghĩa này chưa?
Khánh Ly (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE, tổng hợp)