BÀI LIÊN QUAN
Siêu lợn Okja
Ảnh: xfdrmag.net
Siêu lợn Okja là một trong những bộ phim hay về yếu tố giả tưởng, tình cảm, hài hước do Netflix đầu tư và Bong Joon-ho làm đạo diễn. Okja là một trong 26 chú lợn đột biến gen được tập đoàn Mirando gửi đến các trại chăn nuôi tự nhiên trên toàn thế giới. Okja được ông cụ Hee-bong nuôi trên một ngọn núi ở Hàn Quốc và nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết của cô cháu gái Mija. Sau 10 năm, cô lợn trở nên to lớn, phổng phao dù chỉ được thả rong trong rừng và ăn quả hồng dại. Công ty Mirando lập tức triệu tập những chú lợn về New York để tổ chức cuộc thi “Siêu lợn”, nhưng thực chất là nhằm chọn ra những chú lợn tốt để nhân giống và ra mắt các sản phẩm từ giống lợn này. Vậy là Mija bắt đầu cuộc hành trình đến New York để cứu người bạn của mình.
Ngoài những phân đoạn cảm động về tình bạn giữa Okja và Mija, bộ phim còn gửi gắm rất nhiều thông điệp đáng suy nghĩ. Đó là cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và vô cùng nên thơ của những người nông dân. Đó là sự dối trá của ngành công nghiệp thực phẩm, tạo ra sản phẩm biến đổi gen nhưng gắn mác “chăn nuôi tự nhiên” để đánh lừa người tiêu dùng, đồng thời đặt lợi nhuận lên trên cả đạo đức kinh doanh lẫn tính nhân bản. Đó là những người tiêu dùng ngu dốt, “chỉ cần rẻ, họ sẽ ăn”. Đó là sự đối lập trùng điệp: những chú lợn dù được sinh ra trong phòng thí nghiệm nhưng vẫn lớn lên hòa nhập với thiên nhiên, vẫn có tình cảm, cảm xúc (cảnh một cặp lợn cố gắng đưa chú lợn con ra bên ngoài hàng rào điện, với đôi mắt đau đáu hy vọng trước khi bị đưa vào lò mổ đã khiến tôi khóc rất nhiều) chúng đối lập hoàn toàn với những con người lãnh cảm và tàn ác kia. Bộ phim sẽ khiến bạn phải suy nghĩ về vấn nạn lương thực và cách sống, cách ăn uống của mình.
BÀI LIÊN QUAN
Little Forest: Summer – Autumn/ Winter – Spring (Khu rừng nhỏ: Hạ – Thu/ Đông – Xuân)
Ảnh: amazon.com
Little Forest (Komori) là tác phẩm điện ảnh Nhật Bản chuyển thể từ bộ manga cùng tên của tác giả Igarashi Daisuke. Phim được chia thành 2 phần, công chiếu cách nhau nửa năm: tập Hạ – Thu vào tháng 8/2014, Đông – Xuân vào tháng 2/2015. Bộ phim là bức tranh về cuộc sống một mình của Ichiko tại làng Komori. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, người mẹ – cũng là chỗ dựa duy nhất của Ichiko – bỗng dưng bỏ đi không một lời từ giã. Bên cạnh đó, do không thể thích ứng với cuộc sống đô thị, Ichiko trở về quê và sống một mình trong căn nhà gỗ đơn sơ. Giống như mọi người ở vùng quê hẻo lánh này, mỗi ngày Ichiko tự trồng trọt, thu hoạch nông sản để nuôi sống bản thân. Từ hồi ức về những món ăn mẹ làm khi còn bé, Ichiko chế biến lại hương vị của ngày xưa bằng những nguyên liệu theo mỗi mùa.
Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, bạn chắc chắn sẽ phải lòng bộ phim này. Cảnh sắc bốn mùa của miền Đông Bắc Nhật Bản được mô tả vô cùng chân thực, sống động, nguyên sơ và đẹp đẽ vô cùng. Cuộc sống tự cấp tự túc, tĩnh lặng và bình yên của Ichiko hòa quyện hoàn hảo vào bức tranh thiên nhiên nơi đây, không còn một chút vướng bận nào.
Nếu bạn là người yêu ẩm thực, bạn chắc chắn cũng sẽ thích phim bộ này. Mỗi lần nấu ăn là mỗi lần Ichiko thưởng thức cuộc sống giản đơn của mình. Cùng với những công thức rõ ràng, mùa nào thức ấy, những câu chuyện đằng sau mỗi món ăn và cách bài trí bắt mắt, Ichiko khiến cho chúng ta như được cùng sống trong những tháng ngày bình yên vô tận.
Để rồi, khi xem xong bộ phim, có thể bạn sẽ khát khao được trở về quê, về với cánh đồng, với khu rừng, với cuộc sống có thể không giàu sang về mặt vật chất nhưng được gần gũi với thiên nhiên, được làm chủ thực phẩm và được tận hưởng trọn vẹn thời gian của bản thân mình.
Wood Job – Cuộc sống đơn giản ở Kamusari
Ảnh: imdb.com
Thử tưởng tượng mà xem, những người quen sống ở thành phố sẽ như thế nào khi bước chân về một vùng nông thôn thiếu điện, thiếu nước sạch và đặc biệt là không mạng di động, không Internet? Đó chính là hoàn cảnh mà anh chàng “công tử bột” Hirano Yuki phải trải qua. Do thi trượt đại học và mất định hướng tương lai, Hirano đã “chọn đại” một công việc ở vùng Kamusari xa xôi hẻo lánh chỉ vì… một cô gái xinh đẹp trên tờ rơi. Sau những tình huống dở khóc dở cười và không ít lần muốn trở lại thành phố, cuối cùng Hirano cũng cảm nhận được ý nghĩa từ cuộc sống giản đơn ở đây, bên cạnh những con người hồn hậu, chất phác và cảm nhận được sức mạnh thiêng liêng của những khu rừng.
Bộ phim có tiết tấu khá chậm và nhẹ nhàng bên cạnh khung cảnh núi rừng hùng vĩ tại Kamusari. Những gốc cây trăm tuổi, những ngọn núi hùng vĩ và những con người sống yên bình, chân chất… Tất cả đều đã trở thành những hình ảnh hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ có yếu tố hài hước, Wood Job còn mang tới sự sâu sắc thường thấy trong phim Nhật. Câu chuyện trung tâm là sự mâu thuẫn giữa hai lối sống nông thôn và thành thị, lẫn trong đó là ý nghĩa của lâm nghiệp mà nhiều người đã lãng quên. Những người đàn ông ở Kamusari sống nhờ rừng. Họ đốn cây rừng làm gỗ nhưng đồng thời cũng liên tục trồng và bảo vệ rừng. Họ tin vào thần rừng với một lòng kính trọng sâu sắc, họ tôn sùng cây rừng và hiểu chúng như hiểu chính bản thân mình. Trích lời một nhân vật trong phim về sự kì lạ của ngành lâm nghiệp: “Khi đến lúc có thể đánh giá được thành quả công việc thì chúng tôi đều đã chết cả rồi”. Đúng thế, lâm nghiệp là một công việc đầu tư lâu dài, không chỉ trồng cho đời ta, mà còn để lại di sản cho đời con cháu, và vẫn cứ tiếp tục như vậy. Đôi lúc trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đã chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên mất rằng, nếu không gìn giữ, thì thiên nhiên cũng sẽ chẳng còn lại gì.
Final Straw: Food, Earth, Happiness (Cọng rơm cuối cùng: Thực phẩm, Trái Đất, Hạnh phúc)
Ảnh: YouTube
Cọng rơm cuối cùng: Thực phẩm, Trái Đất, Hạnh phúc là bộ phim tài liệu của đạo diễn Patrick Lydon và Suhee Kang, đặt vấn đề về những ý tưởng xoay quanh lương thực, kết nối sinh thái và hạnh phúc cá nhân. Sau 4 năm, Patrick và Suhee đi qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ để gặp gỡ những người truyền cảm hứng, từ nông dân tự nhiên, đầu bếp đến giáo viên, và cùng thảo luận các vấn đề quan trọng về nông nghiệp, thực phẩm. Để rồi, từ đó, chúng ta tìm ra một “con đường đơn giản những sáng rõ để phát triển bền vững và tốt đẹp cho con người và môi trường”, tập trung vào các triết lý của Masanobu Fukuoka và cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm. Con đường đơn giản này không chỉ giúp giải quyết vấn đề nông nghiệp mà còn giúp mỗi người tự hiểu thêm về bản thân mình và giải quyết các vấn đề xã hội, sinh thái.
Bộ phim được hai đạo diễn trẻ tuổi lấy cảm hứng từ chuyến thăm anh nông dân Seonghyun Choi ở Hàn Quốc. Choi đã chứng minh cho chúng ta – thông qua triết lý, cách sống và làm ruộng của mình – rằng tất cả những gì chúng ta cần làm để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống là bắt đầu xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Choi xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với đất, cây trồng, hàng xóm và cả khách hàng thay vì chỉ dựa trên các giao dịch kinh tế và lợi nhuận.
Bộ phim sẽ mang lại cho bạn cảm hứng, hạnh phúc, và thậm chí là động cơ để thực hiện một số thay đổi trong lối sống của riêng mình.
A quest for meaning (Đi tìm ý nghĩa)
Ảnh: aquestformeaning-themovie.com
A Quest for Meaning (tựa gốc: En Quête de Sens) là một phim độc lập kể về cuộc hành trình đi tìm (lại) ý nghĩa cuộc đời, được thực hiện bởi 2 người bạn niên thiếu, trong 6 tháng, qua 3 lục địa, với 29 buổi phỏng vấn. Bộ phim khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi về nhân sinh quan của mình thông qua việc khám phá những lựa chọn mới, cách tư duy mới, lối sống mới… Tất cả những nhân vật được phỏng vấn trong bộ phim đều nói về một điểm chung, đó là sự kết nối giữa loài người với nhau và với vũ trụ, mặc dù họ sống ở những vùng địa lý, văn hóa, ngôn ngữ và các vấn đề cần đối mặt khác nhau.
Trong bộ phim, đứng từ góc độ khoa học, Nhà vật lý học – Giáo sư vật lý Trịnh Xuân Thuận (người Mỹ gốc Việt) đưa ra quan điểm: “Chúng ta sinh ra từ tro bụi tinh tú, chúng ta là những đứa con của các vì sao. Trên thực tế, mọi nguyên tử trong cơ thể chúng ta được hình thành từ phản ứng hạt nhân của các ngôi sao. Vì vậy, chúng ta có sự liên giao với tinh tú và vũ trụ. Điều đó có nghĩa là thực tại phải được nhìn nhận như một thể thống nhất toàn cầu chứ không phải những đơn vị riêng lẻ. Điều này cũng có nghĩa rằng tất cả chúng ta đều có kết nối lẫn nhau”. Còn Tiến sĩ Bruce Lipton thì cho rằng: “Tất cả chúng ta đến với thế giới không phải là những biến đổi ngẫu nhiên mà là biến đổi mang tính thích nghi. Cả vũ trụ là một cơ thể và chúng ta là một phần trong cơ thể đó. Nên không thể phá hủy hành tinh, cũng không thể coi mình là kẻ thống trị trên hành tinh này. Hãy làm giàu cho vũ trụ, vũ trụ sẽ làm giàu cho bạn”.
Quả thực, bộ phim là minh chứng rõ rệt cho sự tồn tại của Tâm Linh Vũ Trụ, nơi mà con người luôn cần kết nối để có cho mình một cuộc sống tỉnh thức và bình yên. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở một câu trả lời đơn thuần, bộ phim còn thông qua sự tương đồng giữa ý niệm của những người được phỏng vấn để chỉ ra cho chúng ta thấy được cách thức muôn đời để loài người kết nối được với Tâm Linh Vũ Trụ, đó chính là tìm đến với thiên nhiên và lắng nghe tiếng nói bên trong mình.
Rừng xanh kỳ diệu
Ảnh: www.allocine.fr
Rừng xanh kỳ diệu là một trong những bộ phim hay của đạo diễn Pháp gắn bó với dòng phim tài liệu – Luc Jaquet. Ông nổi danh qua các phim về tự nhiên và động vật hoang dã như “March of the Penguins” hay “The Fox and the Child”. Cuộc gặp gỡ giữa đạo diễn với nhà thực vật học Francis Hallé làm chào đời bộ phim về những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng lớn. Tác phẩm là chuyến phiêu lưu khám phá đặc biệt về thế giới hoang dã còn nguyên trạng.
Mở đầu là cảnh hoang tàn của việc phá rừng. Một vùng đất cát trống không. Chính tại đây, trái tim của rừng được hình thành, cả khu rừng như hồi sinh ngoạn mục, với điều kiện tiên quyết là không có những tác động của con người. Từng tình tiết phim đưa người xem đi từ sự kỳ diệu này đến sự kỳ diệu khác, sinh vật này sinh ra vì sinh vật khác, quá trình tiến hóa chọn lọc diễn ra mạnh mẽ, để rổi, một mạng lưới gắn kết và tương thích hoàn hảo hình thành.
Bộ phim trả lời cho chúng ta về quyền năng của thực vật. Chúng không yếu đuối như chúng ta tưởng. Cây cối là những thực thể có hàng tỷ năm tuổi, và ngay cả khi con người biến mất, chúng vẫn sẽ tồn tại. Chúng có ngôn ngữ riêng, có thể giao tiếp với nhau và giao tiếp với mây trời. Hiểu được quyền năng của cây cối, chúng ta sẽ tự nhìn lại mình, sẽ học được cách tôn trọng thiên nhiên, sẽ thôi cho mình cái quyền làm chủ đầy ảo tưởng. Sống hòa hợp với tự nhiên, chịu sự che chở của tự nhiên là lựa chọn thông minh nhất của loài người.
Cây trồng biến đổi gen – Thế giới của Monsanto
Ảnh: cleanlivinlife.com
Cây trồng biến đổi gen: thế giới của Monsanto đặt trọng tâm vào Monsanto – công ty đa quốc gia Mỹ dẫn đầu ngành công nghệ sinh học trên thế giới – và các sản phẩm biến đổi gen (GMO) đang được sử dụng rộng rãi. Tác giả của nó, bà Marie-Monique Robin (người Pháp) đã cất công thu thập thông tin và điều tra trong suốt 3 năm khắp mọi ngõ ngách, từ những cơ quan chức năng, cá nhân có quyền lực tối cao, các nhà khoa học, các hội đoàn đến người nông dân, để làm rõ nhiều vấn đề quan trọng: bằng cách nào Monsanto đã thành công trong việc đưa hạt giống biến đổi gen ra thị trường? Cây trồng gây ảnh hưởng ra sao lên sức khỏe, môi trường, kinh tế?
Cuốn phim được ra mắt khán giả Pháp trên đài truyền hình Arté Pháp vào năm 2008, thu hút hơn 1,6 triệu người xem, được dịch sang 15 thứ tiếng, chiếu trên 20 quốc gia. Phim gây ra sự chống trả mạnh mẽ từ Monsanto, nhưng cùng lúc cũng được báo chí quốc tế ca ngợi, được trao nhiều giải thưởng danh giá như Umwelt-Medienpreis (Đức), Rachel Carson Prize (Norway), Ekofilm Festival of Cesky Kumlov (Czech Republic, 2009).
Bạn biết Monsanto là gì chứ? Đó là một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bạn biết bí mật của cây trồng biến đổi gen không? Ban đầu chúng được tạo ra để thích nghi với loại thuốc diệt cỏ do Monsanto tạo ra. Khi phun thuốc lên cánh đồng, tất cả mọi loại thực vật đều chết, trừ cây trồng biến đổi gen. Mà thứ cây mang trên mình bao nhiêu chất kịch độc, đã bị phá vỡ cấu trúc gen nguyên thủy mà mẹ tự nhiên tạo ra cho muôn loài, làm sao chúng ta có thể ăn được? Hiểu được sự nguy hiểm của cây trồng biến đổi gen, bạn sẽ nhận thức được rằng: ăn thức ăn địa phương, giữ gìn giống cây địa phương không chỉ là cách bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học của thế giới tự nhiên.
Nông dân sinh thái: Mắt xích cho một xã hội lành mạnh
Ảnh: YouTube
Xa hơn nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái là phương thức trồng trọt cao nhất trong các dạng nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp sinh thái sử dụng những phương pháp cho phép cải tạo và giữ gìn hệ sinh thái như trồng rừng, không làm đất (cày bừa), trồng đa canh, thuận tự nhiên… Trong mô hình này, đất luôn được bồi đắp để luôn giàu dinh dưỡng mà không cần phân bón hóa học, người nông dân tự chủ, sống cùng hệ sinh thái và tận hưởng công dụng của nó một cách tự nhiên và bền vững nhất. Sản phẩm của họ được phân phối hoặc qua các kênh đặc biệt, hoặc thẳng đến các hộ gia đình, sao cho tránh áp lực từ vòng quay năng suất và giá cả của thị trường. Đây cũng là một trong những bộ phim giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của nông nghiệp sinh thái và ý thức hơn trong chuyện ăn uống của mình.
Nông nghiệp nào để nuôi 6 tỷ người trên Trái Đất
Ảnh: www.yannarthusbertrand.org
Đây là bộ phim tư liệu nằm trong tập “Trái Đất nhìn từ bầu trời” (Vu du ciel) của Yann Arthus-Bertrand. Đối mặt với sức ép tăng dân số và để đảm bảo an ninh lương thực, con người đã tiến hành hiện đại hóa và công nghiệp hóa nền nông nghiệp với những thành tựu khoa học kỹ thuật. Nhưng mặt trái của chúng là hậu quả về môi trường, sức khỏe, mất đa dạng sinh học… mà hiện nay chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải gánh chịu. Làm thế nào để bảo vệ môi trường mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực, làm thế nào con người sống khỏe với thực phẩm nguyên chất hoàn hảo nhất, làm thế nào để đảm bảo vệ nguồn tài nguyên nước, năng lượng của Trái Đất trong khi vẫn phải nuôi sống 6 tỷ người trên Trái Đất? Bộ phim dài 90 phút, đặt ra nhiều vấn đề thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, gợi mở ý tưởng cho tương lai, vẽ sẽ khiến bạn nhìn nhận lại cách sống của mình.
Home – Ngôi nhà chung
Ảnh: f.vimeocdn.com
Home cũng là một trong những bộ phim hay thuộc “Trái Đất nhìn từ bầu trời” do nhà làm phim người Pháp Yann Arthus-Bertrand thực hiện. Bộ phim được quay trong vòng 18 tháng với một chiếc máy quay Cineplex & tốn chi phí 12 triệu USD. Phim đã lập kỷ lục công chiếu trên hơn 50 quốc gia, trên TV, DVD và Youtube. Nếu những ai đã từng mê những bộ phim khoa học về môi trường thì không thể bỏ qua phim này. Đó là câu chuyện về một Trái Đất sơ khai, một Trái Đất là mái nhà chung của muôn loài và một Trái Đất đứng trước biết bao thảm họa do con người gây ra. Chúng ta là ai mà dám cướp đi những gì thiên nhiên ban tặng cho vạn vật? Những cảnh quay hoành tráng trong phim đẹp đến nghẹt thở, mở ra trước mắt ta một hòn đảo giữa vũ trụ bao la, một thiên đường của cỏ cây, thiên nhiên, động vật chứ không riêng gì con người.
“Bạn hưởng lợi từ một di sản tuyệt vời bốn-tỷ-năm-tuổi được để lại từ Trái Đất. Bạn chỉ mới 200.000 năm tuổi nhưng bạn đã thay đổi bộ mặt của thế giới. Mặc dù bạn bé nhỏ, bạn đã lấy đi tất cả của cải của mỗi môi trường sống và chiếm cứ hàng dải đất đai, không giống bất kỳ loài sinh vật nào trước đây”. Loài người chúng ta là như vậy đấy. Đã đến lúc chúng ta nhìn lại vị trí, vai trò của mình trên Trái Đất này!
—
Để hướng đến lối sống bền vững, hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đối với môi trường và xã hội trong lĩnh vực may mặc, ELLE Việt Nam tổ chức ELLE Design Contest – cuộc thi thiết kế “Thời trang bền vững” (Sustainable Fashion) – thuộc khuôn khổ sự kiện ELLE Fashion Journey sẽ được tổ chức cuối năm nay. Đây là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê thời trang, muốn thử sức với một loại hình thiết kế mới mẻ và đem đến những giải pháp có ý nghĩa ứng dụng cao.
Thời gian nhận hồ sơ dự thi: 3/10 – 5/11/2017
Xem thêm thông tin chi tiết TẠI ĐÂY
Nhóm thực hiện
Bài: Đ.T (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)