6 cuốn sách hay nên đọc của Eric-Emmanuel Schmitt
Eric-Emmanuel Schmitt là một trong những tác giả tiêu biểu của nền văn học Pháp đương đại và là một trong những tác giả Pháp được đọc và dịch nhiều nhất ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Nhân dịp nhà văn có buổi giao lưu với độc giả Hà Nội, ELLE giới thiệu những quyển sách của ông đã được dịch tại Việt Nam.
Nửa kia của Hitler (giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà Văn Hà Nội năm 2008)
Điều gì sẽ xảy ra nếu ngày 8 tháng 10 năm 1908: Adolf Hitler trúng tuyển Đại học Mỹ thuật Viên? Từ đó, hàng loạt câu hỏi có thể được đặt ra: Liệu Chiến tranh thế giới thứ hai có xảy ra? Liệu cuộc đại đồ sát dân Do Thái có xảy ra? Nhà nước Israel vẫn sẽ được thành lập? Chiến tranh Đông Dương có nổ ra? Mỹ có trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới?
Dòng chảy lịch sử của cả thế giới có thể đã khác đi nếu vào giây phút ấy Ban giám khảo của trường Đại học Mỹ thuật Viên quyết định nhận thí sinh Adolf Hitler vào trường. Qua gần 600 trang sách, người đọc được song song theo dõi cuộc đời của hai nhân vật: Adolf H. và Hitler. Một Adolf H. được nhận vào trường Mỹ thuật và trở thành một họa sỹ siêu thực tài danh ở Paris. Một Hitler bị đánh trượt và trở thành kẻ cầu bơ cầu bất, lang thang khắp thành Vienna, sau này trở thành một tên độc tài khét tiếng.
Oscar và bà áo hồng
Cuốn sách gồm những bức thư gửi Chúa từ một cậu bé mười tuổi, nhóc Oscar, biệt danh Sọ Trứng, vì cái đầu trọc – hệ quả sau đợt điều trị hóa chất do bệnh máu trắng. Oscar kể với Chúa về những mong ước của mình, về những gì diễn ra trong mười hai ngày có lẽ là cuối cùng của cuộc đời cậu. Những lá thư ấy đã được bà Hoa Hồng, một tình nguyện viên đến chơi với các bệnh nhi, tìm thấy sau khi Oscar mất. Nhờ có bà Hoa Hồng, mười hai ngày ấy đã trở thành huyền thoại.
Chỉ vỏn vẹn hơn 100 trang, Schmitt đã thành công trong việc kể với chúng ta về nỗi đau, nỗi buồn, niềm hy vọng và cái chết với đầy chất thơ, chất hài và cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được độc giả Pháp bình chọn trong danh sách “những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi” – một điều hiếm thấy của một tác giả còn sống – đưa Oscar và bà áo hồng sánh ngang cùng Ba chàng lính ngự lâm hay Hoàng tử bé.
Con của Noé
Năm 1942 tại Bỉ, các cuộc tấn công bắt đầu nổ ra. Cậu bé Joseph Bernstein, 7 tuổi, con trai duy nhất của một gia đình Do Thái, buộc phải chạy trốn. Để bảo vệ sự an toàn của Joseph, cậu được giao cho nữ bá tước Sully và sau đó là cha Pons, một vị linh mục trong làng. Với sự giúp đỡ của người dân, ông cứu giúp những đứa trẻ Do Thái, che giấu thân phận của chúng với sự trợ giúp từ Marcelle, một nữ dược sĩ chuyên làm các giấy tờ giả cho những đứa trẻ mà cha Pons chăm sóc.
Cùng với ông và cô bé Rudy, cậu bé Joseph dần khám phá được tình bạn, và trên hết là giá trị văn hóa cội nguồn của mình. Cha Pons không chỉ cứu sống những đứa trẻ; cũng như Noé, ông còn cố gắng để bảo tồn sự đa dạng, và thu thập những vật phẩm thuộc về nền văn hóa hay một dân tộc đang bị đe dọa biến mất hoàn toàn.
Một mối tình ở điện Élysée
Một người đàn bà liên tiếp đầu độc chết bốn ông chồng, một vị tổng thống được ca tụng vì đời sống hôn nhân mẫu mực, một tay thủy thủ thô lậu cục mịch chỉ biết lao đầu vào công việc và một con buôn bại liệt chuyên cung cấp vật phẩm tôn giáo và đồ chơi tình dục. Và bằng phép màu nào, hình ảnh Thánh nữ Rita, Đức Mẹ của những nỗi niềm tuyệt vọng, vốn xuất hiện tựa một viên kim cương đa diện trong những câu chuyện, đã trở thành người dẫn đường cho sự tồn tại của họ?
Bốn câu chuyện gắn kết với nhau. Bốn câu chuyện mang đến những điều bình thường và bất thường trong cuộc sống. Bốn câu chuyện xoáy sâu vào một câu hỏi: Liệu con người có được tự do hay phải chịu sự chi phối của số phận?
Năm 2010, tập truyện ngắn này của Éric-Emmanuel Schmitt đã đoạt giải Goncourt dành cho truyện ngắn của nước Pháp.
Một ngày mưa đẹp trời
Tám truyện ngắn, tám câu chuyện tình yêu và mạng lưới các nhân vật nữ chính dày đặc. Dù là một thiếu phụ dùng nhan sắc để tiến thân, một cô thợ may ban đêm bán hàng ban ngày mê văn chương hay một bà già cô độc, một nàng công chúa chân trần, thì các nhân vật của Schmitt vẫn hiện ra tràn trề nữ tính và đều đang tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.
Không chỉ là một cái nhìn tinh tế đáng kinh ngạc về phụ nữ, tập truyện ngắn đầu tay của nhà viết kịch kiêm giảng viên triết học này còn cho ta cơ hội đồng hành cùng họ trong chuyến phiêu lưu kỳ thú và ý nghĩa nhất đời người, khi đích đến mang tên Hạnh Phúc.
Chàng Sumo không thể béo
Jun, cậu bé mới lớn bỏ nhà lên thủ đô kiếm sống bằng nghề bán tiểu thuyết-ảnh ở một góc ngã tư. Jun dị ứng với tất thảy, với con người, với cả những người ruột thịt gần nhất: người bố đã tự tử vì sức ép công việc quá lớn, người mẹ đã cư xử như một thiên thần với mọi người mà không dành cho cậu sự ưu ái nào. Jun sống trong nỗi tuyệt vọng đó cho đến ngày cậu gặp một ông lão cứ nhắc đi nhắc lại như đinh đóng cột: “Ta thấy một người to lớn trong cậu”. Câu thần chú ấy chính là một sự khởi đầu, để tạo nên một nhân vật hết sức đặc biệt: một chàng sumo không thể béo. Với cuốn sách đậm chất ngụ ngôn này, Éric-Emmanuel Schmitt đã chứng tỏ một điều: sách mỏng không đồng nghĩa với sách nhẹ ký.
Thông tin về tác giả:
Là tác giả nổi tiếng Pháp-Bỉ sinh năm 1960 tại Sainte-Foy-lès-Lyon (Pháp), Éric-Emmanuel Schmitt xuất thân từ gia đình trí thức, và bản thân cũng là tiến sĩ triết học. Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ sở thích đối với văn học và từng viết một truyện ngắn khi mới 11 tuổi.
Sau một thời gian làm giáo viên, Éric-Emmanuel Schmitt chuyển hoàn toàn sang sáng tác. Hai thập kỷ sau tác phẩm kịch đầu tay Đêm Valognes khá thành công, Éric-Emmanuel Schmitt đã trở thành một trong những tác giả Pháp nổi tiếng nhất trên toàn thế giới, sách của ông đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng. Ông đã giành được khoảng 30 giải thưởng văn học, trong đó đáng kể nhất là giải Goncourt dành cho truyện ngắn với tác phẩm Một mối tình ở điện Élysée, giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp dành cho toàn bộ các tác phẩm kịch.
Năm 2007, với 387.000 bản sách bán được, Éric-Emmanuel Schmitt là một trong mười nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất tại Pháp. Năm 2004, tạp chí văn học uy tín của Pháp Lire tiến hành thăm dò dư luận về “các tác phẩm văn học đã làm thay đổi cuộc đời họ”’. Các độc giả đã bình bầu Oscar và bà áo hồng – một ngoại lệ dành cho một tác giả đang còn sống – đứng ngang hàng với Kinh thánh, Ba chàng lính ngự lâm và Hoàng tử bé.
—
Xem thêm
Giải sách hay 2016: Kỳ vọng một “màng lọc” tri thức
Bài: Khoa Trần (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)