5 nền công nghiệp điện ảnh lớn cạnh tranh với Hollywood

Đăng ngày:

Áp đảo thị trường không có nghĩa Hollywood là nền điện ảnh lớn duy nhất. Dưới đây là 5 quốc gia mà nước Mỹ phải dè chừng nếu không muốn bị tiếm ngôi.

1. Trung Quốc

Không có gì làm lạ khi nền điện ảnh Trung Quốc là đối thủ của Hollywood. Thực tế còn cho thấy ngôi vị hàng đầu trong lĩnh vực này của Mỹ đang có nguy cơ rơi vào tay đất nước đại lục.

Đơn giản là qua những con số, trong năm 2016, doanh thu phòng vé ở Trung Quốc tăng tới 49%, trong khi cùng kỳ ở toàn Bắc Mỹ chỉ là 8%. Người ta còn ghi nhận trung bình mỗi ngày ở quốc gia này có tới 22 phòng chiếu được ra mắt.

Nền công nghiệp điện ảnh Trung Hoa - 01

Thành Long là nam diễn viên gốc Hoa đầu tiên đạt giải Oscar vì cống hiến nghệ thuật.

Là đất nước có số dân đông nhất nên không bất ngờ khi các con số thu về đều đạt mức khổng lồ. Tuy nhiên cũng chính vì thành công ở quê nhà nên nền điện ảnh xứ Trung mới có bước đệm chinh phục thế giới.

Tính ra, điện ảnh Trung Quốc cũng có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ, không hề thua kém Hollywood. Việc khai thác sâu vào khía cạnh văn hóa lâu đời và phong phú là lý do hàng đầu các tác phẩm tại đây có sức hút lớn, đặc biệt là trong các quốc gia láng giềng.

Nền công nghiệp điện ảnh Trung Hoa - 02

Thế giới biết đến võ thuật Trung Hoa chủ yếu qua các tác phẩm phim ảnh.

Tuy nhiên để có thể thực sự lan rộng ra toàn cầu thì xứ Trung vẫn chưa thể so với Hollywood. Hơn 100 năm phát triển nhưng đến năm 2000 thì Crouching Tiger, Hidden Dragon mới thắng giải Oscar đầu tiên cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Đây được coi là cột mốc vô cùng quan trọng của điện ảnh Trung Quốc vươn ra thế giới. Ngoài ra số tác phẩm được ghi nhận có giá trị vẫn còn ít, thành công về mặt doanh thu chủ yếu vẫn nhờ công của các bộ phim mang tính đại chúng, hợp lòng số đông.

2. Nhật Bản

Nhắc đến văn hóa nghệ thuật Nhật Bản người ta sẽ ngay lập tức nhớ đến những bộ truyện tranh manga hay những bộ phim hoạt hình anime. Đúng là chính những sản phẩm đặc trưng này đã đưa nghệ thuật Nhật Bản trong đó có điện ảnh vươn rộng ra thế giới.

Thực tế là theo một nghiên cứu, Nhật Bản là thị trường điện ảnh lớn chỉ đứng sau Bắc Mỹ và Trung Quốc. Điều này cho thấy tuy không phải một quốc gia lớn nhưng người Nhật chắc chắn là những khán giả khó tính và họ đòi hỏi chất lượng cao ở các tác phẩm. Chính vì vậy có rất nhiều bộ phim Hollywood tổ chức các sự kiện ra mắt phim mang tính tầm cỡ ở quốc gia mặt trời mọc này.

Nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản - 01

Spirited Away là bộ phim được yêu thích nhất tại Nhật Bản, vượt qua các tác phẩm nước ngoài.

Còn một số liệu khá bất ngờ nữa đó là người Nhật luôn chuộng những tác phẩm nội địa hơn là bom tấn nước ngoài. Năm 2014, 58,3% doanh thu phòng vé là nhờ phim Nhật và còn lại là phim được nhập về. Chẳng nói đâu xa, trong khi đó ở Việt Nam, phim nước ngoài luôn là lựa chọn hàng đầu và khán giả thì vẫn còn khá dè dặt với phim nội thì điều này lại hoàn toàn ngược ở Nhật Bản. Sở dĩ điện ảnh Nhật lớn mạnh vì họ luôn tập trung làm hài lòng khán giả quê nhà chứ không cố đưa các tác phẩm ra ngoài biên giới.

Như vậy chẳng có lý do gì để phủ nhận chất lượng của điện ảnh Nhật. Đã có đến bốn bộ phim từ đất nước này giành giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất từ năm 1953, một kỷ lục mà chưa một quốc gia châu Á nào xô đổ.

Nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản - 02

Departures là phim Nhật giành giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất năm 2008.

Bên cạnh hoạt hình anime đang rất phổ biến thì Nhật Bản còn có công đóng góp những thương hiệu điện ảnh như phim về quái vật Godzilla hay phim kinh dị Ring, Ju-on,… những tác phẩm mà các nhà sản xuất phim Hollywood vẫn tham vọng dựng lại.

3. Ấn Độ

Nếu như Mỹ có Hollywood thì ở Ấn Độ có Bollywood, nền điện ảnh sản sinh ra những tác phẩm rực rỡ sắc màu và mang đậm văn hóa đặc trưng.

Hàng năm có tới 1500 – 2000 bộ phim được ra đời ở Ấn Độ, khiến cho đây là thị trường điện ảnh lớn trên thế giới. Thế nhưng ngoài những con số khổng lồ thì các tác phẩm vẫn chưa thực sự vươn ra ngoài thế giới.

Nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ - 01

Hình ảnh quen thuộc trong các bộ phim Bollywood.

Có hai lý do chính khiến cho điện ảnh Ấn Độ vẫn chưa có sức lan tỏa như Nhật Bản và Trung Quốc. Đầu tiên là số lượng phim kể trên, nó cho thấy sự quá đầu tư vào lượng mà không vào chất. Hơn nữa trong khi các nền công nghiệp trên chỉ sản xuất phim có chung ngôn ngữ thì phim Ấn Độ có thể có tới 20 ngôn ngữ khác nhau. Khác biệt lớn về cả văn hóa và ngôn ngữ có thể là rào cản khó vượt qua.

Về chất lượng, tuy Bollywood có tầm ảnh hưởng nhất định tới điện ảnh thế giới nhưng nó chỉ dừng lại ở mức là nguồn cảm hứng. Có rất nhiều bộ phim âm nhạc nổi tiếng từ Mỹ như Moulin Rouge!, Chicago, The Producers, Dreamgirls,… mang âm hưởng Bollywood. Thế nhưng sẽ có rất ít người có thể kể tên những tác phẩm của Bollywood, hơi vô lý nhưng lại là sự thật.

Nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ - 02

3 Idiots là bộ phim thành công nhất từ Bollywood trong những năm gần đây.

Vậy khác biệt ở đâu, một lần nữa nó lại đến từ chính văn hóa làm phim của các quốc gia. Nếu như cả Anh, Trung, Nhật đều có các thể loại phim đa dạng, chiều lòng khán giả thì Ấn Độ lại định nghĩa phim ảnh theo cách riêng. Với họ, nghệ thuật nhìn chung cũng chỉ là sản phẩm sáng tạo của con người và thực tế có thể không tồn tại. Nhiều người sẽ không thích sự quá vô lý và thiếu logic nhưng đây lại là phong cách làm phim rất riêng của Ấn Độ.

4. Pháp

Hollywood có thể là nền công nghiệp điện ảnh lớn nhất nhưng cái nôi của môn nghệ thuật này lại là nước Pháp.

Ở quốc gia này có một câu khẩu hiệu rất nổi tiếng: “Khi bạn yêu cuộc sống thì chắc hẳn bạn đã tới rạp phim”. Đúng là như vậy, người Pháp vô cùng xem trọng việc tới rạp xem phim, họ coi đây là một môn nghệ thuật cao quý, thậm chí vượt qua cả giá trị giải trí thông thường. Nếu ở Paris bạn có thể bắt gặp một hàng người xếp hàng dài đến mấy tòa nhà chỉ để chờ mua vé xem một tác phẩm từ năm 1930.

Nền công nghiệp điện ảnh Pháp - 01

The Artist là phim Pháp giành giải Phim hay nhất năm của Oscar 2012

Đây cũng là một phần lý do cho dù là nước xuất khẩu phim lớn thứ hai chỉ sau Mỹ nhưng chúng ta hiếm khi thấy một bộ phim Pháp được công chiếu rộng rãi. Đơn giản vì những nhà sản xuất họ ít khi bận tâm tới doanh thu và thị hiếu. Nếu như nhiều dự án Hollywood được lòng đám đông nhưng thất bại với giới chuyên môn thì tại Pháp, điều này là khá hiếm. Có chăng cũng chỉ có những bộ phim là sự hợp tác giữa Pháp và các quốc gia.

Có rất nhiều diễn viên Pháp thành công ở Hollywood như Marion Cotillard hay Jean Dujardin trong những năm gần đây, cả hai đều giành được tượng vàng Oscar danh giá. Đáng nói rằng họ đều thành danh từ quê nhà và tài năng được công nhận trong giới chuyên môn quốc tế. Điều mà còn khá hiếm hoi ở các nền công nghiệp điện ảnh lớn khác.

Nền công nghiệp điện ảnh Pháp - 02.

Marion Cotillard và Brad Pitt trong phim Allied.

5. Hàn Quốc

Với việc làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang ngày càng lan tỏa, sẽ thật thiếu xót nếu chúng ta không nói đến nền điện ảnh của đất nước này.

Bắt đầu phát triển từ thập niên 50 nhưng mãi đến năm 1999 thì Hàn Quốc mới bắt đầu thành công trong thị trường nội địa của mình. Shiri là bộ phim đầu tiên bán được 2 triệu vé chỉ tính riêng ở Seoul, vượt qua cả các bom tấn Hollywood cùng thời như Titanic, The Matrix hay Star Wars.

Nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc - 01

Dấu mốc này đã tạo tiền đề cho công nghiệp điện ảnh Hàn phát triển. 40% là tỷ lệ các bộ phim nội phải có mặt ở các rạp phim. Số lượng cao nhưng không có nghĩa chất lượng phim kém, có rất nhiều tác phẩm đạt thành công về cả doanh thu lẫn chuyên môn trên thế giới như My Sassy Girl, Il Mare, A Tale of Two Sisters,... và gần đây nhất là Train to Busan.

Nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc - 02

Train to Busan thành công cả về mặt doanh thu lẫn giải thưởng điện ảnh.

Có một ưu điểm cần nói đó là các nhà sản xuất phim Hàn rất biết cân bằng cả hai khía cạnh giải trí đại chúng và nghệ thuật hàn lâm. Họ có thể làm ra rất nhiều bộ phim có nội dung tương đồng, điển hình là ở trong dòng phim truyền hình dài tập nhưng vẫn thu hút lượng lớn khán giả xem. Mặt khác các tác phẩm hàn lâm kén người thưởng thức cũng không hiếm. Nếu so với các quốc gia châu Á khác thì Hàn Quốc lại rất cởi mở khi dám đưa nhiều đề tài nhạy cảm lên phim.

Xem thêm

3 phim điện ảnh hé mở một thế giới ballet “không hoàn hảo”

Top 50 bộ phim lãng mạn từ những thập niên 60 đến nay

20 điều thú vị có thể bạn chưa biết về giải Oscar

Nhóm thực hiện

Nguyễn Gia Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE).

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more