Nữ quyền trong điện ảnh & những gương mặt truyền cảm hứng
[Tạp chí ELLE – tháng 10/2016] Hollywood tồn tại khái niệm phổ biến về việc nữ giới tham gia vào quá trình sản xuất phim. Họ là những người đứng sau máy quay như đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, biên kịch,… hay các bộ phận đảm nhiệm trang phục, thiết kế sản xuất. Hơn ai hết, chính họ đã góp phần vào việc thay đổi ý thức hệ liên quan đến khái niệm: Nữ quyền trong điện ảnh.
Những gương mặt truyền cảm hứng
Tại Oscar 2009, Kathryn Bigelow là nữ đạo diễn đầu tiên và duy nhất được vinh danh ở hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất” tính đến thời điểm này. Trước Kathryn, từng có ba nữ đạo diễn được đề cử Oscar là: Lina Wertmüller với Seven Beauties (1976), Jane Campion với The Piano (1993), Sofia Coppola với Lost in Translation (2003) nhưng tất cả đều trắng tay. Sau Oscar, Kathryn còn nhận giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Directors Guild of America Award 2010 cũng với The Hurt Locker. Năm 2013, với Zero Dark Thirty, bà nhận đề cử tương tự tại các giải thưởng Quả cầu vàng, BAFTA Awards, và Directors Guild of America nhưng lỡ hẹn Oscar.
.
Trong làng điện ảnh thế giới, Kathryn không phải là nữ đạo diễn thành công duy nhất xét trên phương diện doanh thu lẫn giải thưởng. Andrea Arnold – tên tuổi lớn của điện ảnh châu Âu từng đoạt Oscar 2005 ở hạng mục phim ngắn với Wasp và hai lần nhận giải BGK Cannes với Red Road (2006) và Fish Tank (2009). Ở phương diện phòng vé, Anne Fletcher là cái tên gắn liền với nhiều siêu phẩm đình đám như: Step Up (2006), 27 Dresses (2008), The Proposal (2009) và The Guilt Trip (2012) đạt doanh thu 975 triệu đô-la toàn cầu. Catherine Hardwicke cũng là nữ đạo diễn thành công về doanh thu với Twilight (2008), Red Riding Hood (2011). Thật thiếu sót nếu không nhắc đến Nancy Meyers với The Parent Trap (1998), What Women Want (2000), Something’s Gotta Give (2003), The Holiday (2006) và It’s Complicated (2009) với tổng doanh thu gần 1,16 tỷ đô-la toàn cầu. Bà cũng từng được đề cử Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Oscar nhờ Private Benjamin (1980).
.
Nhắc đến những người phụ nữ mang hai dòng máu Phi-Mỹ, không thể không kể đến Julie Dash với tác phẩm kinh điển Daughters of the Dust (1991). Bộ phim độc lập này từng nhận giải “Quay phim xuất sắc”, đồng thời được đề cử giải BGK tại LHP Sudance 1991. Năm 1994, Darnell Martin trở thành nhà làm phim Phi-Mỹ đầu tiên vừa viết kịch bản, vừa làm đạo diễn hợp tác với hãng phim lớn như Columbia Pictures với I Like It Like That.
Ở châu Á, Trung Quốc là thị trường ươm mầm nhiều nữ quyền trong điện ảnh. Một trong những tên tuổi đại diện của thế hệ làm phim thứ 5 là nữ đạo diễn Ninh Doanh. Thế hệ làm phim thứ 6 thì có Lưu Gia Nhân – nhà làm phim độc lập sinh năm 1981 với Oxhide, Li Yu với phim về đề tài đồng tính nữ Fish and Elephant. Hong Kong và Đài Loan có Hứa An Hoa, Trương Ngải Gia… Triệu Vy thì mở màn thành công với bộ phim đầu tay So Young. Kinuyo Tanaka – một trong những đại diện tiêu biểu của nữ quyền điện ảnh Nhật, từng tham gia khoảng 260 bộ phim trước khi làm đạo diễn. Một nhà làm phim người Nhật khác từng nhận giải Grand Prix tại Cannes 2007 là Naomi Kawase.
Châu Âu cũng ghi danh nhiều tên tuổi lớn: Ana Mariscal (Tây Ban Nha) với El camino (1963); Josefina Molina (Tây Ban Nha) với Vera, un cuento cruel (1974), Función de noche (1981)… Jane Arden (Anh) với The Other Side of the Underneath (1972). Và Phyllida Lloyd – đạo diễn của Mamma Mia! – bộ phim có doanh thu cao thứ 5 vào năm 2008, sau này là The Iron Lady (2012).
.
So với nam giới, phụ nữ tham gia vào quá trình làm phim chậm hơn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi định kiến xã hội khiến quá trình tiếp cận nghệ thuật thứ bảy của họ muộn hơn. Alice Guy-Blaché có lẽ được coi là người phụ nữ đầu tiên thực hiện bộ phim La Fée aux Choux vào năm 1896. Song, nhắc đến thời kỳ phim câm với hàng nghìn tác phẩm thì Lois Weber là nữ đạo diễn thành công nhất.
Thời kỳ này những nữ biên kịch cũng được đánh giá cao, gồm những cái tên đình đám như: Frances Marion, Anita Loos và June Mathis – nữ giám đốc đầu tiên điều hành hãng phim ở Hollywood và sản xuất nhiều phim câm nổi tiếng.
Hậu phim câm, người ta bắt đầu đặt vấn đề về mối tương quan giữa kinh tế và nữ quyền trong điện ảnh khi làm phim. Dorothy Arzner là một trong số những người đã vượt qua được môi trường không mấy thân thiện đó. Thành công lớn nhất của bà chính là việc đưa yếu tố nữ quyền cvào các bộ phim.
Thời đại rạp chiếu bùng nổ, cơ hội dành cho phụ nữ làm phim có phần rộng mở. Germaine Dulac là một trong những thành viên hàng đầu của phong trào làm phim ở Pháp sau Thế chiến thứ nhất. Shirley Clarke trở thành nhân vật hàng đầu của nền điện ảnh độc lập ở New York vào những năm 50 thế kỷ XX. Joyce Wieland là đại diện tiêu biểu ở Canada, nơi Ủy ban quốc gia cho phép nữ giới được sản xuất những bộ phim hoạt hình phi thương mại. Tại châu Âu có thể kể đến Valie Export – một trong số những người đầu tiên làm phim và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Một trong những dấu mốc lớn ảnh hưởng đến quá trình làm phim của phụ nữ là thời điểm làn sóng phụ nữ lên ngôi lần hai. Cuộc đấu tranh đòi quyền bình bẳng, chống phân biệt chủng tộc mạnh mẽ chính là tiền đề để nữ giới bắt đầu tham gia vào sản xuất các bộ phim thời sự, thành lập nhóm làm phim riêng. Những năm 80, phong trào chống bạo lực gia đình có dịp bùng lên mạnh mẽ. Tác phẩm Wanda của Barbara Loden được coi là một trong những bức tranh thể hiện sâu sắc sự tha hóa thời bấy giờ, góp phần thúc đẩy làn sóng phụ nữ trong điện ảnh thành công vang dội. Và hiện tại, trong một thống kê gần đây, mặc dù tờ The Guardian và Variety tiết lộ Hollywood chỉ có khoảng 7% đạo diễn nữ thuộc top dẫn đầu thì giới nữ vẫn tiếp tục kiên trì với hành trình của họ.
Các nữ quyền trong điện ảnh Việt Nam:
Xem thêm
Đóa loa kèn kiêu hãnh về bình đẳng trong phim điện ảnh
Những bộ phim điện ảnh khắc họa thời trang qua từng thập niên
Tuấn Hadex Nguyễn (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)