Sức mạnh nữ quyền đã được tô đậm hơn bao giờ hết tại lễ trao giải Oscar 2018 vừa qua. Những nữ đạo diễn, diễn viên, nhà làm phim đã nhận được phần thưởng xứng đáng vì sự đóng góp cho nền điện ảnh Mỹ.
Ngoài ra, các phim có nội dung hoặc nhân vật trung tâm là nữ cũng được tôn vinh nhiều hơn tại lễ trao giải năm nay. Có thể kể đến phim The Shape of Water, chiến thắng một cách ấn tượng với hạng mục Phim xuất sắc nhất.
Cùng ELLE điểm qua một số bộ phim khơi dậy sức mạnh nữ quyền được vinh danh tại lễ trao giải Oscar năm nay nhé.
The Shape of Water – Người đẹp và Thủy quái (2017)
Đây là bộ phim viễn tưởng thứ hai nhận được giải thưởng cao quý nhất của Viện Hàn Lâm và Nghệ Thuật Mỹ – giải Oscar – sau The Lord of the Rings: The Return Of The King (Chúa tể của Những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà Vua). Không những thế, phim cũng mang lại cho đạo diễn Guillermo del Toro người Mexico giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất.
Phim lấy bối cảnh những năm 1962, kể về một cô gái bị câm có tên Elisa (do Sally Hawkins thủ vai) làm việc trong phòng thí nghiệm của chính phủ. Cuộc đời cô vốn trống vắng cô đơn cho đến ngày cuộc gặp gỡ định mệnh đã làm thay đổi mọi thứ. Đó là ngày cô phát hiện ra cuộc thí nghiệm kinh hoàng: tạo ra thủy quái lốt người (Doug Jones thủ vai). Tình yêu và sự đồng cảm đã kết nối hai nhân vật này. Tất nhiên, sự kết hợp “không tưởng” này cũng gặp nhiều trắc trở và thử thách bởi những kẻ quản lý trung tâm.
Không mang nét kinh dị, rùng rợn, phim là sự kết hợp của những phân đoạn hài hước đến cảm động, bỏ đi quan niệm “quái vật” luôn là kẻ xấu. Trong phim, đạo diễn Guillermo del Toro cũng cho thủy quái một trái tim biết yêu thương.
Kể từ sau những chiến dịch vì phụ nữ được phát động, rất nhiều đạo diễn, biên kịch đã xây dựng hình ảnh người phụ nữ là nhân vật trung tâm cho phim, trong đó có cả đạo diễn Guillermo del Toro. Tuy nhân vật chỉ là một người nữ lao công bị câm, ám chỉ những người phụ nữ thuộc tầng lớp thấp, ít tiếng nói, thậm chí là người khuyết tật, nhưng họ vẫn biết yêu thương và vẫn đủ sức mạnh để bảo vệ bản thân lẫn những người mà họ yêu thương nhất.
Theo các nhà phê bình, phim Người đẹp và Thủy quái rất xứng đáng với giải thưởng Phim xuất sắc nhất của giải Oscar, nó cho thấy tình yêu thực sự không hề có khoảng cách hay rào cản, nó giúp gắn kết hai con người “vốn bị tách biệt với thế giới xung quanh”.
The Post (2017)
The Post cũng nằm trong danh sách đề cử hạng mục Phim xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep.
Đạo diễn Steven Spielberg đã lấy cảm hứng từ chiến tranh tại Việt Nam, khoảng thời gian mà người Mỹ sa lầy vào các cuộc chiến đẫm máu. Phim bắt đầu khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara (Bruce Greenwood đảm nhận) đang rất bế tắc vì cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng khi đứng trước báo giới, ông lại rất thản nhiên tuyên bố “mọi chuyện vẫn ổn”. Khi đó đi cùng ông là Chuyên gia quân sự Daniel Ellsberg (Matthew Rhys thủ vai) dần cảm thấy mất lòng tin khi nhìn thấy sự hai mặt của người lãnh đạo.
Thời điểm này, Katharine Graham (Meryl Streep) – là chủ báo Washington Post, còn Ben Bradlee (Tom Hanks) là tổng biên tập tài ba, đôi khi lấn át cả “bà chủ”. Graham rơi vào tình trạng khó khăn sau khi tiếp quản tờ báo từ cha và chồng, bà luôn bị những người đồng nghiệp xem nhẹ. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi bà chủ tòa soạn tiếp cận được với vị Bộ trưởng Quốc phòng và phát hiện ra nhiều sự thật về cuộc chiến đang diễn ra tại Việt Nam.
Tuy có nội dung chính luận nhưng phim lại không hề khô khan, thậm chí có phần kịch tính vì những xáo trộn trong cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật. Phim đề cao tinh thần nhiệt huyết, tận tâm với nghề của các nhà báo, đặc biệt trong thời thế hiện tại của nước Mỹ.
Nước Mỹ trong thời chiến, những người phụ nữ chưa bao giờ được xem trọng, vị trí những người đứng đầu luôn do đàn ông đảm nhiệm. Tuy nhiên, trong The Post, người chủ bút của một tòa soạn lớn nước Mỹ lại là phụ nữ. Tất nhiên, khi người phụ nữ làm chủ luôn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi ít được đồng nghiệp tôn trọng, thậm chí là bị xem thường. Nhưng nữ chủ bút Graham vẫn làm được điều mà mọi người vốn nghĩ “chỉ dành cho đàn ông”. Bà dám đấu tranh để tìm ra sự thật, dám chứng minh khả năng cũng như bản lĩnh của bản thân trước những người đàn ông vốn xem nhẹ bà.
Tuy vậy, phim không nhận được giải thưởng ở hạng mục Phim xuất sắc nhất như mong đợi. Giải thích cho điều này, các nhà phê bình cho rằng, phim đã khắc họa các sự kiện nổi bật nhưng lại quá sơ sài, không đi sâu cụ thể vào vấn đề. Cũng có ý kiến, “phim nặng về hình thức” khi sử dụng không hợp lý các yếu tố kỹ thuật trong phim.
BÀI LIÊN QUAN
Lady Bird – Tuổi nổi loạn (2017)
Là một trong những phim được đánh giá cao nhất tại lễ trao giải Oscar năm nay khi nhận được tới năm đề cử, trong đó có hạng mục Phim xuất sắc nhất. Tuy nhận được không ít kỳ vọng của giới chuyên môn lẫn khán giả yêu phim, nhưng Tuổi nổi loạn lại phải ra về một cách ngậm ngùi khi không nhận được giải nào.
Dù thế nào, Tuổi nổi loạn cũng được xem là bước ngoặt rõ rệt trong sự nghiệp của đạo diễn Greta Gerwig. Chọn thể loại là tâm lý hài hước, phim khắc họa hình ảnh một cô gái 17 tuổi Christine McPherson (Saoirse Ronan), hay còn tự gọi là “Lady Bird” sống tại thành phố nhỏ Sacramento, bang California. Không may mắn sinh ra trong gia đình giàu có, cha mẹ Christine đã phải rất vất vả để nuôi nấng cô và cậu con nuôi Miguel (Jordan Rodrigues).
Dù phải theo học ở trường trung học Công giáo để giảm bớt gánh nặng kinh tế, nhưng Christine vẫn được nuôi nấng trong vòng tay yêu thương của gia đình, sự quan tâm của những người bạn chất phác Julie (Beanie Feldstein), hay từ cậu bạn trai nhút nhát Danny (Lucas Hedges).
Tuy vậy, tâm trạng của một cô gái mới lớn lại không thích sự yên tĩnh của Sacramento. Cô luôn ao ước được tung cánh bay đến những vùng đất khác náo nhiệt hơn, hiện đại hơn, tự do hơn. Ra đi hay ở lại? Đâu mới là sự lựa chọn cuối cùng của “Lady Bird” Christine?
Lady Bird là tác phẩm đầu tay của Greta Gerwig với cương vị là đạo diễn đồng thời là tác giả kịch bản. Trước đây Greta Gerwig là diễn viên quen mặt của thể loại phim độc lập của Mỹ như Greenberg (2010), Frances Ha (2012) hay Mistress America (2015). Lady Bird cũng đã phần nào phác họa được tâm trạng cũng như cuộc sống của Greta những ngày còn trẻ. Có lẽ vì vậy, cảm xúc phim được tạo ra một cách tự nhiên và không gượng ép.
Lễ trao giải Oscar cũng đã bắt đầu hướng đến những tác phẩm của các nữ đạo diễn, một bước tiến vượt bậc sau hàng loạt những chiến dịch được tổ chức. Chọn đề cử cho phim của nữ đạo diễn như Lady Bird hay ưu tiên những tác phẩm có nhân vật chính là nữ được xem là bước chuyển mình rõ rệt trong việc đánh giá cũng như xem xét của Hội đồng Phê bình của Viện Hàn Lâm và Nghệ Thuật Mỹ.
Three Billboards Outside Ebbing, Missouri – Ba Biển Quảng Cáo Ngoài Trời ở Missour (2017)
Trước khi tiến đến với giải Oscar 2018, Ba biển quảng cáo ở ngoại ô bang Missouri (hay có tên khác là Three Billboards: Truy tìm công lý) thắng đậm tại giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc (BAFTA 2018). Do đó, phim nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là khi phim nhận được 7 hạng mục giải thưởng. Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất đã được trao cho Frances McDormand với vai diễn Mildred. Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất được trao cho Sam Rockwell với vai Dixon.
Đây là một trong những phim đề cập đến vấn đề bình đẳng cho phụ nữ khi bối cảnh phim xoay quanh bà Mildred Hayes (Frances McDormand). Vào một ngày, bất ngờ bà thuê ba tấm biển quảng cáo cỡ lớn trên đường với nội dung: “Bị hãm hiếp khi đang hấp hối”, “Và vẫn chưa ai bị bắt?”, “Vậy là sao, hỡi cảnh sát trưởng Willoughby?” khi bà đang cố gắng đòi lại sự công bằng cho người con gái đã bị hãm hiếp và giết chết sau đó của bà hơn nửa năm trước.
Từ khi đặt ba tấm biển đó, bà nhận được không ít những ý kiến chê bai của người dân địa phương, đặc biệt là Dixon (Sam Rockwell), viên cảnh sát dưới trướng của Willoughby, vì trong mắt họ, vị cảnh sát trưởng là người rất tuyệt vời. Dixon liên tục có những hành động buộc bà phải gỡ những tấm biển đó xuống. Nhưng với tình yêu và nỗi đau mất con sâu sắc, bà Mildred vẫn nỗ lực hết sức mình trên con đường “Truy tìm chân lý”.
Phim đã vực dậy tinh thần của những người phụ nữ vốn bị xem là “yếu đuối”, nhưng khi bị dồn đến chân tường, họ đã chọn cách vùng lên để đòi lại công bằng. Nỗi đau mất con đã bị những hành động tưởng chừng như quá khích của nhân vật chính che lấp, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn người phụ nữ vẫn là sự yếu đuối, mất mát khôn nguôi.
Không đi ngoài xu hướng đặt người phụ nữ vào trung tâm và cũng đề cập đến vấn nạn xâm hại tình dục một cách khéo léo, Ba biển quảng cáo ở ngoại ô bang Missouri đã vẽ nên chân dung một người phụ nữ kiên cường, dù có bị xem như “kẻ điên” hay liên tục bị chèn ép, gây khó dễ. Nhân vật bà Mildred Hayes của Frances McDormand hiện thân cho phái nữ hiện nay đã không còn im lặng cam chịu, họ đã dám lên tiếng đòi công bằng cũng như sự tôn trọng họ đáng được nhận. Sức mạnh của người phụ nữ đã được đạo diễn khắc họa rõ nét trong phim.
Khán giả như bị cuốn theo tâm trạng của người mẹ mất con, viên cảnh sát trưởng mắc bệnh ung thư và sự thay đổi suy nghĩ của tay cảnh sát phụ tá. Tất cả làm nên một bức tranh cuộc sống tuy hư mà thực. Phim xứng đáng là một trong những phim nổi bật nhất của lễ trao giải Oscar năm 2018.
Xem thêm:
Oscar 2018 – Một Oscar tôn vinh nữ quyền
Lễ trao giải Oscar 2018: The Shape of Water đại thắng với 4 giải thưởng
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Mia Thủy Tiên (Tạp chí Phái đẹp ELLE)