BÀI LIÊN QUAN
Bệnh tâm lý và bệnh tâm thần thường không được chẩn đoán vì người bệnh ngại nói ra, hoặc vì những người thân yêu quanh họ hoặc không biết được, hoặc cố tình bỏ qua dấu hiệu bệnh lý. “Nếu bạn nghĩ có điều gì không ổn hãy nói ra. Bạn không đơn độc. Bạn không có lỗi” – Jennifer Niven.
“Những ngày tươi đẹp” (All the bright places) của tác giả Jennifer Niven được đánh giá là một cuốn sách phi thường. Một câu chuyện tình nhiều tổn thương nhưng trong đó ta vẫn tìm thấy những tia sáng đẹp đẽ và hy vọng. Tình yêu và những cảm xúc mãnh liệt được kết nối từ hai tâm hồn mong manh đang đấu tranh từng ngày để tồn tại. Là Violet Markey, cô gái đang dằn vặt bản thân và tìm mọi lý do để sống. Là Theodore Finch, cậu thanh niên mắc bệnh tâm lý, luôn bị ám ảnh bởi cái chết.
Họ gặp nhau lần đầu tiên ở gờ tường hẹp nơi tháp chuông trường trung học khi cả hai được dẫn dắt bởi ý định tự tử trong đầu. Không rõ ai đã cứu sống ai nhưng sau đó, những tháng ngày tươi đẹp nhất cuộc đời của cả hai bắt đầu.
Cuốn sách, với một phong cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh và ấm áp đã đề cập đến mối tình đầu, đồng thời cũng thể hiện những năm tháng khó khăn của tuổi thanh thiếu niên bị cô lập trong thế giới riêng bởi sự khác biệt của chúng và sự áp đặt của những người tự cho LÀ-BÌNH-THƯỜNG. Cuốn sách cho ta thấy một sự thật mỉa mai rằng, thật dễ dàng để trao tất cả cho một ai đó và cũng dễ dàng không kém khi bị tước mất ngay sau đó.
Finch hay Violet, bằng tất cả sự chân thành và cuồng nhiệt, nghĩ rằng tình yêu có thể lấn át nỗi đau và nếu dành trọn vẹn cho nhau, tình yêu sẽ cứu rỗi tâm hồn. Khi lật từng trang sách, người đọc dường như bị hút vào những chuyến phiêu lưu kỳ lạ của Finch và Violet. Cả hai còn quá trẻ, tuy cuộc đời thật phức tạp nhưng ít ra, chúng đã cho mối quan hệ này một cơ hội. Cơ hội đó chính là một bài tập chung môn Địa lý của trường trung học, thứ đã gắn kết Finch Lập Dị và Tia Cực Tím Violet Phi Thường với nhau.
BÀI LIÊN QUAN
Bài tập là những chuyến phiêu lưu khám phá vùng Indiana với những địa điểm kỳ lạ, những nơi đối với người khác là bình thường nhưng với Finch và Violet, ở đó họ tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu, sự sẻ chia dành cho nhau, hơn cả đó là lý do để sống. Những chuyến lang thang này mang đến những khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời nhất: Leo lên đỉnh tháp Purina vào một đêm đầy sao, hăm chiếc xe bán đầy sách của đôi vợ chồng tốt bụng và Hoosier Hill, điểm cao nhất trong tiểu bang.
Bởi vì, một câu nói của Finch đã thức tỉnh Violet, và có lẽ cũng thuyết phục được một số người trong chúng ta, những kẻ đang mệt mỏi, vật lộn với thế giới cô độc của riêng mình để tìm ý nghĩa cuộc sống: “Có lẽ sẽ chẳng ai đến thăm những nơi đó và trân trọng chúng hoặc dành thời gian để nghĩ rằng chúng quan trọng, nhưng có lẽ ngay cả những nơi nhỏ nhất cũng có ý nghĩa gì đó với chúng ta. Ít nhất mà nói, vào lúc rời đi, chúng ta biết chúng ta đã nhìn thấy nơi đây, tiểu bang vĩ đại của chúng ta. Vậy thì ta đi thôi. Hãy đi thôi. Hãy để đời ta có chút ý nghĩa nào đó. Hãy rời khỏi cái gờ tường đó đi”.
Không ai có thể hiểu được tại sao Finch lại luôn muốn tìm đến cái chết, bởi cậu là người thông minh, hiểu biết, thuộc lòng thơ cổ, hơn hết là luôn động viên Violet quay trở lại với cuộc sống và sở thích viết lách của cô. Ở Finch, người đọc thấy một chàng trai trẻ uyên bác, tốt bụng, đầy tình cảm bởi cách cậu đối xử với tất cả mọi người xung quanh, bởi cách bày tỏ tình yêu với chị, với mẹ và với Violet. Niven, “một tác giả tài năng, một nhà văn luôn tôn trọng các nhân vật và độc giả của mình” (theo Entertainment Weekly) đã xây dựng nên một cốt truyện tuyệt vời. Câu chuyện này không chỉ dành cho tuổi thanh thiếu niên, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể thấy mình trong đó, mắc kẹt và vùng vẫy trong những vấn đề của cuộc sống, lo lắng về những thứ nhãn mác xã hội gắn cho mỗi người. Sự kết thúc của Thedore Finch lại là một khởi đầu mới: “Tôi đã sống. Tôi đã cháy rực rỡ. Và rồi tôi đã chết, nhưng tôi không chết hẳn. Tôi sẽ luôn ở đây, trong hương hoa và trong lòng người ở lại”.
Nhóm thực hiện
Bài: Quỳnh Hương (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)