Bộ sưu tập sách hay tháng 4 sẽ bao gồm các tác phẩm thấm đẫm màu sắc hoài niệm và tâm linh, dẫn dắt người đọc vào miền xúc cảm vô cùng đặc biệt.
1. Thương nhớ thời bao cấp – Thành Phong, Hữu Khoa
Tập hợp những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, câu ca vần vè, biển hiệu bán hàng, những khúc đồng dao… Thương nhớ thời bao cấp là một cuốn sách hay, một chuyến viễn du đưa độc giả trở lại thời kỳ có một không hai của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 20. Dẫu hiển hiện trong những sáng tác dân gian ấy là một xã hội còn vô cùng khó khăn, với nỗi lo lắng nhọc nhằn về những nhu yếu phẩm không thể căn bản hơn: cái khăn mặt, túi cá khô, cái quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng…ta vẫn thấy vượt lên trên là cái nhìn sâu sắc, điềm tĩnh cùng thái độ phản biện hài hước và đôi khi vui tươi đến lạ kỳ. Với những minh họa sinh động, hóm hỉnh của Thành Phong và Hữu Khoa, đây có thể xem là một cuốn artbook dành cho những độc giả mà thời bao cấp chỉ là một ý niệm xa xôi, mơ hồ, cũng như cho những người mà đó là cả một phần đời thương khó, chẳng quên.
2. Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi – Fredrik Backman
Nếu bạn từng yêu thích giọng văn hài hước và kỹ thuật thắt mở nút đầy kịch tính của Người đàn ông mang tên Ove – một cuốn sách rất hay và cũng rất được yêu thích, bạn sẽ tiếp tục yêu thích cuốn sách này. Có gì cổ xưa và quen thuộc như chuyện về bà ngoại? Cô bé bảy tuổi Elsa có bà ngoại là người chuyên kể những câu chuyện tưởng tượng cho cô nghe, nhưng mỗi câu chuyện lại liên quan đến những ký ức kỳ lạ của chính bà. Người ta sẽ gọi bà ngoại của Elsa là lập dị hay điên khùng, nhưng với Elsa, bà là một siêu anh hùng. Ẩn dưới những câu chuyện đầy màu sắc cổ tích là những con người có thật. Họ đều là những nhân vật của cuộc đời bà ngoại và lần lượt hé lộ câu chuyện kỳ lạ nhất về bà – một người đã phiêu lưu khắp nơi. Thông qua những lá thư bí ẩn chứa lời xin lỗi của bà ngoại, Elsa bắt đầu hành trình đi tìm sự thật, nghẹt thở và ma mị…
3. 1987+: 30 chưa phải là Tết – Nhiều tác giả
Tiếp nối những câu chuyện của tuổi 30, 1987+: 30 chưa phải là Tết là cuốn sách hay có thể xem là tập hai của cuốn 1987. Nếu như tập đầu tiên mang màu sắc trong trẻo, hồn nhiên đi theo quãng thời gian 30 năm từ ấu thơ đến trưởng thành của thế hệ 1987 thì trong cuốn sách mới sẽ là những câu chuyện, suy nghĩ mang tính thời cuộc và cả những dự án dành cho cột mốc “tam thập nhi lập”. Lần này, với nhóm tác giả mới hoàn toàn, trong đó có cả những nhân vật sinh năm 1988 – những người sẽ bước qua cột mốc tuổi 30 trong năm 2018. Trải qua 30 năm, cuộc đời đã quật ngã họ nhiều lần, theo cách này hay cách khác. Nhưng tất cả đều đứng lên, làm chủ chính mình. Trước tuổi 30, họ dành tất cả thời gian để khám phá thế giới. Khi bước sang tuổi 30, vùng đất mà họ muốn khai phá nhất chính là bản thân mình.
BÀI LIÊN QUAN
4. Yêu dấu – Toni Morrison
Seth sinh ra đã là nô lệ, bỏ trốn tới Ohio, nhưng mười tám năm sau chị vẫn chưa được tự do. Chị vẫn còn quá nhiều ký ức chưa thể quên và vẫn bị ám ảnh bởi đứa con đã chết mà chưa kịp có tên, trên mộ bia chỉ đề Yêu Dấu. Yêu Dấu không phải cuốn sách hay và dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác nghiệt của số phận và của lòng người, sau những bạo lực cực đoan, Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về tình yêu và hy vọng, về khát vọng – khát vọng sống và tự do – mãnh liệt, bạo liệt vô cùng.
5. Một cội cây rừng – Ajahn Chah
“Phật pháp đang hiển lộ trong mọi khoảnh khắc, nhưng chỉ khi tâm an tĩnh, chúng ta mới có thể thấu hiểu, vì Phật pháp đang giảng dạy chúng ta bằng vô ngôn”. Ajahn Chah khuyến khích chúng ta tìm Pháp, học Pháp từ thiên nhiên, từ mọi công việc đời thường. Nghiên cứu Phật pháp là việc phải làm hàng ngày, nhưng ngay cả khi bạn đã dụng công nghiền ngẫm kinh sách mà không thực hành thì cũng giống như một lữ khách chỉ nghiên cứu lộ trình trên bản đồ mà không thực sự bước đi trên con đường đó. Một Cội Cây Rừng là một cuốn sách hay sẽ giúp bạn thấu đạt chân lý “trong khổ có lạc, trong hỗn độn có tĩnh lặng” thông qua việc thấy được thực tướng của vạn pháp. Các dụ ngôn sinh động từ thực tế cuộc sống mà Ajahn Chah dẫn ra trong cuốn sách sẽ giúp bạn thấu suốt thực tại, để tâm an tĩnh, buông bỏ tất cả và khởi sinh trí huệ.
6. Nước mắt hạt bui – Quế Hương
Quế Hương quan niệm, “Văn chương là cõi ảo. Đời vẫn vậy, thiện – ác song hành, tốt – xấu ngổn ngang, chỉ nhà văn với trí tưởng tượng mới thay đổi được người và đời theo tâm thế, tâm cảnh của mình. Nhà văn là nhà ảo thuật của cuộc đời, trên trang viết.” Vì thế, truyện của chị “là những giấc mơ cuộc đời trên giấy” – những khát khao về người, về đời. Với trái tim đa cảm, thiện lương, Quế Hương đã dệt nên những “giấc mơ cuộc đời” tuyệt đẹp bằng ngôn từ bay bổng. Có điều, cái đẹp trong văn chương hay trong hiện thực của chị thường gắn với nỗi buồn, mà sau cùng, điều đọng lại nơi người đọc là vẻ đẹp lung linh, ấm áp của tình yêu, của tình người, của tình đời, của hoài niệm, của bao dung…
7. Hoa sen trên tuyết – Nguyên Phong
Trên nền câu chuyện cuộc đời của nhân vật có thật, triệu phú Alan Havey, Hoa sen trên tuyết là cuốn sách hay gieo vào độc giả nhiều điều phải nghĩ. Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Mỹ và hiểu rõ giá trị của đồng tiền. Alan Havey đã nỗ lực rất nhiều để làm việc, học tập và đạt được những thành công nhất định: biệt thự lộng lẫy bên bờ Michigan, căn nhà nghỉ mát trên núi Mt Vernon, du thuyền, tài khoản kếch xù trong ngân hàng và một cô vợ đẹp như diễn viên điện ảnh… Cuộc sống đầy đủ cứ thế diễn ra cho tới khi những biến cố lần lượt đến trong cuộc đời: ông phát hiện bị ung thư; một số khoản đầu tư bị thua lỗ và sự nghiệp của ông có chiều hướng đi xuống. Và người vợ – cũng là niềm tự hào của ông với mọi người – đòi ly hôn để chia tài sản…
Tại sao ông lại phải gánh chịu những việc như vậy trong khi ông đã dành phần lớn thời gian, công sức của mình để làm việc và nỗ lực? Ông để vợ ông có cuộc sống tốt nhất nhưng cuối cùng ông vẫn bị bỏ rơi với hàng loạt cáo buộc? Thực sự, sống tốt là như thế nào? Câu trả lời nằm ở hành trình ông rời bỏ những bế tắc, theo lời khuyên của một người bạn, để thực hiện một chuyến du lịch “không mục đích” đến Dharamsala – nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và hàng chục nghìn người Tây Tạng đang tị nạn. Cả cuốn sách là những ghi chép tỉ mỉ về hành trình của ông, những người ông gặp để từ đó, mang đến lời giải đáp cho câu hỏi của chung rất nhiều người: “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”.
Đọc Hoa sen trên tuyết độc giả cũng sẽ hiểu thêm về đời sống nơi văn hóa tâm linh đang diễn ra ở vùng tuyết sơn Tây Tạng. Suốt hành trình của vị triệu phú, câu thần chú Om Mani Padme Hum xuất hiện hàng nghìn lần, ở khắp mọi nơi và đi sâu vào đời sống của người dân Tây Tạng. Om Mani Padme Hum là câu thần chú linh thiêng nhất của người Tây Tạng và nó có nghĩa là “Hoa sen trên tuyết”. Người Tây Tạng tin rằng, gió sẽ giúp họ lan truyền điều tốt đẹp, linh thiêng đến mọi nơi, muôn loài. Vì vậy họ khắc nó trên đá, trên gỗ, dệt trên vải… và cầu nguyện ngay cả khi đang đi trên đường hay ngoài chợ…
8. Bạn đắt giá bao nhiêu – Vãn Tình
Hơn bốn mươi câu chuyện trong sách hay này xoay quanh các chủ đề tình yêu, hôn nhân, gia đình, sự nghiệp… đến từ chính cuộc sống của tác giả và những người xung quanh, vừa thực tế lại vừa gợi mở, dễ dàng giúp chúng ta liên hệ với tình huống của chính mình. Vãn Tình hy vọng có thể giúp các cô gái thoát khỏi tình cảnh khó khăn, tìm lại bản ngã, sống cuộc đời theo cách mà mình mong muốn. Đọc cuốn sách này, đôi khi bạn nên dừng lại và thành thực với bản thân, liệu bạn có đang là phiên-bản-mà-bạn-yêu-thích-nhất, phiên-bản-bạn-mong- muốn-trở-thành. Hãy thử trả lời các câu hỏi: Sự thỏa hiệp có làm bạn hạnh phúc hay không? Bạn có đang cố gắng lấy lòng tất cả mọi người? Bạn có dám thay đổi?… Và quan trọng nhất: Bạn đắt giá bao nhiêu?
9. Cảm ơn vì đến trễ – Thomas L. Friedman
Trong Cảm ơn vì đến trễ, một tác phẩm không giống bất kỳ tác phẩm nào ông từng viết trước đây, Thomas L. Friedman phơi bày những sự chuyển động mang tính kiến tạo đang tái định hình thế giới ngày nay và giải thích cách để tận dụng tối đa lợi ích từ chúng.
Luận đề của Friedman là: để hiểu được thế kỷ 21, bạn cần phải hiểu 3 lực lượng lớn nhất của hành tinh này – Định luật Moore (công nghệ), Thị trường (toàn cầu hóa), và Thiên nhiên (biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học) – đang tăng tốc cùng lúc, làm thay đổi nơi làm việc, chính trị, địa chính trị, đạo đức và cộng đồng. Một sự giải phóng năng lượng phi thường đang tái định hình mọi thứ: từ cách chúng ta gọi taxi đến số mệnh của các quốc gia, và đến những mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta. Nó đang tạo ra những cơ hội to lớn và mới mẻ cho các cá nhân và những nhóm nhỏ để cứu – hoặc cũng có thể là phá hủy – thế giới.
Cảm ơn vì đến trễ là một cuốn sách hay về lịch sử đương đại, đóng vai trò như một hướng dẫn thực hành cho việc suy nghĩ về kỷ nguyên của những sự tăng tốc này. Nó cũng là một lập luận cho việc “đến trễ” – tạm dừng để nhận thức sâu sắc kỷ nguyên lịch sử tuyệt vời mà chúng ta đang trải qua, và cũng để suy ngẫm về những khả năng cũng như nguy cơ của nó. Friedman chỉ ra cho chúng ta cách để mỗi cá nhân có thể neo lại trong mắt bão, và cách các cộng đồng có thể tạo ra “nền tảng niềm tin” để làm điều tương tự với các nhóm dân số ngày càng đa dạng và được số hóa của họ.
10. Mơ lam kinh – Đinh Phương
Mơ Lam Kinh là cuốn sách hay cho thấy một Đinh Phương đa dạng và không ngừng tìm kiếm những cách thể hiện mới. 13 truyện ngắn. 13 tưởng niệm ký ức. 13 đoản khúc lơ lửng. Và 13 mê cung dẫn dắt người đọc khám phá thế giới nội tâm đa diện của con người. Tái hiện lịch sử ở những quãng tối, chiến tranh, ly loạn; khắc họa hiện tại với những ngột ngạt, quẩn quanh thường nhật. Mơ Lam Kinh là cuộc kiếm tìm triền miên sự vượt thoát. Hiện tại hay lịch sử, mơ hay thực, người hay ma, các nhân vật của Đinh Phương đều bị phân mảnh trong ý thức. Hệt những cái bóng khuyết, rơi ở thời đại, địa vị, hoàn cảnh nào, họ đều lạc giữa mất mát. Theo chân họ, băng qua dải ngôn từ đẹp hư ảo, qua màn sương thấp thoáng đâu đó đốm lửa buồn hiu của phận người, biết đâu, mỗi chúng ta cũng sẽ tìm được mảng bóng mình bị khuyết…
—
Xem thêm:
[Review sách hay] Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai – Bản tình ca táo bạo về một nỗi đau tuyệt vời
[Review sách hay] Và rồi núi vọng – Khúc hát tình yêu
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE