Có thể nói, chính “thiên thần không cánh” Jane Wilde là động lực giúp cho nhà thiên tài Vật lý học Stephen Hawking vượt qua bệnh tật và tiếp tục cống hiến cho đời những công trình nghiên cứu vĩ đại. Chính người phụ nữ năm ấy đã kéo nhà khoa học trẻ tuổi từ đáy vực của bệnh tật, mặc cảm lên thành giáo sư thiên tài của nhân loại.
Sức mạnh nào đã giúp Stephen Hawking vượt qua giới hạn sống “hai năm” theo chuẩn đoán của bác sĩ? Tình yêu? Gia đình? Hay đam mê khoa học?
Bóng đen bệnh tật
Quay lại thời niên thiếu của Stephen Hawking, ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu cũng như đam mê các môn khoa học. Ông được nhận vào Đại học Oxford, Anh, năm 17 tuổi. Trong ba năm học tập và nghiên cứu tại đây, Hawking cho biết ông chỉ học khoảng 1.000 giờ, nghĩa là chỉ khoảng một giờ mỗi ngày. Với bằng tốt nghiệp hạng nhất, Stephen tiếp tục theo học thạc sĩ tại Đại học Cambridge khi chỉ mới 21 tuổi.
Năm 1963, khi đang trong quá trình học, Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, còn gọi là bệnh Lou Gehrig hay ASL. Và theo nhận định của các bác sĩ, ông chỉ có thể sống thêm khoảng hai năm, hay nói cách khác, ông không thể kịp hoàn thành luận án tiến sĩ.
Bế tắc, mặc cảm… tất cả đã đẩy Stephen rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng. Ông tự giam mình trong phòng nhiều ngày và nghĩ rằng, đây chính là dấu chấm hết cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.
Phép màu mang tên tình yêu
“Dưới bóng mây cái chết đang đe dọa” đã có một phép màu mang tên Jane Wilde. Thầm cảm phục chàng sinh viên trẻ tài năng từ trước đó, Jane đã không ngần ngại đề nghị “được ở cạnh” Stephen Hawking ngay trong thời điểm khó khăn nhất cuộc đời ông.
Vượt qua rào cản gia đình, bệnh tật, cuộc sống khác biệt, cô gái trẻ chính thức trở thành vợ của nhà khoa học vào năm 1965, khi chỉ vừa 20 tuổi. Trên thực tế, nỗi ám ảnh việc không biết khi nào Stephen sẽ ra đi luôn quanh quẩn trong tâm trí cô. “Chúng tôi kết hôn nhanh chóng, khi còn rất trẻ vì không biết Stephen còn sống được bao lâu”, Jane chia sẻ.
Chính tình thương yêu, cảm thông của vợ, sự đáng yêu, hồn nhiên của ba đứa con nhỏ đã trở thành động lực vô cùng lớn giúp cho Stephen Hawking vượt qua cái giới hạn hai năm kia. Không chỉ thế, Stephen Hawking còn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, có một công việc ổn định và hàng loạt thành tựu nghiên cứu khoa học. “Tôi ngạc nhiên phát hiện rằng mình biết cách tận hưởng cuộc sống hơn trước rất nhiều. Tôi bắt đầu đạt được tiến triển nhất định trong nghiên cứu của mình”, Stephen nói.
Cuộc hôn nhân 25 năm đã chứng kiến không ít những cột mốc đáng nhớ. Có cả những lúc, tưởng chừng ông không thể qua khỏi. Năm 1985, Stephen Hawking ốm nặng, dù được bác sĩ khuyên nên để ông ra đi nhẹ nhàng, nhưng hai con người ấy vẫn nắm tay nhau vượt qua thử thách sinh tử, dù sau đó ông mất đi khả năng nói.
BÀI LIÊN QUAN
Bản tình ca không trọn vẹn
Cứ ngỡ chuyện tình cổ tích giữa đời thực này sẽ có một cái kết đẹp, nhưng có quá nhiều rào cản bắt đầu xuất hiện giữa hai người.
Dù là người vợ, người mẹ tuyệt vời nhưng Jane vẫn là phụ nữ, bà cũng có lúc yếu lòng để rồi nảy sinh tình cảm với nhạc công Jonathan Hellyer Jones. Hiểu và thông cảm cho những khó khăn, vất vả của vợ, Stephen chấp nhận để bà ra đi. Tuy nhiên, bà đã chọn ở lại, như cách bà đã làm gần 20 năm trước.
Nhưng Stephen Hawking lại khiến “con thuyền hôn nhân” của cả hai một lần nữa chòng chành khi ông nảy sinh tình cảm với Elaine Mason – nữ y tá chăm sóc ông. Hai người chính thức ly hôn vào mùa Xuân năm 1995. Tháng 9 năm đó, Hawking kết hôn với Elaine. Cuộc hôn nhân thứ hai này của ông không mấy hạnh phúc. Năm 2006, Hawking và Elaine ly hôn.
Tình cảm vợ chồng Stephen và Jane không chỉ gặp sóng gió bởi bệnh tật hay những người ngoài cuộc, mà còn vì… vật lý. Nữ nhà văn cho biết vật lý mới là nữ thần trong lòng chồng. Quá đam mê nghiên cứu khoa học, không ít lần, Stephen Hawking “bỏ quên” vợ con mình. Jane ngậm ngùi nhận ra rằng, cuộc sống hôn nhân không hề “màu hồng” như cô gái 20 tuổi ngày ấy đã mong ước.
Sau tất cả, Stephen Hawking chỉ còn lại hai tiếng gia đình
Kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc với nữ y tá Elaine, Stephen chủ động hàn gắn mối quan hệ với vợ cũ dù bà đã tái hôn với Jonathan Hellyer Jones.
Thừa nhận “vẫn yêu ông ấy rất nhiều”, Jane bỏ qua những tổn thương mà Stephen đã tạo ra cho bà trước đó để quay lại chăm sóc, trông nom và đồng hành cùng ông trong nhiều sự kiện ông tham gia.
Có thể nói, dù 2/3 cuộc đời Stephen Hawking gắn với xe lăn và thuốc men, nhưng ông vẫn có hai “món quà” tuyệt vời mà cả nhân loại đều ngưỡng mộ, đó là bộ óc thiên tài và người phụ nữ vĩ đại, Jane Wilde. Dù có thể chọn cách quay lưng khi ông muốn hàn gắn mối quan hệ, nhưng bà đã không làm vậy, bà vẫn yêu thương, trân trọng và chăm sóc cho ông trong những ngày cuối đời.
Không chỉ truyền cảm hứng cho nhân loại về nghị lực sống phi thường, chuyện tình của Stephen và Jane cũng đã chứng minh thế nào là sức mạnh của tình yêu. Nếu không có người con gái năm ấy quyết tâm sát cánh bên ông thì có lẽ tất cả các nghiên cứu khoa học vĩ đại của ông đã bị bệnh tật chôn vùi.
Có thể, khả năng vượt qua giới hạn “hai năm” là điều kì tích, nhưng Jane Wilde cũng là một điều kì diệu trong hành trình 76 năm cuộc đời của giáo sư khoa học thiên tài, Stephen Hawking.
Xem thêm:
Nhìn lại cuộc đời của thiên tài quá cố Stephen Hawking
[ELLE Voice] Tình yêu là sự “vừa vặn”
Nhóm thực hiện
Tổng hợp Mia Thủy Tiên (Tạp chí Pháp đẹp ELLE)