BÀI LIÊN QUAN
Vào tháng 6 vừa qua, sau bốn đêm diễn “cháy vé” với 98.000 người tham dự ở sân vận động Wembley, “Họa mi nước Anh” – Adele – buộc lòng phải toàn bộ tour lưu diễn thế giới của cô. Cảm thấy vô cùng có lỗi với các fan, Adele đã đăng tải bức tâm thư gửi đến những người yêu quý mình và chia sẻ rằng: “Tôi biết chuyến lưu diễn lần này đáng lẽ phải kéo dài hơn nữa và tất cả các bạn đều mong chờ đến những show diễn sắp tới. Tuy nhiên, tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo với các bạn rằng tôi phải hủy toàn bộ tour lưu diễn của mình vì lí do sức khỏe. Trong những đêm trước, tôi thật sự cảm thấy không khỏe chút nào, nhưng tôi vẫn cố gắng biểu diễn đến cùng. Sau khi đến bác sĩ kiểm tra, họ nói rằng dây thanh quản của tôi đã bị tổn thương nặng và tôi không được phép biểu diễn trong thời gian sắp tới. Trái tim tôi thật sự đã chết lặng khi nghe điều đó”.
Tình trạng này cũng từng xảy ra với Adele sáu năm trước khi cô bị xuất huyết dây thanh quản sau khi hát live trong một chương trình radio của Pháp. Ngay sau đó, cô phải trải qua cuộc tiểu phẫu thuật dây thanh quản cực kì phức tạp và không kém phần rủi ro. Các bác sĩ phải dùng dao mổ và kẹp nhỏ có “chân” dẫn xuống cổ họng để loại bỏ bất cứ mô tổn thương đang dần “cướp” đi sự đàn hồi, trong trẻo, thậm chí là khả năng phát ra tiếng nói của dây thanh quản. Bác sĩ Steven Zeitels, người chịu trách nhiệm cho ca phẫu thuật của Adele, cho biết có một khối u dưới lớp biểu mô mỏng của dây thanh quản. Ông đã phải cắt lớp biểu mô mỏng ở ngoài để gắp khối u ra và dùng laser để ngăn cho vết cắt không chảy máu và để lại sẹo.
Thông thường, những ca phẫu thuật này mang rủi ro mất giọng rất cao đối với ca sĩ. Những dụng cụ mổ không được va chạm vào bất kì biểu mô nào vì có thể sẽ gây tổn hại đến lớp vỏ bề mặt mềm, mỏng của dây thanh quản. Nếu như sơ suất, sẽ không có cách nào lấy lại giọng hát vốn có của Adele nữa. Vào tháng 2 năm 2012, ba tháng sau cuộc phẫu thuật, Adele đã rinh về sáu “kèn vàng” Grammys bao gồm giải Album của năm và Bài hát của năm. Trong bài phát biểu của mình, cô đã gửi lời cảm ơn đến Steven vì đã giúp cô khôi phục là giọng hát của mình. Đối với những người yêu nhạc và mến mộ “giọng ca vàng” của nữ ca sĩ, thì đây là một điều đáng mừng. Nhưng không chỉ có vậy, thành công của ca phẫu thuật này đã tạo nên bước ngoặt mới cho y học. Suốt nhiều năm qua, tiểu phẫu dây thanh quản luôn được các bác sĩ trong ngành y cũng như danh ca lo ngại vì tính nghiêm trọng và phức tạp của nó. Cuộc phẫu thuật thất bại của nữ diễn viên Julie Andrews vào năm 1997 cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn với giọng hát trong trẻo một thời của bà. Điều đáng sợ hơn hết đối với ca sĩ đó là nếu phẫu thuật không thành công thì sự nghiệp của họ cũng có nguy cơ “tan thành mây khói”. Đối với những nghệ sĩ trong ngành giải trí, đặc biệt là âm nhạc, họ thà giữ gìn giọng hát của họ bằng mọi giá thay vì phải trải qua cuộc tiểu phẫu đầy cam ro đó.
Nhờ vào ca phẫu thuật thành công của Adele, dần dà các ngôi sao nổi tiếng “gửi gắm” giọng ca của mình cho Steven như Sam Smith, Lionel Richie, Bono và Cher, Michael Bublé, Keith Urban, Meghan Trainor và Celine Dion. Điều này đã làm thay đổi cái nhìn của người trong giới đối với phẫu thuật dây thanh quản khi cả Sam Smith và Michael Bublé đều vui mừng thông báo ca phẫu thuật của họ với các fan của mình. Rất nhiều ca sĩ đã nằm lên bàn mổ ít nhất một lần từ các ngôi sao nhạc pop đến danh ca opera cổ điển. Nó là nỗi sợ thường trực của họ bởi ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe lẫn sự nghiệp của họ.
Sau ca phẫu thuật năm 2011 của Adele, Steven Zeitels được “tôn” là bác sĩ mát tay nhất cho giới nghệ sĩ. Ông chia sẻ rằng ông không khẳng định tình trạng giọng của cô sẽ không tái phát, nhưng đó là ca phẫu thuật thành công nhất từ trước đến nay của ông. Trong khi truyền thông vẫn mặc sức tung hê, thì cựu ca sĩ opera kiêm người huấn luyện thanh nhạc Lisa Paglin và Marianna Brilla lại lên tiếng phản bác và nói rằng Steven chỉ “chữa cháy” tạm thời để Adele có thể tiếp tục ca hát. Nhưng không sớm thì muộn, “Họa mi nước Anh” phải tiếp tục đối mặt với vấn đề này và có nguy cơ rời xa ánh đèn sân khấu. Theo lời của cô, rồi Adele cũng sẽ quay lại biểu diễn, biểu diễn càng nhiều thì càng gây tổn hại dây thanh của mình. Và vòng quay ấy vẫn lặp lại: biểu diễn – chấn thương – giải phẫu – nghỉ ngơi rồi lại biểu diễn – chấn thương – phẫu thuật. Đó sẽ là rào cản vô cùng lớn đối với một ca sĩ chuyên nghiệp. Chính phát ngôn này đã khiến họ bị các fan của Adele “ném đá” không thương tiếc. Tuy nhiên, sau khi chủ nhân hit “Hello” hủy show diễn tháng 6 vừa qua, Lisa và Marianna đã được “minh oan”. Trong suốt hơn một thập kỉ qua, họ nỗ lực đề cao và chứng minh phương pháp huấn luyện lấy lại giọng cho các ca sĩ thay vì trải qua cuộc tiểu phẫu đáng sợ nhưng không chút đảm bảo đó. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ đã tìm ra được giải pháp khắc phục giọng hát vĩnh viễn.
Giải pháp của họ đòi hỏi một phương pháp hát đã “thất truyền”. Phương pháp này giúp ca sĩ không những hát hay mà lại không “bào mòn” cổ họng của họ. Chính những người trải qua khóa huấn luyện này cũng cảm thấy sự hiệu quả “thần kì” của nó. Nhưng đồng thời, phương pháp này cũng đưa ra một giả thuyết “chống lại” những tài năng quốc tế đó là: chúng ta đã hát hoàn toàn sai cách từ trước đến nay, kể cả “Họa mi xứ sương mù” Adele.
Nhiều người thường lầm tưởng hát hò chỉ là chuyện dễ như ăn bánh. Thật chứ đó là môn nghệ thuật trong cách xử lý giọng hát của bản thân và truyền đạt cảm xúc. Mỗi khi hát, có hàng trăm ngàn va chạm nhỏ trong cổ họng của chúng ta. Các dây thanh âm – còn được gọi là nếp thanh âm – là cặp dây rất mảnh nằm bên trong thanh quản, hay còn gọi là “hộp thoại” để phát ra âm thanh – nơi tập trung nhiều nhất các mô thần kinh của cơ thể. Khi chúng ta im lặng, các dây nằm tách nhau để ta có thể thở. Khi chúng ta hát hoặc nói, không khí từ phổi được đẩy lên khiến các dây thanh âm chuyển động nhanh. Điều này sẽ làm cho dây rung và tạo ra âm thanh, độ rung tỉ lệ thuận với độ cao. Hát những nốt càng cao thì độ rung càng lớn. Một người mang chất giọng nữ cao lên những nốt cao nhất của âm vực, các dây thanh âm sẽ va chạm với nhau khoảng 1000 lần mỗi giây, không khí từ phổi của cô sẽ tạo thành âm thanh đủ mạnh đến mức vỡ kính.
BÀI LIÊN QUAN
Hát hay là nhờ sự kết hợp uyển chuyển của các dây thanh đới, nhưng nếu chúng liên tiếp va chạm vào nhau, lâu ngày sẽ dẫn đến những vết xước nhỏ giữa các dây. Qua nhiều năm biểu diễn, sẽ hình thành những nốt sần hay nặng hơn là khối u trên nếp thanh âm và làm bóp méo âm thanh trong trẻo, tự nhiên ban đầu. Dấu hiệu ban đầu của dây thanh đới bị tổn thương đó là sự mất kiểm soát trong giai điệu. Do các dây thanh âm đang rách dần, chất giọng sẽ mất đi sự rung tự nhiên vốn có. Sau một thời gian, xuất hiện những “lỗ hổng” khiến dây thanh đới mất đi khả năng “bắt tông”, cho dù cố gắng hết sức, những nốt nhạc khi hát sẽ bị chênh hay tệ hơn là tiếng thở hổn hển.
Giới opera từng rúng động bởi tai nạn trên sân khấu của ba danh ca nổi tiếng Rolando Villazón, Aleksandrs Antonenko và Roberto Alagna, đến nỗi họ buộc phải bước xuống sân khấu và dừng toàn bộ buổi diễn. Các ca sĩ opera phải tiêm thuốc steroid và các loại thuốc khác để có thể giữ vững phong độ về giọng hát xuyên suốt những buổi biểu diễn kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, việc “bào mòn” dây thanh đới liên tục như vậy dễ gây ra các vết thương, thậm chí là chảy máu, tạo nên những vết sẹo làm hỏng giọng. Đây chính là tình trạng sức khỏe giọng hát của Adele trong năm 2011. Các chuyên gia thanh nhạc cho biết, những tổn thương về giọng mà ca sĩ phải trải qua không khác gì chấn thương của vận động viên thể thao. Phẫu thuật dây thanh quản của ca sĩ chuyên nghiệp tương tự như việc nối dây chằng đầu gối của cầu thủ bóng đá. Lịch làm việc dày đặc với những bữa ăn thất thường, ngủ không đủ giấc, nhà hát đầy bụi, sự chật hẹp của cabin máy bay, hay những món hợp đồng “treo đầu giường” cũng gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của họ. Thêm vào đó, điều khó khăn nhất đối với các ca sĩ dòng nhạc cổ điển và opera đó là phải luyện tập và hát vượt ra ngoài âm vực của mình. Vì vậy mà họ mắc phải không ít chấn thương trong những năm biểu diễn.
Vào năm 1986, nhà phê bình âm nhạc của tờ New York Times kiêm huấn luyện viên thanh nhạc Will Crutchfield đã tỏ ra quan ngại về vấn đề mất giọng ở ca sĩ, đặc biệt là những người biểu diễn nhạc opera đang dần gia tăng đến chóng mặt, dẫn đến sự chết dần chết mòn của môn nghệ thuật cổ điển lâu đời đầy tính duy mỹ này. Ông nói rằng trong những thập niên trước, đỉnh cao sự nghiệp của một ca sĩ là ở độ tuổi 30 và sau đó sẽ tuột dốc dần. Nhưng những tên tuổi đình đám trong làng nhạc hiện nay như Adele, Sam Smith, Meghan Trainor trải qua cuộc phẫu thuật dây thanh quản ở độ tuổi 20, và liệu con đường sự nghiệp của họ sau này sẽ “sớm nở tối tàn” hay không, thì đây vẫn là một dấu chấm hỏi. Vấn đề mất giọng hát không chỉ là “cơn đau đầu” của các ca sĩ nổi tiếng, mà còn là “nỗi ám ảnh” của giới nghiệp dư. Các giáo viên thanh nhạc kì cựu cho biết học sinh của mình ở độ tuổi 20 sở hữu chất giọng như Adele hay Whitney Houston đều mắc phải khối u nhỏ trong cổ họng hay bị tổn thương dây thanh quản và phải đến bác sĩ kiểm tra thường xuyên.
Mất giọng hát được xem như “căn bệnh nan y” của ca sĩ đối với những người trong ngành âm nhạc, tuy nhiên, đây lại là điểm then chốt để công chúng nói chung và giới phê bình nghệ thuật nói riêng nhìn nhận lại: Thế nào mới gọi là hát hay và đúng kĩ thuật?. Với quan niệm thông thường đối với mọi thể loại nhạc, càng hát to thì càng tốt (một trong những lí do mà giọng hát của Adele được đánh giá cao). Kết quả là, ca sĩ sử dụng hết công suất của dây thanh quản và dẫn đến những chấn thương về giọng sau này. Các bác sĩ và chuyên gia về thanh nhạc đã nghiên cứu nguyên nhân của chứng dysphonia – chứng khó phát âm/khàn tiếng – và đúc kết mất giọng không chỉ xảy ra ở ca sĩ mà còn cả những nghề dùng giọng nói để diễn thuyết như giáo viên và phẫu thuật không phải là một phương án lâu dài. Huấn luyện viên thanh nhạc Lisa và Marianna đã từng lên tiếng về điều này: “Vấn đề này sẽ không bao giờ khỏi hẳn nếu bạn chỉ đơn giản làm giảm đi các triệu chứng. Các ca sĩ cần phải hiểu rõ kĩ thuật xử lí cũng như sử dụng giọng hát của mình, giống như cách mà bạn vận hành “bộ máy âm thanh” của mình. Nếu không thì những triệu chứng này sẽ tái lại, thậm chí là tệ hơn”.
Lisa và Marianna lấy dẫn chứng là Beniamino Gigli – một trong những danh ca vĩ đại nhất của nước Ý vào những thập niên 90 – đã kéo dài sự nghiệp ca hát của mình trong suốt 50 năm. Ông là bậc thầy của kĩ thuật hát tự nhiên, thuần khiết. Là người sở hữu chất giọng nữ cao với quãng rộng và có bề dày kinh nghiệm biểu diễn trong nhà hát, nhưng chính Marianna cũng từng suýt đứng trước nguy cơ mất giọng. Vì vậy mà cô đã dốc sức mình học hỏi, rèn luyện, và tìm tòi suốt 30 năm để nắm bắt được kĩ thuật hát của danh ca Beniamino. Cô gặp gỡ và làm bạn với Lisa khi theo học thanh nhạc tại Đại học âm nhạc Indiana. Cùng mang niềm yêu thích và đam mê với nhạc opera Ý đồng thời mối lo lắng về cách hát (mà họ cho là sai lầm) được chỉ dạy bởi “huyền thoại” Margaret Harshaw, họ quyết tâm tìm ra “chìa khóa” về kĩ thuật hát của Beniamino lừng lẫy một thời.
Vào năm 1977, Marianna giành được học bổng Fullbright danh dự theo học âm nhạc cổ điển tại Ý. Ở đây, cô được lĩnh hội kiến thức mới và nghe những nghệ sĩ opera kì cựu hát, với mong muốn tìm ra được cách hát an toàn không gây chấn thương đến dây thanh quản. Dù trải qua nhiều năm trong nghề và có những người đã lớn tuổi, nhưng cô vẫn nhận thấy được sự khỏe khoắn và trong trẻo trong chất giọng của họ. Không lâu sau đó, Lisa cũng đến Rome để cùng cô tìm ra cách khắc phục vấn đề mất giọng ở ca sĩ trẻ. Họ bỏ ra hàng giờ liền để nghe đi nghe lại những bản thu của các ca sĩ trong những thập niên trước. Họ còn đọc thêm các cuốn sách viết về kĩ thuật hát opera và nhạc cổ điển. Bên cạnh đó, họ vẫn dành thời gian để biểu diễn tại nhiều nhà hát lớn ở Ý và Áo. Cả Lisa và Marianna đều nhất trí nắm bắt cơ hội đi biểu diễn ở nhà hát để có thể gặp gỡ và đặt câu hỏi cho những ngôi sao opera và giáo viên thanh nhạc lão luyện nhằm tháo bỏ thắc mắc khiến họ trăn trở suốt những năm qua.
BÀI LIÊN QUAN
Cuối cùng, họ đã đưa ra kết luận rằng: mất giọng là do cách hát thái quá của các ca sĩ đương đại. Vì họ quan niệm để truyền tải được cảm xúc đến người nghe, đôi khi họ phải dùng lực từ các cơ trong cổ họng và đẩy giọng mình vượt qua giới hạn tự nhiên của nó. Cách hát này đã dần đi sâu vào tiềm thức của ca sĩ từ thế kỉ 19 và 20 đến ngày nay. Những quy chuẩn đề ra ngày càng gắt gao hơn. Lấy dẫn chứng cho điều này, Lisa lục lại nhũng tấm ảnh của danh ca Ý huyền thoại Enrico Caruso đang biểu diễn vào năm 1920 và chỉ ra rằng ông không hề có vẻ rất thoải mái và say sưa, ngay cả khi ánh đèn flash nhấp nháy liên tục như thể anh đang nói chuyện với một người bạn, chứ không hét vào khán giả. “Đây mới là ca hát tự nhiên,” Lisa nói. Khi cô chuyển sang những bức ảnh của các ca sĩ từ một thập kỉ trở lại đây, có một sự khác biệt rõ rệt: miệng của họ rộng mở, đôi mắt phồng lên, các tĩnh mạch cổ xuất hiện, như thể họ đang hét lên, càng không có chút bình tĩnh, thư thái nào như Enrico.
Vào năm 1989, nữ ca sĩ Maddalena Crippa bị mất giọng ngay trên sân khấu khi đột ngột không kiểm soát được giọng của chính mình. Những triệu chứng này kéo dài trong hơn 10 năm khiến giọng của cô không còn sáng và rõ to như trước, đi kèm với những cơn đau rát cổ họng. Sau khi kiểm tra với các chuyên gia thanh nhạc và cổ họng, cô dường như chết lặng khi kết quả cho thấy cô có khối u trên dây thanh đới. Việc tiêm Cortisone và các bài tập luyện thanh hằng ngày đã giúp cô quay trở lại sân khấu. Dù vậy, sự tự tin của Maddalena đã bị lung lay hoàn toàn. Cô đã phải tìm đến sự trợ giúp của Lisa và Marianna vào năm 2002. Không giống như các bác sĩ y khoa, họ không sở hữu ống soi thanh quản để kiểm tra cổ họng của cô, nhưng với bề dày kinh nghiệm của mình, họ có thể nghe ra những vấn đề về dây thanh. Họ sẽ hát một vài nốt nhẹ và yêu cầu “học viên” hát theo, từ đó họ dễ dàng nhận thấy sự chệch tông và chỉ ra chỗ bị tổn thương trên dây thanh.
Tại phòng thu Osimo của mình, Lisa và Marianna cho Maddalena nằm xuống với tư thế ngửa và hát thử những nốt cao. Ban đầu những âm thanh phát ra khá yếu ớt, đến khi họ yêu cầu cô hát nốt đô cao, Maddalena dần kiểm soát được nhịp thở và chất giọng của mình, tạo ra những nốt cao sắc và sáng. Lisa và Marianna gọi đây là cách thả lỏng và massage những vị trí bị chấn thương trên dây thanh. Mục đích của việc này nhằm kích thích dây thanh đới hoạt động đúng cách đồng thời phá bỏ những thói quen gây hại thông thường như căng cơ cổ họng và hàm, buộc miệng mở rộng thái quá, và đẩy hết sức để hét những nốt cao. Lisa và Marianna có thể nhận ra ngay những thương tổn về giọng mà các ca sĩ đang gặp phải thông qua cách hát và biểu cảm của họ trên sân khấu.
Câu hỏi còn lại đó là: Liệu Lisa và Marianna có thể chữa lành giọng của những ca sĩ đương đại như Adele bằng cách dạy cô hát tự nhiên hơn? Mặt khác, bác sĩ Steven cho rằng đó không phải là cách để cứu lấy giọng của Adele, đồng thời bảo vệ cô cũng như là các ca sĩ khác trước sự tranh cãi rằng họ đang hát sai kĩ thuật và điều này làm tổn thương đến giọng hát của họ. Ông tin vào tầm quan trọng của các bác sĩ y khoa như ông đối với giới nghệ thuật, cũng giống như giới thể thao. Steven tự tin nói: “Giải pháp y khoa có thể chữa lành những chấn thương của nghệ sĩ lẫn vận động viên. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để ngày càng nâng cao kĩ thuật và tay nghề. Điều tuyệt vời nhất đó là chúng tôi có thể giúp cho các nghệ sĩ tiếp tục đam mê của mình”.
Các chuyên gia thanh nhạc cũng đóng vai trò không hề nhỏ trong việc giúp các ca sĩ lấy lại giọng hát của mình thông qua các buổi luyện thanh. Tuy nhiên, các bác sĩ y khoa xem đây chỉ là giải pháp dành cho những chấn thương nhẹ, và họ vẫn đề xuất việc phẫu thuật. Nhận định này không khác gì “cú tát” cho bộ đôi Lisa và Marianna trong khi họ đã chữa lành giọng cho các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, ngay cả ca sĩ nhạc jazz Maria Pia De Vito, người mắc chứng u nang dây thanh quản. Bác sĩ Robert T Sataloff – người từng phẫu thuật thành công cho nhiều ca sĩ rinh “kèn vàng” Grammy như Patti LuPone, lên tiếng: “Thành thật mà nói, phẫu thuật không phải là cách duy nhất để giữ cho giọng của ca sĩ khỏe mạnh. Nó phải đi cùng với việc hiểu và nắm vững kĩ thuật hát đúng để không gây nguy hiểm đến dây thanh quản. Vì cứ sau một cuộc phẫu thuật, dây thanh cũng yếu dần. Nên giải pháp tối ưu nhất vẫn là hát đúng kĩ thuật”.
Có không ít những luồng ý kiến trái chiều dấy lên. Một số giảng viên thanh nhạc cho rằng cách của Lisa và Marianna là khó hiểu và kì lạ, cũng như cách họ chỉ trích lối hát thông thường khá nặng nề. Một số khác, đặc biệt là “học sinh” của họ, đều tin rằng đây mới là một bước tiến và khám phá mới trong ngành âm nhạc. Chính Maddalena là “bằng chứng sống” cho phương pháp của họ. Ở độ tuổi 59 và vẫn sung sức hết mình biểu diễn tại các nhà hát lớn, giọng hát của cô không hề gặp phải những chấn thương nào kể từ khi làm việc với bộ đôi cách đây 15 năm. Trong khi đó, bác sĩ Steven đang nghiên cứu để “hoàn hảo hóa” các cuộc phẫu thuật dây thanh trở thành biện pháp lâu dài thông qua việc cấy ghép gel nhằm khôi phục tính đàn hồi của dây thanh bị tổn thương.
Quay lại câu chuyện của Adele, sở hữu tài năng thiên phú và giọng ca đặc biệt, công chúng lẫn người trong giới đều cảm thấy mừng rỡ khi ca phẫu thuật của cô thành công vào năm 2011. Nhưng đến tháng bảy vừa qua, sau sự cố về sức khỏe và cô buộc phải hủy toàn bộ tour diễn của mình, tất cả mọi người bắt đầu nghi hoặc liệu phẫu thuật có phải là giải pháp lâu dài và tốt nhất cho ca sĩ và liệu rằng Lisa và Marianna đã đúng. Sau khi nghe tin Adele hủy bỏ show diễn, Lisa chia sẻ: “Tôi thật sự tiếc cho cô ấy. Chúng tôi có thể giúp Adele lấy lại giọng hát mà không cần phải trải qua bất cứ một cuộc phẫu thuật nào nữa. Chỉ có điều làm sao để chúng tôi nói chuyện với cô ấy?”.
Nhóm thực hiện
Quỳnh Như (Nguồn: TheGuardian UK)