Văn hóa / Thế giới văn hóa

Tấm Cám Chuyện Chưa Kể liệu xứng với tấm vé của khán giả?

Bộ phim cổ tích giả tưởng Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, một tác phẩm điện ảnh thuần Việt được chờ đợi nhất năm 2016 cuối cùng cũng ra mắt vào tháng 8 này, thời điểm bầu trời mùa hè bắt đầu dịu dần sau những cơn mưa rào.

Sự xuất hiện của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể trở nên nóng hơn bao giờ hết khi tác phẩm điện ảnh Việt được kỳ vọng sẽ tạo nên hiện tượng phòng vé với quy mô đầu tư hoành tráng cùng muôn vàn lời hứa hẹn từ nhà sản xuất về một tác phẩm kỳ ảo xứng đáng với niềm tin của khán giả lại không công chiếu tại hệ thống rạp lớn nhất hiện nay CGV.

Tam Cam 6

Cuộc kêu gọi ủng hộ phim Việt, ủng hộ Tấm Cám Chuyện Chưa Kể ngay lập tức tạo làn sóng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Đứng ngoài những cuộc tranh luận về nguyên do bộ phim điện ảnh đầu tay định danh vai trò đạo diễn Ngô Thanh Vân sẽ chỉ phát hành tại một số rạp hay phải thể hiện thái độ ủng hộ phim Việt theo cách nào. ELLE dành sự quan tâm về chất lượng của một bộ phim, những giá trị cần được nhìn nhận tương xứng với tấm vé mà khán giả chọn khi bước đến rạp xem phim.

“Chuyện chưa kể” mạch lạc và lý thú

Tấm Cám ngoại truyện phiên bản 2016 đã có phần “chuyện chưa kể” đầy những bất  ngờ thú vị. Rất dễ nhận ra ngay từ những trailer quảng bá đầu tiên, hướng đi của phim không chỉ tập trung vào một Tấm “ở hiền gặp bụt”, tranh đua giữa những người đàn bà hay quanh quẩn thói đời mà chúng ta đã từng biết. Phim mở ra một khung cảnh rộng lớn hơn về chuyện chính sự, cuộc chiến quyền lực, những âm mưu phản trắc và thế lực đen tối bí hiểm. Cả Tấm và hoàng tử đều phải trải qua cuộc phiêu lưu đầy biến cố của số phận để tìm thấy con người họ muốn vươn tới.

Tam Cam 8

Đội ngũ sáng tạo không làm người xem thất vọng khi bồi đắp những ẩn tình mới mẻ cho một cổ tích quá quen thuộc. Cách kể chuyện mạch lạc và thắt mở nhịp nhàng tạo nên không khí lôi cuốn, kịch tính. Tuy nhiên sự mạch lạc đó lại không đủ neo giữ cảm xúc của khán giả do tham vọng của nữ đạo diễn. Bày biện hình ảnh ê hề, triết lý lê thê, cũng như chú trọng những phô diễn hình ảnh không cần thiết, khiến nhiều tình tiết trong phim diễn ra quá gấp gáp, thiếu cảm xúc cô đọng.

Bệ đỡ diễn xuất từ dàn sao kỳ cựu

Tấm Cám Chuyện Chưa Kể ngoài là một phim của Ngô Thanh Vân, còn là cuộc dàn trận của 365, gà nhà VAA và học trò cưng của cô Vân nghiêm khắc. Isaac từng chia sẻ “Không phải vì là gà nhà mà 365 dễ dàng được chị Vân o bế vào phim. Đây là bộ phim đầu tay của chị ấy, sự thành bại của phim không thể đặt vào những tay mơ và không đủ tố chất”. Issac nói không sai, diễn xuất dù “tay ngang” của các thành viên 365 đã không khiến người xem hụt hẫng. Họ vừa vặn với nhân vật được đo ni đóng giày và có nét duyên riêng. Đáng tiếc nhất ở phần diễn xuất lại là những cái tên cứng cựa, Isaac, Ninh Dương Lan Ngọc và cả Ngô Thanh Vân.

,

Tam Cam 4
Ninh Dương Lan Ngọc nỗ lực lột xác trong Tấm Cám.

Cả ba hoàn toàn có thể mang đến phần thể hiện thuyết phục hơn, nếu mụ dì ghẻ không bị chi phối bởi công việc chỉ đạo, hoàng tử không run rẩy vì phải đóng câu chuyện của chính mình và Cám không quá ám ảnh cái ác thì cứ phải gân guốc. Sức biến hóa bên trong Ngọc hoàn toàn có thể bung tỏa tốt hơn mà không bị kịch hóa. Đối trọng với Cám là một Tấm quá non nớt, quá nhạt nhòa, mà kịch bản vốn cũng chả đòi hỏi gì khác ở Hạ Vi ngoài những điều đã định sẵn cho nhân vật. Bù lại, cả bộ phim sở hữu một dàn bao vô cùng xuất sắc. Thành Lộc (ông bụt), Hữu Châu (thừa tướng) hay Ngọc Giàu (bà bụt), họ chính là những điểm nhấn đậm nét cho bức tranh cổ tích nhiều màu sắc, vừa trong trẻo vừa huyền ảo, ma mị và đầy tính giải trí.

.

Tam Cam 10
Dàn bao kì cựu phần nào là bệ đỡ lý tưởng cho diễn xuất của dàn diễn viên trẻ.

Thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ vĩ

Điểm cộng lớn cho Tấm Cám chính là phần phục trang chỉn chu và bối cảnh thiên nhiên ngoạn mục. Cảnh trí trang hoàng lộng lẫy được chăm chút bởi hàng trăm con người. Một thách thức không hề dễ vượt qua đối với những bộ phim mang tiếng cổ trang lâu nay ở Việt Nam. Cầm trịch một đạo binh ra trận, Ngô Thanh Vân đã không sơ suất về độ tỉ mỉ ngay cả với áo giáp của một binh sĩ. Chọn thể loại fantansy, nữ đạo diễn hiểu rõ phục trang và thiết kế mỹ thuật là mảnh đất màu mỡ để cô tha hồ tung tẩy trí tưởng tượng bay bổng của mình. Những đại cảnh đẹp mắt trải ra bạt ngàn hay phân cảnh lãng mạn trên lầu son gác tía cheo leo giữa thiên nhiên kỳ vĩ, đầy hiểm trở cho thấy sức lăn lộn của một đoàn phim hùng hậu. Tất nhiên không thể thiếu phần phô diễn kỹ xảo hiện đại, yếu tố kích thích trí tò mò của khán giả bao nhiêu năm qua bởi lời hứa hẹn về một tác phẩm điện ảnh như Hollywood. Tấm Cám Chuyện Chưa Kể được cho là đã sử dụng 70% kỹ xảo CGI trong phim, nhưng đừng kỳ vọng phim theo kịp độ mượt mà của Hollywood. Nhiều đoạn lộ rõ cách xử lý non tay, sắp đặt giả tạo. Công bằng mà nói, khán giả không phủ nhận những nỗ lực theo đuổi công nghệ mới của điện ảnh Việt. Nếu cứ cố khuếch trương thực lực hiện có bằng câu từ quảng bá xáo rỗng, định kiến dành cho “bom tấn” Việt sẽ là khó tránh khỏi. Tấm Cám đã có màn trình diễn mới mẻ hơn so với những kỹ xảo phim Việt khác đã từng ra mắt.

.

Tam Cam 1
Tấm Cám Chuyện Chưa Kể được cho là đã sử dụng 70% kỹ xảo CGI trong phim, nhưng đừng kỳ vọng phim theo kịp độ mượt mà của Hollywood.

 

Tam Cam 2
Khung cảnh thiên nhiên đẹp mắt tại Ninh Bình được chọn làm bối cảnh chính trong phim.

 

Tam Cam 3
Chọn thể loại fantansy, nữ đạo diễn hiểu rõ phục trang và thiết kế mỹ thuật là mảnh đất màu mỡ để cô tha hồ tung tẩy trí tưởng tượng bay bổng của mình.

Tấm Cám Chuyện Chưa Kể nhìn chung là bộ phim giải trí dành cho số đông thuần Việt vẫn đáng xem nhất mùa Hè này. Phim có đủ kịch tính, hài hước, thậm chí là những cú bỏ nhỏ tinh tế, tuy nhiên lại thiếu mất cảm xúc và khoảnh khắc lay động cần có để ở lại trong lòng khán giả. Người xem có thể ngồi lại đến phút cuối của phim và nhận ra sự vay mượn ý tưởng từ những truyện cổ tích kinh điển nước ngoài khác trong Tấm Cám, cũng sẽ chẳng vấn đề gì quá to tát trừ việc biên kịch xử lý quá lóng ngóng dẫn đến một cái kết phim mập mờ, quá gấp rút để hiểu.

.

Tam Cam 7
Ngô Thanh Vân kiêm nhiệm cùng lúc rất nhiều vai trò trong bộ phim đầu tay.

Tất cả nỗ lực tử tế và tâm huyết lao động nghệ thuật của đoàn phim gần hàng trăm người như thế nào, mức đầu tư ra sao hay thách thức dù lớn lao đến đâu cũng không bao giờ là lời biện minh hợp lý cho những thiếu sót trên màn ảnh. Ê-kíp làm phim không thể làm lại bộ phim đã chiếu, họ chỉ có thể làm khác đi ở những bộ phim khác. Khán giả có quyền với tấm vé của họ, họ xứng đáng được thưởng thức những gì họ trông đợi. Một tấm vé xem phim Việt họ phải mua không hề thấp hơn giá của một bộ phim Hollywood. Thiết nghĩ, động lực lớn lao nào dành cho các nhà đầu tư và sản xuất phim ảnh ngoài khán giả? Và tại sao đến giờ thị trường điện ảnh Việt lại xuất hiện “khái niệm phim tử tế”, liệu có thuyết phục khi cậy mác phim tử tế để kêu gọi sự cảm thông của khán giả? Vậy nên hãy tập trung vào chất lượng bộ phim và chia sẻ điều chúng ta tâm đắc.

Xem thêm 

Tấm Cám chính thức không phát hành phim tại hệ thống rạp CGV

Hạ Vi và “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”

Phim điện ảnh Việt Nam: Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái Đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)