Văn hóa / Thế giới văn hóa

Thêm yêu Hà Nội qua những cuốn sách viết về Hà Nội

Hiếm có thành phố nào mà “tốn văn, tốn chữ, tốn nhạc” của các nhạc sĩ, thi sĩ, nhà văn như Hà Nội. Có rất nhiều tác phẩm văn học viết về thành phố ngàn năm tuổi này đã đi vào lòng người yêu sách, vậy nhưng mỗi tác phẩm đều phác họa cho chúng ta thấy "những" Hà Nội rất khác nhau.

Hiếm có thành phố nào mà “tốn văn, tốn chữ, tốn nhạc” của các nhạc sĩ, thi sĩ, nhà văn như Hà Nội. Có rất nhiều tác phẩm văn học viết về thành phố ngàn năm tuổi này đã đi vào lòng người yêu sách, vậy nhưng mỗi tác phẩm đều phác hoạ cho chúng ta thấy “những” Hà Nội rất khác nhau. Duy chỉ có một điểm chung nhất ta có thể thấy qua những trang sách này, dù là tản văn, dù là bút ký, hay là những trang tiểu thuyết, truyện ngắn lấy bối cảnh là Hà Nội, đó là tất cả đều chan chứa một tình yêu rất đỗi chân thành và sâu đậm của người viết đối với cảnh và người nơi đây.

Hà Nội rong ruổi quẩn quanh – yêu Hà Nội của những địa danh lịch sử (tác giả: Băng Sơn)

Một người đàn ông sống ở phố cổ Hà Nội, ông nói “ Sáng nào tôi cũng đi dạo quanh Hồ Gươm, gần 50 năm nay tôi vẫn thấy nó đẹp hơn bất cứ cái hồ nào”. Cứ đến Thủ đô ắt hẳn phải tới thăm Hồ Gươm, Văn Miếu, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch… Cứ hỏi người Thủ đô ắt hẳn họ sẽ bảo họ yêu những địa danh này vô cùng. Để hiểu tại sao họ yêu những nơi này đến thế, có lẽ để Băng Sơn – người đã “gần một đời thâm nhập vào Hà Nội”, người tự nhận “mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi” trả lời là thuyết phục nhất.

“Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”, gần 200 trang sách kể cả hình ảnh trong đó quả chẳng phải là dài, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để nhà văn Băng Sơn cho người đọc một tour du lịch văn hoá Thủ đô đầy chân thực. Những trang viết của “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” không đơn giản nói về những địa danh, mà tác giả đã quá khéo léo khi thuyết phục người ta yêu những “mảnh hồn” ấy bằng những câu chuyện lịch sử, bằng những thói quen của con người nơi đây gắn với nó.

Hà Nội rong ruổi quẩn quanh

Rong ruổi, quẩn quanh ở Hà Nội, không chỉ riêng tác giả mà đối với tất cả những người đã gắn bó máu thịt, tâm hồn với thành phố văn vật này, những sự vật, sự việc ở nơi đây đều mang cái hồn rất riêng. Hoa phượng, cây bàng, hoa sưa… chẳng phải thứ đặc sản gì của riêng Thủ đô, vậy nhưng những sự vật ấy qua đôi mắt, qua tấm lòng và trải nghiệm của người Hà Nội, nó lại được gắn một cái mác chẳng nơi nào có.

Những thứ vốn được coi là “phiền toái” đối với cuộc sống đô thành, hản dụ như chuyện “ùn tắc giao thông” cũng được tác giả đề cập đến, song nó lại được nhìn nhận không chỉ bằng vài lời phê phán mà là bằng cả thứ tình rất riêng của tác giả – một người đã sống lâu năm ở thành phố này.

Tác giả Băng Sơn đã thay mặt những người sống ở thành phố ngàn năm văn hiến này giới thiệu một “Hà Nội vừa tha thiết u trầm chất phương Đông, vừa náo nức đua chen xô bồ hối hả một chất phương Tây” qua tác phẩm văn học của ông. Chúng ta sẽ được đi từ thích thú này, đến bất ngờ kia, đến bình yên nọ qua Hà Nội mà Băng Sơn gửi gắm trong 33 tạp văn của “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”.

Đi xuyên Hà Nội – những góc khuất của Thủ đô qua ngòi bút Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đích thực là một cây bút của Thủ đô, ông đã có nhiều bút ký về thành phố này như 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi Ngang Hà Nội, và hôm nay chúng ta sẽ nói về “Đi xuyên Hà Nội”.

Giống như khi yêu một người, nếu như chỉ yêu những cái đẹp đẽ, hào nhoáng bên ngoài thì ắt sẽ chẳng phải tình yêu đích thực. Yêu chỉ thực sự là yêu khi ta chấp nhận những quá khứ không thực sự lấy lừng của họ, ta thương cảm những vết sẹo nghiệt ngã mà họ đã phải trải qua. Đấy chính là tình yêu mà chúng ta tìm được qua “Đi xuyên Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến, qua lời văn đậm đầy chất tiểu thuyết và giọng văn thong thả, chậm rãi có gì đó rất lãnh đạm của ông.

Hà Nội xưa

“Đi xuyên Hà Nội” viết về một không gian Hà Nội cũ, nơi có những người Hà Nội cũ và cái cách họ vượt qua “những khúc quanh thời cuộc”, cái cách họ tạo nên những nét văn hoá trong mỗi thời kỳ lịch sử. Giống như nhiều tác phẩm của ông, những trang viết của tác phẩm trở đầy tri thức vậy nhưng lại lôi cuốn người đọc lạ kì, bởi tác giả gửi gắm tri thức ấy qua cái tình rất chân thật với đất và người nơi đây.

Nhà báo Phạm Gia Hiền đã từng nói đến vẻ đẹp phương Tây của những hoa văn trên ban công chạy dài yêu kiều, của những ô cửa sổ, màu tường vàng và mái ngói phủ rêu xanh như minh chứng cho một thời huy hoàng của những căn biệt thự kiến trúc Pháp trong bài báo “Hà Nội nhìn từ tầng hai”. Nếu một lần ngắm nhìn khu phố cổ thật kỹ càng, chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều ngôi biệt thự cổ kính đang đội lốt các cửa tiệm sáng choang đèn điện hiện đại. Những nét kiến trúc ấy tới từ đâu, hãy để “Đi xuyên Hà Nội” kể rõ hơn cho bạn đọc.

“Đi xuyên Hà Nội” phân tích cho ta hiểu nhiều về văn hoá, thói quen, nếp sống, sở thích của “người Tràng An”. Nhưng tản văn này không quên sự thẳng thắn, tác giả không ngại khẳng định những giá trị đẹp đã từng tồn tại nhưng đang dần mai một, ví dụ như nét “thanh lịch” (Có hay không thanh lịch? – Đi xuyên Hà Nội).

Bên cạnh đó, những khúc quanh, những bước chuyển mình lịch sử của Thủ đô qua lời tản văn của Nguyễn Ngọc Tiến cũng giúp cho người đọc thấu hiểu hơn những nỗi đau mà bom đạn chiến tranh để lại nơi đây. Tính chuyển động trong tác phẩm nổi lên qua những chương viết Đinh Hợi – Tết ra đi; Quý Sửu – Tết trở về… Qua đó người đọc thấy được cả dòng chảy đời sống nhiều sóng gió mà người Hà Nội đã từng trải qua.

Yếu tố con người chính là nguồn sống cho mọi mảnh đất, là yếu tố trung tâm cho mọi bối cảnh, và con người Hà Nội với những nét riêng về tâm tính, lối sống là mảnh ghép không thể thiếu cho sự thành công của “Đi xuyên Hà Nội”, “Người Hà Nội gốc Thăng Long”, “Gái hàng Khoai, trai Hàng Lược”, “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương”; “Kẻ Chợ và chợ”… qua những chương sách này chắc chắn sẽ làm bạn đọc thực sự thích thú.

Ta sẽ tìm được nhiều hơn những gì ta tưởng khi đọc “Đi xuyên Hà Nội”. Có thể bạn sẽ thấy thêm thương cho những gì nơi đây đã trải qua, có thể bạn sẽ thấy tiêng tiếc cho những gì nơi đây đã từ có, nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể không thêm yêu một Hà Nội bảng lảng và trần trụi qua ngòi bút Nguyễn Ngọc Tiến

Con giai phố cổ (Tác giả: Nguyễn Việt Hà)

Chắc chắn nếu đã từng quan sát tìm hiểu lối sống của người dân khu phố cổ, bạn sẽ không khỏi băn khoăn về cái vẻ chậm rãi thảnh thơi đến khó hiểu của họ, và đặc biệt khi nhìn cảnh những người đàn ông ở đây nhàn nhã ăn bát phở và nhâm nhi ly cà phê sáng như thể cuộc sống của họ chỉ để tận hưởng. Không có nhiều những tác phẩm viết về Hà Nội mà dành trọn vẹn để viết về “người” như Con giai phố cổ. Hay ho nhất ở chỗ, chân dung con người Hà Nội được phác hoạ rất chi tiết, “phân loại” rất cẩn thận qua lối văn phong trần, hóm hỉnh của Nguyễn Việt Hà.

Tại sao “Con giai phố cổ” lại đáng để thêm vào kệ sách? Trong thời buổi mà truyền thông “nghiện” nói về sự biến mất của cốt cách Hà Nội, chúng ta sẽ tìm được thứ “hiếm” ở cuốn sách này. Tác giả đã khơi gợi những cái nét tài hoa nghệ sĩ còn lưu lại trong từng ngóc ngách tâm hồn những con người nơi đây, chứng minh cho người ta thấy chưa bao giờ tư chất người Hà Nội mất đi, rõ nhất chính là ở cái cách họ “thong thả ăn, tinh tế mặc và chầm chậm sống”.

sách về Hà Nội

Tác giả Nguyễn Việt Hà được biết đến là một cây bút sung sức đối với thể loại tạp văn này, nhưng cái khiến người ta thích thú với những trang viết của anh chính là bởi chất nghệ sĩ phóng khoáng trong lối hành văn. Hà Nội trong tạp văn của anh là một Hà Nội đến từ “những gã đàn ông” sống ở khu phố cổ gần quanh Bờ Hồ, họ là con nhà buôn bán nhưng tâm hồn luôn “lãng đãng phong lưu” pha chút “giang hồ”, song lại lãng tử kiêu bạc “không một thứ giai vùng nào sánh nổi”. Có thể nói, chính những gã trai ấy đã chuyên chở, nuôi dưỡng những thói quen từ bao đời của người Thủ đô.

Qua cuốn tản văn này, người ta biết những chàng trai Hà Nội si tình đào hoa thế nào, ăn sáng ra làm sao… Tác giả đưa ta đi gặp gỡ nhiều gã trai hay ho sống ở khắp ngóc ngách những con phố nhỏ nơi đây, kẻ thì hoài cổ, kẻ lại lao động nghệ thuật, có cả những kẻ bị cắm sừng… và những kẻ thật đáng thương.

“Con giai phố cổ” là một cuốn tản văn xứng đáng cho những phút thư giãn nghỉ ngơi. Gần 300 trang viết chỉ toàn những mẩu tạp văn về mọi thứ đôi khi là thiếu ăn nhập, nhưng cách Nguyễn Việt Hà “nêm nếm” đủ thứ gia vị Tây Âu hiện đại, chất xưa của những tích văn cổ hay thậm chí là những triết lý Thiên chúa giáo, tất cả khiến cho “Con giai phố cổ” trở thành một “món ngon hấp dẫn”.

Phố – câu chuyện cuộc đời của người Hà Nội giai đoạn đầu Đổi mới (Tác giả: Chu Lai)

Tạp văn cho ta thấy những lát cắt của xã hội, song tiểu thuyết lại cho ta cái nhìn sâu sắc hơn theo dòng chảy thời gian. Phố – một trong những tiểu thuyết thành công nhất của nhà văn Chu Lai viết về cuộc sống những người Hà Nội giai đoạn đầu Đổi mới (đầu những năm 1990) sẽ là một cuốn sách để lại cho người đọc nhiều xúc cảm.

Hà Nội

Câu chuyện được xây dựng trong bối cảnh cuộc sống của những người lính, cựu chiến binh trên con phố Lý Nam Đế (hay trước đây người Hà Nội gọi là Phố nhà binh bởi nơi đây tập trung nhiều cơ quan, đoàn thể của quân đội) trong thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là câu chuyện xoay quanh gia đình hai vợ chồng Nam, Thảo và cô con gái bé nhỏ Niên Thảo. Nam là một quan công binh có trình độ chiến đấu ở chiến trường nhưng lại vừa lành vừa cần cù chăm chỉ.Thảo – vợ của Nam là con của vị tướng cấp trên, cô đẹp dịu dàng và cổ điển “đúng chất Hà Nội xưa”. Họ đã có một cuộc tình đậm chất lính nơi chiến trường và tưởng chừng đã kết thúc quá viên mãn với một đám cưới, một gia đình đầy ắp yêu thương và một cô con gái ngoan ngoãn xinh xắn như thiên thần. Nhưng miếng ăn, cái mặc vẫn là nỗi ám ảnh đối với những gia đình trẻ lúc bấy giờ. “Đổi mới” chưa đem lại những điều “mới” cho cuộc sống của những người dân Thủ đô và rồi Thảo chọn “xuất khẩu lao động” là lối thoát cho những bữa cơm không no, những giấc ngủ không đủ ấm của cả nhà. Nhưng xa mặt cách lòng, những biến cố lớn xảy ra trong cuộc sống hôn nhân tường chừng đã quá viên mãn của Nam và Thảo. Những điều mới mẻ, hiện đại nơi xứ người đã kéo Thảo ra khỏi thứ tình yêu chân thành nhưng thiếu tinh tế của chồng.

Những nhân vật xuất hiện trong Phố thực sự là những nhân vật điển hình cho con người Hà Nội những năm tháng ấy, những năm tháng mà người ngừoi nhà nhà oằn mình theo những khúc quanh của thời đại. Có những người thì bảo thủ trước sự biến chuyển từng ngày của dòng chảy cuộc sống, có những người thì thả trôi theo sự quanh co của dòng đời… Cái kết buồn của Phố nhắc cho người ta thấy rằng cuộc sống người dân nơi đây đã có những giai đoạn đầy thử thách như vậy, họ dễ dàng rơi vào cảnh mất thăng bằng giữa tiền và tình, giữa mới và cũ.

Phố của Chu Lai thực sự đã tái hiện thành công bối cảnh Hà Nội những năm tháng đầu đổi mới, đã khai thác kĩ càng tâm lý của người Hà Nội lúc bấy giờ. Chúng ta thấy ở đây thấp thoáng những câu chuyện ba mẹ vẫn hay kể – “thời ba mẹ còn trẻ chẳng sướng như tụi bay bây giờ đâu”…

Nếu bạn chưa từng đến hay mới đến Hà Nội với tư cách là một vị khách du lịch, những cuốn sách này có thể sẽ là cái cớ để bạn tìm về và trải nhiệm nơi đấy dưới một góc nhìn sâu sắc hơn. Nếu bạn là một người đã và đang sống ở Hà Nội, có lẽ khó có thể tránh khỏi những lúc hờn trách cái guồng quay hối hả của thành phố đông đúc lắm người nhiều chuyện này, vậy hãy để những cuốn sách này nói bạn nghe, dạy bạn yêu những điều thật giản dị nơi đây. Còn nếu bạn là một người Hà Nội xa quê, thêm vài cuốn sách này vào hành trang có lẽ cũng là quá đủ để bạn mang theo đến nơi đất khách quê người cả một vùng ký ức, tâm hồn.

Xem thêm

Chất Pháp cổ điển nơi Thủ đô Hà Nội

Bàn về chuyện phố đi bộ cuối tuần tại thủ đô Hà Nội

Dạo quanh 20 quán cafe đẹp và độc đáo tại thủ đô Hà Nội

Nhóm thực hiện

Nguyễn Bích Thủy (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)