Tôi chẳng bắt đầu từ điều gì to tát

Trẻ em và thanh niên chính là hình ảnh của tương lai, và không may thay, rất nhiều chủ nhân tương lai đó lại không được sinh ra trong một hoàn cảnh thuận lợi. Những người phụ nữ trò chuyện cùng ELLE trong số báo này đã góp phần giúp nhiều thanh thiếu niên có được bước khởi đầu thuận lợi, để các em tự tin bước vào cuộc sống và góp phần xây dựng xã hội.

Người ta hay hình dung đi làm việc thiện là mang niềm vui đến cho người khác. Tuy nhiên, với chị Phạm Thanh Tâm, giúp đỡ các thanh niên trẻ đơn giản chỉ là việc giúp chị tìm niềm hạnh phúc cho bản thân.

Gắn bó với công việc đào tạo cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn từ khi đây mới chỉ là một dự án của tổ chức Plan cho đến khi dự án tách ra thành một tổ chức hoạt động độc lập mang tên REACH vào năm 2008, chị Phạm Thị Thanh Tâm đã có mười năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển. Xuất thân là sinh viên trường Đại học Ngoại thương, sau đó lấy bằng cử nhân cao học về kinh tế phát triển tại Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) theo chương trình của Viện Nghiên cứu Xã hội Hà Lan, Thanh Tâm đã từng có kinh nghiệm làm việc cho một số doanh nghiệp, nhưng chị đã chọn gắn bó với môi trường phát triển vì tấm lòng dành cho cộng đồng.

Điều hành một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề, hướng nghiệp cho những thanh niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng đến nay, REACH đã tiếp cận được khoảng 10.500 thanh niên đến từ nhiều vùng miền trên đất nước, giúp đào tạo nghề và đem đến cho họ cuộc sống mới.

Chị Thanh Tâm, giám đốc tổ chức REACH đã dành thời gian chia sẻ với ELLE về kế hoạch của chị cũng như những khó khăn còn tồn tại trong hoạt động của các tổ chức NGO tại Việt Nam.

 

Chị Phạm Thị Thanh Tâm
Chị Phạm Thị Thanh Tâm

Mười năm quả là một chặng đường dài đáng khâm phục, điều gì đã mang lại cho chị động lực?

Tôi không phải là một người quá tham vọng về những điều to tát. Tất cả bắt đầu từ những câu chuyện rất giản dị. Trong quá trình làm việc, tôi đã chứng kiến những thay đổi trong cuộc sống của các em học viên. Tôi vui khi thấy nụ cười nở trên môi các em, hay khi các em thông báo mình đã tìm được việc làm, hay được tăng lương, được thăng cấp. Động lực, niềm vui của tôi đến từ những những điều giản dị đó.

Tại sao chị lại chọn lĩnh vực việc làm mà không mở rộng ra các hoạt động vì cộng đồng khác? Lý do nào khiến chị tập trung vào công việc này?

Phát triển nghề nghiệp cho thanh niên là một trong những mục tiêu chiến lược của quốc gia. Công việc này đồng thời cũng giúp đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đối với lao động có kỹ năng. Hiện nay ở Việt Nam đang có tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Đây là một vấn đề của xã hội rất cần được giải quyết, và chúng tôi muốn đóng góp cho xã hội bằng việc đào tạo nhân lực nghề có chất lượng.

Vì những học viên của REACH là những người có hoàn cảnh khó khăn, nên những nhu cầu của các bạn không chỉ giới hạn trong việc học nghề, mà có bạn còn có nhu cầu về tư vấn tâm lý, tư vấn sức khỏe. Chúng tôi chỉ tập trung vào việc đào tạo, nhưng vẫn bắt tay với các tổ chức khác để đảm bảo các bạn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Chị gặp những khó khăn gì trong quá trình điều hành một tổ chức phi lợi nhuận như REACH?

Hiện nay nhà nước chưa có khung pháp lý cụ thể đối với hoạt động của các Local NGOs, nên chúng tôi còn gặp một số khó khăn trong quá trình vận hành. Sớm muộn gì thì luật về các tổ chức NGO sẽ được ban hành, nhưng hiện giờ tất cả vẫn mới chỉ là dự thảo nên chúng tôi không thể chủ động được.

Tài chính cũng là một thách thức rất lớn hiện nay của REACH. Dù đã tách ra khỏi Plan nhưng chúng tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ của tổ chức này và đang cố gắng độc lập dần về tài chính. Đây là một yêu cầu cấp thiết để tồn tại trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình và các tổ chức nước ngoài đang cắt giảm dần các nguồn tài trợ cho Việt Nam. Đây là thách thức không nhỏ không chỉ với REACH mà còn với các NGO khác. Chúng tôi phải có chiến lược mới để phát triển.

Vậy chị có giải pháp nào cho vấn đề này?

Để đạt được sự tự chủ về tài chính, chúng tôi phải chuyển đổi mô hình của REACH từ một tổ chức NGO hoàn toàn phi lợi nhuận hoạt động phụ thuộc vào các nguồn tài trợ sang một doanh nghiệp xã hội.

Theo chiến lược mới của REACH, tháng 8 này chúng tôi sẽ cho ra mắt chương trình đào tạo có thu phí cho những người có nhu cầu được đào tạo và có khả năng chi trả. Với lợi nhuận từ nhóm học viên này, chúng tôi hy vọng có thể tận dụng để hỗ trợ các đối tượng không có khả năng chi trả như chúng tôi vẫn làm trước nay. Chúng tôi cũng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ hưởng ứng chương trình của mình, vì họ cũng có nhu cầu đào tạo cho cán bộ của họ và có thể chi trả để nhân viên tham gia chương trình của chúng tôi. Đó là các chương trình đào tạo lễ tân – buồng phòng – khách sạn, bán hàng và tiếp thị, nghiệp vụ bàn bar, kỹ năng mềm, tiếng Anh trong dịch vụ hay vi tính văn phòng.

Quá trình này chắc chắn sẽ mất thời gian, có lẽ phải một, hai năm nữa chúng tôi mới hòa vốn rồi tạo ra được lợi nhuận. Thương trường là chiến trường, mà chúng tôi thì vẫn còn thiếu kinh nghiệm do xuất phát từ một tổ chức phi lợi nhuận. Hơn nữa, dù chuyển sang mô hình doanh nghiệp xã hội nhưng chúng tôi vẫn phải giữ được sứ mệnh vốn có của mình là hỗ trợ các bạn thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chị đã làm việc với nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, chị có suy nghĩ gì về tầm quan trọng của việc tạo cơ hội cho phụ nữ?

Người ta vẫn hay nói về việc trao quyền cho phụ nữ, tức là nâng cao quyền năng của phụ nữ trong xã hội. Nhưng theo tôi, bản thân mỗi phụ nữ đã có quyền năng của riêng mình rồi. Cái chúng ta cần làm là thúc đẩy, giúp họ phát huy được điều đó thôi. Với phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt như người sống chung với AIDS, người bị bạo hành, hay nạn nhân mua bán người, thì sự kỳ thị của xã hội còn tồn tại và cần có thời gian cho sự thay đổi. Muốn vậy, chúng ta rất cần đến sự hỗ trợ của truyền thông, truyền thông từ chính phủ, từ các tổ chức dân sự xã hội như REACH, từ đó thay đổi dần dần nhận thức của người dân.

Chị có thể chia sẻ những nguyện vọng và mơ ước trong tương lai? Giờ thì chúng tôi muốn mở rộng các hoạt động chương trình tới các nhóm thanh niên đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt mà trước đây mình chưa thể tiếp cận… Ngoài ra, tôi cũng muốn đa dạng hóa các chương trình dự án, ví dụ như tổ chức chương trình đào tạo cho đồng bào dân tộc miền núi để giúp họ thoát nghèo và đồng thời giúp cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch cho các vùng đó. Một mong muốn nữa của tôi là mô hình doanh nghiệp xã hội sắp tới sẽ thực sự phát triển, làm sao để vừa hỗ trợ được thanh niên và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Muốn vậy chúng tôi phải tạo dựng danh tiếng như một công ty đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có uy tín. Cảm ơn chị rất nhiều và chúc REACH ngày càng thành công hơn nữa.

Xem thêm Phỏng vấn chị Tâm Đan, người mang lại niềm hy vọng cho các nữ sinh

Xem thêm Phỏng vấn chị Lara Vũ (UNICEF Việt Nam): Giúp đỡ sẽ đến, khi bạn hỏi

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thi - Ảnh: Tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)