Stella McCartney bất ngờ chấm dứt hợp tác với tập đoàn thời trang Kering
Thương hiệu Stella McCartney đang thảo luận về việc kết thúc mối liên hệ hợp tác sau 17 năm với tập đoàn Kering đang khiến làng mốt xôn xao.
Sau 17 năm gắn bó, mới đây tập đoàn thời trang xa xỉ Kering dự kiến sẽ bán lại 50% cổ phần của thương hiệu Stella McCartney cho NTK người Anh. NTK McCartney đã cùng với Kering gây dựng và phát triển nhãn hiệu thời trang Stella McCartney từ năm 2001 với số cổ phần chia đều cho hai bên.
Nhà thiết kế người Anh Stella McCartney. (Ảnh: Shutter Stock)
Theo nguồn tin, bộ phận nhân sự của Stella McCartney đang chuẩn bị một quyển booklet, trong đó ghi rõ các chi tiết về cuộc phân tách cũng như những câu trả lời thoả đáng cho mối quan tâm về vấn đề nhân công. Tuy nhiên, hai bên đều khẳng định chưa hề có quyết định cụ thể nào.
“Như đã phát biểu thì giữa các đối tác luôn có sự thảo luận về tương lai của việc hợp tác, bất cứ sự thay đổi nào về mối quan hệ hiện tại cũng sẽ được thông báo trước dư luận vào một thời điểm thích hợp. Thêm vào đó, bất kỳ thông tin xoay quanh vấn đề này đều được xem xét, cân nhắc cẩn trọng”, theo tuyên bố chung từ Kering và Stella McCartney.
Bộ sưu tập Stella McCartney Thu-Đông 2018.
Cũng theo đó, các thương hiệu của tập đoàn Kering sẽ không được quyền tuyển nhân viên của Stella McCartney trong quá trình chuyển đổi. Công ty tư vấn chiến lược Javelin (một đơn vị nhỏ của công ty tư vấn toàn cầu Accenture) đang làm việc với Stella McCartney nhằm tổ chức và sắp xếp lại bộ máy nhân sự sau quá trình chuyển dịch, đồng thời vạch định kế hoạch cho hoạt động độc lập của thương hiệu Stella McCartney.
Kering và Stella McCartney thừa nhận rằng đã có nhiều cuộc thảo luận chia rẽ trong 17 năm hợp tác, tuy nhiên nguyên nhân đích đáng cho việc chia cắt hiện vẫn chưa được làm rõ. Vụ việc dường như xảy ra vào thời điểm khi Kering quyết định cắt giảm danh mục đầu tư và tập trung toàn lực vào các tên tuổi lừng lẫy như Gucci, Saint Laurent hay Balenciaga.
Gucci chính là đối tác lớn trên thị trường của tập đoàn thời trang Kering. (Ảnh: Ignasi Monreal/Gucci)
Vào đầu tháng Giêng, tập đoàn đã thông báo sẽ rút lui khỏi thương hiệu thể thao Puma của Đức nhằm nâng tầm công ty mẹ lên thành một “tay chơi” sang trọng và đẳng cấp. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2017, doanh thu hợp nhất của Kering là 15,5 tỷ euro (tương đương 15,2 tỷ đô la Mỹ), tăng 27,6 % trên cơ sở báo cáo. Doanh số bán hàng trong phân khúc cao cấp, ngoại trừ Puma, Cobra và thương hiệu giày trượt băng Volcom, tăng 27,5% trên dữ liệu thống kê.
Thương hiệu Stella McCartney lần đầu tiên ra mắt như là một doanh nghiệp liên doanh với tập đoàn Gucci (một chi nhánh của Kering) vào năm 2001. Lúc đó, tập đoàn Gucci được điều hành bởi Giám đốc Domenico De Sole và Tom Ford. Alexander McQueen gia nhập tập đoàn vào năm 2000.
Bộ sưu tập Resort 2018 của thương hiệu Stella McCartney.
Trong hai thập kỉ tiếp theo, McCartney và Kering đã xây dựng một thương hiệu có vị trí danh dự trên toàn cầu, không chỉ nhờ các mẫu trang phục thể thao phong phú mà còn bởi sự cam kết không sử dụng chất liệu động vật của nhà thiết kế. Quần áo và phụ kiện bằng lông thú nhân tạo của McCartney đã góp phần nâng cao danh tiếng trong mắt người tiêu dùng, trở thành “tấm gương” cho các thương hiệu thời trang khác học hỏi.
Bộ ảnh trong chiến dịch quảng bá của thương hiệu Stella McCartney hợp tác với Disney nhằm truyền tải thông điệp về động vật.
Kering không tiết lộ doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ song vào năm 2015, các nguồn thông tin trên thị trường ước tính rằng doanh thu toàn cầu hàng năm của Stella McCartney dao động ở khoảng từ 150 triệu đến 200 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, giá bán lẻ hàng năm của Stella McCartney tăng lên nhờ vào mối quan hệ hợp tác với Procter & Gamble về sản phẩm làm đẹp (bao gồm kinh doanh nước hoa), Adidas với trang phục thể thao và mặt hàng đồ lót với Bendon.
Bộ sưu tập của NTK McCartney với Adidas, lần đầu tiên được tung ra vào năm 2004, đã trở thành một thương hiệu riêng và có ảnh hưởng tích cực với nhiều tín đồ thời trang.
Chắc hẳn cách thức thúc đẩy doanh thu trực tiếp sẽ được triển khai sau quá trình phân chia của thương hiệu Stella McCartney. Vào tháng 5 năm 2017, công ty tuyên bố sẽ mở thêm 4 địa điểm mới, bao gồm cửa hàng thứ hai toạ lạc tại Paris, một ở Florence, một ở Costa Mesa, California, và một địa điểm thứ hai tại thành phố New York.
Hình ảnh cửa hàng thứ hai tại số 231 đường Rue Saint Honoré, thành phố Paris.
Một năm trước đó, doanh nghiệp cũng đảm nhận việc kiểm soát các hoạt động của cửa hàng thứ ba tại Hồng Kông, trước đây do một đối tác địa phương quản lý. Danh mục cửa hàng bán lẻ của thương hiệu Stella McCartney hiện nay bao gồm 52 địa điểm, với một cửa hàng khác trên đường Bond Street của thành phố London.
Xem thêm:
Sắc màu bùng nổ trong BST của Prada Thu-Đông 2018.
Moschino “nhân bản” đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy trên sàn diễn Milan Fashion Week 2018.
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/Lược dịch: Business of Fashion/Ảnh: Sưu tầm)
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/Lược dịch: Business of Fashion/Ảnh: Stella McCartney)