Buổi chiều Chủ Nhật, tôi nhận được một tin nhắn dài từ chị họ tôi.
Hôm nay Pôn hỏi chị “Dì Ly sao rồi mẹ?” . Chị nói “Sao con hỏi vậy?”. Nó hỏi tiếp “Dì đi Mỹ rồi hả mẹ?” Chị sửng sốt “Hả, ai nói với con như vậy?” “Vì lâu rồi dì không gọi điện cho con”.
Pôn là con trai của chị họ tôi. Năm nay cậu 6 tuổi. Tôi khăng khít với anh chị em họ từ thuở nhỏ, nên hiển nhiên sau này cũng rất gắn bó với các cháu họ của mình. Sau này tôi đi làm xa quê, hàng tuần vẫn đều đặn gọi điện về nói chuyện với chúng.
Tụi cháu là những đứa con nít đầu tiên tôi gần gũi đến thế trong đời này kể từ lúc trưởng thành. Có lúc tôi nghĩ tôi yêu chúng hơn tất thảy. Chỉ cần một đứa đến giơ bàn tay bé xíu khều khều đầu gối tôi, miệng ngọng nghịu gọi “Dì, dì” là trái tim tôi đủ tan chảy như một mẩu kẹo sô-cô-la để quên ngoài nắng. Tôi say sưa ngồi nghe những câu chuyện nhỏ của chúng rồi háo hức kể lại với mọi người; tôi chảy nước mắt khi có đứa đập đầu vào cạnh bàn, và tìm đến quầy đồ chơi trẻ em trước nhất mỗi lần có dịp đi công tác xa.
Hồi xưa tôi vẫn nghĩ, bọn con nít rất có khả năng làm người ta tan nát cõi lòng. Nội chuyện tụi nó lớn lên thôi cũng khiến mình tan nát rồi. Ví dụ như Pôn chẳng hạn. Hồi nó còn đi lẫm chẫm, chỉ cần thấy tôi về đến cửa nhà là nó đã lao ra ôm chặt, miệng la rối rít. Rồi một lần nọ, khi tôi về, Pôn đang ngồi chơi game trên máy tính. Nó chỉ ngoảnh mặt ra nói “con chào dì”, rồi lại tiếp tục chơi. Tôi nghĩ đó là một trong những lần mình cảm thấy buồn đến thế, buồn đến tái người, khi nhận ra một chàng trai nhỏ đã từng yêu mình biết bao, thế rồi không yêu mình nữa. Lúc đó, tôi mới bàng hoàng nghĩ đến, không biết mai này mình sẽ cảm thấy thế nào khi đứa con gái mình nâng niu bỗng một ngày kia khổ sở điên cuồng vì một thằng ranh nào đó.
Phải, con nít ấy mà, nội chuyện chúng nó lớn lên thôi cũng đã khiến mình tan nát rồi.
Thế mà, hóa ra tôi cũng đã làm chàng trai nhỏ ấy tan nát, một kiểu gì đó. Đến nỗi nó nghĩ tôi đã “đi Mỹ” – vì nó chưa biết có nơi nào xa xôi cách trở hơn nước Mỹ. Tôi không gọi về trò chuyện với Pôn từ lâu lắm rồi. Trường lớp, bạn bè, học võ, học đàn, học vẽ… Tôi tưởng nó đã dần quên tôi. Nên tôi đã tập cách quên nó, quên đi những câu chuyện nhỏ mà hai dì cháu vẫn thường chia sẻ mỗi tuần. “Dì ơi, hôm nay lớp con ăn liên hoan. Cô phát kẹo hoành tráng luôn” “Dì ơi, hôm nay em Ta cắn con. Xong con đánh lại em. Xong mẹ phạt”
Nhiều khi để tránh một thứ tổn thương chưa kịp tới, mình tập quên đi, mình phai nhạt, mình rời xa. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta quên mình. Họ chỉ cố tìm một cách lý giải ổn thỏa cho sự biến mất của mình mà thôi. Rồi họ có thể yên lòng với lý lẽ đó, hoặc không. Nhưng kiểu gì thì từ đó, mình và họ cũng đã xa nhau rồi.
Mà lạ lùng sao, tôi có được bài học này từ một chàng trai 6 tuổi.
- *Tựa bài là lời bài hát Đừng Xa Nhau của Ns Phạm Duy
Nhóm thực hiện
Blog Thư Uyên Ảnh tư liệu