Cách đây 67 năm (17/2/1947 – 17/2/2014), Trung đoàn Thủ đô sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch tại Hà Nội để Trung ương Đảng và Bác Hồ lên Việt Bắc đã được lệnh rút quân bảo toàn lực lượng. Đường rút quân bắt đầu từ ngõ Phất Lộc (phố Hàng Bạc) qua gầm cầu Long Biên, ven đê sông Hồng tới tận vùng an toàn được lặng lẽ thực hiện ngay trong vòng vây quân thù… Con đường huyền thoại ngày đó của những người con Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chính là mạch nguồn chiến thắng để 7 năm sau – ngày 10/10/1954, họ lại trở về Thủ đô trong khúc ca khải hoàn…
Và tôi còn nhớ, lần đầu tiên khi tôi được nghe ca khúc Nhớ về Hà Nội được cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác vào năm 1984 nhân dịp 30 năm Giải phóng Thủ đô do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện qua chiếc ti vi đen trắng của Liên Xô sản xuất, đứa bé 7 tuổi là tôi lúc bấy giờ chợt thổ lộ với bà nội rằng nó vô cùng tự hào về Hà Nội. Và 30 năm sau, bài hát ấy vẫn mang cảm xúc nguyên vẹn của niềm tự hào, của hào khí kiên cường cùng những hình ảnh rất đỗi thân thương về một Hà Nội của 60 năm trước kể từ ngày được giải phóng (10/10/1954 – 10/10/2014).
Hà Nội cứ mỗi dịp tháng 10 về lại sống động với hình ảnh hào hùng của đoàn quân rầm rập, hiên ngang tiến về các cửa ngõ Thủ đô trong niềm vui, niềm tự hào của biết bao nhiêu người.
Hãy cùng chúng tôi hồi tưởng lại quá khứ oai hùng ấy qua những hình ảnh về một Hà Nội xưa, và ngắm nhìn những góc phố ấy ngày nay để thấy một Hà Nội lớn mạnh hơn sau 60 năm kể từ ngày vui lịch sử ấy – Ngày Giải phóng Thủ đô.
Trung đoàn Thủ đô từ Ô Cầu Giấy tiến vào Cổng thành Cửa Nam.
Cổng thành một thời tấp nập khi xưa, ngày nay vẫn là cái góc phố giữ nguyên sự đông đúc nhộn nhịp của đất phố phường. Cửa Nam giờ đã trở thành tên của một con phố, nhưng mấy ai biết xung quanh ngã 5 Cửa Nam nổi tiếng là những con phố gắn liền với lịch sử như Đình Ngang (nơi dừng lại để soát xét giấy tờ, thẻ bài trước khi vào Hoàng Thành), Cấm Chỉ (dừng nơi khu cấm) và một góc vườn hoa thời Pháp thuộc có dựng tượng “Bà đầm xòe” góc phố Bông Nhuộm… Tất cả vẫn nguyên thế, nguyên vị đến tận ngày nay.
Đoàn xe chở bộ binh tiến qua phố Hàng Ngang, Hàng Đào trong sự hò reo, cổ vũ, tự hào của nhân dân Thủ đô ngày giải phóng. Phố Hàng Ngang xưa thuộc phường Diên Hưng, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương thành Thăng Long. Thế kỷ 18 đoạn đầu phố giáp phố Hàng Đào gọi là phố Hàng Lam, phố bán đồ tơ lụa màu xanh lam; đến thế kỷ 19 có tên là phố Việt Đông, phố những người Hoa Kiều Quảng Đông. Khu phố Hoa Kiều buôn bán sầm uất, giàu có, hai đầu phố làm hai cánh cổng để buổi tối đóng lại, đó có thể là một nguồn gốc của tên gọi Hàng Ngang.
Hiện nay phố Hàng Ngang nối với Hàng Đào là khu buôn bán sầm uất đặc trưng của Hà Nội, là phố một chiều và là phố đi bộ buổi tối các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật.
Hiện nay phố Hàng Ngang nối với Hàng Đào là khu buôn bán sầm uất đặc trưng của Hà Nội, là phố một chiều và là phố đi bộ buổi tối các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật.
Quân Giải phóng tiến vào Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Bờ Hồ giữa tiếng hoan hô của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô. Đông Kinh Nghĩa Thục là tên một phong trào nhằm thực hiện cải cách xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 trong thời Pháp thuộc. Mục đích của phong trào là: khai trí cho dân, mở những lớp dạy học không lấy tiền và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng. Tên của phong trào sau đó được đặt cho Quảng trường Ngã 5 Hàng Đào để đánh dấu cho ngày bắt đầu khai giảng tại nhà số 10, phố Hàng Đào (Hà Nội).
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay vẫn nguyên địa hình, là đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ. Nơi này luôn đông đúc người, xe cộ, đặc biệt là vào những phiên chợ đêm cuối tuần. Ở vị trí vòi phun nước ở giữa trung tâm quảng trường vào những ngày lễ được dựng lên những sân khấu di động để biểu diễn xiếc, ca nhạc phục vụ cộng đồng.
Cầu Long Biên – cây cầu thép đầu tiên nối hai bờ sông Hồng ngày nay vẫn hiên ngang, sừng sững đứng giữa trời Thủ đô. Thời bình, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Do giao thông ngày một tăng trong thập kỷ 90, Việt Nam xây dựng thêm cầu Chương Dương để đáp ứng nhu cầu đi lại và để phát triển kinh tế, xã hội đô thị ở hai bờ sông Hồng Hà Nội. Cuối năm 2005 xe máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương.
Đúng 16h, ngày 9/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, còn bên kia làn đường cầu quân ta tiến vào kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.
Ngày nay, Hỏa Lò chỉ còn lại một góc nhỏ làm nơi tham quan cho du khách vẫn còn lưu giữ đầy đủ các góc tra tấn, giam giữ tù binh; khu vực còn lại là cao ốc thương mại với tên Hanoi Tower – Tháp Hà Nội. Khu trại giam hiện chuyển xuống khu vực Xuân Phương, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội
Quân đội ta tiếp quản nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù này được thực dân Pháp xây năm 1896 ở khu vực lúc đó là ngoại vi thành phố làm ngục thất Trung ương của cả hai xứ Trung và Bắc Kỳ. Nơi đây giam giữ nhiều tù phạm chính trị, những người ái quốc chống lại chính quyền thực dân Pháp. Sau năm 1954 Hỏa Lò là nhà tù của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời kỳ trận Điện Biên Phủ trên không của Chiến tranh Việt Nam, đây là nơi giam giữ phi công Mỹ nhảy dù cho đến sau Hiệp định Paris 1973. Các tù binh phi công Mỹ biếm gọi ngục Hỏa Lò là “Hilton Hanoi”. Trong các tù binh Mỹ, nổi tiếng nhất là đương kim nghị sĩ Mỹ John McCain đã từng bị giam giữ nơi đây.
Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản ga Hàng Cỏ. Buổi chiều đã có ngay chuyến tàu đầu tiên mang cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ chạy xuống Văn Điển đón bộ đội, cán bộ, nhân dân vào nội thành. Chính quyền Cách mạng tiếp quản đến đâu, tàu hỏa hoạt động ngay đến đó. Hàng ngày có hai chuyến tàu Hà Nội – Văn Điển và ngược lại, một chuyến Hà Nội – Xuân Đào và ngược lại.
Ga Hà Nội – trước đây có tên là ga Hàng Cỏ do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Hơn một thế kỷ qua, ga Hà Nội luôn là một đầu mối giao thông vận tải quan trọng của nước Việt Nam ta nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng.
15 giờ ngày 10/10/1954: Còi Nhà hát Lớn thành phố nổi lên một hồi dài báo hiệu cho nhân dân giờ phút lịch sử đã đến. Khung cảnh trước Nhà hát Lớn thành phố trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Hà Nội.
Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một “ngôi đền” dành cho nghệ thuật cổ điển. Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch. Tại đây, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật.
Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một “ngôi đền” dành cho nghệ thuật cổ điển. Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch. Tại đây, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật.
Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Đến ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, một lần nữa lá quốc kỳ lại tung bay trên đỉnh kỳ đài lịch sử. Cả Hà Nội đã dồn về kỳ đài này ngày 10/10/1954 để chứng kiến giây phút lịch sử: Lễ thượng cờ Tổ quốc trên Cột cờ Hà Nội. Đây đã trở thành nơi diễn ra lễ chào cờ lịch sử của quân dân Thủ đô trong ngày vui trọng đại cách đây 60 năm. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày giải phóng.
Ngày nay, Cột cờ Hà Nội vẫn đứng hiên ngang và là một công trình lịch sử nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Cùng với bảo tàng Quân đội, kỳ đài hơn 200 năm tuổi được xây dựng vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn ngày nay đã trở thành một điểm tham quan di tích lịch sử không thể thiếu với du khách đến Thủ đô.
Ngày nay, Cột cờ Hà Nội vẫn đứng hiên ngang và là một công trình lịch sử nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Cùng với bảo tàng Quân đội, kỳ đài hơn 200 năm tuổi được xây dựng vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn ngày nay đã trở thành một điểm tham quan di tích lịch sử không thể thiếu với du khách đến Thủ đô.
Chợ Đồng Xuân được chính quyền Pháp thuộc cho xây dựng năm 1890. Từ sau ngày quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất tại Thủ đô. Hình ảnh tàu điện leng keng, hình ảnh những bà những chị buôn thúng bán mẹt ngay trước cổng chợ là những nét đặc trưng chỉ có ở Hà Nội những ngày xưa cũ.
Ngày nay, chợ Đồng Xuân vẫn là nơi giao thương tấp nập của các thương gia đổ đến từ các quận, huyện trong Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Xưa kia chợ bán rất nhiều loại hàng, nhưng hiện tại chủ yếu bán đồ điện tử, đồ gia dụng, vải vóc, quần áo. Đã tròn 20 năm, sau đám cháy lịch sử năm 1994, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với quy mô lớn hơn gồm 3 tầng hiện đại, khang trang, rộng rãi nhưng vẫn giữ một phần kiến trúc của chợ cũ.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh - Ảnh: Chu Lân - TTXVN