Lifestyle / Trải nghiệm

Khi đàn ông vào bếp – blog Đăng Ninh

Như một di sản để lại, việc bếp núc ở ta là dành cho phụ nữ. Đám đàn ông không phải động tay vào cái việc của đám đàn bà con gái ấy, mất hình ảnh đi. Bây giờ phụ nữ thấm mệt, nên họ mới kêu gào đòi bình đẳng giới chăng?

dan-ong-vao-bep

Họ nói gì khi thấy đàn ông vào bếp?

Tôi là một người đàn ông hay vào bếp. Những lúc rảnh rỗi cũng như những lúc nhức đầu vì công việc căng thẳng, tôi thường chọn cách lăn xả vào bếp, ngụp lặn trong đủ thứ mùi thơm tho của thịt thà, cá mú để tìm sự thanh thản.

Những cô bạn gái thấy tôi như vậy cứ xuýt xoa bảo tôi là người đàn ông hiện đại, ảnh hưởng của Tây (dù tôi chưa một lần đi Tây), biết chia sẻ việc nhà với phụ nữ chả bù cho đám đàn ông thời nay, bla bla… Nói chung, phụ nữ thiếu cái gì thì thường thích suy diễn ra thứ ấy.

Thật thà mà nói, tôi chỉ thích ăn ngon thôi chứ chẳng vì những lý do sáo rỗng trên. Hơn nữa, chung quanh tôi chẳng có ai nấu ăn ngon cho tôi ăn hàng ngày cả. Thành ra, muốn ăn ngon thì phải tự làm.

Còn mấy cậu bạn thấy thế thì bảo, “ông không còn việc gì khác để làm à?”. Một câu nói đã nói lên tất cả quan điểm, suy nghĩ của những người đàn ông đối với việc bếp núc.

Bố tôi mỗi lần nhìn thấy tôi lúi húi trong bếp thường dành cho tôi ánh mắt ái ngại, có phần thương cảm. Thi thoảng ông còn nói nhỏ “Việc đấy để mẹ với chị con làm”. Những lúc ấy, tôi lại hơi cảm thấy ngượng nghịu. Chẳng hiểu mình đã làm gì sai.

Vào bếp như thế nào?

Quay trở lại vấn đề muôn thủa của các cô gái thành thị bây giờ hay ca thán: Đàn ông chỉ biết ăn nhậu và chơi Ipad, xem tivi chứ không bao giờ chịu xắn tay vào bếp phụ vợ/bạn gái nấu nướng.

Sai lầm của nhiều phụ nữ đó là tự vơ việc vào mình, tự mình làm hết các công đoạn. Thế thì còn cần đàn ông vào bếp làm gì nữa? Sai lầm thứ hai là toàn sai cánh đàn ông con trai làm những việc vặt như bóc hành, mở nắp chai nước mắm, giã củ tỏi…

Cùng với trí tuệ, sức vóc và độ lười cố hữu của mình, mấy công việc đó sẽ làm cho đàn ông có suy nghĩ nấu ăn là việc vớ vẩn, quá đơn giản để mình phải để mắt.

Trong khi, nếu giao cho họ nhiệm vụ gì đó quan trọng hơn như tẩm ướp, nêm nếm ảnh hưởng tới việc ngon, dở của một món ăn. Có thể câu chuyện sẽ khác. Đàn ông sẽ làm nó với một trách nhiệm cao hơn. Chẳng nhẽ kiếm tiền nuôi gia đình được, chém gió về công nghệ mới, am hiểu thời sự thế giới được mà nấu mãi một món ăn cũng không xong.

Đừng bao giờ mong đàn ông tự giác vào bếp nấu ăn hàng ngày khi họ coi đó là công việc làm giúp phụ nữ. Giúp nhau lần một, lần hai thôi chứ nhỉ? Cũng đừng thấy vui khi có đông bạn bè thì đàn ông mới trổ tài nấu một bữa thật hoành tráng. Cái mác đàn ông hiện đại cũng chỉ tồn tại được lúc ấy mà thôi.

Tôi gặp nhiều người đàn ông ở ngoài thì rất bệ vệ, rao giảng những kiến thức cao siêu, nhưng về nhà tệ như một đứa trẻ hư. Cô vợ mệt không rửa bát được, nhờ chồng làm giúp. Anh chồng nói một cách thản nhiên: “Em mệt thì nghỉ đi, mai khỏe thì rửa”. Rồi lại hì hụi chém gió trên facebook.

Suy cho cùng, bản chất của vấn đề bếp núc vẫn là chuyện thưởng thức một món ăn ngon. Là lồng vào công việc đó tình yêu thương và sự chia sẻ chứ không phải việc giúp ai làm cái gì, hay cố gắng làm để đạt được điều gì đó. Nấu ăn, chính là sự cảm nhận của sự yêu thương. Lúc này, câu chuyện của chúng ta lại rẽ sang một hướng khác.

Tôi rút ra một kết luận: Muốn đàn ông chịu khó vào bếp thì người phụ nữ hãy nâng tầm việc bếp núc trong gia đình lên thành công việc quan trọng và lôi cuốn tương đương với việc chơi Ipad và xem tivi!

Nhóm thực hiện

Blog Đăng Ninh

Ảnh tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)