Ở Hà Nội có một câu lạc bộ gồm lãnh đạo một số công ty, cả già và trẻ, tụ tập nhau hàng tuần để mời một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó đến nói chuyện, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về những thứ như đồng hồ, bút, thời trang, rượu vang, cocktail, xì-gà… Họ là người dư dả tiền bạc, và quan trọng hơn, họ không muốn mình bị coi là trọc phú trong các bữa tiệc hay trở thành “gà” khi bỏ ra cả đống tiền mua những món đồ xa xỉ nhưng không biết tại sao nó đắt gấp hàng trăm, hàng nghìn lần những thứ cùng loại.
Người Pháp rất sành điệu khi thưởng thức fromage. Người Na Uy tinh tế lúc chọn trứng cá muối, trong khi đa số người Việt thích ăn nước mắm và sáng ra là nghĩ đến phở.
Khả năng thẩm mỹ khi lựa chọn quần áo mỗi mùa thời trang của những người sinh ra trong chiến tranh, từng khốn khổ, chắc chắn không thể bằng những người mở mắt ra, đi xuống phố là thấy những khu thương mại tráng lệ. Để có khả năng thưởng thức một ly rượu vang, nếu chỉ sinh ra và lớn lên ở đất nước của rượu cuốc lủi, xị đế, bạn cần phải học và tập uống thứ rượu chát chát vị nho kia.
Trong những buổi gặp gỡ, chia sẻ của câu lạc bộ CEO này, họ được biết những phong cách thưởng thức từ đơn giản đến phức tạp như cách nâng một ly vang khác cách cầm một ly cognac, loại dao nào nên dùng khi ăn cá… Có lẽ cũng nhờ những câu lạc bộ như thế, quan trọng hơn, nhờ có những người thành đạt biết đâu là lỗ hổng văn hóa của mình và tìm cách bù lấp mà ngày càng nhiều người giàu có có thể đàng hoàng, lịch lãm bước vào các bữa tiệc, với tư cách một doanh nhân chứ không phải một trọc phú.
Tất nhiên, số những người chỉ nắm rõ số tiền trong tài khoản của mình mà chưa ý thức được những thiếu sót về phông nền văn hóa của bản thân vẫn đầy rẫy. Thế nên, có không ít những người thích hút xì gà khi chưa ăn sáng hay nhắm champagne với thịt chó…
Những người ấy rất dễ nhận ra vì trên người họ chất đầy đồ hiệu nhưng nhìn vào trông như một cái tiệm tạp hóa, đầy màu sắc, kiểu dáng, vui mắt và thơm lừng. Chỉ hy vọng họ đừng rao giảng những kiến thức kiểu như “uống cognac phải ăn kèm nho”, “sáng đeo thắt lưng chữ H nên chiều đổi thắt lưng LV”…
Quay lại với một thứ “rất Việt Nam” là phở. Tôi rất thích ăn phở nhưng tôi sẽ phát rồ và bát phở của tôi sẽ chỉ còn là một cực hình khi chẳng may phải ngồi ăn gần những thực khách nhai tóp tép hay húp phở sộp soạp rõ to. Lúc ấy tôi có cảm giác mình đang ngồi ăn một món thanh cao cạnh trại chăn nuôi.
Càng thấy khổ sở hơn nữa nếu ngồi gần có những người xịt quá nhiều nước hoa, dù đó là mùi của nước hoa hàng hiệu hay hàng nhái, nó đều giết chết phở. Thưởng thức một món gần gũi, ngày nay thành bình dân rồi chứ không còn sang như trước nữa, mà còn không phải ai cũng biết cách, nói gì đến những món đồ từ những nơi xa lắc xa lơ bay đến.
Xem thêm Các bài blog khác của Lê Tiến Đạt
Nhóm thực hiện
Bài Lê Tiến Đạt - Ảnh Oleksiy Maksymenko/Corbis