Artist Nguyễn Phương Linh – Bụi, dấu vết và biến mất

Đăng ngày:

Gặp gỡ nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phương Linh: 27 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Đã có nhiều triển lãm chung và riêng trong nước và quốc tế. Là cháu nội của nhà văn Kim Lân. Sinh trưởng trong một gia đình làm nghệ thuật với tên tuổi “khai phá” của thế hệ đi trước là cô, chú mình – họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Nguyễn Mạnh Đức. Những “dấu vết” từ truyền thống văn hóa, qua “bụi” hiện đại chính là dấu chỉ của một niềm hy vọng.

-000

Tôi hẹn gặp Nguyễn Phương Linh trước khi triển lãm diễn ra tại gallery Quỳnh ở khu Đề Thám Sài Gòn bụi bặm. Trước đây, khu Tây ba lô nổi tiếng này là khu phố của người lao động. Chúng tôi trò chuyện trong một quán nước vỉa hè giữa buổi chiều nóng bức. Trước mặt tôi là một cô gái nhỏ bé, lanh lợi, cá tính mạnh. Không hẹn mà gặp, không gian ở đây hoàn toàn phù hợp một cách ngẫu nhiên với chủ đề triển lãm “Bụi”. Nhưng dò từng đường nét kỹ càng để có thể hiểu thêm về bụi và tâm hồn sáng tạo của một nghệ sĩ thật không dễ.

Là một nghệ sĩ Hà Nội, tại sao Linh chọn Sài Gòn để làm những triển lãm cá nhân của mình? Có điều gì đó giữa cá tính và sự thực dụng đương đại?

“Bụi” là triển lãm cá nhân thứ hai của tôi. Cách đây mấy năm, tôi thực hiện triển lãm đầu tiên mang chủ đề “Muối” cũng tại gallery Quỳnh. Thật khó nói tại sao tôi gắn bó với gallery này. Tôi thích chủ nhân của nó và đặc biệt không gian đậm đặc không khí thợ thuyền lao động ở đây.

Có thể nói, Hà Nội là nơi tập trung nhiều nghệ sĩ địa phương với những bản sắc riêng, mỗi thành tố là một cá tính sáng tạo độc lập. Nhưng Sài Gòn theo tôi lại tập trung nhiều nghệ sĩ quốc tế với dòng chảy xiết đa dạng. Sự hợp và tan thoải mái của các trào lưu, văn hóa đương đại làm cho Sài Gòn như có vẻ chấp nhận được nhiều thể nghiệm. Tôi chọn Sài Gòn để ra mắt các triển lãm của mình còn bởi cung cách làm việc khoa học, hợp lý của các gallery.

“Bụi” có thể đã là một “phần tử” nhỏ nhất, nhưng hình như tôi thấy Linh đã chia được nhiều “ô văng” trong đó?

Vâng! Có thể chia thế này, chủ đề “Bụi” chỉ là tên gọi chung. Đan xen trong đó 3 chủ đề: Quang cảnh trắng, Cao – Xà – Lá và Bụi. Nói gọn, cả ba bắt đầu từ bụi mà hình thành và hình như đó cũng là cái duy nhất còn lại.

“Cao — Xà — Lá”, “Quang cảnh trắng”… những chủ đề rất hình tượng. Linh có thể nói rõ hơn được không?

Tất cả đều sinh ra từ những kỷ niệm của tuổi thơ tôi… “Cao – Xà – Lá” thực ra đó là một cách gọi ghép của 3 từ: Cao su, Xà phòng và Thuốc lá. Đây là 3 nhà máy sản xuất Cao su Sao vàng, Thuốc lá Vinataba và xà phòng Hoa Nhài nổi tiếng, nằm gần nhau trên đường Nguyễn Trãi – Hà Nội và cũng là khu phố nhà tôi ở ngày trước. Mỗi thứ có một mùi rất đặc trưng và khi hòa quyện với nhau đã trở thành một mùi lưu cữu khó quên của tuổi thơ.

Để thực hiện được triển lãm này tôi đã phải đưa từ Hà Nội vào ba khối vuông “đặc chủng” mùi kích cỡ 50 x 50, cụ thể: 140kg cao su, 110kg thuốc lá và 120kg xà phòng. Tất cả như còn “tươi sống” như vừa lấy ở nhà máy ra. Còn “Quang cảnh trắng” cũng chuyên chở từ Hà Nội vào 2 tấn bột đá để làm chất liệu. Nói chung, tôi muốn tái hiện một không gian đã mất, đã thuộc về quá khứ hòng làm thức tỉnh cảm giác người xem.

Điều đặc biệt của triển lãm này hình như còn ở chỗ Linh đã khai thác sử dụng trở lại một chất liệu cũ — công nghệ in Blueprint được phát hiện từ 1886?

Toàn bộ ảnh của “Bụi” tôi đều thực hiện bằng công nghệ Blueprint. Đây là một công nghệ in ấn cũ khá thông dụng trên thế giới trước kỷ nguyên photocopy xuất hiện. Tuy khá rắc rối, thậm chí còn được xem là độc hại vì thuốc in nhưng hiệu quả của nó là cho ra những tấm ảnh rất thực. Tôi chọn công nghệ này cũng là cách lần trở về những dấu vết. Sự biến mất và tồn tại của quá khứ.

Nhóm thực hiện

Bài: Nguyễn Hữu Hồng Minh – Ảnh: Trọng Đức – Ý tưởng: Dzũng Yoko

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more