Họa sĩ Ando Saeko – Sự Sáng tạo như một con nhện giăng tơ

Bốn người phụ nữ đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á đã chọn Việt Nam làm nơi ở lại để lập nghiệp. Họ có rất nhiều lý do riêng, nhưng lý do lớn nhất là sự "phải lòng" trước vẻ đẹp của đất nước này, từ tự nhiên đến văn hóa. Đồng thời, họ đã chọn gắn bó công việc của mình với chất liệu Việt. ELLE dành chuyên mục đặc biệt này cho họ, những người phụ nữ đã góp phần giới thiệu người Việt và văn hóa Việt đến với thế giới.

Cuối năm 2013, người Hà Nội, người du lịch đến Hà Nội đã được chiêm ngưỡng một triển lãm tranh sơn mài với chủ đề “Japan in Me – Nhật Bản Trong Tôi” được tổ chức bởi Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam nhân dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Nhật Bản. Điều đặc biệt của triển lãm chính là việc trưng bày các tác phẩm tranh sơn mài sử dụng chất liệu của Việt Nam để thể hiện tính cách, “cái hồn” của con người Nhật Bản dưới cọ vẽ của họa sĩ người Nhật Ando Saeko, người đã gắn bó với Việt Nam suốt 18 năm.

ELLE đã chọn chị như một nhân vật điển hình cho chủ đề đặc biệt của số này: Những người phụ nữ nước ngoài yêu và góp phần phát triển nghệ thuật, văn hóa Việt Nam. Mời bạn cùng chúng tôi trò chuyện với Saeko.

5

Cơ duyên nào đưa chị đến và quyết định gắn bó với Việt Nam?

Tôi đến Việt Nam như một người du lịch. Ấn tượng đầu tiên của tôi với Việt Nam không tốt lắm. Đầu những năm 1990, Việt Nam chưa cởi mở như bây giờ nên tôi thấy người Việt Nam rất khó gần. Mọi người sợ tiếp xúc với người nước ngoài. Trước khi sang Việt Nam, tôi làm tiếp viên hàng không của Japan Airlines và đã được đi nhiều nước nhưng chưa ghét nước nào như… Việt Nam. Thế nhưng, trong thời gian ở Hà Nội, tôi bị ốm. Cô chủ nhà khách đã chăm sóc tôi một cách chu đáo mà không chịu lấy tiền mua thuốc. Mặc dù cô ấy rất tận tình nhưng trên khuôn mặt cô ấy vẫn không có nụ cười… Khi đó, tôi ngạc nhiên và nghĩ rằng mình đã hoàn toàn hiểu nhầm người Việt. Thế là tôi quyết định ở lại đây để tìm hiểu thêm những gì tốt đẹp của đất nước này.

Vậy sau khi gắn bó với Việt Nam, cảm nhận của chị là?

Đất nước Việt Nam có diện tích khá nhỏ, có nhiều dân tộc và vùng khí hậu, địa lý, phong tục tập quán rất phong phú. Việt Nam là đất nước có biên giới với các nước xung quanh và quá trình lịch sử lâu đời. Khác với Nhật Bản, đất nước chúng tôi nằm trên một quần đảo nên chỉ có một biên giới giữa bên trong và bên ngoài. Vì vậy, Nhật Bản phát triển các lĩnh vực có chiều sâu, còn Việt Nam phát triển với chiều rộng. Để hiểu được Việt Nam, bạn cần tìm hiểu về lịch sử và những gì xung quanh đất nước này. Đó là điều tôi thấy rất thú vị.

Chị có quan niệm thế nào trong công việc?

Tôi không bó buộc mình trong một suy nghĩ nhất định. Thường khi bắt tay vào việc, tôi sẽ không nghĩ mình sẽ phải làm theo hướng này, hướng kia. Tôi để cho cảm hứng và bản năng cùng với sự tinh nghề của mình dẫn dắt tôi đi. Tôi muốn làm gì thì kh.ng bị hạn chế bởi suy nghĩ của mình. Khả năng của bạn đôi khi lớn hơn là bạn nghĩ, hãy tin tưởng bản thân, đừng quá suy nghĩ áp chúng sẽ phải như ý mình đặt ra từ đầu. Giống như con nhện, khi giăng tơ, không ai dạy chúng phải làm như vậy và chúng không suy nghĩ phải làm vậy, bản năng và sự thuần thục khiến chúng dệt nên hình dáng mạng rất đẹp và đều.

 

15
Các tác phẩm từ sơn mài của Ando Saeko.

Tại triển lãm, tôi thấy có nhiều bức liên quan đến động vật, phải chăng chị dành một tình yêu đặc biệt cho chúng hay chị muốn nhắn gửi gì qua những bức tranh đó?

Không như các nghệ sĩ khác thường đưa ra thông điệp trong mỗi bức tranh của mình, tôi thì khác. Tôi thích và mê gì thì tôi vẽ cái nấy để người xem cảm nhận được điều gì đó mà tôi không thể nói bằng lời. Nguồn cảm hứng của tôi luôn luôn đến từ những gì trong thiên nhiên. Mọi người thắc mắc tại sao một cô họa sĩ Nhật Bản mà lại không vẽ về hoa anh đào, về núi Phú Sĩ mà lại vẽ những chủ đề về thiên nhiên. Tuy nhiên nhìn tranh của tôi, bạn vẫn biết đó là một bức tranh của họa sĩ Nhật Bản bởi tranh thể hiện sự tỉ mẩn của người Nhật. Không nhất thiết phải vẽ cảnh quan Nhật Bản người ta mới biết được đó là tác phẩm của một họa sĩ người Nhật. Tôi có những bức tranh rất nhỏ và tôi chăm chút nó rất kỹ theo tính cách của người Nhật. Chúng tôi thường thích những đồ vật nhỏ xíu, có độ tinh xảo cao. Bức tranh có thể nhỏ nhưng đó là một thế giới rất lớn. Tùy người xem tranh, có người thích màu sắc, thích hình dáng, thích bố cục… các bức tranh của tôi. Tôi muốn người xem tranh dùng hết các giác quan chứ không phải dùng suy nghĩ khi xem tác phẩm của mình.

 

9
Động vật là hình ảnh xuất hiện nhiều trong tranh của chị.

Kỹ thuật sơn mài Việt Nam và Nhật Bản khác nhau ở những điểm nào?

Ở Nhật cũng có nhựa sơn thiên nhiên được gọi là Urushi. Urushi Nhật Bản có đặc trưng là rất bóng, rắn và bền. Nhà truyền thống của Nhật Bản chỉ có những cái cột, cửa kéo để chia không gian, không có bức tường để treo tranh nên họ có nghệ thuật trang trí trên đồ dùng như những tấm bình phong, bàn ghế, những chiếc hộp nhỏ xinh… Đồ sơn mài cũng phát triển trên hình thức trang trí đồ vật chứ không phải hội họa. Ở Việt Nam, kỹ thuật sơn mài mỹ nghệ cũng phát triển theo lối của Trung Quốc. Năm 1925, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được thành lập và nghệ thuật sơn mài đã được ra đời bởi sự hợp tác của giáo viên Pháp, các sinh viên Việt Nam và các nghệ nhân sơn mài của làng nghề.

Ở Nhật, sơn ta Việt Nam được coi là nhựa sơn không đẹp, vì sơn Việt Nam lâu khô trong môi trường Nhật. Và khi nghệ nhân sử dụng sơn Việt Nam, sơn mềm và không rắn để làm đồ dùng. Nhưng khi tìm hiểu, tôi nghĩ đó là sự hiểm nhầm. Do sơn ta Việt Nam không phù hợp cho nghệ nhân sử dụng trang trí đồ vật, nhưng được sử dụng để vẽ tranh sơn mài thì rất hợp lý. Kỹ thuật đặc trưng của tranh sơn mài Việt Nam là được tạo nên bởi nhiều lớp màu, chất phong phú để tạo ra hiệu quả phức tạp khi đem mài ra. Để làm việc đó thì sơn rắn như chất sơn của Nhật Bản không phù hợp.

Và có khi nào chị kết hợp kỹ thuật sơn mài của Việt Nam và Nhật Bản trong một tác phẩm của mình chưa?

Tôi sử dụng kỹ thuật sơn mài của Việt Nam và kỹ thuật riêng của mình. Ở Nhật Bản, ngành nghiên cứu khoa học sơn mài rất phát triển. Tôi giao lưu với các nhà nghiên cứu chất sơn và nghệ nhân, nghệ sĩ sơn mài Nhật Bản. Từ đó, tôi hiểu được kỹ hơn sơn ta Việt Nam qua những thông tin lấy được từ các nghệ nhân. Để vẽ tranh sơn mài đẹp, họa sĩ không chỉ phải có ý tưởng và cảm hứng thôi mà phải có cả kỹ thuật một cách khoa học để điều khiển chất sơn.

Tranh sơn mài của chị có bề mặt phẳng không như đa số tranh sơn mài Việt Nam, đó cũng là sự tinh tế của người Nhật mà chị mang vào trong tác phẩm của mình?

Đúng vậy. Kỹ thuật mài phẳng tôi đã học được ở Việt Nam. Ở Việt Nam cũng có một số ít họa sĩ áp dụng kỹ thuật mài phẳng. Tôi chọn mài phẳng mặt tranh vì tôi thích độ bóng mượt rất độc đáo của chất sơn ta Việt Nam. Mặt phẳng của bức tranh sẽ giúp bạn thể hiện độ bóng đó một cách cao nhất, hoàn hảo nhất.

 

8
Saeko chọn cách thể hiện sơn mài phẳng (khác với sơn mài lồi lõm truyền
thống của Việt Nam) vì chị muốn tôn vinh độ bóng của sơn mài Việt.

Chị học kỹ thuật sơn mài Việt Nam tại đâu và mất bao lâu để học được kỹ thuật đó?

Tôi học tại Việt Nam và mất thời gian khoảng 1 năm. Lúc đầu tôi học ở xưởng của họa sĩ hiện đại Trịnh Tuân, sau đó ở xưởng của nghệ nhân Doãn Chí Trung. Ở xưởng của anh Trung còn làm cốt, chế biến sơn… phục vụ cho tranh. Đó là điều họa sĩ không phải học, nhưng tôi đã học vì tôi muốn tự tay mình tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Kỹ thuật vẽ cũng phức tạp hơn vì tôi tự làm bức tranh của tôi từ đầu đến cuối nên mỗi năm tôi vẽ được rất ít tranh.

Ngoài tranh, chị có thử kỹ thuật sơn mài trên các đồ vật khác?

Người Nhật rất quý nhựa sơn, họ coi đó là máu của câysơn vì thế sơn thừa không thể bỏ đi. Khi lấy sơn dùng thì chỉ lấy vừa đủ thôi, nhưng thường không bao giờ chính xác được lượng sơn lấy ra. Khi thừa sơn, tôi thường làm thử trên đồ trang sức, các đồ vật nhỏ, các bức tranh nhỏ. Nhiều người khen và hỏi mua nhưng tôi không thể định giá được chúng. Đó chỉ là một phút phóng tác của tôi khi không muốn phung phí sơn mà thôi. Vì tôi cũng có thể thử một kỹ thuật mới từ sơn thừa mà không thấy tiếc.

Với biệt danh “họa sĩ Nhật thuần Việt” mà báo giới và mọi người yêu mến đặt cho chị, chị thấy mình “thuần Việt” ở điểm gì?

Có nhiều người nước ngoài đam mê văn hóa Việt Nam. Họ nghiên cứu một cách chuyên nghiệp và vốn từ tiếng Việt của họ phong phú hơn tôi. Nhưng, tôi không phải là một nhà nghiên cứu Việt Nam. Tôi chỉ là một người thấy mình rất thoải mái và phù hợp với đất nước này. Các bạn nước ngoài ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi xổm và vẽ tranh sơn mài như một người Việt Nam. Và người Việt Nam cũng ngạc nhiên khi biết tôi nghiện nước mắm. Tôi là một người sống cùng bạn bè Việt Nam chứ không phải là người nhìn họ từ xa.

Là một người nghệ sĩ, chị có định nghĩa về thế giới nghệ thuật hay câu nói yêu thích nào không?

Tôi không biết đó có phải câu nói không. Tôi ham mê nghiên cứu Thiền pháp, vì tôi thích sống như Mây và Nước. Bởi chúng không có hình dáng nhất định, chúng không bị bó gọn trong một môi trường nào vì như vậy thì bạn có thể tự do, tự tại là chính mình, sáng tạo và mang lại những giá trị thẩm mỹ, giá trị tốt đẹp cho đời.

Xin cảm ơn chị và chúc chị sẽ có thêm nhiều tác phẩm đẹp ngoài mong đợi!

 

Xem thêm các bài phỏng vấn khác trong cùng chuyên mục Nghệ nhân nước ngoài tại Việt Nam:

Họa sĩ Hélène Kling – Người vẽ chân dung Việt Nam

Rachael Carson – Cô gái Mỹ làm sống dậy Họa tiết truyền thống Việt Nam

Nhóm thực hiện

Bài Ngọc Anh - Ảnh nhân vật cung cấp, Japan Foundation
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)