Tác giả Nguyễn Trương Quý là một cái tên không còn xa lạ gì với những người yêu Hà Nội. Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao nhạc sĩ, các tuyển tập tản văn của anh luôn chan chứa cảm giác về đất Hà thành với đủ những buồn vui, sự lãng mạn, cảm giác buồn man mác và cả những điều chướng tai gai mắt. Và với vị thế đấy, Trương Quý không phải ngần ngại khi khẳng định trong lời tựa cuốn sách của mình Còn ai hát về Hà Nội: “Dù thời thế có thăng trầm, lòng người có đổi thay thì giá trị của những ca khúc hay viết riêng cho Hà Nội vẫn mãi là vật chứng cho một tình yêu đặc biệt”.
Những trang đầu của cuốn sách mang lại cho bạn cảm giác như tác giả sắp sửa đưa ra một khảo cứu dài hơn về lịch sử những người viết thơ ca về Hà Nội. Tuy nhiên, bạn sẽ sớm nhận ra đó không phải là mục đích chính của Nguyễn Trương Quý.
Anh như tự phổ nhạc vào cuốn sách của mình qua việc giới thiệu các nhạc sĩ đã tạo ra “văn hóa” âm nhạc đất kinh kỳ: Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Phú Quang… và nhiều cái tên khác. Trước mỗi tác giả, Nguyễn Trương Quý lại đưa ra một cảm nhận rất cá nhân, mô tả lại sự đồng điệu giữa anh, một con người Hà Nội với những người viết về Hà Nội.
Chính vì thế, cuốn sách của anh tràn đầy xúc cảm với những bình luận giản dị mà hóm hỉnh. Những bài viết ngắn vừa đủ cho chúng ta đọc nhanh khi ngồi chờ tới lúc lên máy bay, trong giờ nghỉ trưa hay trước khi đi ngủ, nhưng phần dư âm của chúng để lại trong ta lại đủ dài, đưa ta về lại với những giai đoạn đã qua của Hà Nội. Những bài hát không chỉ là những bài hát, đó là dấu ấn về đời sống tinh thần của con người ở một vùng đất đã đi qua nhiều biến động và đổi thay.
Đây là tuyển tập tản văn thứ tư viết riêng Hà Nội của Nguyễn Trương Quý. Tập sách đầu tay Tự nhiên như người Hà Nội được coi như một loại hồ sơ kiến trúc của thành phố này. Cuốn thứ hai, Ăn phở rất khó thấy ngon là chân dung về con người trong đô thị ấy, tập trung vào giới viên chức văn phòng với các thói hư tật xấu. Xe máy tiếu ngạo lại là một cuốn khảo sát và quan sát tính cách, thói quen của người Hà Nội thông qua cách sử dụng phương tiện giao thông này
Nhóm thực hiện
Bài: Huy Phương