Đầu tháng 9 vừa qua, một lần nữa tôi lại từ giã Việt Nam. Đồng hành với hành trình của tôi là những sản phẩm dưỡng da tôi rất tin cậy.
Mọi thứ đều có độ dưỡng ẩm rất cao so với thời tiết ở Sài Gòn. Ngày đầu tiên đến Úc, da tôi vẫn ổn. Ngày thứ hai, thứ ba trở đi, da và tóc tôi trở nên khô hơn. Và rồi dần dần, làn da và mái tóc vốn rất dầu của tôi khi ở Việt Nam bỗng trở nên khô khốc.
Khi Việt Nam đang bước vào mùa Thu thì nước Úc và phần còn lại của Nam bán cầu đang ở mùa Xuân. Mặc dù mang tiếng là mùa Xuân nhưng nhiệt độ của những ngày đầu tháng 9 ở Melbourne vẫn rất lạnh so với một người đến từ xứ sở nhiệt đới như tôi. Nhiệt độ trong ngày có thể lên xuống một cách rất đột ngột: có ngày sáng sớm thức dậy chỉ 10 độ C nhưng đến trưa có thể lên đến mười mấy độ. Cũng có ngày sáng ra nắng ấm nhưng chỉ qua một cơn mưa là nhiệt độ tụt xuống dữ dội, từ hai mươi mấy độ xuống còn vài độ. Ngoài ra, không khí của Melbourne rất khô, hoàn toàn đối lập với không khí chứa nhiều độ ẩm ở Sài thành. Chính vì lẽ đó mà những chai kem dưỡng da Hàn Quốc, Nhật Bản mà tôi trân trọng mang theo bỗng nhiên không đủ ẩm nữa.
Quá bức xúc với tình trạng da dẻ nhìn càng lúc càng sần sùi của mình, tôi cầu cứu BTV làm đẹp của ELLE Nicky Khánh Ngọc.
Tôi đã sử dụng lotion, serum, emulsion, mặt nạ ngủ và cả dầu dừa để dưỡng ẩm mà da tôi vẫn khô. Khánh Ngọc lắc đầu chào thua với tình trạng khó chữa của tôi. Sau một hồi tâm sự qua internet, tôi đã có một lời khuyên vô cùng giá trị: hãy sử dụng nước dẫn (activating serum) để giúp cho các sản phẩm còn lại được thẩm thấu sâu hơn vào da. Nhưng than ôi, mỹ phẩm châu Á gần như không có bán ở Úc và giá cả mỹ phẩm ở Úc thường mắc hơn ở các nước khác trong khu vực rất nhiều. Trong thời gian chờ kiện hàng được ship đến thì tôi phải làm sao đây?
Ông bà ta có nói, “Cái khó ló cái khôn” và trong trường hợp của tôi cũng có một phần lớn là do may mắn. Nơi tôi làm việc có một tiệm sách khá lớn và trong đó có cả một khu vực bán mỹ phẩm. Đa số các sản phẩm được bán ở bookstore đều được sản xuất ở Úc và 100% sản phẩm đều có nguồn gốc thiên nhiên. Với các sample có sẵn, tôi tha hồ dùng thử. Sau khi tôi thoa lên một lớp lotion thiên nhiên của Úc, làn da của tôi có một cảm giác cực kỳ sảng khoái như một vận động viên marathon được tiếp nước sau một đoạn đường xa.
Chiều hôm đó khi đi về, hầu bao của tôi đã được làm việc một cách rất tích cực để tôi có dịp thu gom “hàng” về.
Dần dà các tuần sau đó, “kho tàng” mỹ phẩm dưỡng da của tôi được thay da đổi thịt. Các sản phẩm được sản xuất ở xứ sở chuột túi đã xuất hiện nhiều hơn và có phần áp đảo các sản phẩm còn lại. Làn da của tôi đã có một sự cải thiện rõ rệt: các vết nứt, vết lở do da khô đã trở nên lành lặn, sự khô ráp trên da mặt cũng được khắc phục và đặt biệt là mái tóc khô như rơm ngày nào cũng trở nên sáng bóng một cách bất ngờ.
Và tôi cũng nhận thấy một điểm chung của các sản phẩm mới này: chúng là những sản phẩm không mùi! Lần đầu tiên trong đời, tôi sử dụng toàn bộ một hệ sản phẩm chăm sóc cơ thể từ đầu đến chân không có mùi hương gì cả. Lotion của tôi có mùi như nước lã, dầu gội đầu thì có mùi như nước máy còn sữa tắm thì có mùi của nước cất. Có lúc, tôi tự hỏi đây có phải là cách tôi tự tra tấn bản thân hay không? Vì sao mình phải tự đày đọa đến như thế?
Vậy mà hiện giờ tôi vẫn còn sử dụng các sản phẩm này. Tôi cảm thấy sự thiếu đi mùi hương của các sản phẩm dưỡng da và làm đẹp dường như là một sự giải phóng vô hình.
Mùi dầu tắm, mùi dầu gội đầu, mùi dầu xả, kem dưỡng da, kem chống nắng, lotion, nước hoa… Quá nhiều mùi! Chúng như đánh lộn với nhau trong mũi của tôi. Chưa đi ra khỏi nhà mà tôi đã cảm thấy mệt mỏi rồi. Nếu bạn ngồi kế một người đồng nghiệp cũng mang trên người… đủ thứ mùi như bạn thì sự mệt mỏi đó càng nhân lên gấp bội. Bởi vậy, các sản phẩm không mùi này không ít thì nhiều cũng giảm đi gánh nặng cho khứu giác, đặc biệt là cho những ai bị viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, mùi hương trong mỹ phẩm ít khi nào có nguồn gốc thiên nhiên. Thường thì chúng được tạo ra ở phòng thí nghiệm với các mô phỏng rất tinh tế để gần giống với mùi hương của cây cỏ và hoa. Tuy nhiên, không phải mùi hương nào cũng giống 100% với mùi tự nhiên. Mùi hương nhân tạo thường có cảm giác dễ ngửi hơn là mùi tự nhiên để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Ví dụ tiêu biểu là mùi oải hương nhân tạo, thực chất là mùi lavendin, hoàn toàn khác với mùi hương của hoa lavender tươi. Ngoài ra, mùi vani nhân tạo mà chúng ta thường ngửi ở các tiệm bánh luôn có vẻ ngọt ngào hơn là mùi hương thật sự của vani được nạo ra ngay sau khi tách vỏ.
Mùi nhân tạo dễ chế biến, giá thành rẻ và có độ ổn định cao so với tinh dầu thiên nhiên.
Tuy nhiên, để lưu hương thì chúng ta cần có các loại dung môi. Trong khi tinh dầu thiên nhiên xuất hiện ở dạng dầu thì các loại dung môi hữu cơ được sử dụng để giữ mùi thường phức tạp hơn nhiều. Chính vì thế mà danh sách thành phần của các lọ nước hoa thường rất dài. Các loại dung môi, thành phần phụ để bảo quản mùi hương không ít thì nhiều có gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Sự vắng mặt của mùi hương cũng đồng nghĩa với rất nhiều hóa chất trong sản phẩm làm đẹp đột nhiên phải biến mất. Các sản phẩm không mùi của tôi có list thành phần rất ngắn. Khi quanh đi quẩn lại chỉ có bao nhiêu đó hóa chất thì khả năng chúng phản ứng với nhau để chống lại tôi cũng giảm đi.
Chính vì lẽ đó mà những chị em phụ nữ bị suyễn và dị ứng da tiếp xúc thường được các bác sĩ khuyên sử dụng các sản phẩm không mùi để bảo vệ sức khỏe của mình.
Bây giờ, có lẽ câu hỏi rất lớn của bạn là liệu ở Việt Nam có các sản phẩm chăm sóc cơ thể và làm đẹp không mùi hay không? Bạn có thể tham khảo một số thương hiệu tiêu biểu như Clinique, Vichy, Hada Labo, Physiogel và Eucerin.
Xem thêm
Mỹ phẩm đa dụng: Xu hướng mới của năm
Nhóm thực hiện
Bài: Tường Dao Ảnh tư liệu