Nước hoa nữ Paris – Mùi của những hoài cổ ấm áp
[Tạp chí ELLE – 7/2016] Biết tôi đi nhiều, ngửi nhiều, nhiều người thắc mắc rằng nơi nào để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm nhất về nước hoa nữ? Không cần suy nghĩ nhiều: đó là Paris.
“Khen” Paris không có nghĩa các vùng đất khác tôi có dịp đi qua… không “thơm”. Tôi từng bị “ngộp thở” ở Hàn Quốc bởi mùi gia vị tỏi ớt túa ra ầm ầm ở khắp mọi con phố. Người Hàn Quốc ăn tỏi ớt rất khỏe. Tin tốt là tỏi ớt vô cùng có lợi cho sức khỏe, tiêu hóa và khả năng đề kháng. Tin buồn là không có mùi nước hoa nào có thể át loại mùi gia vị đậm đặc tiêu biểu này.
Tôi từng hít lấy hít để không khí ở Kyoto, ở những vùng núi xa xôi Nhật Bản để định vị xem nước Nhật thực sự có mùi gì. Thứ tôi nhận được là mùi của sự an toàn, trong lành và không gây phiền cho ai cả. Nhật Bản là vậy. Mọi thứ đều nền nã chuẩn mực và phải không làm phiền đến ai. Tôi dự định sau Paris, tôi sẽ tiếp tục với Nhật Bản, Hội An, London… Hy vọng bạn đọc sẽ thấy thích thú với ý tưởng này của tôi.
Paris của hỗn độn
Thành chân lý rồi, Pháp là một trong những cái nôi về mùi hương. Đến giờ, Pháp đi đầu trong lĩnh vực làm nước hoa. Mọi xu hướng mùi hương thường bắt đầu từ nơi này. Các nhà làm nước hoa danh tiếng dường như đều nói tiếng Pháp. Lãnh địa mùi hương của Pháp, không đâu khác, phải là Paris. Ở Paris, bạn có thể ngửi mọi mùi hương nước hoa từ xa xưa cổ điển đến những lọ nước hoa tân thời nhất.
Tôi vẫn còn nhớ, 8 năm trước, lần đầu tiên bước chân đến Paris tôi đã ngỡ ngàng thế nào. Một Paris hoa lệ như trong phim. Đẹp hoài cổ và kiều diễm song cũng lộn xộn xô bồ dòng người khắp các quốc tịch đổ về chen chúc định cư kiếm sống. Tôi lớ ngớ trong dòng người hỗn loạn đan xen đó, thấy mình bị xô đến mọi điểm “check-in” quen thuộc: nhà thờ Montmartre, đại lộ Champs-Élysées, khu vực mua sắm nhộn nhịp Galeries Lafayette. Hừng hực lớp lớp mùi của người châu Á da vàng, người da đen, người Thổ, người Trung Đông cũng không át được mùi hương của nước hoa Pháp. Nồng nàn, vương vấn, sành sỏi và quyến rũ. Các vùng đất tôi đi qua, có lẽ Paris là nơi “uống” mùi hương tốn nhất và phong cách nhất. Hình như người Pháp coi việc xịt nước hoa như mặc áo mặc quần vậy. Giả dụ có vội vã hay lơ đễnh quên mặc mùi hương, bạn sẽ thấy người Pháp chạy quýnh quáng vào một cửa hàng mỹ phẩm làm đẹp nào đó, Sephora chẳng hạn, xịt lấy xịt để một mùi hương ưng ý, sau đó đường hoàng bước ra phố.
Người Paris bước ra phố bao giờ cũng có vẻ gì đó lạnh lẽo và chải chuốt. Tôi lướt qua những người Paris, thấy sao xa cách và thơm nức nở. Mùi hương hợp người dùng, quyện chặt, lôi cuốn. Tôi ngửi mà thấy như bị thôi miên. Phong cảnh đẹp, người đẹp, mùi hương đẹp. Ba thứ đó hòa hợp, gieo vào tâm trí kẻ châu Á xa lạ ám ảnh về một Paris bề nổi hỗn độn nhưng thực tế thì không hẳn thế. Tôi vô thức đi theo chủ nhân mùi hương, vượt qua tầng tầng lớp lớp những khách du lịch, những người nhập cư, qua mọi điểm tham quan đông đúc nhộn nhịp rồi choàng tỉnh. Mùi hương bỗng tắt. Và tôi đứng trên một con phố nhỏ. Lát đá gập ghềnh. Yên ắng sạch sẽ. Trước mặt là một vườn hoa lá, chính giữa là bức tượng đồng điêu khắc chân dung một nhạc sĩ dòng nhạc cổ điển. Tôi bước chân chậm rãi, thấy vài đót thuốc rơi rớt dưới đất. Tôi ngửi thấy vị đất ẩm sực lên, trong trẻo. Rơi rớt lại chút mùi hương của người xa lạ dẫn dụ kia. Đó là mùi của Paris.
Paris của hoắc hương
Ấn tượng của tôi từ đó đến giờ về Paris vẫn luôn vậy. Paris không có mùi phấn bà già, cũng không ngọt kiểu kẹo bánh. Paris có mùi quần áo lẫn cùng cây lá. Yên ắng. Hoài cổ. Tôi hay gọi yêu là “bảo thủ”.
Nhiều lần về lại Paris, nhiều lần bị thôi miên dẫn dụ, tôi dần phát hiện ra một đặc điểm bất di bất dịch của người Pháp khi dùng nước hoa. Người Pháp bảo thủ, hoài cổ, và thích mùi của chiếc áo len để trong tủ gỗ lâu ngày. Thứ mùi đặc trưng lạ lẫm và thơm rất Pháp có tên là Hoắc Hương – Patchouli. Vậy nên, không ngạc nhiên khi các nhà nước hoa Pháp đều có ít nhất một sáng tạo chủ điểm hoắc hương để chiều những người Pháp nghiện thơm.
Nói về hoắc hương, đây là một loại lá cây thuốc, dễ tồn tại, có nguồn gốc từ châu Á, cụ thể là Indonesia. Cách đây 3 thế kỷ, Paris còn chưa biết hoắc hương. Trên những chuyến tàu vượt biển từ châu Á đến nước Pháp, người ta phát hiện trong những thùng hàng được bọc lớp lá cây lại, sực lên thứ hương thơm thật lạ lùng. Chưa từng có loại lá cây nào có mùi thơm đặc trưng vấn vít đến thế. Nó ngái nhẹ, hăng nhẹ, gằn vị đất ẩm, lại đăng đắng tựa sô cô la. Thứ lá cây ấy, mục đích ban đầu được dùng để… xua đuổi côn trùng, giờ trở thành mùi của Paris.
Chính vì nước Pháp yêu hoắc hương, nghiện hoắc hương, nên hầu hết mọi mùi hương có chủ điểm hoắc hương đặc sắc đều do người Pháp sáng tạo nên.
Nước hoa nữ Patchouli Imperial của Dior
Nếu “gả” hoắc hương cho một mùa trong năm, có lẽ mùa Thu thuộc về loại lá này. Hoắc hương không chỉ tạo cho người ta cảm giác ấm áp hoài cổ, mà dường như giúp con người ta trở nên tĩnh tâm sâu lắng. Patchouli Imperial của Dior là loại hoắc hương vàng rộm chiều Thu. Lá khô khẽ khàng, nắng nhẹ soi rọi hong khô, sực lên vị ấm áp cỏ cây. Hoắc hương lúc này không còn vị ẩm ướt mà ngọt đắng dịu, hòa cùng gỗ khô và bụi lá, gợi cảm giác như đang thanh thản đi dạo giữa một rừng lá khô yên ắng.
Nước hoa nữ Borneo 1834 của Serge Lutens
Như đã nói, hoắc hương cho ta gợi nhớ đến mùi của sôcôla đắng. Và Borneo 1834 của Serge Lutens là loại hoắc hương được đẩy mạnh vị mịn mượt ngọt ngào lôi cuốn của sô cô la. Serge Lutens rất thành công khi sáng tạo nên Borneo 1834 chủ điểm hoắc hương dành cho ai ham của ngọt, và chưa quen với vị ngái đất của loại lá đặc biệt này. Trong các mùi hoắc hương tôi từng thử, có lẽ Borneo 1834 là thứ hoắc hương ngon ứa nước dãi và nịnh mũi nhất.
Nước hoa nữ Coromandel của Chanel
Chanel sang trọng. Và hoắc hương của Chanel cũng sang trọng. Mùi hương dày, ấm. Chanel khéo léo giữ nguyên vị đắng dịu sô cô la, tinh tế lược bỏ bớt mùi đất ẩm, rồi ủ hoắc hương trong lớp gỗ khô, hoa trắng dịu dàng và gia vị ấm áp. Nếu hoắc hương thông thường đem lại cho người ta cảm giác của chiếc áo len mỏng giấu trong tủ gỗ, thì Coromandel của Chanel là chiếc áo khoác được hoàn thiện kỹ lưỡng, đẹp, và không bao giờ lỗi mốt.
Nước hoa nữ Mistral Patchouli của Atelier Cologne
Nếu các hoắc hương trên đều phảng phất nét cổ điển, Mistral Patchouli của Atelier Cologne hoàn toàn đối nghịch. Đây là loại hoắc hương sạch bong, trắng sáng. Mùi hương không còn ngái, cũng không đắng ngọt.
Atelier Cologne mạnh dạn xử lý hoắc hương theo lối hiện đại, phù hợp những người trẻ, những ai yêu mùa Hè, và kiếm tìm hoắc hương phù hợp những ngày nóng nực. Mùi hương trong veo, vương lại chút bụi khô tựa bột của diên vĩ. Hoắc hương lúc này chỉ phảng phất xanh non dìu dịu hòa cùng nhiều loại hoa nhẹ nhàng, gợi cảm giác như đang ở một vùng biển xanh cát trắng vậy.
Hoắc hương hoài cổ, lãng mạn, ưa một mình, thích ôm lấy những tự sự, và đậm chất Pháp.
Nước hoa nữ Patchouli của Reminiscence
Reminiscence có thể là một cái tên xa lạ với bạn, vì đây là nhà làm trang sức chỉ quen thuộc trong nước Pháp. Năm 1970, Reminiscence quyết định làm nước hoa. Patchouli ra đời, thành công rực rỡ, được cả nước Pháp yêu mến, và trường tồn đến tận hiện tại. Reminiscence khéo léo giữ nguyên mọi đặc tính cơ bản của lá hoắc hương: Ẩm, ấm, ngái, sôcôla đắng. Mùi hương phảng phất nét hoài cổ ấm áp yên bình, gợi cảm giác thanh thản một mình không cô đơn.
__
Xem thêm:
Những dấu mốc đáng nhớ của lịch sử nước hoa qua 25 năm
Tạp chí Phái đẹp ELLE