Tự làm mỹ phẩm không hề đơn giản như bạn nghĩ. Trước khi bắt đầu thử bất cứ công thức nào trên internet, bạn cần tự trang bị đầy đủ kiến thức về các loại nguyên liệu thiên nhiên, hóa chất, các phản ứng hóa học, dược liệu và kiến thức về sức khỏe, da liễu một cách nghiêm túc từ các nguồn chính thống như trường lớp, sách vở. Từ đó bạn có thể lường trước được những hiệu quả cũng như nguy cơ mà sản phẩm tự làm có thể mang đến cho cơ thể.
Ưu điểm
• Bạn hoàn toàn kiểm soát được thành phần sản phẩm, bao gồm xuất xứ, tỉ lệ, chất lượng…
• Làn da được bảo vệ khỏi hóa chất có nguy cơ gây kích ứng da.
• Mỹ phẩm được tạo ra có công thức “đo ni đóng giày” chuyên biệt cho làn da bạn (da nhờn, da khô, mụn, sạm nám, lão hóa…)
• Nỗi lo sản phẩm quen dùng bị các hãng sửa công thức hoặc ngưng sản xuất sẽ chấm dứt từ nay.
• Khi sử dụng lâu dài, mỹ phẩm tự làm giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn so với mỹ phẩm các hãng cao cấp.
Nhược điểm
• Quá trình tạo nên một thành phẩm hoàn hảo rất cam go. Bạn phải trải qua quá trình nghiên cứu – chế tạo – sai sót – thử nghiệm – rủi ro – thất bại lặp đi lặp lại nhiều lần trước khi cho ra đời một sản phẩm an toàn và hiệu quả.
• Khi mới nhập môn, bạn phải tốn khá nhiều tiền đầu tư nguyên liệu, thiết bị và dụng cụ. Các thành phần chiết xuất thiên nhiên hữu cơ chất lượng cao thường đắt tiền, trong đó nhiều loại có tính chất không ổn định, khó bảo quản và hạn sử dụng ngắn. Các loại tủ đông, máy móc hay cả những chai lọ thủy tinh cao cấp màu tối để bảo quản thành phẩm cũng không hề rẻ chút nào.
• Mỗi loại nguyên liệu cần những điều kiện bảo quản khác nhau. Đa số thành phẩm cần được cất trữ ở nơi sạch sẽ, khô thoáng, kín gió, nhiệt độ mát và ít ánh sáng. Bạn phải tốn khá nhiều không gian, phòng, kho cho việc chế tạo mỹ phẩm.
• Vì thành phần từ thiên nhiên không chứa các hoạt chất hóa học, hiệu quả của mỹ phẩm DIY (Do It Yourself) đến rất chậm, thường bạn phải chờ ít nhất vài tháng đến cả năm để thấy được sự thay đổi tích cực của làn da.
• Mỹ phẩm DIY có hạn sử dụng chỉ khoảng vài tháng, lại là môi trường rất dễ sản sinh vi khuẩn và hư hỏng, nhất là những công thức chứa nước, sữa và trái cây tươi. Các quý cô bận rộn hay dịch chuyển sẽ khó mang theo sử dụng.
Lưu ý khi tự làm mỹ phẩm
1. Giữ vệ sinh
Giảm thiểu tối đa nguy cơ sản phẩm bị nhiễm bẩn bằng cách chọn hộp đựng thật cẩn thận. Các loại chai đóng kín có vòi xịt tốt hơn là lọ, hũ miệng rộng. Nếu dùng chai lọ đã qua sử dụng, bạn cần chắc chắn chúng đã được tiệt trùng và khô hoàn toàn trước khi đưa sản phẩm vào. Không nên chạm trực tiếp vào mỹ phẩm bằng tay trần mà nên dùng que tăm bông hoặc muỗng.
2. Tránh ánh sáng
Ánh sáng trực tiếp, tia UV, ôxy, nhiệt độ, hơi ẩm và vi khuẩn từ tay bạn đều là nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ biến chất của sản phẩm. Giữ sản phẩm của bạn trong tủ kín hoặc phòng tối là tốt nhất.
3. Xem xét hạn sử dụng của sản phẩm
Nếu bạn dùng công thức có chứa thực phẩm tươi (ví dụ như mặt nạ trứng gà, kem ủ tóc trái bơ…) chỉ nên làm một mẻ đủ dùng trong 1-2 lần. Hầu hết mỹ phẩm DIY chứa thành phần thực phẩm tươi chỉ có thể giữ được trong tủ lạnh khoảng vài ngày đến một tuần. Mỹ phẩm DIY không chứa thực phẩm có thể giữ được lâu hơn tùy thuộc vào hạn sử dụng của từng thành phần trong đó, nhưng cũng không quá vài tháng, trừ khi bạn cất chúng trong tủ đông hoặc pha thêm chất bảo quản tự nhiên.
BÀI LIÊN QUAN
4. Chú ý màu sắc, hương, vị
Nếu bạn ngửi thấy nguyên liệu, sản phẩm có mùi hương khác lạ (tanh, nồng, gắt…) hoặc màu sắc, kết cấu lạ (ố vàng, chảy nước, đóng cặn…) dù rất nhẹ cũng nên bỏ ngay đừng tiếc rẻ. Một nguyên liệu không tươi có thể phá hỏng cả mẻ sản phẩm. Một sản phẩm đã biến chất có thể gây hại cho làn da và sức khỏe của bạn.
5. Giữ sản phẩm tránh xa nước
Vi khuẩn rất yêu môi trường ẩm ướt. Hãy sử dụng tay hoặc găng tay sạch, khô hoàn toàn khi bắt đầu chế tạo sản phẩm. Tất cả dụng cụ, thiết bị, chai lọ đều phải khô ráo. Với những sản phẩm có thành phần nước, bạn nên sử dụng nước cất và chế biến trong khu vực sạch sẽ, khô thoáng, độ ẩm tối thiểu.
Chất bảo quản tự nhiên
Một số sản phẩm làm đẹp trên thị trường chứa hóa chất bảo quản gây ra nhiều tác dụng phụ: kích ứng da, sinh mụn, thậm chí là nguy cơ ung thư (ví dụ như paraben). Nhưng nếu mỹ phẩm DIY không thêm chất bảo quản sẽ nhanh chóng hư hỏng trong vài tuần kể cả khi cất giữ trong tủ lạnh. Muốn sản phẩm có hạn sử dụng lâu hơn, bạn có thể thêm hai loại chất sau, có tác dụng như chất bảo quản tự nhiên, an toàn cho sức khỏe vào sản phẩm:
Chất chống ôxy hoá
– Chất chống ôxy hóa là những chất có khả năng làm chậm lại quá trình ôxy hóa, khiến các loại dầu tươi bị hư, ôi, biến đổi. Bạn có thể thêm trực tiếp chất này vào trong thành phẩm hoặc pha chúng vào ở giai đoạn chiết dầu. Chất này hoàn hảo cho các công thức có chứa dầu dễ biến tính như: dầu trái bơ, dầu hạnh nhân ngọt hay dầu hoa anh thảo. Các sản phẩm DIY có chứa dầu như son dưỡng môi, bơ dưỡng thể, tẩy tế bào chết… đều nên thêm chất này vào.
– Vitamin E giàu hoạt chất chống ôxy hóa gamma tocopherol chính là chất chống ôxy hóa tự nhiên cực kỳ hiệu quả. Dầu vitamin E T-50 chứa lượng lớn các chất trên hơn vitamin E thông thường.
– Chiết xuất dầu hương thảo cũng là một chất chống ôxy hóa tự nhiên có hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng liều lượng 0,15 – 0,5% trên toàn công thức.
Chất kháng khuẩn
– Chất kháng khuẩn giúp hủy diệt những vi khuẩn có hại và giúp kéo dài hạn sử dụng của thành phần nguyên liệu tươi. Một số chất kháng khuẩn tự nhiên thường được sử dụng cho các sản phẩm làm đẹp là dầu dừa và chiết xuất hạt bưởi.
– Dầu dừa chứa các chất béo kháng khuẩn, các acid kháng khuẩn (lauric acid, caprylic acid) từ đó có khả năng tiêu diệt nấm mốc, ngăn ngừa sản sinh và phát tán vi khuẩn. Vì vậy đây là nguyên liệu rất phổ biến để chế tạo mỹ phẩm.
– Chiết xuất hạt bưởi thường được dùng như chất bảo quản trong các sản phẩm dưỡng da với tỉ lệ 0, 5 – 1% trên toàn công thức.
—
Xem thêm:
3 cặp thành phần trong mỹ phẩm tuyệt đối không được dùng chung
Khám phá bí mật làm đẹp tự nhiên từ bộ đôi trà hoa lài và dâu tây
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Vân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE