Thời trang / Xu hướng thời trang

Chuyện về họa tiết

Họa tiết in không chỉ quyết định tính thẩm mỹ mà còn là một chiến lược nhận diện thương hiệu vô cùng hiện đại, hữu ích trong thế giới thời trang đương đại.

Quần áo, giày dép, trang trí nội và ngoại thất… là những “lãnh địa” để các NTK thỏa sức sáng tạo cùng họa tiết. Nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ in kỹ thuật số cùng với nỗ lực sáng tạo trong thiết kế, các hãng thời trang đang liên tục cải tiến những kiểu mẫu họa tiết truyền thống, biến chúng trở nên nổi bật và mỹ thuật hơn là chỉ tập trung vào mỗi chiếc logo thương hiệu đặc thù tính thương mại.

Cao cấp không khoa trương đang là một trào lưu mới. Sự sang trọng không thể hiện ở việc người ta có thể đọc vanh vách tên những chiếc logo trên áo quần, phụ kiện mà chính là tiêu chuẩn về chất lượng, gu thẩm mỹ tinh tế. Nó là sự đam mê mà người ta mong muốn chiếm hữu cho riêng mình chứ không phải để khoa trương với người khác. “Đó là cách mà chúng ta nói cho thế giới biết mình là ai mà không cần đặt chiếc logo bên cạnh” – Erin Beatty – nhà đồng thiết kế của thương hiệu Suno ở New York đã chia sẻ.

Ngoài việc làm mới các mẫu họa tiết kinh điển của Louis Vuitton, Gucci, Dior, có hai trào lưu họa tiết thực sự quan trọng và đặc sắc đang lên ngôi trong làng thời trang thế giới trong những năm gần đây.

 

Peter Pilotto, Dolce & Gabbana, Mary Katrantzou
Peter Pilotto, Dolce & Gabbana, Mary Katrantzou

 

Peter Pilotto, Dolce & Gabbana, Dries Van Noten
Peter Pilotto, Dolce & Gabbana, Dries Van Noten

In kỹ thuật số thăng hoa

Nhắc đến kỹ thuật in, người ta nghĩ ngay đến sàn diễn thời trang Luân Đôn, cái nôi sản sinh ra những tài năng thiết kế như Alexander McQueen, Hussein Chalayan, Antonio Berardi của những năm 1990 hay Mary Katrantzou, Peter Pilotto, Erdem Moralioglu của ngày nay. Kết hợp kỹ thuật in tiên tiến và cảm hứng màu sắc, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế của những tài năng đến từ Anh quốc làm rung động trái tim của giới mộ điệu thời trang quốc tế.

“Đẹp đến ngỡ ngàng, mê mẩn và sững sờ”, đó là cách các tạp chí thời trang hàng đầu mô tả những BST của Mary Katrantzou. Kể từ khi tốt nghiệp trường Central Saint Martins năm 2008 với tấm bằng xuất sắc, NTK gốc Hy Lạp đã chú tâm phát triển kỹ thuật in số trong thiết kế và được giới thời trang phong tặng mỹ từ “nhà ảo thuật in” nhờ vào tài phù phép những vật dụng đời thường như chai nước hoa, chiếc muỗng, ly trà… lên vải và biến chúng thành những cấu trúc nổi bật và táo bạo, góp phần định hình phom dáng của thiết kế.

Tham gia cùng Mary Katrantzou trong công cuộc cách mạng kỹ thuật in số là bộ đôi Peter Pilotto và Christopher De Vos. Sau khi tốt nghiệp năm 2009 ở Antwerp (Bỉ), cả hai dọn đến Luân Đôn để gầy dựng sự nghiệp và bắt tay cùng nhau làm nên thương hiệu Peter Pilotto năm 2007. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, họ dùng kỹ thuật in số để biến tướng hoa diên vĩ, hoa cẩm chướng, và nghệ thuật dệt hoa thành những tổng thể trừu tượng, được chạm khắc chính xác theo phom dáng của mẫu thiết kế. Kết quả? Những chiếc váy vừa có phom và đồ họa đều ôm theo dáng người mặc mang tính đặc trưng của thương hiệu trở thành “must-have” (món đồ không thể thiếu) của những nữ minh tinh Hollywood như Kate Bosworth, Carey Mulligan hay siêu mẫu Miranda Kerr.

Peter Pilotto không chỉ là thương hiệu duy nhất được yêu thích bởi những ngôi sao hạng A. Những thiết kế đặc thù nữ tính của Erdem Moralioglu cũng được săn lùng bởi giới hoàng gia, những vị phu nhân của các nguyên thủ quốc gia và những ngôi sao, minh tinh hàng đầu thế giới. Dù cũng theo đuổi kỹ thuật in như những đồng nghiệp người Anh, hoa văn in của thương hiệu Erdem mang tính độc đáo rất riêng và chỉ tập trung vào hoa. Ông sử dụng máy tính để biến dạng hình ảnh của một mẫu hoa, kết hợp cùng ma thuật tạo phom dáng, cộng với phương pháp thêu và cắt laser để tạo ren.

Sự bùng nổ của những hoa văn rực rỡ trên sàn diễn thời trang và đường phố là minh chứng cho ảnh hưởng của bộ ba này, với nhiều mẫu họa tiết ăn theo xuất hiện khắp các cửa hàng thời trang bán lẻ, in dấu ấn trên áo sơmi, thậm chí túi xách và giày dép.

 

1.Erdem - 2.Peter Pilotto - 3.Mary Katrantzou
1.Erdem – 2.Peter Pilotto – 3.Mary Katrantzou

 

Peter Pilotto, Mary Katrantzou, Mary Katrantzou
Peter Pilotto, Mary Katrantzou, Mary Katrantzou

Hoa văn hình học

Missoni, Emilio Pucci, Marni… là những thương hiệu gắn liền hình ảnh với những kiểu hoa văn hình học.

Những sản phẩm đồ đan (knitwear) của Missioni nổi tiếng nhờ vào các loại hoa văn điển hình như sọc (stripes), hình học (geometric), hoa trừu tượng và kính vạn hoa, trong đó nổi bật nhất là hoa văn zigzag. Loại hoa văn đặc trưng này của Missoni được các tín đồ thời trang mê đến mức khi thương hiệu này ra mắt BST đặc biệt có giới hạn dành cho nhãn hàng Target vào tháng 9 năm 2011, tất cả sản phẩm đều được bán sạch trong ngày đầu tiên.

Hoa văn xoáy đã gắn liền với thương hiệu Emilio Pucci từ mùa này sang mùa khác. Để tạo sự khác biệt, nhãn hàng chỉ tập trung sáng tạo và đổi mới trong phom dáng thiết kế.

Cũng đứng đầu trong hàng ngũ những nhãn thời trang trứ danh về hoa văn hình học là Marni. Thiết kế của thương hiệu này luôn gắn liền với việc kết hợp và pha trộn những hình thể hình học, đặc biệt là hình tròn – đóng vai trò như logo không chính thức của Marni.

Proenza Schouler, một thương hiệu mới nổi, rất trẻ trung và được ưa chuộng ở New York, chọn mô hình tam giác lặp đi lặp lại làm hoa văn đặc trưng. Sự bắt mắt của nó xuất hiện tràn lan ở những dòng quần áo, phụ kiện, giày dép… trong những BST gần đây giúp cho người tiêu dùng dễ dàng nhận biết Proenza Schouler mà không cần đến chiếc logo thuần túy. Pierry Hardy, NTK chuyên lấy cảm hứng từ kiến trúc và hình học, lại chọn kiểu hoa văn hình khối làm đại diện cho thương hiệu cùng tên.

 

Missoni
Missoni

 

1.Marni - 2.Marni - 3.Missoni - 4.Pierre Hardy - 5.Emilio Pucci
1.Marni – 2.Marni – 3.Missoni – 4.Pierre Hardy – 5.Emilio Pucci

Xem thêm 8 xu hướng thời trang Xuân Hè 2014

Xem thêm 5 cách diện quần họa tiết

Nhóm thực hiện

Bài: Hà Mi - Ảnh: Imaxtree, tư liệu
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)